Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lâm nghiệp

Số hiệu 156/2018/NĐ-CP
Ngày ban hành 16/11/2018
Ngày có hiệu lực 01/01/2019
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 156/2018/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2018

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT LÂM NGHIỆP

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, bao gồm:

1. Tiêu chí xác định rừng, phân loại rừng và Quy chế quản lý rừng.

2. Giao rừng, cho thuê rừng sản xuất, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng.

3. Phòng cháy và chữa cháy rừng.

4. Đối tượng, hình thức chi trả, mức chi trả dịch vụ môi trường rừng và điều chỉnh, miễn, giảm mức chi trả dịch vụ môi trường rừng; quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng.

5. Chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng.

6. Nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, sử dụng tài chính của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến các hoạt động lâm nghiệp tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Phát triển rùng là hoạt động trồng mới rừng, trồng lại rừng sau khai thác, bị thiệt hại do thiên tai hoặc do các nguyên nhân khác; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh phục hồi rừng, cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt và việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh khác để tăng diện tích, trữ lượng, chất lượng rừng.

2. Diện tích liền vùng là diện tích vùng đất có rừng tự nhiên, rừng trồng tập trung, liên tục, khoảng cách giữa các dải rừng không vượt quá 30 m và tổng diện tích các khoảng trống không quá 30% diện tích.

3. Rừng nguyên sinh là rừng tự nhiên chưa hoặc ít bị tác động bởi con người; chưa làm thay đổi cấu trúc của rừng.

4. Rừng thứ sinh là rừng tự nhiên đã bị tác động bởi con người tới mức làm cấu trúc rừng bị thay đổi, gồm: rừng thứ sinh phục hồi tự nhiên sau nương rẫy, cháy rừng hoặc các hoạt động làm mất rừng khác; rừng thứ sinh sau khai thác chọn cây gỗ và các loại lâm sản khác.

5. Khai thác chính là việc chặt hạ cây rừng để lấy gỗ nhằm mục đích kinh tế là chính, đồng thời bảo đảm phát triển, sử dụng rừng bền vững đã xác định trong phương án quản lý rừng bền vững theo quy định của pháp luật.

6. Khai thác tận dụng là việc tận dụng những cây gỗ trong quá trình thực hiện các biện pháp lâm sinh, nghiên cứu khoa học và giải phóng mặt bằng các dự án khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

7. Khai thác tận thu là việc thu gom những cây gỗ bị đổ gãy, bị chết do thiên tai; gỗ cháy, gỗ khô mục, cành, ngọn còn nằm trong rừng.

8. Môi trường rừng là một bộ phận của hệ sinh thái rừng, bao gồm: đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng và các yếu tố vật chất khác tạo nên cảnh quan rừng.

Chương II

[...]