THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
559/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2004
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 559/QĐ-TTG NGÀY 31 THÁNG 5 NĂM
2004 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CHỢ ĐẾN NĂM 2010
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 về phát triển và
quản lý chợ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
Phê duyệt Chương trình phát triển chợ đến năm 2010 với những nội dung chủ yếu
như sau :
I. MỤC TIÊU CỦA
CHƯƠNG TRÌNH
1. Mục tiêu tổng quát:
Phát triển và khai thác có hiệu
quả mạng lưới chợ với sự đa dạng về loại hình và cấp độ chợ; đồng thời đổi mới
về tổ chức và quản lý chợ trên tất cả các địa bàn, nhất là địa bàn nông thôn,
miền núi; góp phần mở rộng thị trường, đẩy mạnh lưu thông hàng hoá và kinh
doanh dịch vụ; tiêu thụ ngày càng nhiều nông sản hàng hoá và cung cấp ngày càng
đầy đủ vật tư, hàng tiêu dùng, góp phần phát triển sản xuất và cải thiện đời sống
nhân dân, nhất là người dân ở nông thôn, miền núi.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Giai đoạn 1 (từ năm 2004 -
2005):
- Hoàn thành công tác quy hoạch
phát triển chợ trên phạm vi cả nước; trên cơ sở đó, có kế hoạch thực hiện trong
từng năm đến năm 2010.
- 40% cán bộ quản lý chợ ở địa
bàn nông thôn, miền núi và 60 % cán bộ quản lý chợ ở địa bàn thành thị được đào
tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ quản lý và khai thác chợ với trình độ và
hình thức đào tạo phù hợp.
- Hình thành một số chợ đầu mối
nông, lâm, thủy hải sản (gọi chung là chợ nông sản) và chợ loại I theo quy hoạch
ở các vị trí trọng điểm về kinh tế - thương mại của vùng hoặc tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) theo mô hình mới; hoàn thành Chợ cà
phê ở Đắk Lắk và giai đoạn I Chợ thóc gạo Cần Thơ, Chợ nông sản ở Nghệ An vào
cuối năm 2005.
- ở khu vực thành thị: gắn quy
hoạch chợ với quy hoạch phát triển các siêu thị, trung tâm bán buôn, trung tâm
bán lẻ, trung tâm thương mại; đến cuối năm 2005, về cơ bản hoàn thành việc sửa chữa,
nâng cấp các chợ lớn, trung tâm (là đầu mối phát luồng hàng hoá) và di chuyển
xong các chợ đầu mối nông sản ở nội thành ra vùng ngoại ô; trong các khu đô thị
mới đều có chợ; giải toả hết số chợ tạm, chợ cóc gây mất trật tự, ô nhiễm vệ
sinh môi trường và ảnh hưởng đến an toàn giao thông; khắc phục dần tình trạng
buôn bán hàng rong, buôn bán trên vỉa hè, lòng lề đường để bảo đảm văn minh đô
thị và văn minh thương mại.
- ở khu vực nông thôn : đến cuối
năm 2005, 25% số chợ trong quy hoạch đang hoạt động được nâng cấp, cải tạo; xây
dựng thêm các chợ tại cụm dân cư mới và tại các xã chưa có chợ nhưng có nhu cầu
họp chợ, phát huy vai trò của chợ trong các cụm kinh tế - thương mại dịch vụ ở
thị trấn, thị tứ.
- ở khu vực miền núi: hoàn thành
việc xây dựng các chợ tại các trung tâm cụm xã thuộc các Chương trình phát triển
kinh tế - xã hội (theo kế hoạch thực hiện của từng chương trình); xây dựng xong
25% số chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu nằm trong
quy hoạch; duy trì các chợ phiên nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trao đổi,
mua bán và yêu cầu mở rộng các điểm kinh doanh, góp phần thúc đẩy sự hình thành
các yếu tố của sản xuất hàng hoá và đáp ứng đòi hỏi trong cuộc sống hàng ngày của
đồng bào.
b) Giai đoạn 2 (từ năm 2006 -
2010) :
- Các chợ trên các địa bàn (bao
gồm cả chợ đầu mối nông sản, chợ loại I ở các vị trí trọng điểm, chợ biên giới,
chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu) nằm trong quy hoạch được cải tạo,
nâng cấp hoặc xây mới theo hướng kiên cố hoá, từng bước hiện đại hoá; về cơ bản
không còn chợ tạm thời, chợ tranh, tre, nứa, lá.
- Các chợ trong quy hoạch có bộ
máy quản lý phù hợp, chủ yếu theo mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh
và quản lý chợ.
- Cơ bản hoàn thành việc đào tạo,
bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý chợ (trong quy hoạch)
với trình độ và hình thức đào tạo phù hợp.
- Đưa hoạt động của chợ vào trật
tự, nền nếp, góp phần tích cực vào việc tổ chức và quản lý kinh tế - xã hội, đẩy
mạnh tiêu thụ hàng hoá, phục vụ thuận tiện cho người tiêu dùng và nâng cao hiệu
lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với chợ.
II. PHẠM VI CỦA
CHƯƠNG TRÌNH
1. Chương trình được thực hiện
trên phạm vi cả nước; ưu tiên hỗ trợ đầu tư để thực hiện Chương trình đối với
những vùng và địa phương có sản xuất hàng hoá nông sản lớn, tập trung và khu vực
biên giới, các xã đặc biệt khó khăn ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và
vùng đồng bào dân tộc (nơi đang có nhu cầu bức xúc về chợ).
2. Thời gian thực hiện Chương
trình từ năm 2004 đến năm 2010 chia thành 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Từ năm 2004 -
2005.
- Giai đoạn 2: Từ năm 2006 -
2010.
III. NỘI DUNG
CHỦ YẾU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
Nội dung chủ yếu của Chương
trình là xây dựng và thực hiện các dự án sau:
1. Quy hoạch hệ thống chợ trên địa
bàn các tỉnh và trên phạm vi cả nước.
2. Xây dựng và ban hành các tiêu
chuẩn kỹ thuật và thiết kế mẫu áp dụng cho các loại hình và cấp độ chợ trong cả
nước.
3. Xây dựng và thực hiện các dự
án chợ đầu mối nông sản (cấp vùng và cấp tỉnh).
4. Xây dựng và thực hiện các dự
án phát triển mạng lưới chợ ở địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc
(trừ các chợ đầu mối nông sản).
5. Xây dựng và thực hiện các dự
án phát triển mạng lưới chợ ở địa bàn thành thị và vùng nông thôn đồng bằng (trừ
các chợ đầu mối nông sản).
IV. CÁC GIẢI
PHÁP
1. Giải
pháp về quy hoạch:
a) Đối với các tỉnh đã có quy hoạch
chợ trước khi có Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2003 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Đề án tiếp tục tổ chức thị trường trong nước, tập trung
phát triển thương mại nông thôn đến năm 2010 và Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày
14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ: cần tiến hành
lập dự án sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa
bàn cho phù hợp với chủ trương, chính sách mới về thương mại nói chung, về phát
triển và quản lý chợ nói riêng, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của
địa phương.
b) Đối với các tỉnh chưa có quy
hoạch chợ: trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa
phương nói chung và quy hoạch phát triển thương mại nói riêng, cần tiến hành điều
tra, đánh giá thực trạng các loại chợ hiện có; căn cứ vào những tiêu chí cơ bản
như mật độ dân số, tập quán sinh hoạt, thị hiếu tiêu dùng, khả năng nguồn hàng,
nhu cầu lưu chuyển, trao đổi, mua, bán trong và ngoài địa bàn để lập dự án quy
hoạch phát triển mạng lưới chợ phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước,
phù hợp với đặc điểm và tình hình thực tế của địa phương; trên cơ sở đó đề ra kế
hoạch xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và di dời các chợ.
c) Trong quy hoạch phát triển hệ
thống chợ của các tỉnh cần xác định danh mục các dự án chợ ưu tiên đầu tư,
trong đó có phân chia bước đi cho giai đoạn từ năm 2004 - 2005, giai đoạn từ
năm 2006 - 2010 và hàng năm.
d) Đối với các chợ hình thành tự
phát, chưa được quy hoạch, chợ tạm: cần tiến hành xem xét, đánh giá từng chợ;
chỉ đưa vào quy hoạch và có kế hoạch nâng cấp, cải tạo hoặc xây mới những chợ
đang hoạt động có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu mua, bán của nhân dân trên địa
bàn.
đ) Trên cơ sở Chiến lược phát
triển kinh tế - xã hội của cả nước, Quy hoạch phát triển thương mại và Quy hoạch
phát triển mạng lưới chợ của các tỉnh để xây dựng Quy hoạch phát triển tổng thể
mạng lưới chợ của ngành thương mại trên phạm vi toàn quốc.
2. Giải pháp
về cơ chế, chính sách:
a) Về đầu tư:
- Hoạt động đầu tư xây dựng chợ
được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của Luật Khuyến khích đầu tư trong
nước (sửa đổi) số 03/1998/QH10 ngày 20 tháng 5 năm 1998, Nghị định số
51/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành
Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi), Nghị định số 35/2002/NĐ-CP ngày
29 tháng 3 năm 2002 về việc sửa đổi, bổ sung Danh mục A, B, C ban hành theo Nghị
định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ. Riêng ưu đãi về
thuế thu nhập doanh nghiệp, thực hiện theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số
09/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 và Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22
tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập
doanh nghiệp.
- Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách
nhà nước hỗ trợ xây dựng chợ theo quy định của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày
14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ.
- Đối với các chợ ở miền núi và
chợ biên giới, vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ của Chương
trình này theo hướng lồng ghép với nguồn vốn thuộc các Chương trình phát triển
kinh tế - xã hội đối với miền núi đã và đang được thực hiện như Chương trình
135, Chương trình xoá đói giảm nghèo và việc làm... Riêng chợ cửa khẩu quốc
gia, quốc tế, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu áp dụng chính sách ưu đãi đối với
khu kinh tế cửa khẩu theo Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2001
của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với khu kinh tế cửa khẩu biên giới.
- Dành một tỷ lệ thích đáng từ
các nguồn thu ở chợ (ngoài thuế) để tái đầu tư, trước hết là sửa chữa, nâng cấp
đối với các chợ đã xuống cấp nghiêm trọng, các chợ không bảo đảm điều kiện hoạt
động.
b) Về tài chính, tín dụng :
- Bộ máy quản lý của chợ tổ chức
theo mô hình ban quản lý hay doanh nghiệp đều thực hiện nguyên tắc: giao quyền
tự chủ về tài chính cho các đơn vị tự cân đối, tự hạch toán thu chi, tự chịu
trách nhiệm về tài chính, gắn với hiệu quả hoạt động và quản lý theo pháp luật.
- Tăng cường quản lý thu thuế đối
với các hộ kinh doanh ngoài chợ, bảo đảm chống thất thu và công bằng giữa các hộ
kinh doanh trong và ngoài chợ.
- Cục Thuế các tỉnh khi giao chỉ
tiêu thu thuế cho các chợ cần khảo sát, đánh giá kỹ tình hình thực tế và tham
khảo ý kiến của Hội đồng tư vấn thuế ở từng chợ nhằm đưa ra mức thu phù hợp với
doanh số bán của các hộ kinh doanh.
- Thương nhân hoạt động kinh
doanh trong chợ thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày
31 tháng 3 năm 1998 và Nghị định số 02/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2002 về
chính sách phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc được
hưởng ưu đãi theo quy định của các Nghị định nói trên. Riêng ưu đãi về thuế thu
nhập doanh nghiệp, thực hiện theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số
09/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 và Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22
tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập
doanh nghiệp.
c) Về đất đai:
- Trong quá trình xây dựng quy
hoạch tổng thể hoặc quy hoạch chi tiết để phát triển các khu kinh tế, khu cư
dân mới, các tỉnh phải có quỹ đất để xây dựng các chợ của địa phương.
- Bố trí vị trí, địa điểm, diện
tích chợ phù hợp quy hoạch, đáp ứng yêu cầu họp chợ trước mắt và khả năng mở rộng
quy mô của chợ trong giai đoạn sau.
3. Giải pháp
huy động và khai thác các nguồn lực để đầu tư xây dựng chợ:
a) Xác định và thông báo công
khai danh mục các chợ được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân
sách (Trung ương và địa phương) kèm theo mức hỗ trợ; các chợ được xây dựng bằng
nguồn vốn doanh nghiệp, cá nhân và hình thức, mức độ huy động vốn.
b) Thực hiện xã hội hoá trong việc
xây dựng, cải tạo, nâng cấp các chợ ở địa phương với phương châm nhà nước và
nhân dân cùng làm trên cơ sở tự nguyện và cùng có lợi, với các hình thức chủ yếu
sau:
- Các chủ thể sản xuất, kinh
doanh có nhu cầu kinh doanh tại chợ góp vốn đầu tư xây dựng chợ hoặc các cơ sở
hạ tầng liên quan đến chợ và tham gia quản lý chợ.
- Vận động các doanh nghiệp đóng
trên địa bàn trích một phần kinh phí tiếp thị, quảng cáo để đầu tư xây dựng chợ;
đổi lại họ sẽ được một diện tích nhất định trong chợ để trưng bày giới thiệu sản
phẩm của mình.
- Đối với các chợ quy mô lớn có
thể liên doanh, liên kết đầu tư với các đối tác trong và ngoài nước để tạo nguồn
vốn.
4. Giải pháp
bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý chợ:
a) Để khắc phục tình trạng đa số
cán bộ quản lý các chợ trong biên chế nhà nước được điều động từ các ngành
khác, không có nghiệp vụ chuyên ngành, chủ yếu là quản lý theo kinh nghiệm, cần
mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công tác quản lý chợ cho số cán bộ
hiện có và đào tạo những cán bộ chuyên về công tác quản lý chợ lâu dài cho các
địa phương.
b) Chương trình đào tạo, bồi dưỡng
được chia thành hai loại với nội dung phù hợp với hai nhóm đối tượng sau :
- Nhóm 1: các cán bộ quản lý nhà
nước về chợ của các Sở Thương mại, Phòng Công - Thương hoặc Phòng Tài chính - Kế
hoạch - Thương mại tại các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các xã, phường, thị trấn.
- Nhóm 2: cán bộ của các Ban Quản
lý chợ, doanh nghiệp và hợp tác xã kinh doanh chợ, Tổ quản lý chợ và các nhân
viên trực tiếp làm công tác quản lý chợ.
c) Các tỉnh phối hợp với các trường
thuộc Bộ Thương mại tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ
cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên quản lý chợ. Ngoài ra, các tỉnh có thể
tự tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn ngắn ngày tại địa phương với
các hình thức thích hợp.
V. NGUỒN VỐN
VÀ SỬ DỤNG VỐN
1. Nguồn vốn thực hiện Chương
trình:
Nguồn vốn để thực hiện Chương
trình được huy động từ vốn đầu tư phát triển của Nhà nước (bao gồm vốn từ ngân
sách trung ương, địa phương và các nguồn viện trợ không hoàn lại), vốn vay tín
dụng, vốn của các chủ thể sản xuất, kinh doanh, vốn của nhân dân đóng góp và
các nguồn vốn hợp pháp khác. Trong đó, vốn của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh,
tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư... là nguồn vốn chủ yếu để thực hiện Chương
trình phát triển chợ đến năm 2010.
a) Ngân sách nhà nước :
- Sử dụng ngân sách nhà nước để
thực hiện các dự án Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc
và phạm vi của từng tỉnh.
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ xây
dựng hạ tầng kỹ thuật đối với các dự án:
+ Xây dựng các chợ đầu mối nông
sản:
Các tỉnh sử dụng ngân sách địa
phương và huy động các nguồn vốn khác là chính, ngân sách trung ương hỗ trợ một
phần xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với chợ đầu mối nông sản cấp vùng và chợ đầu
mối nông sản cấp tỉnh.
+ Xây dựng các chợ ở các cụm xã
vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo thuộc các Chương trình phát triển kinh tế
- xã hội, xóa đói giảm nghèo, định canh định cư của Nhà nước:
Do nguồn vốn ngân sách nhà nước
dành cho xây dựng chợ thuộc trung tâm cụm xã (thuộc Chương trình 135) và chợ nằm
trong danh sách các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình xoá đói giảm nghèo và việc
làm) còn thấp, ngân sách trung ương hỗ trợ thêm (mức cụ thể xét theo đề nghị của
Ủy ban nhân dân tỉnh) đối với những chợ chưa hoàn thành xây dựng do thiếu vốn đầu
tư ở những nơi đang cần chợ để đáp ứng nhu cầu của sản xuất, kinh doanh và đời
sống của nhân dân.
Trong số các chợ thuộc Chương
trình 135, ưu tiên hỗ trợ đầu tư đối với các chợ biên giới (nằm trong quy hoạch)
đang hoạt động nhưng chưa phải chợ kiên cố hoặc bán kiên cố.
Vốn đầu tư xây dựng các chợ cửa
khẩu quốc gia, quốc tế, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu theo quy định tại Quyết
định số 53/2001/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về
chính sách đối với khu kinh tế cửa khẩu biên giới.
+ Chợ loại I theo quy hoạch ở vị
trí trọng điểm về kinh tế thương mại của tỉnh, thành phố, làm trung tâm giao
lưu hàng hóa và phục vụ nhu cầu tiêu dùng của các thành phố, thị xã lớn.
b) Vốn tín dụng:
Các chủ đầu tư xây dựng các dự
án phát triển mạng lưới chợ thực hiện vay vốn từ các tổ chức tín dụng theo quy
định hiện hành.
c) Vốn huy động của các chủ thể
sản xuất, kinh doanh và nhân dân:
Các chủ đầu tư xây dựng các dự
án phát triển mạng lưới chợ được huy động vốn của các doanh nghiệp, tổ chức, cá
nhân, hộ kinh doanh, cộng đồng cư dân và các nguồn vốn hợp pháp khác để xây dựng
nhà chợ, các sạp hàng, quầy hàng, công trình dịch vụ và các hạng mục khác của
chợ.
2. Quản lý và sử dụng vốn
ngân sách nhà nước:
Các Bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh
được giao vốn ngân sách nhà nước thực hiện các dự án của Chương trình có trách
nhiệm quản lý, sử dụng nguồn vốn đó đúng mục đích, đúng đối tượng và đúng quy định
hiện hành của Nhà nước. Việc phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương để thực hiện
các dự án của Chương trình tại các địa phương theo kế hoạch hàng năm, không
mang tính bình quân, chia đều cho từng tỉnh mà ưu tiên phát triển các chợ đầu mối
nông sản tại các địa bàn có kinh tế hàng hoá phát triển, chợ biên giới, chợ ở
miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm
quyền phê duyệt.
VI. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của các Bộ,
ngành:
a) Bộ Thương mại là cơ quan chỉ
đạo và tổ chức thực hiện Chương trình trong phạm vi cả nước, có trách nhiệm:
- Xây dựng kế hoạch tổng thể và
kế hoạch từng năm để triển khai Chương trình; chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân
dân các tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản, Bộ Xây dựng, Bộ
Tài nguyên - Môi trường cùng các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh
xây dựng dự án Quy hoạch mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc, thời gian thực
hiện từ năm 2004 - 2005.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng
ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật và thiết kế mẫu đối với các loại hình và cấp độ chợ,
thời gian thực hiện năm 2004.
- Hướng dẫn, chỉ đạo các tỉnh
xây dựng các dự án về quy hoạch và phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn; phối
hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh Cần Thơ, Đắk Lắk, Nghệ An và các Bộ, ngành
liên quan xây dựng thí điểm 3 chợ đầu mối nông sản cấp vùng theo mô hình mới:
Chợ thóc gạo tại Cần Thơ, thời gian thực hiện từ năm 2004 - 2010, giai đoạn I
(từ năm 2004 - 2005); Chợ cà phê tại Đắk Lắk, thời gian thực hiện từ năm 2004 -
2005; Chợ nông sản tại Nghệ An, thời gian thực hiện từ năm 2004 - 2010, giai đoạn
I (từ năm 2004 - 2005); sau đó tổng kết, hoàn thiện mô hình để phổ biến, nhân rộng.
- Chỉ đạo các địa phương triển
khai thực hiện Chương trình theo kế hoạch; tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ
thực hiện Chương trình tại các địa phương; định kỳ 6 tháng và hàng năm, tổng hợp
kết quả thực hiện Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Ủy quyền Bộ trưởng Bộ Thương mại
thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển chợ đến năm 2010 (gọi tắt là Ban
Chỉ đạo) do Bộ Thương mại chủ trì, gồm Thứ trưởng Bộ Thương mại làm Trưởng ban
và đại diện lãnh đạo của các Bộ, ngành có liên quan; xây dựng nội dung, quy chế
hoạt động của Ban và cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện Chương trình; kinh
phí hoạt động của Ban Chỉ đạo do Bộ Thương mại tự cân đối.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư có
trách nhiệm:
- Phối hợp với Bộ Thương mại,
các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh trong việc xây dựng Quy hoạch
phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc.
- Hàng năm, xây dựng trình Chính
phủ phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng các chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ vốn
đầu tư.
- Xem xét, thẩm định những dự án
thực hiện Chương trình thuộc chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Kế hoạch
và Đầu tư do pháp luật quy định.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài
chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thương mại và các cơ quan liên quan có
giải pháp cân đối các nguồn vốn, bố trí theo kế hoạch hàng năm trình Chính phủ
quyết định để đầu tư thực hiện các dự án của Chương trình (các dự án sử dụng
ngân sách nhà nước).
c) Bộ Tài nguyên và Môi trường
chủ trì, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Thương mại hướng dẫn
các địa phương về việc sử dụng đất để triển khai Chương trình.
d) Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây
dựng, Bộ Bưu chính, Viễn thông giúp các tỉnh về các giải pháp xây dựng kết cấu
hạ tầng như đường giao thông, bưu điện, thông tin liên lạc... tạo thuận lợi cho
việc xây dựng chợ cũng như hoạt động của chợ, giữ gìn cảnh quan, môi trường.
2. Trách nhiệm của Ủy ban
nhân dân các tỉnh:
a) Xây dựng kế hoạch triển khai
thực hiện Chương trình phát triển chợ hàng năm trình Chính phủ và báo cáo Ban
Chỉ đạo. Kế hoạch này nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
(được ghi thành mục riêng), có dự toán kinh phí để thực hiện Chương trình,
trong đó đề xuất cụ thể phần vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ
Thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan để xây dựng và thực
hiện các dự án: quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh; xây dựng
chợ đầu mối nông sản, thực phẩm cấp vùng và cấp tỉnh; phát triển mạng lưới chợ ở
địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc; phát triển mạng lưới chợ ở địa
bàn thành thị và vùng nông thôn đồng bằng.
Thời gian thực hiện các dự án
trên từ năm 2004 - 2010. Thời gian hoàn thành từng dự án theo mục tiêu cụ thể đề
ra trong Chương trình.
c) Xây dựng và ban hành các cơ
chế, chính sách và giải pháp nhằm huy động, khai thác các nguồn lực của địa
phương, nhất là nguồn lực của các chủ thể sản xuất kinh doanh và nhân dân trên
địa bàn để thực hiện các nhiệm vụ và các dự án được phân công trong Chương
trình.
d) Trong quá trình xây dựng chợ,
giao cho chính quyền cơ sở tổ chức thực hiện những phần việc mà người dân địa
phương có thể đảm nhận để vừa góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho một bộ
phận nhân dân, vừa nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong quá trình quản
lý và khai thác chợ sau này.
đ) Chỉ đạo, triển khai kết hợp
kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển và
quản lý chợ trên địa bàn tỉnh, việc thực hiện các dự án của Chương trình, nhất
là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản (thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp,
di dời và xây dựng mới các chợ trên địa bàn) theo đúng kế hoạch, đúng quy định,
bảo đảm chất lượng, chống thất thoát và tiêu cực.
e) Ủy ban nhân dân các tỉnh
thành lập Ban Quản lý Chương trình phát triển chợ (gọi tắt là Ban Quản lý) do một
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban kiêm ủy viên
thường trực là Giám đốc Sở Thương mại, kinh phí hoạt động của Ban Quản lý do ủy
ban nhân dân các tỉnh tự cân đối. Ban Quản lý triển khai thực hiện Chương trình
theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm do Chủ tịch ủy ban nhân
dân tỉnh quy định; thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo, giúp Ủy ban
nhân dân các tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả các dự án đã được phân công
trong Chương trình.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Các
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này.