Những lưu ý khi xây dựng nhà ở mà người dân cần biết
Nội dung chính
Xây dựng nhà ở phải có giấy phép xây dựng
Căn cứ Điều 89 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định xây dựng nhà ở phải có giấy phép xây dựng, trừ trường hợp xây dựng nhà ở được miễn giấy phép sau:
- Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Nhà ở cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Nhà ở cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng;
Lưu ý: Riêng nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa phải có giấy phép xây dựng.
Theo đó, ngoại trừ các trường hợp được nêu thì khi xây dựng nhà ở phải có giấy phép xây dựng theo luật định.
Tại khoản 7 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định:
- Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
- Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác.
Như vậy, việc xây dựng nhà ở phải tuân thủ quy định về giấy phép xây dựng, trừ các trường hợp được miễn giấy phép theo luật định. Nếu không sẽ bị xử phạt hành chính.
Do đó, cá nhân và tổ chức cần tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật và thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết trước khi tiến hành xây dựng để tránh vi phạm pháp luật và chịu hậu quả không đáng có.
Những lưu ý khi xây dựng nhà ở mà người dân cần biết (Hình từ Internet)
Xây dựng nhà ở đúng giấy phép xây dựng
Như đã phân tích, sẽ có trường hợp xây dựng nhà ở phải có giấy phép xây dựng, việc tuân thủ giấy phép xây dựng là điều bắt buộc.
Trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP.
6. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng mới như sau:
a) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
b) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
...
Tuy nhiên, trường hợp xây dựng không đúng giấy phép xây dựng được cấp nhưng không thuộc trường hợp phải điều chỉnh giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng thì không bị coi là hành vi xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp.
Khi xây dựng nhà ở không được để vật liệu xây dựng rơi xuống khu vực xung quanh
Đây là một trong những hành vi bị cấm theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP. Cụ thể, nếu xây nhà không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh hoặc để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định thì sẽ bị phạt như sau:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ hoặc công trình xây dựng khác;
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Đồng thời, tại điểm a khoản 15 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP yêu cầu biện pháp khắc phục hậu quả buộc che chắn theo quy định và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường (nếu có).
Như vậy, khi xây dựng nhà ở, việc che chắn và quản lý vật liệu xây dựng đúng quy định là rất quan trọng để tránh gây ảnh hưởng đến khu vực xung quanh và không vi phạm pháp luật. Các hành vi để vật liệu xây dựng rơi vãi hoặc không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt hành chính và yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục.
Do đó, cần chú trọng tuân thủ quy định để đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường và tránh các chế tài không đáng có.
Ngoài ra, việc xây dựng nhà ở cũng cần tuân thủ tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng, đáp ứng yêu cầu về công năng sử dụng, công nghệ áp dụng (nếu có); bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn trong sử dụng, mỹ quan, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống cháy, nổ và điều kiện an toàn khác.