Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có thể huy động vốn để phát triển nhà ở thông qua những hình thức nào?
Nội dung chính
Điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở được quy định thế nào?
Dự án đầu tư xây dựng nhà ở là tập hợp đề xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn để tiến hành hoạt động xây dựng mới, xây dựng lại, cải tạo hoặc sửa chữa nhà ở, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu ở trên một địa điểm nhất định trong thời hạn và chi phí xác định (Theo khoản 12 Điều 2 Luật Nhà ở 2023)
Căn cứ quy định tại Điều 35 Luật Nhà ở 2023 về điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở như sau:
(1) Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, bao gồm cả tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam và có chức năng kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản) và đáp ứng điều kiện sau:
- Có vốn chủ sở hữu theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản để thực hiện đối với từng dự án đầu tư xây dựng nhà ở;
- Có quyền sử dụng đất để thực hiện đối với từng loại dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định Luật Nhà ở 2023 hoặc được giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai 2024;
- Có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.
(2) Tổ chức đầu tư xây dựng nhà ở bằng nguồn vốn của Nhà nước, nguồn tài chính công đoàn phải là tổ chức được người quyết định đầu tư giao quản lý, sử dụng vốn để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở. (khoản 3 Điều 35 Luật Nhà ở 2023)
Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có thể huy động vốn để phát triển nhà ở thông qua những hình thức nào? (Hình từ Internet)
Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có thể huy động vốn để phát triển nhà ở thông qua những hình thức nào?
Căn cứ Điều 114 Luật Nhà ở 2023 quy định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có thể huy động vốn để phát triển nhà ở thông qua những hình thức như sau:
- Huy động thông qua góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của tổ chức, cá nhân;
- Huy động thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ theo quy định của pháp luật;
- Huy động thông qua cấp vốn từ Nguồn vốn của Nhà nước;
- Huy động thông qua vay vốn từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam;
- Huy động thông qua vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội;
- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam;
- Nguồn vốn hợp pháp khác.
Nguyên tắc huy động vốn để phát triển nhà ở của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở
Theo quy định tại khoản 1 Điều 116 Luật Nhà ở 2023 thì nguyên tắc huy động vốn để phát triển nhà ở của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở được quy định như sau:
- Huy động đúng hình thức;
- Có đủ điều kiện để huy động vốn theo quy định của pháp luật về nhà ở;
- Phù hợp đối với từng loại nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở 2023;
- Tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền;
- Tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp huy động nguồn vốn của Nhà nước theo quy định tại Điều 113 Luật Nhà ở 2023 thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công;
- Bên tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết quy định tại điểm a khoản 1 Điều 114 Luật Nhà ở 2023 chỉ được phân chia lợi nhuận bằng tiền hoặc cổ phiếu trên cơ sở tỷ lệ vốn góp theo thỏa thuận trong hợp đồng; chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không được áp dụng hình thức huy động vốn quy định tại điểm này hoặc hình thức huy động vốn khác để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn, trừ trường hợp góp vốn thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.
Như vậy, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở được huy động vốn để phát triển nhà ở tuy nhiên phải đảm bảo các nguyên tắc huy động vốn nêu trên.