Công văn 4133: Dừng thu đoàn phí, kinh phí công đoàn từ ngày 01/6/2025
Nội dung chính
Công văn 4133: Dừng thu đoàn phí, kinh phí công đoàn từ ngày 01/6/2025
Ngày 23/5/2025, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Công văn 4133/TLĐ-ToC năm 2025 sắp xếp tổ chức bộ máy công đoàn theo tinh thần Nghị quyết 60-NQ/TW năm 2025.
Theo đó, các công đoàn ngành Trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Tiến hành sắp xếp, giải thể, hạ cấp tổ chức, chấm dứt hoạt động của ban chấp hành, ban thường vụ, Ủy ban kiểm tra các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở cơ quan hành chính, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp hưởng 100% lương ngân sách nhà nước, lực lượng vũ trang theo tinh thần Nghị quyết số 60-NQ/TW.
Thời gian hoàn thành công tác giải thể tổ chức công đoàn, kết thúc hoạt động của ban chấp hành, ban thường vụ, Ủy ban kiểm tra công đoàn nêu trên trước ngày 15/6/2025. Thời gian dừng thu đoàn phí, kinh phí công đoàn đối với đoàn viên công đoàn, công đoàn cơ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp hưởng 100% lương ngân sách nhà nước, lực lượng vũ trang (không thuộc đối tượng tập hợp của Công đoàn Việt Nam) từ ngày 01/6/2025.
Trình tự, thủ tục sắp xếp, giải thể, hạ cấp tổ chức thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành.
...
Như vậy, sẽ tiến hành dừng thu đoàn phí, kinh phí công đoàn từ ngày 01/6/2025 đối với đoàn viên công đoàn, công đoàn cơ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp hưởng 100% lương ngân sách nhà nước, lực lượng vũ trang (không thuộc đối tượng tập hợp của Công đoàn Việt Nam).
Công văn 4133: Dừng thu đoàn phí, kinh phí công đoàn từ ngày 01/6/2025 (Hình từ Internet)
Đối tượng gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam là ai?
Tại điểm a điểm b tiểu mục 1.1 Mục 1 Hướng dẫn 38/HD-TLĐ năm 2024 có quy định đối tượng gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam như sau:
(1) Người Việt Nam đang làm việc hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm:
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp.
Những người hưởng lương, phụ cấp, đang làm việc trong cơ quan hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội; người lao động làm công hưởng lương trong các tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở cấp xã (nếu có).
- Người lao động làm công hưởng lương trong các loại hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp; thành viên hợp danh, thành viên hội đồng thành viên các công ty, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; người lao động làm công hưởng lương cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật.
- Người lao động làm công hưởng lương, thành viên không trực tiếp quản lý điều hành, không ký hợp đồng lao động với người lao động trong tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo luật hợp tác xã.
- Người lao động đang làm việc trong các văn phòng, cơ quan đại diện của tổ chức nước ngoài, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.
- Người được cơ quan có thẩm quyền cử làm đại diện quản lý phần vốn của Nhà nước đang giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
- Người làm việc không có quan hệ lao động, cùng ngành, nghề hoặc những người lao động đặc thù khác theo địa bàn thì được tập hợp theo mô hình nghiệp đoàn cơ sở.
(2) Người lao động nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 12 tháng trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm:
- Lao động đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp.
- Lao động đang làm việc trong các văn phòng, cơ quan đại diện của tổ chức nước ngoài, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.