Hợp đồng ủy quyền bán nhà đất có cần lập thành văn bản không?
Nội dung chính
Hợp đồng ủy quyền bán nhà đất có cần lập thành văn bản không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 về hợp đồng ủy quyền như sau:
Hợp đồng ủy quyền
Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 về khái niệm của giao dịch dân sự:
Giao dịch dân sự
Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Theo đó, hợp đồng ủy quyền bán nhà đất là một giao dịch dân sự. Và hình thức của giao dịch dân sự được quy định tại khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Hình thức giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
Như vậy, hợp đồng ủy quyền bán nhà đất không bắt buộc phải được lập bằng văn bản. Hợp đồng ủy quyền bán nhà đất có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng một hành vi cụ thể, chỉ cần hợp đồng ủy quyền bán nhà đất đó đáp ứng đủ các điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực là được.
Hợp đồng ủy quyền bán nhà đất có cần lập thành văn bản không? (Hình từ Internet)
Người được ủy quyền có được ủy quyền hợp đồng ủy quyền bán nhà đất tiếp cho người khác không?
Theo quy định tại Điều 564 Bộ luật Dân sự 2015 về việc ủy quyền lại hợp đồng ủy quyền bán nhà đất như sau:
Ủy quyền lại
1. Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp sau đây:
a) Có sự đồng ý của bên ủy quyền;
b) Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.
2. Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.
3. Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.
Như vậy, người được ủy quyền vẫn có thể ủy quyền lại hợp đồng ủy quyền bán nhà đất cho người khác trong 2 trường hợp:
- Có sự đồng ý của bên ủy quyền;
- Do sự kiện bất khả kháng, nếu không ủy quyền lại thì mục đích giao dịch vì lợi ích của bên ủy quyền không thể thực hiện được.
Bên ủy quyền có các quyền và nghĩa vụ gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 567, 568 Bộ luật Dân sự 2015 về các quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền trong giao dịch dân sự về hợp đồng ủy quyền bán nhà đất bao gồm:
(1) Nghĩa vụ của bên ủy quyền:
- Cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên được ủy quyền hoàn thành công việc.
- Chịu trách nhiệm về những cam kết mà bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền.
- Thanh toán các chi phí hợp lý mà bên được ủy quyền đã chi ra để thực hiện công việc và trả thù lao (nếu có thỏa thuận).
(2) Quyền của bên ủy quyền:
- Có quyền yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về tiến độ và kết quả công việc.
- Có quyền yêu cầu bên được ủy quyền giao lại tài sản hoặc lợi ích thu được từ công việc đã thực hiện, trừ khi có thỏa thuận khác.
- Được yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Điều 565 Bộ luật Dân sự 2015.
Bên được ủy quyền có các quyền và nghĩa vụ gì?
Bên được ủy quyền trong giao dịch dân sự về hợp đồng ủy quyền bán nhà đất có các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 565 và Điều 566 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm:
(1) Nghĩa vụ của bên được ủy quyền:
- Thực hiện công việc theo ủy quyền và thông báo cho bên ủy quyền về tiến độ và kết quả công việc.
- Thông báo cho người thứ ba về thời hạn, phạm vi ủy quyền, và bất kỳ sự thay đổi, bổ sung nào về phạm vi ủy quyền.
- Bảo quản và giữ gìn tài liệu, phương tiện mà bên ủy quyền giao cho để thực hiện công việc.
- Giữ bí mật các thông tin liên quan đến công việc ủy quyền mà mình biết được.
- Giao lại cho bên ủy quyền tài sản và lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc, theo thỏa thuận hoặc quy định pháp luật.
- Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm các nghĩa vụ trên.
(2) Quyền của bên được ủy quyền:
- Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc.
- Được thanh toán các chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc, và nhận thù lao nếu có thỏa thuận.