Chậm kê khai thuế cho thuê nhà thì mức phạt là bao nhiêu theo pháp luật hiện hành?
Nội dung chính
Kê khai thuế cho thuê nhà là gì? Doanh thu cho thuê nhà là bao nhiêu thì mới phải nộp thuế?
Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể thế nào là kê khai thuế cho thuê nhà. Tuy nhiên, căn cứ vào điểm a, điểm b khoản 1 Điều 9 Thông tư 40/2021/TT-BTC, ta có thể đưa ra khái niệm như sau:
Phương pháp tính thuế đối với một số trường hợp đặc thù
1. Cá nhân cho thuê tài sản
a) Cá nhân cho thuê tài sản là cá nhân có phát sinh doanh thu từ cho thuê tài sản bao gồm: cho thuê nhà, mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng, kho bãi không bao gồm dịch vụ lưu trú; cho thuê phương tiện vận tải, máy móc thiết bị không kèm theo người điều khiển; cho thuê tài sản khác không kèm theo dịch vụ. Dịch vụ lưu trú không tính vào hoạt động cho thuê tài sản theo hướng dẫn tại khoản này gồm: cung cấp cơ sở lưu trú ngắn hạn cho khách du lịch, khách vãng lai khác; cung cấp cơ sở lưu trú dài hạn không phải là căn hộ cho sinh viên, công nhân và những đối tượng tương tự; cung cấp cơ sở lưu trú cùng dịch vụ ăn uống hoặc các phương tiện giải trí.
b) Cá nhân cho thuê tài sản khai thuế theo từng lần phát sinh kỳ thanh toán (từng lần phát sinh kỳ thanh toán được xác định theo thời điểm bắt đầu thời hạn cho thuê của từng kỳ thanh toán) hoặc khai thuế theo năm dương lịch. Cá nhân khai thuế theo từng hợp đồng hoặc khai thuế cho nhiều hợp đồng trên một tờ khai nếu tài sản cho thuê tại địa bàn có cùng cơ quan thuế quản lý.
...
Kê khai thuế cho thuê nhà là quy trình cá nhân có phát sinh thu nhập từ hoạt động cho thuê tài sản (như nhà, mặt bằng, hoặc các tài sản khác) thực hiện việc thông báo và nộp các loại thuế liên quan đến cơ quan thuế theo quy định pháp luật. Kê khai thuế giúp đảm bảo các nghĩa vụ tài chính liên quan đến thu nhập từ hoạt động cho thuê tài sản được thực hiện đúng và đầy đủ.
Đồng thời, căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 9 Thông tư 40/2021/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 100/2021/TT-BTC:
Phương pháp tính thuế đối với một số trường hợp đặc thù
1. Cá nhân cho thuê tài sản
...
c) Cá nhân chỉ có hoạt động cho thuê tài sản và thời gian cho thuê không trọn năm, nếu phát sinh doanh thu cho thuê từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì thuộc diện không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN. Trường hợp bên thuê trả tiền thuê tài sản trước cho nhiều năm thì mức doanh thu để xác định cá nhân phải nộp thuế hay không phải nộp thuế là doanh thu trả tiền một lần được phân bổ theo năm dương lịch.
...
Theo đó, cá nhân cho thuê tài sản sẽ không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân nếu tổng doanh thu từ hoạt động cho thuê tài sản trong năm dương lịch (12 tháng) không vượt quá 100 triệu đồng.
Kê khai thuế cho thuê nhà là gì? Doanh thu cho thuê nhà là bao nhiêu thì mới phải nộp thuế? (Hình từ Internet)
Thời hạn nộp hồ sơ kê khai thuế cho thuê nhà?
(1) Nộp thuế theo phương pháp kê khai theo tháng, theo quý:
Căn cứ vào khoản 1 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019, khoản 3 Điều 11 Thông tư 40/2021/TT-BTC:
- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai theo tháng chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.
- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai theo quý chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu quý tiếp theo liền kề quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
(2) Nộp thuế theo phương pháp kê khai theo năm:
Căn cứ vào khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019:
- Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm;
- Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế;
- Chậm nhất là ngày 15 tháng 12 của năm trước liền kề đối với hồ sơ khai thuế khoán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới kinh doanh thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh.
(3) Nộp thuế theo từng lần phát sinh kỳ thanh toán:
Theo khoản 3 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019, khoản 3 Điều 12 Thông tư 40/2021/TT-BTC:
- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Quản lý thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.
Chậm kê khai thuế cho thuê nhà thì mức phạt hành chính là bao nhiêu theo pháp luật hiện hành?
Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP:
Xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.
4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;
b) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
c) Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
d) Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế.
Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế;
b) Buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế đối với hành vi quy định tại điểm c, d khoản 4 Điều này.
Như vậy, hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế được xử lý theo các mức phạt cụ thể.
Nếu nộp chậm từ 1-5 ngày và có tình tiết giảm nhẹ, người nộp thuế chỉ bị cảnh cáo.
Trường hợp nộp chậm từ 1-30 ngày, mức phạt tiền dao động từ 2-5 triệu đồng, và nếu chậm từ 31-60 ngày, mức phạt tăng lên từ 5-8 triệu đồng.
Đối với các vi phạm nghiêm trọng hơn như nộp hồ sơ trễ từ 61-90 ngày, trên 90 ngày không phát sinh thuế phải nộp, hoặc không nộp hồ sơ phụ lục, mức phạt từ 8-15 triệu đồng.
Nếu nộp chậm trên 90 ngày và có phát sinh thuế phải nộp, mức phạt sẽ từ 15-25 triệu đồng, nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.
Ngoài các mức phạt tiền, người vi phạm có thể bị buộc nộp đủ số thuế chậm nộp hoặc hồ sơ khai thuế còn thiếu.
Bên cạnh đó, căn cứ vào khoản 5 Điều 5 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.