Những loại nhà đất nào người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền mua tại Việt Nam?
Nội dung chính
Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được quy định như thế nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 3 Nghị định 138/2006/NĐ-CP quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
3. "Người Việt Nam định cư ở nước ngoài” là người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam đang cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Khái niệm này được khẳng định lại tại khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quốc tịch nước ngoài là quốc tịch của một nước khác không phải là quốc tịch Việt Nam.
2. Người không quốc tịch là người không có quốc tịch Việt Nam và cũng không có quốc tịch nước ngoài.
3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Như vậy, theo khái niệm trên, người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm 2 bộ phận là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Những loại nhà đất nào người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền mua tại Việt Nam?
Căn cứ theo quy định tại Luật Đất đai 2024, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền mua những loại nhà đất sau đây:
Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao (điểm c Khoản 1 Điều 28 Luật Đất đai 2024).
Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự; nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự (điểm h Khoản 1 Điều 28 Luật Đất đai 2024).
Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam; có quyền sử dụng đất ở do nhận chuyển quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở (Khoản 1 Điều 44 Luật Đất đai 2024).
Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà còn là công dân Việt Nam được xếp chung nhóm với cá nhân trong nước. Ngoài các loại nhà đất trên, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài không được mua những loại đất khác.
Những loại nhà đất nào người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền mua tại Việt Nam? (Hình ảnh từ internet)
Điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà đất tại Việt Nam là gì?
Khoản 2 Điều 8 Luật Nhà ở 2023 quy định điều kiện sở hữu bất động sản của Việt kiều như sau:
Đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
…
b) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai;
Theo đó, khoản 2, 3 Điều 3 Nghị định 95/2024/NĐ-CP, người Việt Nam định cư nước ngoài sẽ cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
Giấy tờ chứng minh đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
…
2. Giấy tờ chứng minh đối tượng là cá nhân được sở hữu nhà ở tại Việt Nam được quy định như sau:
b) Đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế theo pháp luật về xuất nhập cảnh và giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch;
...
3. Giấy tờ chứng minh điều kiện được sở hữu nhà ở được quy định như sau:
b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam thì phải có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị có đóng dấu nhập cảnh vào Việt Nam tại thời điểm tạo lập nhà ở quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Nhà ở;
c) Đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu nhập cảnh vào Việt Nam hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh vào Việt Nam tại thời điểm ký kết giao dịch về nhà ở;....
Như vậy, nếu đáp ứng điều kiện mua bán nhà ở tại Việt Nam thì Việt kiều sẽ được mua nhà ở và được công nhận quyền sở hữu nhà ở khi mua bán nhà ở tại Việt Nam.
Giấy tờ cần thiết để được cấp giấy xác nhận là người gốc Việt Nam
Theo khoản 1 điều 33 Nghị định 16/2020/NĐ-CP, hồ sơ để được cấp giấy xác nhận là người gốc Việt Nam gồm: tờ khai theo mẫu quy định, kèm hai ảnh 4x6 chụp chưa quá sáu tháng và bản sao các giấy tờ:
- Giấy tờ về nhân thân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân, giấy tờ cư trú, thẻ tạm trú, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ xác nhận về nhân thân có dán ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp).
- Giấy tờ được cấp trước đây để chứng minh người đó đã từng có quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ để chứng minh khi sinh ra người đó có cha mẹ hoặc ông bà nội, ông bà ngoại đã từng có quốc tịch Việt Nam.
- Trường hợp không có bất kỳ giấy tờ nào nêu trên thì tùy từng hoàn cảnh cụ thể, có thể nộp bản sao giấy tờ về nhân thân, quốc tịch, hộ tịch do chế độ cũ ở miền Nam cấp trước ngày 30-4-1975; giấy tờ do chính quyền cũ ở Hà Nội cấp từ năm 1911 đến năm 1956; giấy bảo lãnh của Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài nơi người đó đang cư trú, trong đó xác nhận người đó có gốc Việt Nam; giấy bảo lãnh của người có quốc tịch Việt Nam, trong đó xác nhận người đó có gốc Việt Nam; giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp trong đó ghi quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch gốc Việt Nam.
- Thời gian cấp giấy: trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, cơ quan thụ lý hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra thông tin trong hồ sơ, đối chiếu với cơ sở dữ liệu, tài liệu liên quan đến quốc tịch để quyết định cấp hoặc không cấp giấy xác nhận người gốc Việt Nam. Nếu không có cơ sở cấp giấy xác nhận trên thì thông báo cho người nộp hồ sơ biết.