Thông tư 137/1999/TT-BTC hướng dẫn bảo hiểm công trình xây dựng do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 137/1999/TT-BTC
Ngày ban hành 19/11/1999
Ngày có hiệu lực 04/12/1999
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Lê Thị Băng Tâm
Lĩnh vực Bảo hiểm,Xây dựng - Đô thị

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 137/1999/TT-BTC

Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 1999

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 137/1999/TT-BTC NGÀY 19 THÁNG 11 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN BẢO HIỂM CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Căn cứ Nghị định số 100/CP ngày 18/12/1993 và Nghị định số 74/CP ngày 14/6/1997 của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng.
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm công trình xây dựng như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

Khi tiến hành đầu tư và xây dựng, các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước phải mua bảo hiểm công trình xây dựng để ứng phó với thiệt hại do những rủi ro bất ngờ và không lường trước được. Riêng các dự án đầu tư xây dựng của nhân dân, nhà nước khuyến khích mua bảo hiểm công trình xây dựng.

Bảo hiểm công trình xây dựng đối với các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài được áp dụng theo quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

2. Chi phí bảo hiểm công trình là một bộ phận vốn đầu tư của dự án được tính trong tổng dự toán (dự toán) công trình.

Chi phí bảo hiểm được xác định theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính là mức tối đa để tiến hành mua bảo hiểm cho công trình tại công ty bảo hiểm hoạt động hợp pháp ở Việt Nam.

3. Các tổ chức tư vấn xây dựng, nhà thầu xây lắp phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các sản phẩm tư vấn, cho vật tư thiết bị, phân xưởng phục vụ thi công, bảo hiểm tai nạn đối với người lao động, bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba trong quá trình thực hiện dự án. Phí bảo hiểm được tính vào chi phí sản xuất.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Đối tượng bảo hiểm bắt buộc

- Các dự án có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước.

- Các sản phẩm tư vấn, vật tư thiết bị, nhà xưởng phục vụ thi công và người lao động của các tổ chức tư vấn và nhà thầu xây lắp trong quá trình thực hiện dự án.

2. Loại hình bảo hiểm.

- Bảo hiểm công trình xây dựng trong quá trình thực hiện đầu tư. Chi phí bảo hiểm công trình được tính vào giá trị công trình trong khoản mục chi phí khác.

- Bảo hiểm vật tư, thiết bị xây dựng trong quá trình vận chuyển từ nơi mua (nhận hàng) đến chân công trình và đang bảo quản trong kho. Chi phí bảo hiểm được tính vào giá trị của vật tư, thiết bị.

- Bảo hiểm vật tư, thiết bị, nhà xưởng phục vụ thi công dự án thuộc trách nhiệm quản lý của các tổ chức có liên quan đến dự án đầu tư.

- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba trong quá trình thi công; bảo hiểm tai nạn đối với người lao động.

- Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư và xây dựng thuộc trách nhiệm của các tổ chức tư vấn.

3. Phương thức mua bảo hiểm:

3.1. Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm: Thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính.

3.2. Người mua bảo hiểm:

- Bảo hiểm công trình xây dựng: Chủ đầu tư hoặc nhà thầu được chủ đầu tư uỷ quyền thực hiện việc mua bảo hiểm công trình xây dựng do chủ đầu tư lựa chọn. Trường hợp chi phí bảo hiểm đã được tính vào giá trúng thầu thì nhà thầu thực hiện việc mua bảo hiểm công trình xây dựng.

- Đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bảo hiểm tài sản thuộc trách nhiệm quản lý của tổ chức có liên quan đến dự án đầu tư: Các tổ chức này thực hiện việc mua bảo hiểm.

3.3. Thủ tục mua bảo hiểm:

Đối với bảo hiểm công trình xây dựng: Hồ sơ mua bảo hiểm gồm có:

+ Sơ đồ mặt bằng công trình

+ Văn bản tóm tắt về kết cấu và biện pháp thi công công trình

[...]