Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2013 tăng cường công tác diệt chuột bảo vệ sản xuất và sức khỏe cộng đồng do thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 20/CT-UBND
Ngày ban hành 07/10/2013
Ngày có hiệu lực 07/10/2013
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Trần Xuân Việt
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/CT-UBND

Hà Nội, ngày 07 tháng 10 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC DIỆT CHUỘT BẢO VỆ SẢN XUẤT VÀ SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG

Trong những năm gần đây, chuột phá hoại mùa màng ngày một gia tăng trên phạm vi toàn Thành phố và có nguy cơ tiềm ẩn, tác hại rất lớn không chỉ đối với sản xuất nông nghiệp, kho tàng, đời sống từng hộ dân và dịch bệnh xã hội; chuột đã gây hại nghiêm trọng trên nhiều loại cây trồng và đang có chiều hướng ngày càng gia tăng và trở thành đại dịch nếu không được quan tâm chỉ đạo phòng chống kịp thời hiệu quả. Hàng năm, theo thống kê, diện tích cây trồng bị chuột gây hại trên địa bàn toàn Thành phố trên 3.500 ha, trong đó diện tích lúa bị hại là 3000 ha, cây trồng khác 500 ha; ước thiệt hại khoảng trên 100 tỷ đồng/năm.

Để từng bước khống chế và giảm thiểu hạn chế thiệt hại do chuột gây ra, góp phần bảo vệ sản xuất nông nghiệp, sức khỏe của cộng đồng, UBND Thành phố yêu cầu:

1. Các Sở, Ban, ngành Thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền và triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 09/1998/CT-TTg ngày 18 tháng 02 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách diệt trừ chuột bảo vệ mùa màng, môi trường và sức khỏe của nhân dân.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

- Xây dựng Kế hoạch tổ chức đồng loạt diệt chuột trên địa bàn Thành phố (theo từng mùa vụ, tổ chức các Tuần lễ diệt chuột);

- Hướng dẫn kỹ thuật về diệt chuột cho các địa phương thực hiện; yêu cầu hướng dẫn bằng nhiều biện pháp phù hợp, an toàn và hiệu quả; hạn chế tối đa việc dùng các loại thuốc hóa học độc hại cho người, vật nuôi và môi trường để diệt chuột, tuyệt đối không được dùng dòng điện để diệt chuột.

- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn phòng trừ chuột đạt hiệu quả cao; biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, có sáng kiến hay trong công tác diệt chuột, đồng thời phê phán những địa phương thờ ơ, lơ là trong chỉ đạo thực hiện.

- Phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban, ngành hữu quan tiến hành nghiên cứu về chuột hại và các biện pháp phòng trừ chuột hại mùa màng để kịp phổ biến cho các địa phương áp dụng.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã:

- Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng trừ chuột bảo vệ mùa màng ở địa phương mình theo kế hoạch thời gian và biện pháp chuyên môn do Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn;

- Chủ động bố trí ngân sách huyện để hỗ trợ các xã, thị trấn tổ chức diệt chuột trên địa bàn;

4. Các Sở Tài chính, Khoa học - Công nghệ, Y tế, Công thương căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức triển khai, thực hiện Chỉ thị đạt kết quả.

Nạn dịch chuột đang là báo động trước mắt, nếu không được nhận thức đúng, đầy đủ, để có những biện pháp phòng trừ kịp thời sẽ có tác hại lớn đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng; UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc các Sở, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này.

UBND Thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp, hàng tuần báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất với UBND Thành phố để chỉ đạo./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ NN&PTNT;
- Thường trực Thành ủy;
- Đồng chí Chủ tịch UBND TP (để báo cáo);
- UBMT TQ và các đoàn thể TP;
- Các Sở, Ban, ngành Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Chi cục BVTV Hà Nội;
- CVP, PVP Nguyễn Ngọc Sơn;
- TH, KT, NNNT;
- Lưu: VT, NNNT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Xuân Việt