Chức danh và mã số ngạch các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng
Nội dung chính
Chức danh và mã số ngạch các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng?
Tại Điều 2 Thông tư 14/2022/TT-NHNN (có hiệu lực từ 01/01/2023) quy định chức danh và mã số ngạch các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng, gồm:
1. Kiểm soát viên cao cấp ngân hàng | Mã số: 07.044 |
2. Kiểm soát viên chính ngân hàng | Mã số: 07.045 |
3. Kiểm soát viên ngân hàng | Mã số: 07.046 |
4. Thủ kho, thủ quỹ ngân hàng | Mã số: 07.048 |
5. Nhân viên Tiền tệ - Kho quỹ | Mã số: 07.047 |
Tiêu chuẩn chung về phẩm chất của các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng?
Tại Điều 3 Thông tư 14/2022/TT-NHNN (có hiệu lực từ 01/01/2023) quy định tiêu chuẩn chung về phẩm chất của các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng như sau:
1. Có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nắm vững chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trung thành với Tổ quốc; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của nhân dân.
2. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công chức theo quy định của pháp luật; nghiêm túc chấp hành sự phân công nhiệm vụ của cấp trên; tuân thủ pháp luật, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, trật tự hành chính; gương mẫu thực hiện nội quy, quy chế của cơ quan.
3. Tận tụy, trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan, công tâm và gương mẫu trong thực thi công vụ; lịch sự, văn hóa và chuẩn mực trong giao tiếp, phục vụ nhân dân.
4. Có lối sống và sinh hoạt lành mạnh, khiêm tốn, đoàn kết; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không lợi dụng việc công để mưu cầu lợi ích cá nhân; không quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
5. Thường xuyên có ý thức học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, đạo đức công vụ và trình độ, năng lực.
Nhiệm vụ của ngạch Kiểm soát viên cao cấp ngân hàng là gì?
Tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 14/2022/TT-NHNN (có hiệu lực từ 01/01/2023) quy định nhiệm vụ của ngạch Kiểm soát viên cao cấp ngân hàng như sau:
a) Chủ trì xây dựng, hoàn thiện thể chế hoặc các văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương, chính sách, các đề án, chương trình, dự án về kiểm soát, kiểm toán Ngân hàng Nhà nước; trực tiếp xem xét, kết luận xử lý những vấn đề chuyên môn phức tạp;
b) Chủ trì triển khai kiểm soát, kiểm toán những vấn đề có liên quan đến nhiều lĩnh vực hoạt động của Ngân hàng Nhà nước; trực tiếp chỉ đạo và thực hiện kiểm soát thường xuyên, đột xuất; kiểm toán định kỳ việc chấp hành các quy định, thể lệ, chế độ trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước; lập báo cáo kiểm soát, kiểm toán, lập biên bản kiểm soát, kiểm toán, kiến nghị đề xuất các biện pháp khắc phục, xử lý những thiếu sót, vi phạm đối với các đơn vị được kiểm soát, kiểm toán;
c) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng các cơ chế, quy chế, quy trình kiểm soát, kiểm toán Ngân hàng Nhà nước, quy chế, chế độ nghiệp vụ về hoạt động ngân hàng;
d) Chủ trì việc tổ chức biên soạn tài liệu, xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ; tổ chức tập huấn chuyên đề cho các kiểm soát viên chính, kiểm soát viên ngân hàng;
đ) Chủ trì hoặc tham gia các đề tài, đề án, các công trình nghiên cứu khoa học cấp ngành về lĩnh vực kiểm soát, kiểm toán Ngân hàng Nhà nước và các đề tài thuộc các lĩnh vực hoạt động khác của ngân hàng nhằm đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Nhà nước;
e) Tổ chức chỉ đạo, triển khai hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định quản lý về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước và đề xuất các biện pháp, giải pháp để thực hiện có hiệu quả;
g) Tổ chức tổng kết, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm về công tác kiểm soát, kiểm toán Ngân hàng Nhà nước và đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung chế độ, quy trình nghiệp vụ kiểm soát, kiểm toán Ngân hàng Nhà nước và chế độ, nghiệp vụ ngân hàng.
Trân trọng!