Nghị định 08/2021/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa

Số hiệu 08/2021/NĐ-CP
Ngày ban hành 28/01/2021
Ngày có hiệu lực 15/03/2021
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2021/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2021

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, bao gồm: Đầu tư xây dựng, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; bảo đảm an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường trên đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; quản lý hoạt động của phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động đường thủy nội địa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đường thủy nội địa tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, gồm: Luồng đường thủy nội địa, hành lang bảo vệ luồng, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu, âu tàu, công trình đưa phương tiện qua đập thác; kè, đập giao thông; báo hiệu đường thủy nội địa và các công trình phụ trợ như mốc cao độ, mốc tọa độ, mốc chỉ giới hành lang bảo vệ luồng, nhà trạm; công trình, vật dụng kiến trúc, thiết bị phục vụ trực tiếp công tác quản lý, khai thác giao thông đường thủy nội địa.

2. Luồng chạy tàu thuyền là vùng nước được giới hạn bằng hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa để phương tiện đi lại thông suốt, an toàn (trong Nghị định này gọi là luồng đường thủy nội địa).

3. Cảng, bến thủy nội địa chuyên dùng là cảng, bến thủy nội địa chỉ xếp, dỡ nguyên liệu, nhiên liệu, khoáng sản, vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất cho chủ cảng, bến đó hoặc phục vụ đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài.

4. Bến khách ngang sông là bến thủy nội địa chuyên phục vụ vận tải hành khách, hàng hóa từ bờ bên này sang bờ bên kia sông, kênh, rạch, hồ, đầm phá. Một vị trí bến ở mỗi phía bờ là một bến khách ngang sông.

5. Bến phao là bến thủy nội địa sử dụng kết cấu nổi, phương tiện, pông - tông đặt tại một vị trí ổn định trên vùng nước để tiếp nhận phương tiện neo đậu xếp dỡ hàng hóa, đón, trả hành khách và thực hiện dịch vụ hỗ trợ khác.

6. Khu neo đậu là vùng nước bên ngoài vùng nước của cảng, bến thủy nội địa được thiết lập bằng hệ thống phao neo, trụ neo hoặc tự neo để phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ neo đậu chuyển tải hàng hóa, hành khách hoặc thực hiện hoạt động khác theo quy định.

7. Chủ cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu là tổ chức, cá nhân sở hữu công trình cảng, bến thủy nội địa, phao neo, trụ neo và được giao sử dụng vùng đất, vùng nước của cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu.

8. Người quản lý khai thác cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu là chủ cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trực tiếp khai thác cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu hoặc tổ chức, cá nhân thuê cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu để khai thác hoặc tổ chức, cá nhân được ủy quyền quản lý khai thác cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu.

9. Người đề nghị làm thủ tục cho phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài vào, rời cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu là chủ phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài, thuyền viên, người lái phương tiện, người khai thác thủy phi cơ hoặc người được ủy quyền đề nghị làm thủ tục vào, rời cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu (sau đây gọi là người làm thủ tục).

10. Phương tiện thủy nội địa là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên đường thủy nội địa (trong Nghị định này gọi là phương tiện).

11. Phương tiện thủy nước ngoài là phương tiện thủy mang cờ quốc tịch nước ngoài.

Chương II

QUẢN LÝ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ QUẢN LÝ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

[...]