Các khoản phụ cấp đặc thù an ninh của sĩ quan công an không tính vào thu nhập chịu thuế

Tôi đang tìm hiểu quy định của pháp luật về thu nhập chịu thuế của sĩ quan công an. Nhưng có thắc mắc tôi muốn nhờ Ban biên tập giải đáp và cung cấp thông tin giúp, cụ thể là các khoản phụ cấp đặc thù an ninh của sĩ quan công an không tính vào thu nhập chịu thuế bao gồm những khoản phụ cấp nào? Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản pháp luật nào?

Nội dung chính

    Các khoản phụ cấp đặc thù an ninh của sĩ quan công an không tính vào thu nhập chịu thuế bao gồm những khoản phụ cấp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch 206/2013/TTLT-BTC-BCA hướng dẫn thu, nộp thuế thu nhập cá nhân đối với sỹ quan, hạ sỹ quan, công, viên chức và nhân viên hưởng lương trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ Công an ban hành, cụ thể như sau:

    - Phụ cấp, bồi dưỡng đối với sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ đảm nhiệm công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm hoặc nặng nhọc, nguy hiểm; khi tham gia huấn luyện, chiến đấu, ứng trực sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, thi hành án, phòng chống lụt bão, tai nạn, thương tích và tìm kiếm cứu nạn và một số nhiệm vụ khác;

    - Phụ cấp, bồi dưỡng đối với lực lượng công an trực tiếp tham gia các đội công tác tăng cường cho cơ sở địa bàn Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc và các tỉnh biên giới Việt - Lào;

    - Phụ cấp đối với cán bộ, chiến sỹ công an công tác ở vùng cao, hải đảo;

    - Phụ cấp, bồi dưỡng đối với lực lượng cảnh sát đảm bảo trật tự an toàn giao thông;

    - Phụ cấp đặc thù đối với một số chức danh tư pháp và trách nhiệm theo nghề thanh tra đối với thanh tra viên thanh tra chuyên ngành công an, phụ cấp trách nhiệm đối với cấp ủy viên (theo quy định của Văn phòng Trung ương Đảng), phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với cán bộ kiểm tra đảng, phụ cấp trách nhiệm trong hoạt động phòng chống tham nhũng trong Công an nhân dân;

    - Phụ cấp, bồi dưỡng đối với lực lượng điều tra án, truy nã tội phạm trong Công an nhân dân;

    - Phụ cấp đối với cán bộ, chiến sỹ lực lượng công an nhân dân trực tiếp làm công tác quản lý, giáo dục, chăm sóc, khám bệnh và đấu tranh với đối tượng nhiễm HIV/AIDS;

    - Phụ cấp ưu đãi, trách nhiệm đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường giáo dưỡng, trường văn hóa trong Công an nhân dân;

    - Phụ cấp ưu đãi đối với sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ cảnh vệ trong Công an nhân dân;

    - Phụ cấp đặc biệt và trợ cấp đặc thù đối với lực lượng tình báo;

    - Phụ cấp, bồi dưỡng giám định tư pháp theo quy định của pháp luật;

    - Phụ cấp đặc thù đối với cán bộ chiến sỹ Công an nhân dân theo Quyết định số 91/2009/QĐ-TTg ngày 06/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ;

    - Phụ cấp đối với cán bộ chiến sỹ công tác tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật;

    - Phụ cấp đối với lực lượng làm nhiệm vụ tại K, C;

    - Phụ cấp bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sỹ phục vụ bảo vệ các hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam, bảo vệ các ngày lễ lớn của đất nước, lễ tết, truyền thống;

    - Phụ cấp ưu đãi nghề đối với người làm công tác pháp chế và lao động nghệ thuật trong Công an nhân dân;

    Phụ cấp đặc thù của lực lượng cơ yếu trong Công an nhân dân: Phụ cấp trách nhiệm bảo vệ cơ mật, mật mã, phụ cấp đặc thù ngành cơ yếu (nếu có), phụ cấp trách nhiệm công việc cơ yếu;

    - Các khoản phụ cấp an ninh khác cho lực lượng công an theo quy định của pháp luật;

    - Trợ cấp để giải quyết tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh theo quy định của pháp luật;

    - Trợ cấp xuất ngũ, phục viên; trợ cấp tạo việc làm sau xuất ngũ phục viên;

    - Trợ cấp đặc thù đối với cán bộ chiến sỹ công an khi nghỉ hưu, hy sinh, từ trần, chuyển ngành, thôi phục vụ trong Công an nhân dân theo quy định của pháp luật;

    - Các khoản phụ cấp, trợ cấp khác được trừ theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

    c) Các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân:

    c.1) Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công;

    c.2) Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm;

    c.3) Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực;

    c.4) Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, ốm đau, sau điều trị tai nạn, bệnh nghề nghiệp; trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, trợ cấp tiền tuất một lần, trợ cấp tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội;

    c.5) Trợ cấp đối với các đối tượng được bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật;

    c.6) Phụ cấp phục vụ đối với lãnh đạo cấp cao;

    c.7) Trợ cấp một lần đối với cá nhân khi chuyển công tác đến vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, hỗ trợ một lần đối với cán bộ công chức làm công tác về chủ quyền biển đảo theo quy định của pháp luật.

    Các khoản phụ cấp, trợ cấp và mức phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế hướng dẫn tại khoản 2, Điều này phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định. Trường hợp khoản phụ cấp, trợ cấp nhận được cao hơn mức phụ cấp, trợ cấp theo hướng dẫn nêu trên thì phần vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế.

    Trên đây là nội dung câu trả lời về các khoản phụ cấp đặc thù an ninh của sĩ quan công an không tính vào thu nhập chịu thuế. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 206/2013/TTLT-BTC-BCA.

    Trân trọng!

    1