Lời khai được hiểu như thế nào? Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi nào thì lời khai của người làm chứng không được xem là chứng cứ trong vụ án hình sự?
Nội dung chính
Lời khai được hiểu như thế nào? Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi nào thì lời khai của người làm chứng không được xem là chứng cứ trong vụ án hình sự?
Như chúng ta đã biết, theo quy định pháp luật hiện hành, lời khai, lời trình bày là một trong những nguồn chứng cứ được dùng làm căn cứ giải quyết các vụ án hình sự. Theo đó, đối với người làm chứng, họ trình bày những gì mà họ biết nguồn tin về tội phạm, về vụ án, nhân thân của người bị buộc tội, bị hại, quan hệ giữa họ với người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng khác và trả lời những câu hỏi đặt ra nhằm làm rõ các tình tiết còn uẩn khúc, chưa rõ ràng trong hồ sơ vụ án.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào lời khai của người làm chứng cũng có giá trị được xem là chứng cứ. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2 Điều 91 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) thì:
Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.
Trên thực tế, người làm chứng có thể trực tiếp chứng kiến vụ án, trực tiếp biết được những tình tiết có liên quan đến vụ án mà không thông qua một khâu trung gian nào hoặc họ có thể được nghe người khác kể lại. Thông qua việc xác định nguồn gốc của những lời khai này, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đề ra được biện pháp thu thập thêm chứng cứ, kiểm tra, đánh gia chứng cứ một cách hợp lý. Thông thường, lời khai của người làm chứng có tính trung thực, khách quan cao, có ý nghĩa lớn trong việc xác định sự thật của vụ án.
Tuy nhiên, nếu tất cả những tình tiết do người làm chứng trình bày đều được dùng làm chứng cứ mà không cần xem xét đến việc người làm chứng biết được những tình tiết đó bằng cách nào thì lời khai thu thập được không đảm bảo được đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ.
Lời khai của người làm chứng trong trường hợp này có thể sẽ không đảm bảo được tính xác thực của chứng cứ. Bởi lẽ, có những trường hợp người làm chứng khai báo thông tin không đúng sự thật: có thể trên thực tế có những tình tiết như người làm chứng khai báo nhưng đã bị bóp méo theo ý chí chủ quan của người làm chứng hoặc không hề có tình tiết đó nhưng người làm chứng đã cố tình xuyên tạc hay làm giả để vu khống hoặc có thể là bao che cho người đã thực hiện hành vi phạm tội. Trên thực tế, do tác động của nhiều yếu tố khác nhau như: khả năng tiếp nhận thông tin của người làm chứng, mối quan hệ giữa người làm chứng với người phạm tội hoặc người bị hại,… mà lời khai của họ có thể dẫn đến việc giải quyết vụ án thiếu tính chính xác, khách quan nếu họ không nói rõ được vì sao họ biết được những tình tiết đó.
Do đó, khi lấy lời khai của người làm chứng, việc xác minh lý do họ biết được tình tiết đó có thể được coi là một điều bắt buộc trong quá trình cơ quan tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ để làm sáng tỏ sự thật của vụ án.
Như vậy, đối với trường hợp người làm chứng trình bày về những điều họ biết liên quan đến vụ án nhưng bản thân họ không xác định và trình bày được rõ ràng nguồn gốc vì sao họ biết đến những tình tiết đó thì lời khai của họ không được xem là chứng cứ.
Trên đây là nội dung tư vấn về trường hợp lời khai của người làm chứng không được sử dụng làm chứng cứ giải quyết vụ án hình sự. Để hiểu chi tiết vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.