Mẫu hợp đồng ủy quyền bán nhà đất mới nhất hiện nay

Mẫu hợp đồng ủy quyền bán nhà đất mới nhất hiện nay? Có trường hợp nào được đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền bán nhà đất không?

Nội dung chính

    Mẫu hợp đồng ủy quyền bán nhà đất mới nhất hiện nay

    Hiện nay, pháp luật chưa có khái niệm cụ thể nào về hợp đồng ủy quyền bán nhà đất. Tuy nhiên, tại Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về khái niệm hợp đồng ủy quyền như sau:

    Hợp đồng ủy quyền
    Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

    Như vậy, hợp đồng ủy quyền bán nhà đất là sự thỏa thuận giữa hai bên: bên ủy quyền (chủ sở hữu nhà đất) và bên được ủy quyền (người thực hiện công việc bán nhà đất). Theo đó, bên được ủy quyền sẽ thực hiện các công việc bán nhà đất nhân danh bên ủy quyền, tức là bên ủy quyền không trực tiếp thực hiện các thủ tục liên quan đến việc bán mà giao cho bên được ủy quyền làm thay.

    Bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao cho bên được ủy quyền nếu có thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng hoặc nếu pháp luật có quy định về việc thanh toán thù lao cho bên được ủy quyền.

    Theo đó, mẫu hợp đồng ủy quyền bán nhà đất mới nhất hiện nay như sau:

    Mẫu hợp đồng ủy quyền bán nhà đất mới nhất hiện nay

    Tải về mẫu hợp đồng ủy quyền bán nhà đất được áp dụng từ năm 2024 tại đây.

    Khi người ủy quyền chết thì hợp đồng ủy quyền bán nhà đất còn hiệu lực không?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 về điều kiện giao dịch dân sự như sau:

    Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
    1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
    a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
    b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

    c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

    ...

    Theo đó để giao dịch dân sự (hợp đồng ủy quyền bán nhà đất) có hiệu lực thì cần phải đáp ứng các điều kiện trên. Tuy nhiên, việc người ủy quyền là cá nhân chết không đáp ứng được 2/3 điều kiện có hiệu lực. Do đó, hợp đồng ủy quyền bán nhà đất sẽ bị vô hiệu khi người ủy quyền là cá nhân chết.

    Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 372 Bộ luật Dân sự 2015 về các trường hợp chấm dứt nghĩa vụ bao gồm:

    Căn cứ chấm dứt nghĩa vụ
    Nghĩa vụ chấm dứt trong trường hợp sau đây:
    1. Nghĩa vụ được hoàn thành;
    2. Theo thỏa thuận của các bên;
    3. Bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ;
    4. Nghĩa vụ được thay thế bằng nghĩa vụ khác;
    5. Nghĩa vụ được bù trừ;
    6. Bên có quyền và bên có nghĩa vụ hòa nhập làm một;
    7. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ đã hết;
    8. Bên có nghĩa vụ là cá nhân chết hoặc là pháp nhân chấm dứt tồn tại mà nghĩa vụ phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;
    9. Bên có quyền là cá nhân chết mà quyền yêu cầu không thuộc di sản thừa kế hoặc là pháp nhân chấm dứt tồn tại mà quyền yêu cầu không được chuyển giao cho pháp nhân khác;
    10. Vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ khác;
    11. Trường hợp khác do luật quy định.

    Như vậy, khi người ủy quyền chết mà hợp đồng ủy quyền không thuộc di sản thừa kế thì hợp đồng ủy quyền sẽ không còn hiệu lực.

    Mẫu hợp đồng ủy quyền bán nhà đất mới nhất hiện nay

    Mẫu hợp đồng ủy quyền bán nhà đất mới nhất hiện nay (Hình từ Internet)

    Có trường hợp nào được đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền bán nhà đất không?

    Theo Điều 569 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền thì các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền bán nhà đất như sau:

    (1) Trường hợp hợp đồng ủy quyền có thù lao:

    Bên ủy quyền có quyền chấm dứt hợp đồng bất kỳ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc đã thực hiện và bồi thường thiệt hại nếu có.

    Nếu hợp đồng ủy quyền không có thù lao, bên ủy quyền vẫn có thể chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải thông báo cho bên được ủy quyền trước một khoảng thời gian hợp lý.

    Ngoài ra, bên ủy quyền cần phải thông báo bằng văn bản cho bên thứ ba về việc hợp đồng ủy quyền bị chấm dứt. Nếu không thông báo, hợp đồng với bên thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ khi bên thứ ba đã biết hoặc phải biết về việc chấm dứt hợp đồng.

    (2) Trường hợp hợp đồng ủy quyền không có thù lao:

    Bên được ủy quyền có quyền chấm dứt hợp đồng bất kỳ lúc nào, nhưng phải thông báo trước một khoảng thời gian hợp lý cho bên ủy quyền.

    Nếu hợp đồng ủy quyền có thù lao, bên được ủy quyền cũng có quyền chấm dứt hợp đồng bất kỳ lúc nào, nhưng sẽ phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền nếu có.

    Hợp đồng ủy quyền bán nhà đất có thời hạn trong bao lâu?

    Thời hạn của hợp đồng ủy quyền bán nhà đất được quy định tại Điều 563 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

    Thời hạn ủy quyền
    Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

    Theo đó, hợp đồng ủy quyền bán nhà đất có thời hạn do các bên thỏa thuận. Nếu không có thỏa thuận thì hợp đồng có hiệu lực trong vòng 01 năm kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

    22