Quyết định 09/2006/QĐ-UBND phê duyệt Phương án điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn năm 2006 – 2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành

Số hiệu 09/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 12/01/2006
Ngày có hiệu lực 22/01/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Trần Văn Lợi
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2006/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 12 tháng 01 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CHỢ, SIÊU THỊ, TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN NĂM 2006 – 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;
Căn cứ Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 31/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển chợ đến năm 2010;
Xét đề nghị của Sở Thương mại và Du lịch tại Tờ trình số 66/TTr-STMDL-QLTM ngày 09/12/2005 về việc phê duyệt phương án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006 – 2010 và tình hình thực tế của địa phương,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Phương án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn năm 2006 – 2010 được ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Ông chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan của tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Thủ Dầu Một chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này sau 10 ngày kể từ ngày ký.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Thương mại;
- TTTU, TTHĐND, CT&PCT;
- Như điều 2;
- Sở TP;
- LĐVP, CV;
- Lưu VPUB.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Lợi

 

PHƯƠNG ÁN

ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CHỢ, SIÊU THỊ, TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG (GIAI ĐOẠN 2006 – 2010)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2006/QĐ-UBND ngày 12 tháng 01 năm 2006 của UBND tỉnh)

Phần thứ nhất.

SỰ HÌNH THÀNH VÀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CHỢ, SIÊU THỊ, TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG (GIAI ĐOẠN 2001 – 2005)

I. ĐẶC ĐIỂM VÀ SỰ HÌNH THÀNH CỦA CÁC CHỢ, SIÊU THỊ VÀ TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH:

1. Đặc điểm hình thành:

Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía Nam giáp Thành phố Hồ Chí Minh, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh, phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước. Trong đó Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai có vị trí tiếp giáp thuận lợi là đầu mối giao lưu về kinh tế - văn hóa của cả nước, Tây Ninh và Bình Phước là hai tỉnh có đường biên giới khá dài tiếp giáp với Campuchia, từ đó có ảnh hưởng rất lớn đến việc giao lưu hàng hóa của tỉnh Bình Dương.

Tổng mức hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ hàng năm tăng lên liên tục. Năm 2001 đạt 4.773,9 tỷ đồng, năm 2002 đạt 5.514,5 tỷ đồng, năm 2003 đạt 5.994,3 tỷ đồng, năm 2004 đạt 7.552,5 tỷ đồng, năm 2005 ước đạt 8.836 tỷ đồng góp phần tăng trưởng tỉnh nhà theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế Công nghiệp – thương mại – dịch vụ và nông nghiệp.

Các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực thương mại – dịch vụ tăng khá nhanh. Năm 2001 có 13.953 cơ sở và doanh nghiệp thì đến năm 2004 tăng lên 30.431 cơ sở và doanh nghiệp. Trong đó hộ kinh doanh cá thể năm 2001 là 13.517 hộ, năm 2004 là 29.739 hộ.

Sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung chủ yếu ở các huyện, thị phía Nam (thị xã Thủ Dầu Một, huyện Thuận An, Dĩ An) và có xu hướng phát triển mạnh ở các huyện phía Bắc (Tân Uyên, Phú Giáo, Bến Cát, Dầu Tiếng).

- Vùng phía Nam

Gồm thị xã Thủ Dầu Một, huyện Thuận An, Dĩ An có diện tích 232,23 km2, dân số 740.427 người. Trong đó dân nhập cư là 239.795 người. Ngoài ra khu vực lân cận như Nam Tân Uyên và Nam Bến Cát tiếp giáp với vùng này cũng khá phát triển, dân số tập trung ngày càng đông. Nhìn chung, khu vực phía Nam có quá trình phát triển lâu dài và có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, khu dân cư tập trung cho nên việc phát triển chợ, siêu thị, trung tâm thương mại là tất yếu khách quan trong giai đoạn hiện nay.

- Vùng phía Bắc

Gồm các huyện: Tân Uyên, Phú Giáo, Bến Cát, Dầu Tiếng có diện tích 2.463,1 km2, dân số 474.701 người. Trong đó dân nhập cư là 50.233 người. Hiện nay hoạt động các chợ vùng này vẫn còn chậm phát triển chủ yếu là chợ phiên phục vụ hàng tiêu dùng, và đời sống hàng ngày là chủ yếu, ngoại trừ các chợ ở trung tâm huyện. Tuy nhiên với xu hướng thu hút đầu tư của tỉnh Bình Dương, vấn đề đặt ra là phải phát triển thương mại – dịch vụ gắn liền với sản xuất công nghiệp và nông nghiệp; trong đó đầu tư cơ sở hạ tầng về chợ truyền thống, chợ đầu mối và một số siêu thị cần thiết để phục vụ nhân dân.

2. Đặc điểm trao đổi hàng hóa, dịch vụ qua các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

- Về chợ:

Thực tế hoạt động kinh doanh của các chợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương từ thành thị đến nông thôn cho thấy việc mua bán trao đổi hàng hóa thông qua chợ với các mặt hàng rất đa dạng, phần lớn là các mặt hàng nông sản, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng phục vụ cho đời sống hàng ngày của nhân dân lao động và một phần là các mặt hàng truyền thống của địa phương như sơn mài, gốm sứ, thủ công mỹ nghệ…

Nguồn hàng hóa lưu thông vào chợ tập trung từ Thành phố Hồ Chí Minh thông qua hệ thống bán buôn của các nhà trực tiếp sản xuất như kim khí điện máy, vải, đồ nhựa… phần còn lại là lương thực, nông sản thông qua phương tiện đường sông và đường bộ từ các tỉnh Miền Tây về cung cấp cho các tiểu thương tại chợ.

[...]