Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai gồm những gì? Phương thức cung cấp dịch vụ và thu phí ra sao?

Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai gồm những gì và phương thức cung cấp dịch vụ và thu phí của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai ra sao?

Nội dung chính

    Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai gồm những gì?

    Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai đóng vai trò nền tảng trong việc quản lý và khai thác thông tin đất đai trên phạm vi cả nước. Theo khoản 23 Điều 3 Luật Đất đai 2024, hệ thống này tổng hợp các yếu tố như hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm, và dữ liệu. Hệ thống được thiết kế tập trung, thống nhất, nhằm phục vụ việc quản lý, vận hành, cập nhật và khai thác thông tin đất đai một cách hiệu quả, minh bạch và nhất quán.

    Theo khoản 3 Điều 163 Luật Đất đai 2024 hệ thống thông tin quốc gia về đất đai gồm ba thành phần chính:

    - Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin.

    - Phần mềm của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.

    - Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

    Trong đó:

    - Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin được xây dựng ở trung ương và địa phương, bao gồm tập hợp thiết bị máy chủ, máy trạm, thiết bị kết nối mạng, hệ thống đường truyền, thiết bị bảo đảm an ninh, an toàn, thiết bị lưu trữ, thiết bị ngoại vi và thiết bị khác (khoản 1 Điều 164 Luật Đất đai 2024).

    - Phần mềm của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai bao gồm các phần mềm hệ thống, phần mềm tiện ích và phần mềm ứng dụng phục vụ quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai (khoản 2 Điều 164 Luật Đất đai 2024).

    - Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai bao gồm: Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; Cơ sở dữ liệu địa chính; Cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Cơ sở dữ liệu giá đất; Cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai; Cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; Cơ sở dữ liệu khác liên quan đến đất đai.Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được xây dựng đồng bộ, thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong phạm vi cả nước. (khoản 1 Điều 165 Luật Đất đai 2024).

    Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được xây dựng phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

    Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai gồm những gì? Phương thức cung cấp dịch vụ và thu phí ra sao?

    Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai gồm những gì? Phương thức cung cấp dịch vụ và thu phí ra sao? (Hình từ Internet)

    Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai đóng vai trò gì trong xây dựng Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai?

    Căn cứ vào khoản 14 Điều 3 Luật Đất đai 2024, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai là tập hợp các cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó dữ liệu được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, chia sẻ, quản lý và cập nhật thông qua phương tiện điện tử. 

    Cơ sở dữ liệu này không chỉ là nơi lưu trữ thông tin mà còn là công cụ giúp các bên liên quan có thể khai thác và sử dụng dữ liệu một cách thuận tiện và hiệu quả. Sự tổ chức và quản lý thông tin một cách khoa học và chặt chẽ giúp đảm bảo tính chính xác và cập nhật của thông tin đất đai.

    Tại khoản 3 Điều 163 Luật Đất đai 2024 quy định hệ thống thông tin quốc gia về đất đai bao gồm 03 thành phần cơ bản: hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm của hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. 

    Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai đóng vai trò là nguồn cung cấp thông tin chính cho hệ thống thông tin đất đai, từ dữ liệu địa chính, giá đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đến dữ liệu thống kê, kiểm kê và thanh tra đất đai. Nhờ cơ sở dữ liệu này, các hoạt động quản lý và khai thác thông tin trở nên đồng bộ, khoa học và dễ dàng, từ đó tăng cường hiệu quả quản lý tài nguyên đất trên phạm vi toàn quốc.

    Như vậy, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai là một thành phần cốt lõi của hệ thống thông tin đất đai, đóng vai trò lưu trữ và cung cấp thông tin chính xác, nhất quán và khoa học. Sự kết hợp giữa cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin tạo ra một nền tảng quản lý đất đai hiệu quả, góp phần hỗ trợ các quyết định liên quan đến quy hoạch, sử dụng, và phát triển tài nguyên đất đai một cách bền vững.

    Phương thức cung cấp dịch vụ và thu phí của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai

    Tại Điều 170 Luật Đất đai 2024 quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cung cấp thông tin đất đai từ Hệ thống thông tin đất đai cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. 

    Tại Điều 25 Luật Tiếp cận thông tin 2016 cũng quy định việc cung cấp thông tin theo yêu cầu được thực hiện bằng một trong các hình thức sau:

    - Trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin; 

    - Qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính, fax.

    Hiện nay, theo quy định tài khoản 1 Điều 28 Thông tư 03/2022/TT-BTNMT quy định kỹ thuật và Định mức kinh tế - kỹ thuật về công tác thu nhận, lưu trữ, bảo quản và cung cấp thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường quy định về phương thức cung cấp thông tin (trong đó có lĩnh vực đất đai) gồm: 

    (1) Trực tiếp tại cơ quan quản lý;

    (2) Theo đường bưu chính; 

    (3) Trực tuyến trên môi trường điện tử.

    Đồng thời, tại Điều 62 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định về phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai và giá cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu đất đai từ Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai từ Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai như sau: 

    - Phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai từ Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được thực hiện theo quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai từ Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai do Bộ Tài chính ban hành.

    Trường hợp khai thác và sử dụng tài liệu đất đai chưa có trong Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai thì phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

    - Giá cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu đất đai từ Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được thực hiện theo quy định về giá sản phẩm, dịch vụ gia tăng sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quốc gia về đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

    - Việc khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu đất đai được công bố theo quy định tại Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì không phải trả phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai.

    - Việc miễn, giảm phí khi khai thác và sử dụng tài liệu đất đai từ Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được thực hiện theo quy định pháp luật về phí và lệ phí.

    Trường hợp phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai thì được miễn, giảm theo quy định của pháp luật; miễn phí cho các bộ, ngành, địa phương khi kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương để chia sẻ thông tin, dữ liệu đất đai phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

    - Việc khai thác và sử dụng tài liệu đất đai theo yêu cầu thì phải trả phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai hoặc phải trả giá cung cấp sản phẩm, dịch vụ gia tăng sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu, Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai. Việc miễn, giảm phí, lệ phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 62 Nghị định 101/2024/NĐ-CP.

    Về hình thức nộp phí: Căn cứ khoản 1 Điều 5 Thông tư 56/2024/TT-BTC và khoản 1 Điều 3 Thông tư 74/2022/TT-BTC thì hình thức nộp phí được quy định như sau:

    - Nộp phí bằng tiền mặt cho tổ chức thu phí;

    - Nộp phí vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc Nhà nước;

    - Nộp phí theo hình thức không dùng tiền mặt vào tài khoản chuyên thu phí của tổ chức thu phí mở tại tổ chức tín dụng. Đối với phí do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thu, người nộp phí nộp vào tài khoản chuyên thu phí của tổ chức thu phí mở tại tổ chức tín dụng hoặc tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

    - Nộp phí qua tài khoản của cơ quan, tổ chức nhận tiền khác với tổ chức thu phí.


    38