Để xem phiếu điều tra tình hình sử dụng đất và tiềm năng đất nông nghiệp người dân phải trả phí bao nhiêu?
Nội dung chính
Để xem phiếu điều tra tình hình sử dụng đất và tiềm năng đất nông nghiệp người dân phải trả phí bao nhiêu?
Ngày 31/07/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 56/2024/TT-BTC về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai từ hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.
Trong đó, căn cứ Phụ lục biểu mức thu phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai từ hệ thống thông tin quốc gia về đất đai kèm theo Thông tư 56/2024/TT-BTC, chi phí truy cập và sử dụng phiếu điều tra tình hình sử dụng đất và tiềm năng đất nông nghiệp dưới hình thức trang tài liệu scan (quét) hoặc trang tài liệu số là 8.200 đồng.
Lưu ý: Mức thu truy cập và sử dụng phiếu điều tra tình hình sử dụng đất và tiềm năng đất nông nghiệp trên áp dụng cho 05 trang tài liệu đầu tiên. Từ trang thứ 06 trở đi thì mức thu là 900 đồng/trang.
Như vậy, tùy vào số lượng cần sử dụng, chi phí truy cập và sử dụng phiếu điều tra tình hình sử dụng đất và tiềm năng đất nông nghiệp có thể khác nhau nhưng tối thiểu là 8.200 đồng.
Để xem phiếu điều tra tình hình sử dụng đất và tiềm năng đất nông nghiệp người dân phải trả phí bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai thuộc về những cơ quan nào?
Căn cứ quy định tại Điều 170 Luật Đất đai 2024, trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai thuộc về các cơ quan như sau:
(1) Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Tổ chức xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại trung ương và xây dựng phần mềm của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai bảo đảm đến năm 2025 đưa Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai vào vận hành, khai thác;
- Quản lý, vận hành, bảo trì, nâng cấp phần mềm của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai và hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại trung ương;
- Xây dựng, cập nhật dữ liệu đất đai cấp vùng, cả nước và cơ sở dữ liệu khác liên quan đến đất đai ở trung ương;
- Tích hợp, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai trên phạm vi cả nước;
- Kết nối, chia sẻ thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cổng dịch vụ công quốc gia, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu các Bộ, ngành, địa phương và cung cấp thông tin đất đai cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai.
(2) Các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan:
Các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan có trách nhiệm kết nối, chia sẻ kết quả điều tra cơ bản và các thông tin có liên quan đến đất đai cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
(3) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
- Tổ chức xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai trong phạm vi địa phương, bảo đảm đến năm 2025 kết nối, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai;
- Tổ chức quản lý, vận hành, bảo trì, nâng cấp, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và phần mềm tại địa phương, đường truyền kết nối từ địa phương đến trung ương phục vụ xây dựng, vận hành, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương;
- Chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai trong phạm vi địa phương cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai tại địa phương.
Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được xây dựng với mục đích gì?
Khoản 2 Điều 163 Luật Đất đai 2024 quy định:
Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai
...
2. Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được xây dựng phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai, cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai; kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
...
Căn cứ quy định trên, có thể hiểu, hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được phát triển nhằm hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về đất đai, thúc đẩy cải cách hành chính và chuyển đổi số trong lĩnh vực này. Hệ thống này cũng đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành và địa phương, tạo nền tảng cho việc xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.