Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 6681/KH-UBND năm 2013 thực hiện Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 6681/KH-UBND
Ngày ban hành 20/08/2013
Ngày có hiệu lực 20/08/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Thành Trí
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6681/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 20 tháng 8 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN GIAI ĐOẠN 2013 - 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, với những nội dung chủ yếu như sau:

Phần I

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC CHĂM SÓC, BẢO VỆ VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2001 - 2012

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC CHĂM SÓC, BẢO VỆ VÀ NÂNG CAO SỨC KHOẺ NHÂN DÂN GIAI ĐOẠN 2001 - 2012

1. Những chỉ số y tế và sức khỏe chủ yếu tỉnh Đồng Nai đến năm 2012

a) Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế: 100%, (theo chuẩn cũ);

b) Tỷ lệ Bác sỹ/vạn dân: 6;

c) Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có bác sỹ trong định biên: 95%;

d) Tỷ lệ giường bệnh/vạn dân: 21,5 (trong đó có 0,5 giường ngoài công lập);

đ) Tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi suy dinh dưỡng theo cân nặng: 11,5%;

e) Tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ: 99%;

g) Tỷ lệ tăng dân số số tự nhiên 1,1%;

2. Những kết quả đạt được

a) Với vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đã lãnh đạo chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ y tế: Phòng chống dịch, bệnh; Chương trình mục tiêu về y tế; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, công tác khám chữa bệnh... Đã có sự phối hợp hiệu quả giữa ngành y tế với các ngành, tổ chức xã hội trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

b) Tổ chức bộ máy ngành y tế được củng cố, hoàn thiện từ tỉnh đến cơ sở theo hướng vừa phổ cập vừa chuyên sâu. Tại các huyện, thị xã, thành phố có bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm Dân số - KHHGĐ tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế; các cơ sở y tế không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng và trang bị các thiết bị hiện đại, đội ngũ cán bộ y tế phát triển nhanh về số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

c) Công tác xã hội hóa y tế được quan tâm, đến nay trên địa bàn tỉnh có trên 3.000 cơ sở hành nghề y dược tư nhân; trong đó có 07 doanh nghiệp sản xuất thuốc, 04 bệnh viện và 27 phòng khám đa khoa tư nhân đã đi vào hoạt động; nhiều dự án bệnh viện và trường đào tạo cán bộ y tế ngoài công lập đang tiếp tục đầu tư.

Các cơ sở y tế công lập đã huy động trên 200 tỷ đồng để mua sắm nhiều thiết bị kỹ thuật cao và triển khai nhiều loại hình dịch vụ y tế. Hệ thống y tế tư nhân cùng với y tế nhà nước hình thành mạng lưới y tế rộng khắp, với nhiều loại hình dịch vụ phong phú đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

d) Hệ thống y tế dự phòng tiếp tục được kiện toàn và đầu tư cơ sở vật chất, tỷ lệ ngân sách chi cho y tế dự phòng hàng năm đều đạt trên 30% ngân sách y tế. Chủ động trong phòng chống dịch bệnh góp phần khống chế hiệu quả nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm. Thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu Quốc gia góp phần giảm tốc độ lây lan nhiều bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm; tốc độ lây nhiễm HIV giảm; tỷ lệ tiêm chủng trẻ em hàng năm đạt trên 99%, phòng ngừa hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em; tình hình bảo đảm ATVSTP được cải thiện, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm.

- Trên 90% người lao động trong các khu công nghiệp được khám sức khỏe định kỳ, công tác phòng chống bệnh nghề nghiệp và tai nạn thương tích được triển khai có hiệu quả. Đã quan tâm phòng chống những bệnh phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế và quá trình công nghiệp hóa như các bệnh ung thư, cao huyết áp, đái tháo đường, tâm thần...

- Tỷ lệ sinh giảm bình quân 0,2‰/năm, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên còn 1,1%. Chú trọng thực hiện các chương trình tăng cường chất lượng dân số như sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh và cân bằng giới tính. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn 11,5%.

đ) Hệ thống khám chữa bệnh phát triển về quy mô, chất lượng và được phân bố hợp lý cùng với hệ thống y tế tư nhân hình thành mạng lưới khám chữa bệnh rộng khắp, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Số giường bệnh đã tăng hơn 2 lần so với năm 2000, trong đó 04 bệnh viện tư nhân đi vào hoạt động với 350 giường nội trú. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao được triển khai thực hiện; mạng lưới khám chữa bệnh bằng y dược cổ truyền và kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền được quan tâm và tiếp tục phát triển.

Tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế tăng, đến nay 60% dân số tham gia BHYT, thực hiện tốt việc cấp thẻ và khám chữa bệnh cho đối tượng người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.

e) Mạng lưới bán buôn và bán lẻ thuốc phát triển, đáp ứng nhu cầu về thuốc phòng và chữa bệnh của nhân dân nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa. Các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP, các cơ sở phân phối, kinh doanh thuốc tích cực triển khai thực hiện GDP, GPP.

g) Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe được chú trọng và phát huy hiệu quả, nhận thức của cộng đồng về sức khỏe và bệnh tật được nâng lên, ý thức và hành vi của nhân dân trong việc bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh có nhiều chuyển biến tích cực.

3. Những mặt còn hạn chế

a) Hệ thống tổ chức và bộ máy ngành y tế liên tục thay đổi, đặc biệt việc chia tách và thành lập mới nhiều cơ sở y tế trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực chưa đáp ứng dẫn tới chất lượng và hiệu quả hoạt động của một số cơ sở y tế không cao. Nguồn nhân lực y tế vẫn còn thiếu, nhất là bác sỹ và dược sỹ đại học, tỷ lệ bác sỹ/vạn dân còn thấp.

[...]