Ngân hàng Chính sách xã hội giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng của bão số 3 Yagi

Ngân hàng Chính sách xã hội giảm lãi suất 2%/năm áp dụng đối với khoản vay có dư nợ từ ngày 01/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024 của khách hàng bị ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi).

Nội dung chính

    Ngân hàng Chính sách xã hội giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng của bão Yagi

    Ngày 23/12/2024, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 23/12/2024 về việc giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội bị ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi).

    Theo Quyết định, đối tượng giảm lãi suất cho vay là khách hàng vay vốn các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội do Thủ tướng Chính phủ quy định về lãi suất (bao gồm cả tổ chức và cá nhân) tại 26 địa phương khu vực miền Bắc và Thanh Hóa.

    Mức giảm lãi suất cho vay là 2%/năm. Áp dụng đối với khoản vay có dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội từ ngày 01/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Thời gian thực hiện giảm lãi suất cho vay từ ngày 01/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

    Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường các biện pháp cân đối chi phí hoạt động để thực hiện việc giảm lãi suất cho vay trong phạm vi kế hoạch vốn cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý được giao năm 2024; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác của thông tin số liệu báo cáo, tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo an toàn hoạt động và chất lượng tín dụng của ngân hàng.

    Ngân hàng Chính sách xã hội giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng của bão số 3 Yagi

    Ngân hàng Chính sách xã hội giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng của bão số 3 Yagi (Hình từ Internet)

    Ngân hàng hỗ trợ cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng của bão số 3 Yagi

    Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 và Quyết định số 1510/QĐ-TTg ngày 4/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng của bão số 3.

    Các đối tượng áp dụng là khách hàng thuộc 26 địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi bão số 3. Các khoản nợ được cơ cấu bao gồm các khoản vay hoặc thuê tài chính có dư nợ gốc phát sinh trước ngày 07/9/2023 và có nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 07/9/2024 đến ngày 31/12/2025.

    Quy định này có điểm đặc biệt là cho phép giữ nguyên nhóm nợ như trước thời điểm xảy ra thiên tai đối với các khoản nợ được cơ cấu. Điều này giúp khách hàng tránh bị xếp vào nhóm nợ xấu, tạo điều kiện tiếp cận các khoản vay mới để khôi phục sản xuất, kinh doanh và ổn định cuộc sống.

    Đây là một giải pháp quan trọng, không chỉ hỗ trợ ổn định đời sống người dân mà còn góp phần đảm bảo phục hồi kinh tế tại các địa phương bị ảnh hưởng sau thiên tai.

    Chính sách này thể hiện sự đồng hành chặt chẽ giữa Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng với người dân và doanh nghiệp, khẳng định cam kết ưu tiên phục hồi và phát triển bền vững trong giai đoạn hậu thiên tai.

    Ảnh hưởng của bão số 3 Yagi đến ngành ngân hàng

    Bão số 3 (tên quốc tế Yagi) đổ bộ vào Việt Nam vào tháng 9/2024, gây mưa lớn và lũ lụt tại 26 tỉnh, thành phố ở miền Bắc và khu vực Thanh Hóa. Những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất bao gồm TP. Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình và Hà Nội.

    Các khu vực này là các vùng kinh tế trọng điểm của miền Bắc, với 111 khu công nghiệp và 4.760 doanh nghiệp FDI hoạt động trong các ngành công nghiệp chủ chốt như điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng, lâm nghiệp, thủy sản, dệt may, ô tô, lọc hóa dầu và du lịch.

    Ngành ngân hàng cũng bị ảnh hưởng gián tiếp bởi cơn bão số 3. Cơn bão đã gây khó khăn nghiêm trọng cho doanh nghiệp và người dân, dẫn đến tình trạng chậm trả nợ và việc tiếp cận vốn vay mới gặp khó.

    Tổng dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi bão ước tính khoảng 100 nghìn tỷ đồng, liên quan đến 85.000 khách hàng, trong đó riêng Quảng Ninh và TP. Hải Phòng ghi nhận 11.700 khách hàng nợ tổng cộng 23,1 nghìn tỷ đồng.

    Thống kê cho thấy, các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất có tổng dư nợ tín dụng ngắn hạn khoảng 3.952 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,49% tổng dư nợ tín dụng ngắn hạn cả nước.

    Bão Yagi đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh tại các khu vực này, gây tác động tiêu cực đến chất lượng tín dụng, gia tăng khó khăn trong việc thanh toán nợ và tạo thêm thách thức cho việc cấp vốn vay mới.

    28