Đương sự gửi nhiều đơn đề nghị giám đốc thẩm về cùng một bản án thì Tòa án sẽ cấp bao nhiêu Giấy xác nhận đơn đề nghị?
Tôi là đương sự trong vụ án dân sự, có tranh chấp với hộ dân liền kề về đất đai. Sau khi xét xử xong và bản án đã có hiệu lực thì tôi có gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm về bản án này vì có vài điểm tôi không đồng ý với quyết định của quý Tòa nhưng không thấy có giấy xác nhận nên tôi có gửi thêm hai đơn nữa. Như vậy, tôi đã gửi 3 đơn cho Tòa án và tôi gửi 3 đơn như vậy sẽ được cấp bao nhiêu Giấy xác nhận nhận đơn đề nghị giám đốc thẩm?
Nội dung chính
1. Đương sự gửi nhiều đơn đề nghị giám đốc thẩm về cùng một bản án thì Tòa án sẽ cấp bao nhiêu Giấy xác nhận đơn đề nghị?
Tại Điều 7 Thông tư liên tịch 03/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC quy định cấp Giấy xác nhận nhận đơn đề nghị trong trường hợp đương sự gửi nhiều đơn đề nghị về cùng một bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật
1. Trường hợp trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, đương sự gửi nhiều đơn đề nghị về cùng một bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, thì Tòa án, Viện kiểm sát chỉ cấp một Giấy xác nhận nhận đơn đề nghị cho đương sự.
2. Trường hợp đương sự đã được cấp Giấy xác nhận nhận đơn đề nghị theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch này và sau khi hết thời hạn ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự tiếp tục có đơn đề nghị, thì Tòa án, Viện kiểm sát cấp một Giấy xác nhận nhận đơn đề nghị cho đương sự về việc họ tiếp tục có đơn đề nghị.
Theo đó, bạn đã gửi 3 đơn đề nghị giám đốc thẩm về cùng một bản án cho Tòa án thì Tòa án sẽ xem xét và cấp cho bạn 01 Giấy xác nhận nhận đơn đề nghị giám đốc thẩm.
2. Đã có văn bản thông báo về việc không kháng nghị của Tòa án thì đương sự có được tiếp tục đề nghị xem xét lại bản án đã có hiệu lực không?
Theo Điều 12 Thông tư liên tịch 03/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC quy định xử lý đối với đơn đề nghị trong trường hợp đã có văn bản thông báo về việc không kháng nghị của Tòa án, Viện kiểm sát có thẩm quyền, như sau:
1. Trường hợp đã có văn bản thông báo về việc không kháng nghị mà đương sự vẫn tiếp tục đề nghị xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án, thì phải nêu rõ vấn đề mà đương sự vẫn cho rằng có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án và kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ. Đơn đề nghị xem xét lại phải có nội dung chính theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.
2. Việc xem xét, giải quyết đơn đề nghị trong trường hợp đã có văn bản thông báo về việc không kháng nghị của Tòa án, Viện kiểm sát có thẩm quyền được thực hiện theo hướng dẫn tương ứng tại các điều của Thông tư liên tịch này.
Như vậy, khi đã có văn bản thông báo về việc không kháng nghị của Tòa án thì bạn vẫn được tiếp tục đề nghị xem xét lại bản án đã có hiệu lực.
Tuy nhiên, bạn cần phải nêu rõ vấn đề mà bạn cho rằng có vi phạm pháp luật trong bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án và kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ.
3. Hoãn, tạm đình chỉ thi hành bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật?
Căn cứ Điều 332 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định hoãn, tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật như sau:
1. Người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có quyền yêu cầu hoãn thi hành bản án, quyết định để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Việc hoãn thi hành bản án, quyết định được thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
2. Người đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
Với quy định này thì việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được thực hiện theo quy định trên.
Trân trọng!