Đơn giá bồi thường thiệt hại cây trồng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thế nào?
Nội dung chính
Đơn giá bồi thường thiệt hại cây trồng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thế nào?
Vừa qua, ngày 16/11/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Quyết định 43/2024/QĐ-UBND quy định về Đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi và hỗ trợ di dời vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Trong đó, Đơn giá bồi thường thiệt hại cây trồng được quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Quyết định 43/2024/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang.
Trên đây là một phần của Đơn giá bồi thường thiệt hại cây trồng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Xem chi tiết: Tại đây
Đơn giá bồi thường thiệt hại cây trồng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thế nào? (Hình từ Internet)
Cách áp dụng Đơn giá bồi thường thiệt hại cây trồng ra sao?
Theo quy định tại Phần II Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Quyết định 43/2024/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang hướng dẫn cách áp dụng Đơn giá bồi thường thiệt hại cây trồng như sau:
(1) Làm tròn số kiểm kê
- Đơn vị đo chiều dài, chiều rộng, chiều cao, bề rộng tán cây, đường kính tán cây được tính là mét, được làm tròn tới 0,1 m;
- Đơn vị đo đường kính thân cây được tính là cm, làm tròn tới cm;
- Đơn vị đo diện tích là m2, được làm tròn số tới 0,1m2;
- Đơn vị đo thời gian để tính tuổi cây trồng được làm tròn tới tháng.
(2) Trường hợp các số đo vượt khung trong bảng đơn giá thì được áp dụng theo mức cao nhất trong đơn giá.
(3) Trường hợp cây trồng đáp ứng mật độ tại Đơn giá bồi thường thiệt hại cây trồng, giai đoạn kiến thiết cơ bản có trồng xen canh các loại cây ngắn ngày như: ngô, đậu tương, lạc, vừng, khoai lang, sắn, gừng, nghệ và các loài cây ngắn ngày khác thì hỗ trợ thêm 50% giá trị cây trồng xen theo bảng đơn giá. Trường hợp cây trồng vượt mật độ tại Đơn giá bồi thường thiệt hại cây trồng thì được hỗ trợ thêm 10% giá trị cây trồng xen theo bảng đơn giá.
(4) Cách xác định đường kính thân cây
- Vị trí đo đối với cây trồng lâu năm
+ Đối với cây trồng bằng hạt hoặc cành chiết: Đường kính gốc của cây được đo sát phía trên phần rễ nổi (cổ rễ), nếu cây không có rễ nổi đo sát mặt đất.
+ Đối với cây trồng bằng cành ghép: Đường kính gốc của cây đo trên điểm ghép 05 cm.
+ Trường hợp cây có từ 2 thân trở lên mọc trên một gốc sát mặt đất thì đo đường kính của từng thân cây cộng lại. Đo cách điểm chia thân 15 cm.
- Vị trí đo cây lâm nghiệp
+ Cây có chiều cao < 3 m: Đo đường kính thân cây tại vị trí cách mặt đất 0,2 m. Đối với cây tái sinh chồi: Xác định đường kính tại vị trí cách mặt đất 0,2 m của 2 thân cây lớn nhất trên cùng một gốc cây cộng lại.
+ Cây có chiều cao ≥ 3 m: Đo đường kính thân cây tại vị trí cách mặt đất 1,3 m. Đối với cây tái sinh chồi: Đo đường kính tại vị trí cách mặt đất 1,3 m của 2 thân cây lớn nhất trên cùng một gốc cây cộng lại. Đối với cây có từ 02 thân trở lên (vị trí chia thân cách mặt đất < 1,3m): Đo đường kính thân cây bằng đường kính đo tại vị trí cách mặt đất 1,3 m của các thân cây trên cùng một gốc cây cộng lại.
- Cách đo
+ Dùng thước dây đo chu vi thân sau đó chia cho 3,14.
+ Dùng thước kẹp kính chuyên dùng để đo.
(5) Cách xác định đường kính tán cây
- Vị trí đo: Đo hình chiếu vuông góc của tán cây với mặt đất.
- Cách đo: Dùng thước đo khoảng cách lớn nhất (R1) và nhỏ nhất (R2) từ thân cây đến mép của hình chiếu tán cây. Tổng hai khoảng cách (D) là đường kính tán cây (D = R1+R2).
(6) Cách xác định chiều cao cây: Chiều cao của cây được tính từ mặt đất đến hết ngọn của cây trồng đó.
(7) Tuổi cây: Đơn vị để xác định tuổi cây là tháng tuổi và năm tuổi trong đó tháng có 30 ngày, năm có 12 tháng.