Chỉ tiêu thống kê số lượt người được trợ giúp pháp lý được quy định như thế nào trong Thông tư 10/2017/TT-BTP?
Nội dung chính
Chỉ tiêu thống kê số lượt người được trợ giúp pháp lý được quy định như thế nào trong Thông tư 10/2017/TT-BTP?
Chỉ tiêu thống kê số lượt người được trợ giúp pháp lý được quy định tại Tiểu mục 1301 Mục 13 Phụ lục II Nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Thông tư 10/2017/TT-BTP như sau:
Khái niệm và phương pháp tính
Khái niệm
* Số lượt người được trợ giúp pháp lý là số lần người được trợ giúp pháp lý được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý.
* Người được trợ giúp pháp lý là người thuộc một trong các đối tượng sau:
- Người có công với cách mạng;
- Người thuộc hộ nghèo;
- Trẻ em;
- Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;
- Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo;
- Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:
+ Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sỹ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sỹ còn nhỏ;
+ Người nhiễm chất độc da cam;
+ Người cao tuổi;
+ Người khuyết tật;
+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;
+ Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;
+ Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;
+ Người nhiễm HIV.
Phương pháp tính
- Thống kê số lượt người đã được trợ giúp pháp lý (tương ứng với số vụ việc trợ giúp pháp lý đã hoàn thành trong kỳ báo cáo).
- Trong một kỳ thống kê, nếu một người được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí trong 01 vụ việc thì tính là 01 lượt người, trong 02 vụ việc thì tính là 02 lượt người.
- Trong một kỳ thống kê, nếu một người được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí 02 lần trong 01 vụ việc thì chỉ tính là 01 lượt người được trợ giúp pháp lý.
- Nếu một người thuộc nhiều đối tượng trợ giúp pháp lý khác nhau thì chỉ thống kê theo 01 đối tượng mà người được trợ giúp pháp lý có giấy tờ chứng minh và cung cấp đầu tiên để lưu trong hồ sơ.
Riêng trường hợp người được trợ giúp pháp lý vừa là người thuộc hộ nghèo, vừa là người dân tộc thiểu số thì thống kê vào cột “vừa là người nghèo, vừa là người dân tộc thiểu số” và không thống kê vào cột “người thuộc hộ nghèo” hoặc cột “người dân tộc thiểu số”.
Phân tổ chủ yếu
- Giới tính (nam, nữ);
- Đối tượng được trợ giúp pháp lý (người thuộc hộ nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em…);
- Lĩnh vực pháp luật (hình sự, dân sự hôn nhân gia đình, hành chính, khác);
- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Kỳ công bố: Năm.
Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê Ngành Tư pháp.
Đơn vị (thuộc Bộ Tư pháp) chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp
Chủ trì: Cục Kế hoạch - Tài chính;
Phối hợp: Cục Trợ giúp pháp lý.