Nghị định 138/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Bộ luật dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài

Số hiệu 138/2006/NĐ-CP
Ngày ban hành 15/11/2006
Ngày có hiệu lực 13/12/2006
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Quyền dân sự

CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 138/2006/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2006 

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH CÁC QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ VỀ QUAN HỆ DÂN SỰ CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật dân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị quyết số 45/2005/QH 11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật dân sự;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật dân sự về việc áp dụng pháp luật Việt Nam, pháp luật nước ngoài, điều ước quốc tế và tập quán quốc tế đối với các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân Việt Nam; cơ quan, tổ chức và cá nhân nước ngoài tham gia vào các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” là:

a) Các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

b) Các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động mà các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam, nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt theo pháp luật nước ngoài, phát sinh ở nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.

2. “Người nước ngoài” là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm người có quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch.

3. “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài” là người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam đang cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

4. “Cơ quan, tổ chức nước ngoài” là các cơ quan, tổ chức không phải là cơ quan, tổ chức Việt Nam được thành lập theo pháp luật nước ngoài, bao gồm cả cơ quan, tổ chức quốc tế được thành lập theo pháp luật quốc tế.

5. “Pháp nhân nước ngoài” là pháp nhân được thành lập theo pháp luật nước ngoài.

6. “Giao kết hợp đồng dân sự vắng mặt” là việc giao kết hợp đồng dân sự thông qua phương tiện điện tử hoặc các phương tiện khác mà các bên giao kết hợp đồng không có mặt tại cùng một địa điểm để ký kết hợp đồng.

Điều 4.  Áp dụng pháp luật dân sự Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán quốc tế

1. Việc áp dụng pháp luật dân sự Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán quốc tế tuân theo quy định tại Điều 759 của Bộ luật dân sự.

2. Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định tại Phần thứ bẩy của Bộ luật dân sự và quy định của Luật chuyên ngành khác về cùng một nội dung, thì áp dụng quy định của Luật chuyên ngành.

3. Trong trường hợp việc lựa chọn hoặc viện dẫn áp dụng pháp luật của nước có nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, thì đương sự có quyền yêu cầu áp dụng hệ thống pháp luật có mối quan hệ gắn bó nhất với đương sự về quyền và nghĩa vụ công dân.  

Điều 5. Nghĩa vụ chứng minh của đương sự đối với yêu cầu áp dụng pháp luật

Trong trường hợp áp dụng pháp luật đối với người không quốc tịch, người nước ngoài có hai hay nhiều quốc tịch nước ngoài theo quy định tại Điều 760 của Bộ luật dân sự hoặc áp dụng pháp luật của nước có nhiều hệ thống pháp luật khác nhau theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này thì đương sự có nghĩa vụ chứng minh trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về mối quan hệ gắn bó nhất của mình về quyền và nghĩa vụ công dân với hệ thống pháp luật của nước được yêu cầu áp dụng. Trong trường hợp đương sự không chứng minh được về mối quan hệ gắn bó nhất về quyền và nghĩa vụ công dân của mình đối với hệ thống pháp luật được yêu cầu thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.

Chương 2:

[...]