Có thể lựa chọn tố tụng bằng Trọng tài thương mại khi giải quyết tranh chấp đất đai
Nội dung chính
Trọng tài thương mại là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp mà các bên tham gia thỏa thuận lựa chọn và được tiến hành theo các quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010. Trong đó, thỏa thuận trọng tài là sự thỏa thuận của các bên về việc đưa tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh ra giải quyết bằng trọng tài, thay vì giải quyết tại tòa án.
Trọng tài có thể được chia thành hai hình thức chính:
- Trọng tài quy chế: Đây là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài có thẩm quyền, nơi các tranh chấp sẽ được giải quyết theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010 và các quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó. Trọng tài quy chế mang lại sự chuẩn hóa và tính chuyên môn cao trong quá trình giải quyết tranh chấp, giúp đảm bảo sự công bằng và minh bạch.
- Trọng tài vụ việc: Đây là hình thức giải quyết tranh chấp theo các quy định của Luật Trọng tài thương mại nhưng với trình tự, thủ tục do các bên tự thỏa thuận. Trong trường hợp này, các bên có thể linh hoạt hơn trong việc lựa chọn thủ tục giải quyết tranh chấp, phù hợp với đặc thù của mỗi vụ việc.
Tóm lại, trọng tài thương mại là phương thức linh hoạt, mang lại sự lựa chọn cho các bên trong việc giải quyết tranh chấp, có thể lựa chọn theo hình thức trọng tài quy chế hoặc vụ việc, tùy thuộc vào nhu cầu và thỏa thuận của các bên.
Khi giải quyết tranh chấp đất đai, có thể lựa chọn tố tụng bằng Trọng tài thương mại
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 236 Luật Đất đai 2024 tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại.
Tại khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005 quy định hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác được xem là hoạt động thương mại.
Theo các quy định trên, Trọng tài thương mại chỉ áp dụng đối với các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại có liên quan đến đất đai. Như các tranh chấp phát sinh từ các hoạt động đầu tư, mua bán, thuê mướn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và các hoạt động có liên quan khác nhằm mục đích sinh lợi.
Ngoài ra, quy định này trao quyền cho các bên tranh chấp lựa chọn trọng tài thương mại Việt Nam để giải quyết tranh chấp. Trọng tài thương mại Việt Nam sẽ giải quyết các tranh chấp này dựa trên các quy định của pháp luật về trọng tài thương mại.
Từ 1/8/2024 có thể lựa chọn tố tụng bằng Trọng tài thương mại khi giải quyết tranh chấp đất đai (Hình từ Internet)
Sự đổi mới của việc áp dụng trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp đất đai so với trước đây
Việc áp dụng trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định mới của Luật Đất đai 2024 là một sự đổi mới quan trọng so với quy định trước đây trong Luật Đất đai 2013.
Trước đây, tranh chấp đất đai chủ yếu được giải quyết tại Tòa án, giải quyết bằng trọng tài thường không được phổ biến và áp dụng rộng rãi bởi thẩm quyền giải quyết của trọng tài chưa rõ ràng và trước đây Luật Đất đai 2013 cũng không quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là có trọng tài.
Quy định mới cho phép trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai, tạo ra một cơ chế giải quyết tranh chấp một cách rõ ràng, linh hoạt hơn và phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, việc sử dụng trọng tài thương mại giúp giảm tải cho hệ thống Tòa án, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đất đai ngày càng trở nên sôi động, các tranh chấp liên quan đến đất đai ngày càng nhiều. Nếu trước đây, các tranh chấp này chủ yếu chỉ được giải quyết qua Tòa án với thủ tục tốn thời gian, công sức, tiền bạc thì giờ đây trọng tài sẽ giúp các bên giải quyết tranh chấp nhanh chóng.
Một điểm mới đáng chú ý là trọng tài có thể giải quyết tranh chấp theo quy tắc riêng của từng trung tâm, linh hoạt trong thủ tục và cho phép chọn trọng tài viên chuyên môn cao trong các tranh chấp đất đai thương mại phức tạp.
Tóm lại, việc áp dụng trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp đất đai theo Luật Đất đai 2024 mang lại cơ chế giải quyết nhanh chóng, tiện lợi hơn so với tòa án khi mà Tòa án giải quyết các vụ tranh chấp cần thực hiện đúng trình tự thủ tục luật định. Đồng thời, nó giúp giảm tải cho hệ thống tòa án và nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường đất đai ngày càng phức tạp.