Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 2298/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp - TTCN tỉnh Quảng Nam đến 2020, xét đến 2025

Số hiệu 2298/QĐ-UBND
Ngày ban hành 26/07/2013
Ngày có hiệu lực 26/07/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Đinh Văn Thu
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2298/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 26 tháng 07 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TTCN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2020, CÓ XÉT ĐẾN 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định 2836/QĐ-BCT ngày 06/5/2013 của Bộ Công Thương về phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 998/QĐ-UBND ngày 01/4/2011 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập Đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp - TTCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2025;

Theo Công văn của Bộ Công Thương số 12766/BCT-KH ngày 28/12/2012 về việc góp ý dự thảo báo cáo Quy hoạch phát triển công nghiệp - TTCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến 2020, có xét đến 2025;

Xét hồ sơ quy hoạch kèm theo Công văn số 131/SCT-QLCN ngày 30/01/2013 của Sở Công Thương Quảng Nam;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 213/TTr-SKHĐT ngày 16/5/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển công nghiệp - TTCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, có xét đến 2025 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu chung:

Mục tiêu từ nay đến năm 2020 là huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển nhanh, bền vững nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Phấn đấu đưa Quảng Nam đạt mức khá ở khu vực miền Trung, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

b) Một số chỉ tiêu chủ yếu cụ thể:

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 là 20%/năm, giai đoạn 2016-2020: 17%/năm và giai đoạn 2021 - 2025: 15%/năm;

- Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu GDP năm 2015 chiếm 43,5% và năm 2020 chiếm 46,5% (trong đó tỷ trọng công nghiệp là 36,5% và 41%);

- Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt khoảng 61.180 tỷ đồng vào năm 2015; 134.130 tỷ đồng vào 2020 và 269.790 tỷ đồng vào 2025 (tính theo GCĐ 94 đạt khoảng 25.250 tỷ đồng vào năm 2015; 55.200 tỷ đồng vào 2020 và 111.000 tỷ đồng vào 2025).

- Lao động công nghiệp chiếm tỷ trọng 19,9% trong tổng số lao động các ngành kinh tế vào năm 2015; 26,5% vào năm 2020 và 33% vào năm 2025 tương ứng với số lao động là 175.000 người vào năm 2015; 250.000 người vào năm 2020 và 346.000 người vào năm 2025;

- Phủ điện đến 100% số xã và 99% số hộ trong toàn tỉnh vào năm 2020;

- Cơ cấu trong nội bộ ngành công nghiệp giai đoạn 2015 và 2020 (theo giá so sánh 2010) tương ứng với ngành khai khoáng: 6,6% và 5,4%; ngành chế biến: 84,9% và 84,7%; ngành điện nước, khí đốt: 8% và 8,9% và hoạt động cung cấp nước, xử lý rác thải là 0,58 và 0,95;

- Tốc độ tăng trưởng ngành khai khoáng giai đoạn 2011-2015: 18%, 2016 - 2020: 10,4%; ngành chế biến giai đoạn 2011-2015: 19,9%, 2016-2020: 17,1%; ngành SX, PP điện nước, khí đốt giai đoạn 2011-2015: 21,6%, 2016-2020: 18,5% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải 2011-2015 là 33,1% và 2016 - 2020 là 26,2%.

2. Định hướng phát triển công nghiệp

- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp tăng trưởng nhanh, bền vững, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo với hàm lượng khoa học công nghệ trong giá trị sản phẩm ngày càng cao.

- Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn và chủ lực như: công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, công nghiệp sản xuất và phân phối điện; công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm, thức uống; công nghiệp dệt may - da giày; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp khai khoáng; công nghiệp cơ khí; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề...

- Hình thành các trung tâm công nghiệp theo vùng gắn với lợi thế và nguồn lực của từng vùng để ưu tiên phát triển:

+ Đối với vùng Đông (vùng đồng bằng ven biển, hải đảo): Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nhất là các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, công nghiệp chế biến... ; lấy công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, công nghiệp cơ khí làm ngành mũi nhọn kết hợp với phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết nhiều lao động, đóng góp vào ngân sách. Tập trung phát triển công nghiệp tại một số khu vực trọng điểm có tác động lan tỏa, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Huy động nguồn vốn đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các khu công nghiệp: Bắc Chu Lai, Tam Hiệp, Tam Anh, Tam Thăng, Cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải, Điện Nam - Điện Ngọc, Đông Quế Sơn, Thuận Yên, Phú Xuân... để nâng cao tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp. Đầu tư nâng cấp một số cụm công nghiệp ở các huyện, thành phố nhằm thu hút đầu tư tạo động lực phát triển cho cả vùng. Đây là vùng phát triển công nghiệp động lực của tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 và năm 2025.

[...]