Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 312/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 312/KH-UBND
Ngày ban hành 23/09/2024
Ngày có hiệu lực 23/09/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Phi
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 312/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 23 tháng 9 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG RỪNG NHẰM BẢO TỒN HỆ SINH THÁI RỪNG VÀ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI.

Thực hiện Quyết định số 171/QĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030 với các nội dung sau:

I. Mục đích, mục tiêu và yêu cầu

1. Mục đích

Nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên nhằm phát huy tốt chức năng của từng loại rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, tăng cường trữ lượng các bon của rừng và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Mục tiêu

Đến hết năm 2030, toàn bộ diện tích 57.984,5 ha rừng tự nhiên bao gồm các loại rừng nghèo, nghèo kiệt và chưa có trữ lượng trên địa bàn toàn tỉnh được nâng cao chất lượng (cải thiện trữ lượng rừng, đa dạng tổ thành loài cây, có cấu trúc ổn định và bền vững) thông qua việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh phù hợp hoặc thông qua thực hiện quản lý, bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng, tăng cường tuần tra bảo vệ đáp ứng được yêu cầu về bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và phòng chống thiên tai.

2. Yêu cầu

Nâng cao chất lượng rừng phải phù hợp với điều kiện sinh thái và chức năng của từng loại rừng, tập trung nâng cao chất lượng đối với diện tích rừng tại các vùng bị suy thoái về đa dạng sinh học và có nguy cơ xảy ra thiên tai.

Thực hiện đồng bộ công tác quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện các biện pháp lâm sinh để nâng cao chất lượng rừng tự nhiên; phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng để bảo tồn đa dạng sinh học và tăng khả năng phòng hộ của rừng.

Việc áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng rừng không làm suy giảm đa dạng sinh học, suy giảm chức năng của rừng; tuân thủ các quy định pháp luật về lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học.

Sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, hỗ trợ đầu tư; lồng ghép với các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình đầu tư công và các Chương trình, dự án, đề án khác theo từng giai đoạn.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Đối tượng rừng

Các loại rừng tự nhiên là rừng nghèo, rừng nghèo kiệt và rừng chưa có trữ lượng để cải thiện về trữ lượng rừng, đa dạng tổ thành loài cây và cấu trúc rừng.

- Đối với diện tích rừng tự nhiên chưa áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh: Các chủ rừng, địa phương nghiên cứu, đề xuất lựa chọn các biện pháp kỹ thuật lâm sinh như: khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, làm giàu rừng và nuôi dưỡng rừng để áp dụng phù hợp đối với từng loại rừng, cho từng đối tượng theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018, Thông tư số 17/2022/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đối với diện tích rừng tự nhiên đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm hoặc không phù hợp để đề xuất áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh: Các chủ rừng, địa phương tiếp tục thực hiện quản lý, bảo vệ, chống chặt phá, phòng cháy và chữa cháy rừng, tăng cường công tác tuần tra bảo vệ.

2. Phạm vi thực hiện

Các chủ rừng: Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp La Ngà, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành.

Địa phương: Ủy ban nhân dân các huyện: Xuân Lộc, Tân Phú và Thành phố Long Khánh.

Tổng diện tích rừng tự nhiên là rừng nghèo, rừng nghèo kiệt và rừng chưa có trữ lượng trên địa bàn tỉnh dự kiến thực hiện nâng cao chất lượng là 57.984,5 ha, trong đó: rừng đặc dụng 41.267,2 ha; rừng phòng hộ 10.025,7 ha; rừng sản xuất là rừng tự nhiên 6.691,6 ha.

(Chi tiết tại Phụ lục đính kèm).

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2024 đến hết năm 2030.

III. Nhiệm vụ chủ yếu

1. Rà soát hiện trạng, xác định cụ thể diện tích, vị trí, ranh giới đối tượng rừng cần nâng cao chất lượng

Các chủ rừng, địa phương rà soát, xác định cụ thể về: hiện trạng, diện tích, vị trí, ranh giới từng loại rừng cần nâng cao chất lượng đảm bảo tính khả thi, phù hợp với đặc điểm, hiện trạng về trữ lượng, cấu trúc tổ thành loài cây, cấu trúc từng loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất theo hướng sau:

[...]