Các cơ quan của Hải quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Các cơ quan của Hải quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được quy định như thế nào?
Các cơ quan của Hải quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra được quy định tại Khoản 2 Điều 9 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018. Cụ thể là:
- Các cơ quan của Hải quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục Kiểm tra sau thông quan; Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chi cục Hải quan cửa khẩu.
- Ngoài các cơ quan có thẩm quyền điều tra các vụ án hình sự thuộc hệ thống cơ quan điều tra hình sự thì để tạo điều kiện phát hiện, đấu tranh, trấn áp kịp thời các loại tội phạm. Pháp luật cho phép các cơ quan đặc thù được tiến hành một số hoạt động điều tra trong vụ án hình sự trên phạm vi quản lý như Bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan, cơ quan Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, cơ quan Kiểm ngư, các cơ quan khác (ngoài Cơ quan điều tra) trong Công an nhân dân, cơ quan khác (ngoài Cơ quan điều tra) trong Quân đội nhân dân.
Trong đó, Hải quan là cơ quan thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải, phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Cơ quan Hải quan có nghĩa vụ phải kịp thời phát hiện, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm trong quá trình thực hiện chức năng của mình. Cơ quan Hải quan khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, sản xuất, buôn bán hàng cấm thì được tiến hành hoạt động điều tra đối với các trường hợp ít nghiêm trọng. Đối với các trường hợp nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì thực hiện những thao tác, thủ tục sơ bộ ban đầu, sau đó phải chuyển cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết.
- Cơ quan Hải quan được tổ chức thành nhiều bộ phận cơ quan, cấp cơ quan khác nhau từ trung ương đến địa phương. Trong đó:
+ Các tổ chức hải quan ở trung ương bao gồm: Vụ Pháp chế; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Thanh tra - Kiểm tra; Văn phòng (có đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh); Cục Giám sát quản lý về hải quan; Cục Thuế xuất nhập khẩu; Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục Kiểm tra sau thông quan; Cục Tài vụ - Quản trị; Cục Quản lý rủi ro; Cục Kiểm định hải quan; Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan; Viện Nghiên cứu Hải quan; Trường Hải quan Việt Nam; Báo Hải quan.
+ Các tổ chức hải quan ở địa phương bao gồm: các Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc Tổng cục Hải quan; các Chi cục Hải quan, Đội Kiểm soát Hải quan và đơn vị tương đương thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Tuy nhiên, pháp luật chỉ cho phép một số ít cơ quan (thuộc cơ quan Hải quan) được tiến hành một số hoạt động điều tra vụ án hình sự, cụ thể là:
+ Cục Điều tra chống buôn lậu trực tiếp tổ chức thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; phòng, chống ma túy; thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả trong lĩnh vực hải quan;
+ Cục Kiểm tra sau thông quan phải thực hiện kiểm tra sau khi hàng hóa đã được phép thông quan để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp buôn lâu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biến giới;
+ Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước về hải quan và tổ chức thực thi pháp luật về hải quan, các quy định khác của pháp luật có liên quan trên địa bàn hoạt động;
+ Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện các quy định quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;