Khảo sát luồng đường thủy nội địa thế nào? Trách nhiệm khảo sát, lập bình đồ thuộc về ai? Kinh phí phục vụ ra sao?
Nội dung chính
Khảo sát luồng đường thủy nội địa thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 12 Nghị định 08/2021/NĐ-CP về khảo sát luồng đường thủy nội địa quy định như sau:
Khảo sát luồng đường thủy nội địa
1. Luồng đường thủy nội địa trong quá trình khai thác phải được khảo sát thường xuyên, khảo sát định kỳ và khảo sát đột xuất.
...
Như vậy, luồng đường thủy nội địa cần được khảo sát thường xuyên, định kỳ và đột xuất trong suốt quá trình khai thác.
Khảo sát luồng đường thủy nội địa thế nào? Trách nhiệm khảo sát, lập bình đồ thuộc về ai? Kinh phí phục vụ ra sao? (Hình từ Internet)
Trách nhiệm khảo sát, lập bình đồ luồng đường thủy nội địa thuộc về ai?
Căn cứ khoản 2 Điều 12 Nghị định 08/2021/NĐ-CP về khảo sát luồng đường thủy nội địa quy định như sau:
Khảo sát luồng đường thủy nội địa
...
2. Trách nhiệm khảo sát, lập bình đồ
a) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải và tổ chức, cá nhân có luồng chuyên dùng tổ chức khảo sát, lập bình đồ, số hóa bình đồ (nếu có), lập, duy trì và cung cấp cơ sở dữ liệu khảo sát, bình đồ để phục vụ quản lý, thông báo và khai thác luồng;
b) Tổ chức, cá nhân khảo sát luồng phải cung cấp kết quả khảo sát cho cơ quan quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định này để thông báo luồng và chịu trách nhiệm về số liệu, thông tin đã cung cấp.
...
Theo đó, trách nhiệm khảo sát, lập bình đồ đường thủy nội địa thuộc về:
- Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải và các tổ chức, cá nhân có luồng chuyên dùng phải tổ chức khảo sát, lập bình đồ, số hóa bình đồ (nếu có), và duy trì cơ sở dữ liệu khảo sát, bình đồ để phục vụ cho việc quản lý, thông báo và khai thác luồng.
- Tổ chức, cá nhân khảo sát luồng có trách nhiệm cung cấp kết quả khảo sát cho cơ quan để thông báo luồng và chịu trách nhiệm về độ chính xác của số liệu, thông tin đã cung cấp, cụ thể trách nhiệm thông báo như sau:
- Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có trách nhiệm thông báo lần đầu về luồng quốc gia và luồng chuyên dùng nối với luồng quốc gia.
- Chi cục Đường thủy nội địa khu vực sẽ thông báo định kỳ, thường xuyên và đột xuất về luồng quốc gia cùng với luồng chuyên dùng nối với luồng quốc gia.
- Sở Giao thông vận tải đảm nhiệm thông báo lần đầu, định kỳ, thường xuyên và đột xuất về luồng địa phương và luồng chuyên dùng nối với luồng địa phương.
- Trong trường hợp có tình huống đột xuất trên luồng gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, đơn vị trực tiếp quản lý, bảo trì luồng phải kịp thời thông báo bằng tín hiệu, âm hiệu trực tiếp tại khu vực xảy ra tình huống và báo cáo cho Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực hoặc Sở Giao thông vận tải.
Kinh phí phục vụ phục vụ khảo sát, lập bình đồ luồng đường thủy nội địa ra sao?
Căn cứ khoản 3 Điều 12 Nghị định 08/2021/NĐ-CP về khảo sát luồng đường thủy nội địa quy định như sau:
Khảo sát luồng đường thủy nội địa
...
3. Kinh phí phục vụ khảo sát, lập bình đồ luồng đường thủy nội địa
a) Kinh phí khảo sát phục vụ quản lý và thông báo luồng quốc gia, luồng địa phương theo quy định tại Nghị định này do ngân sách nhà nước đảm bảo từ nguồn chi thường xuyên theo phân cấp ngân sách;
b) Tổ chức, cá nhân quản lý luồng chuyên dùng có trách nhiệm bố trí kinh phí để khảo sát phục vụ quản lý và thông báo luồng theo quy định tại Nghị định này.
Như vậy, kinh phí phục vụ khảo sát, lập bình đồ luồng đường thủy nội địa như sau:
- Kinh phí khảo sát phục vụ cho việc quản lý và thông báo luồng quốc gia, luồng địa phương sẽ được đảm bảo từ ngân sách nhà nước, sử dụng nguồn chi thường xuyên theo phân cấp ngân sách theo quy định tại Nghị định 08/2021/NĐ-CP.
- Tổ chức, cá nhân quản lý luồng chuyên dùng có trách nhiệm tự bố trí kinh phí để thực hiện khảo sát phục vụ cho việc quản lý và thông báo luồng theo quy định của Nghị định 08/2021/NĐ-CP.