Tổ chức đăng ký đất đai có được phép cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp đăng ký biến động không?
Nội dung chính
Tổ chức đăng ký đất đai có được phép cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp đăng ký biến động không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 136 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
...
2. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, xác nhận thay đổi đối với trường hợp đăng ký biến động được quy định như sau:
a) Tổ chức đăng ký đất đai thực hiện cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài;
b) Chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai hoặc tổ chức đăng ký đất đai thực hiện cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là cá nhân, cộng đồng dân cư, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài;
c) Tổ chức đăng ký đất đai, chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai được sử dụng con dấu của mình để thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc xác nhận thay đổi vào giấy chứng nhận đã cấp.
Theo như quy định trên thì, tổ chức đăng ký đất đai được phép cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp đăng ký biến động. Cụ thể:
- Tổ chức đăng ký đất đai có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và cá nhân/tổ chức nước ngoài.
- Chi nhánh tổ chức đăng ký đất đai hoặc tổ chức đăng ký đất đai có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho cá nhân, cộng đồng dân cư và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.
- Cả tổ chức đăng ký đất đai và chi nhánh đều được sử dụng con dấu của mình để cấp Giấy chứng nhận hoặc xác nhận thay đổi vào giấy chứng nhận đã cấp.
Tổ chức đăng ký đất đai có được phép cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp đăng ký biến động không? (Hình ảnh từ Internet)
Khi thay đổi toàn bộ thông tin thửa đất do đo đạc lập bản đồ địa chính, có được cấp mới Giấy chứng nhận không?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 23 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Các trường hợp đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
1. Hợp thửa đất hoặc tách thửa đất.
2. Người thuê, thuê lại quyền sử dụng đất của nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng.
3. Dự án đầu tư có sử dụng đất mà điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc trường hợp chủ đầu tư dự án đã được cấp Giấy chứng nhận cho toàn bộ diện tích đất thực hiện dự án mà có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho từng thửa đất theo quy hoạch xây dựng chi tiết đã được phê duyệt.
4. Chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận.
5. Thay đổi toàn bộ các thông tin thửa đất do đo đạc lập bản đồ địa chính; thay đổi diện tích đất ở do xác định lại diện tích đất ở theo quy định tại khoản 6 Điều 141 của Luật Đất đai.
...
Theo như quy định trên thì trường hợp thay đổi toàn bộ thông tin thửa đất do đo đạc lập bản đồ địa chính phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Có thể đăng ký biến động đất đai qua hình thức trực tuyến không?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 131 Luật Đấtđai 2024 quy định như sau:
Nguyên tắc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất
1. Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý.
2. Tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng được đăng ký theo yêu cầu của chủ sở hữu.
3. Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất bao gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện bằng hình thức đăng ký trên giấy hoặc đăng ký điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.
4. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người được giao đất để quản lý đã kê khai đăng ký được ghi vào hồ sơ địa chính và được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nếu đủ điều kiện theo quy định của Luật này.
5. Chính phủ quy định chi tiết việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất.
Theo như quy định trên thì, việc đăng ký biến động đất đai có thể thực hiện qua hình thức trực tuyến (đăng ký điện tử). Hình thức này có giá trị pháp lý tương đương với việc đăng ký trên giấy, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính.