Có mấy hình thức xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng theo quy định hiện hành?

Có mấy hình thức xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng theo quy định hiện hành? Biện pháp khắc phục hậu quả khi vi phạm hành chính về xây dựng gồm những gì?

Nội dung chính

    Có mấy hình thức xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng theo quy định hiện hành?

    Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định:

    Hình thức xử phạt, mức phạt tiền tối đa, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền xử phạt
    1. Hình thức xử phạt chính:
    a) Cảnh cáo;
    b) Phạt tiền;
    2. Hình thức xử phạt bổ sung:
    a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 03 tháng đến 24 tháng;
    b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

    ...

    Theo quy định trên, hình thức xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng được quy định cụ thể là:

    - Hình thức xử phạt chính:

    + Cảnh cáo;

    + Phạt tiền;

    - Hình thức xử phạt bổ sung:

    + Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 03 tháng đến 24 tháng;

    + Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

    Như vậy, có 04 hình thức xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng bao gồm cả những hình thức xử phạt chính và xử phạt bổ sung.

    Có mấy hình thức xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng theo quy định hiện hành?Có mấy hình thức xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng theo quy định
    hiện hành? (Hình từ internet)

    Biện pháp khắc phục hậu quả khi vi phạm hành chính về xây dựng gồm những gì?

    Căn cứ theo khoản 4 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định biện pháp khắc phục hậu quả khi vi phạm hành chính về xây dựng bao gồm như sau:

    Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể như sau:

    - Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

    - Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường;

    - Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm;

    - Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng;

    - Buộc tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng;

    - Những biện pháp khác được quy định cụ thể tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP.

    Vi phạm quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng bị phạt bao nhiêu?

    Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng như sau:

    (1) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    - Không tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đối với công trình theo quy định phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình;

    - Không trình cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng theo quy định.

    (2) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình không đúng quy định.

    (3) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc một trong các trường hợp sau:

    - Không phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

    - Phương án công nghệ và phương án thiết kế không phù hợp theo quy định;

    - Không đảm bảo đủ vốn của dự án theo quy định;

    - Không đảm bảo hiệu quả tài chính hoặc hiệu quả kinh tế - xã hội đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP;

    - Không phù hợp với nội dung chủ trương đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.

    (4) Biện pháp khắc phục hậu quả:

    - Buộc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 16/2022/NĐ-CP;

    - Buộc trình cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng theo quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định 16/2022/NĐ-CP đối với công trình chưa khởi công hoặc đang thi công xây dựng;

    - Buộc phê duyệt điều chỉnh dự án theo đúng quy định với hành vi quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 16/2022/NĐ-CP;

    - Buộc lập lại dự án đầu tư xây dựng công trình phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 Nghị định 16/2022/NĐ-CP đối với dự án chưa khởi công xây dựng;

    - Buộc lập và phê duyệt lại dự án đầu tư xây dựng đảm bảo phương án công nghệ và phương án thiết kế theo quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều 12 Nghị định 16/2022/NĐ-CP đối với công trình chưa thi công xây dựng;

    - Buộc lập và phê duyệt lại dự án đầu tư xây dựng đảm bảo hiệu quả tài chính hoặc hiệu quả kinh tế - xã hội với hành vi quy định tại điểm d khoản 3 Điều 12 Nghị định 16/2022/NĐ-CP;

    - Buộc lập và phê duyệt lại dự án đầu tư xây dựng phù hợp với nội dung chủ trương đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt với hành vi quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 12 Nghị định 16/2022/NĐ-CP.

    Lưu ý: Các mức phạt tiền này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (điểm b khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP)

    45