Kế hoạch 237/KH-UBND năm 2023 triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 do tỉnh Sơn La ban hành

Số hiệu 237/KH-UBND
Ngày ban hành 30/09/2023
Ngày có hiệu lực 30/09/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Nguyễn Thành Công
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 237/KH-UBND

Sơn La, ngày 30 tháng 09 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH CÔNG THƯƠNG GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1971/QĐ-BCT ngày 02/8/2023 của Bộ Công Thương về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030.

Theo đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 118/TTr-SCT ngày 28/8/2023 về việc đề nghị UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030.

UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Quán triệt và triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Sơn La

- Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Công Thương tỉnh Sơn La một cách có trọng tâm, triệt để, quyết liệt.

- Việc triển khai Đề án phải được thực hiện nghiêm túc, bám sát các quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ; xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành công thương của tỉnh cụ thể, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, gắn với nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Công Thương, tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước theo hướng năng động, hiện đại và có tính thích ứng cao để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Sơn La trở thành trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, là tỉnh có sản lượng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đứng đầu khu vực phía Bắc.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 11%/năm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt khoảng 25% vào năm 2030.

- Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 9,5 - 10,5%/năm.

III. NHIỆM VỤ

1. Về tái cơ cấu ngành công nghiệp

a) Kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, khai thác thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế thương mại để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng của sản phẩm.

Tập trung phát triển sản xuất công nghiệp thông qua việc nâng cấp và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp. Xanh hóa các ngành công nghiệp, đảm bảo sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên và năng lượng trong các ngành công nghiệp.

b) Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp từ các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp các bon thấp; từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng vừa và cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP khoảng 25% với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 12%/năm; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%. Trong đó:

- Đối với các ngành công nghiệp nền tảng:

+ Triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, luyện kim (đồng, nikel,...), vật liệu xây dựng, công nghiệp phục vụ nông nghiệp.

+ Thu hút các nhà đầu tư tiềm năng để đa dạng hóa sản phẩm của ngành công nghiệp luyện kim, đảm bảo cung ứng cho nhu cầu thị trường trong nước và thế giới.

- Đối với ngành công nghiệp chế biến chế tạo có lợi thế xuất khẩu:

+ Hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung thành các tổ hợp sản xuất hoàn chỉnh quy mô lớn, có tính chuyên môn hóa cao theo chuỗi giá trị trong các lĩnh vực như: chế biến nông sản, giày da - may mặc, điện tử… theo hướng công nghiệp sinh thái với việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

[...]