Quyết định 693/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Số hiệu 693/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/03/2017
Ngày có hiệu lực 17/03/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Lương Văn Hải
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 693/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 17 tháng 3 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH CÔNG THƯƠNG PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 2146/QĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 750/QĐ-UBND ngày 06 tháng 3 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của tỉnh Bình Thuận đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại Công văn số 394/SCTKHTH ngày 06 tháng 3 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG:

1. Quan điểm:

- Tái cơ cấu ngành Công thương vừa phải phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa phải phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển của ngành Công thương cả nước trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

- Tái cơ cấu ngành Công thương theo hướng nâng cao chất lượng, năng suất lao động; tái cơ cấu ngành, lĩnh vực gắn với nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; tập trung phát triển mạnh một số ngành sản xuất ưu tiên, thế mạnh của tỉnh và các ngành có giá trị gia tăng cao; tập trung phát triển một số ngành có khả năng lan tỏa, thúc đẩy và tạo điều kiện cho các ngành khác cùng phát triển.

- Xây dựng cơ cấu hợp lý trong các ngành công nghiệp, thương mại với sự tham gia của các thành phần kinh tế, phát triển công nghiệp gắn với quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung; gắn phát triển ngành Công thương với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo mục tiêu phát triển kinh tế xanh, ổn định và bền vững.

- Thu hút sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân để huy động tối đa và sử dụng ngày càng hiệu quả hơn các nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội.

- Tái cơ cấu ngành Công thương là một quá trình phức tạp, khó khăn và lâu dài cần phải được thường xuyên đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để điều chỉnh phù hợp với thực tế.

2. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát:

Tái cơ cấu ngành Công thương nhằm góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của ngành. Áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị gia tăng công nghiệp (giá so sánh 2010) giai đoạn 2016 - 2020 đạt 9,5%, tầm nhìn giai đoạn 2021 - 2030 đạt 13,0% (trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 tăng trung bình 11,5%, giai đoạn sau 2026 - 2030 tăng bình quân 13,5%). Đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế (giá hiện hành) chiếm khoảng 24,5%, vào năm 2025 chiếm khoảng 29,5% và vào năm 2030 chiếm khoảng 31,9%.

- Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đến năm 2020 đạt 68.000 tỷ đồng, tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 14,6%; đến năm 2030 đạt khoảng 160.000 tỷ đồng, tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 là 10,7%. Tỷ trọng dịch vụ đến năm 2020 chiếm 46,6% - 47,0% trong cơ cấu kinh tế. Tầm nhìn giai đoạn 2021 - 2030 chiếm khoảng 42,5% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 2,84%/năm; phấn đấu đến năm 2020 đạt 380 triệu USD, đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 1 tỷ USD.

3. Định hướng:

- Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước, rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung các cơ chế chính sách, tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo mọi điều kiện thuận lợi, cung cấp thông tin có chất lượng, tháo gỡ khó khăn, rào cản cho phát triển của doanh nghiệp, tạo động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển ngành.

- Tạo điều kiện thu hút mạnh các thành phần kinh tế, ưu tiên các dự án có công nghệ cao, quy mô lớn, khai thác những tiềm năng lợi thế của tỉnh, làm ra những sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao, đầu tư vào những vùng có điều kiện khó khăn. Phát triển đa dạng các loại hình và phương thức kinh doanh, bảo đảm hoạt động thương mại phát triển lành mạnh, văn minh và bền vững.

- Cơ cấu công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp năng lượng, tiếp tục nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, nhất là chế biến sâu khoáng sản và chế biến nông, lâm, thủy sản. Trong đó, tập trung phát triển mạnh các nhóm ngành sản phẩm: năng lượng; chế biến nông, lâm, thủy sản; chế biến sâu sa khoáng; đóng sửa tàu, thuyền đánh bắt hải sản; sản xuất nước khoáng, nước giải khát, may, giày dép; các ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất trong tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

- Tăng cường hợp tác, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu, chú trọng xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm lợi thế, hàng hóa chủ lực của tỉnh đến các thị trường trong nước và quốc tế. Thực hiện đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, có hàm lượng giá trị gia tăng và kỹ thuật cao. Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, ngăn chặn các hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

[...]