Kế hoạch 191/KH-UBND năm 2023 thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn đến năm 2030

Số hiệu 191/KH-UBND
Ngày ban hành 24/05/2023
Ngày có hiệu lực 24/05/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Phan Quý Phương
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 191/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 24 tháng 5 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU NGÀNH CÔNG THƯƠNG TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Triển khai thực hiện hiệu quả và đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành Công Thương trên cơ sở đảm bảo phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển theo Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến 2045, nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững ngành Công Thương, góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu chung kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2030.

2. Các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét cho ngành Công Thương.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tập trung tái cơ cấu đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực ngành Công Thương, trong đó tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sử dụng vai trò động lực của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về tài nguyên, nguyên liệu, nguồn nhân lực và vị trí địa lý nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành, tạo sự bứt phá và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến 2030.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng bình quân chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 10 - 12%/năm (trong đó, giai đoạn 2021-2025 đạt 10 - 11%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt 11 - 12%/năm).

- Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GRDP đạt khoảng 33 - 35%; trong đó, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong công nghiệp chiếm 85 - 90%.

- Tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP giai đoạn 2021-2030: Đảm bảo cung cấp nhu cầu về năng lượng với tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP giảm 1-1,5% năm. Cường độ năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt 420-460 kgOE/1.000 USD GDP.

- Tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021-2030 tăng khoảng 10 - 12%/năm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt khoảng 1,6 tỉ USD và năm 2030 đạt khoảng 2,5 tỉ USD.

- Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 10-14 %. Đến năm năm 2025 đạt khoảng 85-90 nghìn tỷ đồng và đạt khoảng 100 nghìn tỷ đồng vào năm 2030.

III. NỘI DUNG

1. Về tái cơ cấu ngành công nghiệp

- Tập trung phát triển mạnh công nghiệp về chiều rộng và chiều sâu theo hướng hiện đại, phù hợp với tiềm năng, lợi thế so sánh, sử dụng công nghệ sạch, đảm bảo môi trường; tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa và trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng của tỉnh trên các góc độ: đóng góp vào GRDP, tạo nguồn thu ngân sách và tạo công ăn việc làm. Ưu tiên phát triển một số ngành như công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp sản xuất điện từ nguồn năng lượng xanh như LNG, năng lượng tái tạo; sản xuất lắp ráp ô tô; các ngành chế biến sâu; công nghệ thông tin và phần mềm, hóa dược, thiết bị và sản phẩm y tế,....

- Cơ cấu lại các ngành công nghiệp chủ lực theo hướng chuyển dịch từ các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, các ngành công nghiệp xanh; từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, cụ thể:

+ Phát triển ngành công nghiệp dệt may trở thành một trong những ngành chủ lực về xuất khẩu. Trong đó phát triển lĩnh vực may mặc từ mô hình CMT (gia công may mặc) hiện nay sang mô hình sản xuất ODM (từ thiết kế đến gia công); đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết hoàn thiện sản phẩm may mặc để thụ hưởng các chính sách xuất nhập khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do, với điều kiện có quy mô đầu tư phù hợp, sử dụng công nghệ tiên tiến và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và cảnh quan;

+ Phát triển công nghiệp chế biến sâu từ cát silicat (thạch anh), kính năng lượng mặt trời, kính điện thoại, thủy tinh y học, các loại vật liệu mới trong tương lai; Từng bước hình thành và phát triển công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử và ngành công nghiệp hỗ trợ.

+ Tập trung thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao bao gồm sản xuất vật liệu mới, thiết bị điện tử - viễn thông, sản phẩm công nghệ thông tin, công nghiệp sản xuất rô bốt, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, công nghiệp sản xuất phần mềm, sản phẩm số; và các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao bao gồm sản xuất hóa phẩm, dược phẩm, chế phẩm sinh học, sản xuất thuốc, vắc xin,...

+ Tiếp tục mở rộng và thu hút thêm các cụm ngành kinh tế có quy mô sử dụng lao động lớn như may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ... để giải quyết công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân để giảm dần tỷ suất di cư lao động khỏi địa phương. Từng bước hình thành và phát triển mạnh các cụm ngành như: cụm ngành dệt may, cụm ngành sản xuất chế biến gỗ công nghiệp thành phẩm và đồ nội thất; cụm ngành công nghiệp silicat....

+ Về phát triển công nghiệp hỗ trợ: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm đáp ứng, phục vụ các ngành công nghiệp xuất khẩu lớn như: dệt may, cơ khí, ô tô, điện tử, công nghệ cao... và tăng cường khả năng đáp ứng các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tăng cường kết nối giữa các nhà cung cấp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào tỉnh nhằm tăng cường khả năng tham gia mạng lưới sản xuất trong nước và toàn cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

+ Mở rộng theo chiều ngang cụm ngành có vai trò đặc biệt quan trọng về tạo nguồn thu ngân sách là sản xuất đồ uống. Định hướng phát triển các sản phẩm đồ uống mới bên cạnh sản phẩm bia truyền thống.

+ Củng cố mối liên kết giữa các cụm ngành chế biến - chế tạo có hàm lượng R&D cao với các trường đại học trên địa bàn để hình thành các cụm ngành kinh tế mạnh, bao gồm: công nghiệp công nghệ số, sản xuất thuốc và dược phẩm; sản xuất hóa, mỹ phẩm; chế biến thực phẩm, công nghệ sinh học...

+ Tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng, hàng lưu niệm phục vụ du lịch; Phát triển công nghiệp nông thôn bền vững, dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, nguồn nguyên liệu tại chỗ góp phần tạo công ăn việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.

- Thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghiệp:

[...]