Đối với nhà ở nào thì không cấp Giấy chứng nhận cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở?
Nội dung chính
Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có thể là tổ chức nào?
Theo khoản 14 Điều 2 Luật Nhà ở 2023 quy định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở là tổ chức được lựa chọn để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Căn cứ theo Điều 35 Luật Nhà ở 2023 thì tổ chức sau đây có thể là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở:
(1) Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, bao gồm cả tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam và có chức năng kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản). Đồng thời đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có vốn chủ sở hữu theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản để thực hiện đối với từng dự án đầu tư xây dựng nhà ở;
- Có quyền sử dụng đất để thực hiện đối với từng loại dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở 2023 hoặc được giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai;
- Có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.
(2) Tổ chức đầu tư xây dựng nhà ở bằng nguồn vốn sau đây:
- Vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công;
- Vốn từ công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; vốn huy động từ Quỹ phát triển đất, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách khác theo quy định của pháp luật.
Đồng thời chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở là tổ chức được người quyết định đầu tư giao quản lý, sử dụng vốn để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Đối với nhà ở nào thì không cấp Giấy chứng nhận cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở? (Hình từ Internet)
Đối với nhà ở nào thì không cấp Giấy chứng nhận cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 9 Luật Nhà ở 2023 quy định về việc công nhận quyền sở hữu như sau:
- Đối với nhà ở được đầu tư xây dựng theo dự án để bán, cho thuê mua thì không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà ở, trừ trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở chưa bán, chưa cho thuê mua;
- Đối với nhà ở được đầu tư xây dựng theo dự án để cho thuê thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó.
Như vậy, đối với nhà ở được đầu tư xây dựng theo dự án để bán, cho thuê mua thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó, mà sẽ cấp cho người mua, thuê mua nhà ở (ngoại trừ trường hợp chủ đầu tư có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở chưa bán, chưa cho thuê mua).
Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có thể huy động vốn phát triển nhà ở thông qua những hình thức thế nào?
Căn cứ Điều 114 Luật Nhà ở 2023 quy định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có thể huy động vốn để phát triển nhà ở thông qua những hình thức như sau:
- Huy động thông qua góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của tổ chức, cá nhân;
- Huy động thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ theo quy định của pháp luật;
- Huy động thông qua cấp vốn từ Nguồn vốn của Nhà nước;
- Huy động thông qua vay vốn từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam;
- Huy động thông qua vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội;
- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam;
- Nguồn vốn hợp pháp khác.