Kế hoạch 93/KH-UBND năm 2017 hành động về phát triển bền vững thành phố giai đoạn 2017-2020 do thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 93/KH-UBND
Ngày ban hành 14/06/2017
Ngày có hiệu lực 14/06/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Võ Thành Thống
Lĩnh vực Thương mại,Xây dựng - Đô thị,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 93/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 14 tháng 6 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2013 - 2016

I. CÔNG TÁC TRIỂN KHAI

Thực hiện Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Quyết định số 160/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững giai đoạn 2013 - 2015; Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố đã ban hành Quyết định số 3616/QĐ-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2013 thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững giai đoạn 2013 - 2015 của thành phố và Quyết định số 392/QĐ-UBND ngày 14 tháng 02 năm 2014 (sửa đổi Quyết định số 3616/QĐ-UBND) nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển bền vững của địa phương trong giai đoạn 2013 - 2015.

UBND thành phố đã ban hành các Kế hoạch hành động về phát triển bền vững năm 2015, 2016 tại Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 26 tháng 5 năm 2015 và Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2016, tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững qua các nhiệm vụ cụ thể và hệ thống chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững thành phố. Các nội dung của chiến lược phát triển bền vững từng bước được lồng ghép, đánh giá vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững trong cán bộ, công chức, doanh nghiệp và Nhân dân được tăng cường; xây dựng, triển khai hiệu quả và nhân rộng các mô hình phát triển bền vững.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế phát triển bền vững, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với phát triển bền vững

Thành phố ban hành nhiều chính sách trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Thực hiện rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất. Các ngành, lĩnh vực đã bước đầu lồng ghép và xây dựng các giải pháp về phát triển ngành theo hướng bền vững, bảo đảm sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát ô nhiễm môi trường và quản lý chất thải một cách hiệu quả; ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; phát triển và đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ, thiết bị bảo vệ môi trường tiên tiến và thích hợp với thành phố trong từng giai đoạn phát triển; tiêu biểu như: Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 10 tháng 3 năm 2016 của UBND thành phố về tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 thành phố; Quyết định số 2676/QĐ-UBND ngày 18 tháng 9 năm 2015 của UBND thành phố về phê duyệt Đề án nâng cao chỉ số phát triển con người (HDI) thành phố thời kỳ đến năm 2020; Quyết định số 3814/QĐ- UBND ngày 23 tháng 12 năm 2015 của UBND thành phố về phê duyệt đề án giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố Cần Thơ đến năm 2020; Quyết định số 2194/QĐ-UBND ngày 07 tháng 7 năm 2016 của UBND thành phố về phê duyệt đề án chiến lược bảo vệ môi trường thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đồng thời, đã triển khai nghiên cứu và nghiệm thu đề tài cấp thành phố “Phát triển bền vững thành phố: Thực trạng và giải pháp”, kết quả nghiên cứu cơ bản đã hệ thống hóa được khung lý thuyết về phát triển bền vững tại Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu phân tích, đánh giá hiện trạng theo các chỉ tiêu lựa chọn và đề xuất giải pháp phát triển bền vững thành phố Cần Thơ.

Công tác cải cách hành chính (CCHC) triển khai đồng bộ, đặc biệt trong lĩnh vực hiện đại hóa nền hành chính nhà nước; triển khai có hiệu quả việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại sở, ngành và xã, phường, thị trấn; đến năm 2016 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 chiếm tỷ lệ 15%, mức độ 4 chiếm tỷ lệ 6%. Nhiều mô hình mới trong thực hiện CCHC được triển khai thực hiện1. Công tác tổ chức bộ máy được tăng cường; thường xuyên rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc thành phố và quận, huyện theo hướng gọn nhẹ, giảm bớt đầu mối, đa ngành, đa lĩnh vực, phát huy được hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước tại địa phương.

2. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, sự tham gia của cộng đồng về phát triển bền vững

Phát huy được vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc đưa tin, phát sóng các phóng sự về bảo vệ tài nguyên môi trường và biến đi khí hậu. Thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay của các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác bảo vệ tài nguyên môi trường. Thông tin công khai các hành vi vi phạm pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm lên án nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường. Phát huy hiệu quả sức mạnh của cộng đồng thông qua vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và các đoàn thể, tổ chức xã hội. Vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia tình nguyện công tác phòng chống ngập, lụt, ứng phó biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh tuyên truyền nhận thức về vai trò, ý nghĩa to lớn của bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học đối với phát triển bền vững qua các lớp tập huấn tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, lồng ghép nội dung ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vào chương trình đào tạo bồi dưỡng các khóa học về chuyên môn nghiệp vụ, chính trị. Thực hiện tích hợp các nội dung về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, công nghệ xanh và khai thác tài nguyên bền vững vào các môn học và hoạt động giáo dục, trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về các yếu tố, vai trò của môi trường đối với con người và tác động của con người đối với môi trường, phát triển kỹ năng bảo vệ và gìn giữ môi trường. Tập trung triển khai tuyên truyền về lĩnh vực tài nguyên môi trường có thể tạo các điểm nóng như bệnh viện, chợ đầu mối, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, tái chế phế liệu, kinh doanh xăng dầu,…

Lồng ghép nội dung bảo vệ tài nguyên môi trường vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện các cam kết về bảo vệ tài nguyên môi trường trong từng khu dân cư, các đơn vị cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội. Thường xuyên phát động các phong trào trồng cây xanh, xây dựng các mô hình xã, phường sạch rác, tổ tự quản, khu vực văn minh, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị, nông thôn mới”.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố đã đạt một số kết quả như sau: sản lượng tiết kiệm đạt trên 43 triệu kWh, chiếm 2,4% so với điện thương phẩm. Triển khai các công tác hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; trong năm 2016 đã tổ chức hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho trên 50 doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng mô hình quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 50001:2012 cho 02 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; tư vấn nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng, tăng cường quản lý năng lượng.

Trong các công trình tòa nhà và cơ quan: Đã tiến hành lắp đặt các sản phẩm tiết kiệm năng lượng như đèn huỳnh quang T5, T8, đèn huỳnh quang compact, các trang thiết bị được dán nhãn năng lượng như máy điều hòa nhiệt độ, quạt... Đồng thời xây dựng nội quy, quy chế sử dụng điện tiết kiệm của cơ quan, quan tâm tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng tiết kiệm điện cho cán bộ, công nhân viên trong đơn vị.

Trong chiếu sáng công cộng: Các đơn vị quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng đã quan tâm thực hiện một số giải pháp nhằm tiết kiệm năng lượng như: vận hành hệ thống theo thời gian từng mùa, quản lý công suất hệ thống chiếu sáng theo từng thời điểm bằng phương pháp cắt giảm bớt số bóng đèn thắp sáng (thực hiện cắt giảm 1/2 số lượng đèn chiếu sáng tại các tuyến đường, khu vực công cộng ngay từ tối và tiếp tục cắt giảm 1/2 số bóng đèn từ thời điểm 22 giờ đến sáng hôm sau). Kịp thời kiểm tra và khắc phục các sự cố hư hỏng hệ thống điện chiếu sáng, gây hao tốn điện năng. Qua đó, giảm đáng kể sản lượng điện sử dụng trong chiếu sáng công cộng.

Trong hộ gia đình: Cuộc vận động “Hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” và các Chương trình thi đua “Hộ gia đình tiết kiệm điện” được triển khai thực hiện trong thời gian qua với sự tham gia 13.000 hộ gia đình, đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong cộng đồng, góp phần giúp các hộ gia đình hiểu, nắm bắt được các kỹ năng cơ bản để sử dụng các thiết bị gia dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả.

3. Thực hiện lồng ghép các nguyên tắc, nội dung phát triển bền vững trong các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ

a) Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2013 - 2016

- Tăng trưởng kinh tế:

Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng phát triển theo chiều sâu, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng thành phố vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế đạt mức khá, GRDP giai đoạn 2013 - 2016 tăng 7,1%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 50,4 triệu đồng năm 2013 lên 65,3 triệu đồng vào năm 2016.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng các ngành có hàm lượng công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, đồng thời giảm dần tỷ trọng các ngành sử dụng nhiều tài nguyên và thâm dụng lao động, đáp ứng yêu cầu thị trường và hội nhập quốc tế; năm 2016, tỷ trọng khu vực nông nghiệp - thủy sản chiếm 9,32%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 32,53%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 58,15% (so với năm 2013, khu vực I tăng 2,09 điểm %; khu vực II giảm 6,89 điểm %; khu vực III tăng 4,80 điểm %).

- Hoạt động văn hóa, xã hội được duy trì và có nhiều tiến bộ:

Giáo dục và Đào tạo: Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện2. Công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có bước chuyển biến tích cực theo yêu cầu đổi mới. Mạng lưới trường học tiếp tục được đầu tư, phát triển, đến cuối năm 2016, công nhận 53 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số toàn thành phố hiện có 240/450 trường. Tỷ lệ huy động học sinh đến lớp tăng lên.

Y tế: Chủ động phòng chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, không có dịch lớn xảy ra. Quan tâm đầu tư mở rộng, nâng cấp hoàn thiện mạng lưới y tế, mua sắm trang thiết bị chuyên sâu, kỹ thuật cao phục vụ việc khám và chữa bệnh cho Nhân dân, khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên3; chất lượng nhân lực y tế được cải thiện rõ rệt, cán bộ khoa học kỹ thuật được tăng dần theo từng năm; đến năm 2016, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (cân nặng/tuổi) giảm còn 10,3%; tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 74,5%.

Giải quyết việc làm, đào tạo nghề, giảm nghèo: trong giai đoạn 2013 - 2016, giải quyết việc làm cho 218.388 lao động; tuyển mới và đào tạo nghề cho 156.754 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, đào tạo nghề đạt 51,8%. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo, thực hiện các chính sách trợ giúp người nghèo (y tế, giáo dục, điện, nước…) tạo cơ hội và điều kiện cho người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm, đến năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,81% tổng số hộ.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ