Thông tư 02/2000/TT-TCBĐ quản lý chi phí và lập dự toán xây dựng công trình bưu chính viễn thông do Tổng cục Bưu điện ban hành

Số hiệu 02/2000/TT-TCBĐ
Ngày ban hành 20/04/2000
Ngày có hiệu lực 01/01/2000
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Tổng cục Bưu điện
Người ký Nguyễn Huy Luận
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Xây dựng - Đô thị

TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/2000/TT-TCBĐ

Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN SỐ 02/2000/TT-TCBĐ NGÀY 20 THÁNG 4 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ CHI PHÍ VÀ LẬP DỰ TOÁN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG

Căn cứ Nghị định số 12/CP ngày 11/3/1996 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng cục Bưu điện.
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ ban hành qui chế quản lý đầu tư và xây dựng.
Căn cứ Thông tư số 08/1999/TT-BXD ngày 16/11/1999 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí xây dựng công trình thuộc các dự án đầu tư.
Tổng cục Bưu điện hướng dẫn việc quản lý chi phí và lập dự toán xây dựng công trình bưu chính viễn thông như sau:

I. QUI ĐỊNH CHUNG

1. Chi phí xây dựng công trình bưu chính viễn thông là toàn bộ chi phí cần thiết để xây dựng mới hoặc cải tạo, mở rộng hay trang bị lại kỹ thuật công trình. Tuỳ theo tính chất đặc điểm của quá trình sản xuất và đặc điểm của sản phẩm xây dựng nên mỗi công trình có chi phí xây dựng riêng được xác định theo qui mô, tính chất kỹ thuật và yêu cầu công nghệ của quá trình xây dựng.

Chi phí xây dựng công trình được thể hiện ở ba giai đoạn:

- Chuẩn bị đầu tư

- Thực hiện đầu tư

- Kết thúc xây dựng, đưa công trình vào khai thác sử dụng.

Tổng mức đầu tư là toàn bộ chi phí đầu tư và xây dựng (kể cả vốn sản xuất ban đầu) và là giới hạn chi phí tối đa của dự án được xác định trong Quyết định đầu tư.

Tổng dự toán công trình, tổng giá trị quyết toán công trình khi kết thúc xây dựng đưa dự án vào khai thác sử dụng nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư đã được duyệt hoặc được điều chỉnh.

2. Chi phí xây dựng công trình được xác định trên cơ sở khối lượng công việc, hệ thống định mức, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và các chế độ chính sách của Nhà nước hiện hành.

3. Để thực hiện cơ chế quản lý đối với công trình của các dự án đầu tư và xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước, vốn do doanh nghiệp Nhà nước tự huy động và vốn tín dụng thương mại không do Nhà nước bảo lãnh qui định tại các điều 10,11 và 12 Nghị định số 52/1999/NĐ-CP đều phải thực hiện theo hướng dẫn lập chi phí và quản lý chi phí xây dựng được qui định trong Thông tư này.

II. NỘI DUNG CHI PHÍ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

1. Tổng mức đầu tư:

Tổng mức đầu tư được phân tích, tính toán và xác định trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi (hoặc báo cáo đầu tư) của dự án, bao gồm những chi phí cho việc chuẩn bị đầu tư (điều tra khảo sát, lập và thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án), chi phí chuẩn bị thực hiện đầu tư (đền bù đất đai hoa mầu, di chuyển dân cư, các công trình trên mặt bằng xây dựng, chuyển quyền sử dụng đất, khảo sát, thiết kế, lập và thẩm định thiết kế, tổng dự toán, chi phí đấu thầu, hoàn tất các thủ tục đầu tư, xây dựng đường, điện, nước, khu phụ trợ, nhà ở tạm công nhân (nếu có), chi phí thực hiện đầu tư và xây dựng (xây lắp, mua sắm thiết bị và các chi phí khác có liên quan), chi phí chuẩn bị sản xuất để đưa dự án vào khai thác sử dụng (chi phí đào tạo, chạy thử, sản xuất thử, thuê chuyên gia vận hành trong thời gian chạy thử), lãi vay ngân hàng của chủ đầu tư trong thời gian thực hiện đầu tư, chi phí bảo hiểm, chi phí dự phòng.

Đối với các dự án nhóm A và một số dự án có yêu cầu đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép thì ngoài các nội dung nói trên, trong tổng mức đầu tư còn bao gồm các chi phí nghiên cứu khoa học, công nghệ có liên quan đến dự án.

2. Tổng dự toán công trình

Tổng dự toán công trình là tổng chi phí cần thiết cho việc đầu tư xây dựng công trình được tính toán cụ thể ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế kỹ thuật thi công.

Tổng dự toán công trình bao gồm:

- Chi phí xây lắp.

- Chi phí mua sắm thiết bị

- Chi phí khác

- Chi phí dự phòng.

Nội dung chi phí xây lắp, chi phí mua sắm thiết bị, chi phí khác, chi phí dự phòng thực hiện các điểm 2.1, 2.2, 2.3, 2.4 mục II của Thông tư 08/1999/TT-BXD ngày 16/11/1999 của Bộ Xây dựng.

III. CĂN CỨ LẬP CHI PHÍ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TRONG GIAI ĐOẠN THỰC HIỆN ĐẦU TƯ

Để xác định được toàn bộ các chi phí cần thiết trong giai đoạn thực hiện đầu tư theo nội dung sau:

1. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nếu có) và báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

[...]