Hết thời gian giải quyết tố giác tội phạm nhưng đối tượng bỏ trốn, Tòa án cần ra quyết định gì?
Nội dung chính
Ra quyết định gì khi hết thời gian giải quyết tố giác tội phạm mà đối tượng bỏ trốn?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì:
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:
- Quyết định khởi tố vụ án hình sự;
- Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
- Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì:
Hết thời hạn quy định tại Điều 147 của Bộ luật này, cơ quan có thẩm quyền giải quyết quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi thuộc một trong các trường hợp:
- Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả;
- Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả.
Như bạn trình bày ở trên thì trong thời gian điều tra, xác minh tố giác tội phạm thì được biết là đối tượng đã phạm tội. Tuy nhiên đối tượng đã bỏ trốn. Theo như những quy định trên đây thì chỉ có thể ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vì việc đối tượng bỏ trốn không thuộc các trường hợp để tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vụ án hình sự.
Hết thời gian giải quyết tố giác tội phạm nhưng đối tượng bỏ trốn, Tòa án cần ra quyết định gì? (Hình từ Internet)
Cá nhân tố giác tội phạm có phải là căn cứ để khởi tố vụ án hình sự?
Căn cứ Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:- Tố giác của cá nhân;
- Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
- Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;
- Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;
- Người phạm tội tự thú.
Như vậy, nếu xác định có dấu hiệu tội phạm thì tòa án sẽ căn cứ vào tố giác để tiến hành khởi tố vụ án hình sự. Đối với người phạm tội thì khi xác định một người nào đó có dấu hiệu phạm tội thì cơ quan, người có thẩm quyền sẽ tiến hành khởi tố bị can.
Tố giác tội phạm và tin báo tội phạm khác nhau chỗ nào?
Để tìm ra điểm khác nhau giữa hoạt động tố giác tội phạm và tin báo tội phạm, trước hết cần xác định, căn cứ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì:
Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
Về điểm khác nhau:
- Tố giác về tội phạm được hiểu là sự tố cáo của công dân về những hành vi nào đó mà họ cho rằng đó là tội phạm. Công dân có quyền và nghĩa vụ tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật hình sự mà họ biết với các cơ quan, tổ chức. Luật cho phép công dân có thể tố cáo về tội phạm với bất cứ cơ quan, tổ chức nào mà họ thấy thuận tiện không nhất thiết phải là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án. Trong tất cả các trường hợp đó, sự tố cáo của công dân về tội phạm đều được coi là tố giác. Tố giác có thể bằng miệng có thể trực tiếp hoặc qua thư, điện thoại hoặc bằng văn bản…
Trường hợp người bị hại trình báo về sự kiện phạm tội liên quan đến họ cũng được coi là tố giác của công dân. Khi nhận được thông tin tố giác về tội phạm qua điện thoại cơ quan tổ chức nhận tin phải kiểm tra, ghi nhận số điện thoại và tên tuổi, địa chỉ của người tố giác và những thông tin khác có ý nghĩa phục vụ xác định người tố giác, giải thích trách nhiệm cho họ. Mặt khác, các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền phải kiểm tra và có trách nhiệm thiết lập liên hệ trực tiếp với người tố giác để làm rõ căn cứ khởi tố vụ án. Trường hợp người bị hại trình báo và yêu cầu khởi tố thì bản chất của sự việc cũng là sự tố giác về tội phạm, chính vì thế điều luật không quy định riêng một khoản độc lập.
- Tin báo về tội phạm được hiểu là thông tin, thông báo, báo cáo của các cơ quan, tổ chức với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án về những hành vi, vụ việc đã xảy ra mà các cơ quan, tổ chức đó cho là tội phạm.
Khái niệm tin báo được hiểu một cách tương đối, xét trong mối liên hệ với tố giác về tội phạm thì tố giác là hành vi của công dân là người mục kích, người nhận được thông tin về tội phạm hoặc là nạn nhân của tội phạm với một cơ quan, tổ chức bất kỳ nào đó. Trong khi đó, ý nghĩa tin báo phản ánh mối liên hệ giữa một chủ thể có tính chất pháp nhân – cơ quan, tổ chức truyền tin đi với một cơ quan có trách nhiệm trong hệ thống chủ thể thực hiện các quyền năng tố tụng hình sự mà trực tiếp ớ đây là quyền khởi tố vụ án hình sự. Trong đó, tin báo có thể là sự chuyển tiếp những thông tin mà cơ quan, tổ chức đã nhận được từ tố giác của công dân. cũng có thể ỉà những thông tin thu được từ hoạt động nghiệp vụ của ngay chính tổ chức đó (ví dụ, qua thanh tra, kiểm tra) hoặc được phản ánh bằng chính hoạt động truyền thông theo chức năng nghề nghiệp (các cơ quan thông tin đại chúng).
Căn cứ vào Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì tin báo có thể được phân thành hai loại: tin do cơ quan, tổ chức gửi đến cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự trực tiếp phản ánh về tội phạm hoặc tin báo được chính thức thông báo hoặc phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng mà các cơ quan chuyên trách đấu tranh với tội phạm có thẩm quyền phải xem xét, nghiên cứu để rút ra những kết luận.
Như vậy, sự khác nhau giữa tố giác tội phạm và tin báo tội phạm được thể hiện qua những điểm chủ yếu nêu trên. Bạn lưu ý để nắm rõ vấn đề khi tiếp nhận thông tin về các hoạt động này thông qua các kênh thông tin khác nhau.