Quyết định 1091/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Phú Yên

Số hiệu 1091/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/06/2013
Ngày có hiệu lực 27/06/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Trần Quang Nhất
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1091/QĐ-UBND

Phú Yên, ngày 27 tháng 6 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế (tại Tờ trình số 73/TTr-SYT ngày 14 tháng 6 năm 2013),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này “Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Phú Yên”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Quang Nhất

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1091/QD-UBND ngày 27/6/2013 của UBND tỉnh Phú Yên)

A. PHẦN THỨ NHẤT

I. Kết quả thực hiện kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2001-2010

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, các Bộ, ngành Trung ương, của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, cùng với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ trong toàn ngành y tế và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành, đoàn thể; công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ở tỉnh ta tiếp tục đạt nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện ở một số chỉ số sức khỏe cơ bản như giảm tỷ suất sinh, tỷ suất chết trẻ em, tỷ suất chết mẹ, tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi ở trẻ em dưới 5 tuổi… Hầu hết các chỉ tiêu của Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2001-2010 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ:

- Về mạng lưới y tế cơ sở: Toàn ngành đã tập trung củng cố mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt là hệ thống y tế xã, phường và y tế thôn buôn; đến cuối năm 2010 đã có 100% số xã có Trạm y tế, 100% số thôn buôn có nhân viên y tế hoạt động, có 52% số xã có bác sỹ, 100% Trạm y tế có y sỹ sản nhi hoặc nữ hộ sinh. Tiến bộ đặc biệt trong những năm qua là Trạm y tế xã đã tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).

- Về hệ thống y tế dự phòng: Đã được củng cố và phát triển từ tỉnh đến cơ sở. Nhiều dịch, bệnh nguy hiểm được khống chế, đẩy lùi và thanh toán. Các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế đạt kết quả tốt. Nhiều năm liền duy trì được tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi trên 95%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi ở trẻ em dưới 5 tuổi từ 38% (năm 2000) giảm xuống còn 19,1% (năm 2010). Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đã được sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự hưởng ứng của nhân dân, hoạt động tuyên truyền, giáo dục, giám sát và thanh kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm thực hiện có hiệu quả thông qua sự phối hợp liên ngành. Các hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân và giảm tỷ lệ các vụ ngộ độc thực phẩm, giảm tỷ lệ chết/mắc do ngộ độc thực phẩm.

- Công tác Dân số và Chăm sóc sức khỏe sinh sản đã đạt được những kết quả khả quan, hạn chế mức tăng dân số tự nhiên, tỷ suất sinh thô giảm từ 21,24‰ (năm 2000) xuống còn 15,9‰ (năm 2010). Chất lượng dân số được nâng lên, tuổi thọ bình quân của người dân Phú Yên năm 2009 là 71,1 tuổi, tăng 3 tuổi so với năm 1999; tỷ suất chết mẹ từ 98/100.000 trẻ đẻ sống (năm 2000) giảm xuống 70/100.000 trẻ đẻ sống (năm 2010); tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi giảm nhanh từ 46,75‰ (năm 2000) xuống còn 19,2‰ (năm 2010); tỷ lệ chết trẻ em dưới 5 tuổi từ 44‰ (năm 2000) xuống còn 25‰ (năm 2010).

- Về mạng lưới khám chữa bệnh: cùng với những thay đổi kinh tế-xã hội, mạng lưới khám chữa bệnh tỉnh ta đã phát triển và luôn có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Số giường bệnh bình quân năm 2000 có 16,3 giường/vạn dân thì đến năm 2010, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân là 19,3 giường (tương đương với các tỉnh trong khu vực và thấp hơn trung bình chung cả nước 20,5 giường), công suất sử dụng giường bệnh ở các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đều vượt chỉ tiêu kế hoạch, nhiều kỹ thuật cao đã được nghiên cứu, ứng dụng thành công góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Công tác y dược học cổ truyền được quan tâm, đặc biệt là có sự kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền trong công tác khám chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến cơ sở.

- Về cung ứng thuốc: đến cuối năm 2010, hệ thống phân phối thuốc được mở rộng từ tỉnh đến huyện, xã. Các cơ sở y tế từ bệnh viện đến Trạm y tế xã đều có đủ thuốc đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và phù hợp với phân tuyến kỹ thuật.

II. Những tồn tại và thách thức

- Hệ thống y tế dự phòng: Hiện nay công tác y tế dự phòng chưa được quan tâm đúng mức của xã hội, cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, số cán bộ được đào tạo chuyên ngành y tế dự phòng còn ít. Đầu tư kinh phí cho hệ thống y tế dự phòng còn thấp trong khi nhu cầu thực tế rất cần sự ưu tiên cho lĩnh vực này. Tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều bệnh truyền nhiễm gây dịch có nguy cơ bùng phát trở lại như: lao, sốt rét, sốt xuất huyết Dengue, viêm não do vi rút… Bên cạnh đó xuất hiện những bệnh mới khó xác định, khó điều trị và có nguy cơ bùng phát thành dịch như Cúm A H5N1, H1N1, H7N9… Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm do hóa chất, các chất thải trong sinh hoạt, sản xuất chưa được xử lý tốt. Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay chưa thật sự đi vào nề nếp, khâu thanh tra, kiểm tra chưa đáp ứng được yêu cầu.

- Hệ thống khám chữa bệnh: Tỷ lệ giường bệnh trên dân số còn thấp, hầu hết các bệnh viện đều có công suất sử dụng giường bệnh cao. Điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các bệnh viện đã và đang được cải thiện, các kỹ thuật đã từng bước phát triển chuyên sâu nhưng còn chưa toàn diện, chưa đồng đều giữa các chuyên khoa, chuyên ngành; nhân lực có trình độ chuyên môn cao, sâu còn thiếu nhiều; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế còn thấp. Nhìn chung hệ thống bệnh viện đang đứng trước thách thức về yêu cầu phục vụ ngày càng tăng, đòi hỏi chất lượng khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân nhưng điều kiện phục vụ còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được so với nhu cầu. Công tác quản lý bệnh viện còn nhiều vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn.

- Cung ứng dịch vụ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) và chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS): Mức sinh ở một số địa phương còn cao đã tạo áp lực lớn cho ngành y tế trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Chất lượng dân số chậm được cải thiện, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng gia tăng. Chất lượng các dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em còn nhiều mặt hạn chế, tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi (thể thấp còi) ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm chậm, còn có sự khác biệt về sức khỏe bà mẹ, trẻ em giữa các vùng, miền và các nhóm dân cư.

- Tài chính y tế: Còn một số vấn đề đáng quan tâm; mặc dù tỷ lệ chi tiêu công cho y tế trong thời gian gần đây có tăng lên nhưng vẫn còn thấp so với nhu cầu. Ngân sách nhà nước đầu tư cho y tế chưa đáp ứng được các yêu cầu đầu tư phát triển ngành y tế. Ngân sách của tỉnh được phân bổ chủ yếu theo giường bệnh cho các bệnh viện hoặc số lượng cán bộ y tế ở các cơ sở y tế còn lại (thấp hơn so với các tỉnh trong khu vực) chưa tính đến kết quả đầu ra và chất lượng dịch vụ đã cung cấp. Chi ngân sách nhà nước cho y tế chủ yếu là chi thường xuyên, chi đầu tư còn thấp, khó cải thiện điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở y tế công lập.

[...]