Quyết định 1092/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030 và Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Số hiệu 1092/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/07/2024
Ngày có hiệu lực 30/07/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Chí Giang
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1092/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 30 tháng 7 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG RỪNG NHẰM BẢO TỒN HỆ SINH THÁI RỪNG VÀ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI ĐẾN NĂM 2030 VÀ ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA HỆ SINH THÁI RỪNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 16 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Quyết định số 171/QĐ-TTg ngày 07/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 29/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Văn bản số 3146/BNN-LN ngày 03/5/2024 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc triển khai Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tại Tờ trình số 66/TTr-SNN&PTNT ngày 03/7/2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030 và Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên địa bàn tỉnh góp phần phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên nhằm phát huy tốt chức năng của từng loại rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, tăng cường trữ lượng các - bon của rừng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, danh lam thắng cảnh và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương; phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh;

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức đối với các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vai trò của việc phát triển, quản lý sử dụng bền vững các giá trị của hệ sinh thái rừng và nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng chống thiên tai. Khuyến khích người dân, các thành phần kinh tế tại địa phương tham gia thực hiện; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện Kế hoạch.

2. Yêu cầu:

- Tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện các biện pháp lâm sinh để nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, rừng trồng; việc nâng cao chất lượng rừng phải phù hợp với điều kiện sinh thái và chức năng của từng loại rừng; tập trung nâng cao chất lượng đối với diện tích rừng chất lượng kém, thấp, không đảm bảo yêu cầu chung đối với rừng trồng và khả năng phòng hộ đầu nguồn gắn với phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng để bảo tồn đa dạng sinh học và tăng khả năng phòng hộ của rừng;

- Khai thác và phát huy giá trị tổng hợp của hệ sinh thái rừng trên cùng một đơn vị diện tích, từ việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh doanh rừng trồng, thúc đẩy trồng rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ rừng đối với rừng sản xuất phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí có kiểm soát gắn với phát triển các làng nghề truyền thống và văn hóa bản địa góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân ở khu vực có rừng và người làm nghề rừng; phát triển dịch vụ môi trường rừng, trong đó có dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu; phát triển các hình thức nông, lâm, ngư kết hợp dưới tán rừng;

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức đối với các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vai trò, chức năng của hệ sinh thái rừng; vai trò của việc phát triển, quản lý sử dụng bền vững các giá trị của hệ sinh thái rừng; phổ biến, khuyến khích, vận động nhân dân và các thành phần kinh tế tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; trên cơ sở các chương trình hoạt động ưu tiên theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện lồng ghép xây dựng các chương trình, dự án cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan đơn vị.

II. NHIỆM VỤ

1. Về nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030:

1.1. Tổ chức điều tra xác định rõ hiện trạng, chất lượng, ranh giới, diện tích, trữ lượng, cây tái sinh rừng tự nhiên, rừng trồng (loài cây; cấp tuổi), trữ lượng các-bon rừng và đất chưa có rừng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc theo quy định; đề xuất các nội dung nhằm thực hiện phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

1.2. Xây dựng dự án/phương án hoặc kế hoạch nâng cao chất lượng rừng:

- Trên cơ sở rà soát, xác định cụ thể về hiện trạng, đối tượng, diện tích, loại rừng theo chủ quản lý rừng để xây dựng dự án/phương án hoặc kế hoạch nâng cao chất lượng rừng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; trong đó xác định cụ thể các biện pháp kỹ thuật lâm sinh như khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung; làm giàu rừng và nuôi dưỡng rừng cho từng đối tượng rừng;

- Lựa chọn loài cây trồng để nâng cao chất lượng rừng phù hợp với chức năng của từng loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất) cho từng vùng sinh thái để bảo tồn hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và tăng khả năng phòng hộ và nâng cao giá trị kinh tế của rừng. Ưu tiên lựa chọn các loài cây bản địa; loài cây đa tác dụng; loài có sức chống chịu ở những điều kiện lập địa khác nhau; loài có tác dụng kinh tế và bảo vệ môi trường, chống bạc màu, thoái hóa đất, các loài quý, hiếm...

1.3. Ứng dụng kết quả được tổng kết, tài liệu hóa từ các mô hình thí điểm nâng cao chất lượng rừng đã triển khai để thực hiện phù hợp với điều kiện tại địa phương.

2. Về phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050:

2.1. Phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ:

[...]