Quyết định 208/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Chương trình hành động thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030” do tỉnh Kon Tum ban hành

Số hiệu 208/QĐ-UBND
Ngày ban hành 12/05/2023
Ngày có hiệu lực 12/05/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Tháp
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 208/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 12 tháng 5 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TÁI CƠ CẤU NGÀNH CÔNG THƯƠNG GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030”;

Theo đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 26/TTr-SCT ngày 14 tháng 4 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình hành động triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030” (có Chương trình kèm theo).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Công Thương

- Là cơ quan đầu mối theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chương trình. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan quản lý, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình theo đúng quy định. Định kỳ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sơ kết, tổng kết thực hiện Chương trình và báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

- Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch, tổng hợp nhu cầu kinh phí hàng năm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình cấp có thẩm quyền phân bổ thực hiện các Đề án, Chương trình, dự án ưu tiên tại Chương trình này.

2. Thủ trưởng các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các đơn vị có liên quan theo thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Công Thương để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình; định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Chương trình gửi về Bộ Công Thương theo quy định và Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi chỉ đạo.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương và Giám đốc các sở, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 (t/h);
- Bộ Công Thương (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (đ/b);
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh (p/h);
- Các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh (p/h);
- Các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh (p/h);
- Báo Kon Tum (p/h);
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (p/h);
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh (p/h);
- PCVP UBND tỉnh-Trà Thanh Trí;
- Lưu: VT, KTTH.TQT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tháp

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TÁI CƠ CẤU NGÀNH CÔNG THƯƠNG GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030”
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 208/QĐ-UBND ngày 12 tháng 5 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

Thực hiện Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030”, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Chương trình hành động thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030" với các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM

1. Tái cơ cấu để thực hiện phát triển nhanh và bền vững ngành Công Thương trên cơ sở phát huy vai trò động lực của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành, phát huy tối đa lợi thế so sánh của địa phương trong chuỗi giá trị, khai thác có hiệu quả thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế của ngành công nghiệp, thương mại tỉnh Kon Tum.

2. Tái cơ cấu ngành Công Thương phải được thực hiện đồng bộ trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo đồng bộ với tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực trọng tâm khác của tỉnh.

3. Tái cơ cấu ngành Công Thương phải được thực hiện một cách có trọng tâm, triệt để, quyết liệt với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Phát huy vai trò tiên phong, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở củng cố nhận thức, tăng cường đồng thuận, kết hợp hiệu quả giữa điều phối, phối hợp với phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ, theo nguyên tắc bám sát thực tiễn, coi trọng thực chất. Có hệ thống theo dõi, giám sát thông qua các chỉ tiêu cụ thể đo lường kết quả tái cơ cấu và gắn liền với trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, hiệu quả các nhiệm vụ đạt mục tiêu đề ra.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành. Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương cùng một mô hình quản trị nhà nước năng động, hiệu quả, hiện đại và có tính thích ứng cao để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Kon Tum có nền công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm trung bình của cả nước.

[...]