Kế hoạch 2595/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 54/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Kon Tum ban hành

Số hiệu 2595/KH-UBND
Ngày ban hành 10/08/2022
Ngày có hiệu lực 10/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Ngọc Sâm
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2595/KH-UBND

Kon Tum, ngày 10 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 54/NQ-CP NGÀY 12/4/2022 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum với nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh, bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao với cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.

2. Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025

- Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 trên 10%/năm. Đến năm 2025, tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 19-20%, nhóm ngành công nghiệp và xây dựng đạt 32-33%, nhóm ngành dịch vụ đạt 42-43%. GRDP bình quân đầu người 70 triệu đồng trở lên (tương đương trên 3.000 USD). Năng suất lao động năm 2025 đạt khoảng 60,6 triệu đồng/lao động. Năng suất tổng các nhân tố bình quân của địa phương (TFP) bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 40%.

- Thu ngân sách Nhà nước tại địa bàn đạt khoảng 5.000 tỷ đồng vào năm 2025; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 118.000 tỷ đồng; Tổng giá trị xuất khẩu đạt khoảng 350 triệu USD.

- Kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt ít nhất 10%; Thành lập mới 1.500 doanh nghiệp; Thành lập mới 90 Hợp tác xã.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập

a) Cơ cấu lại đầu tư công

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

+ Tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, các chương trình, dự án thuộc phạm vi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là tại 02 vùng kinh tế động lực, hạ tầng thúc đẩy liên kết vùng, liên kết ngành, hạ tầng kinh tế số, giáo dục, y tế, văn hóa, vùng khó khăn, khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu.

+ Tham mưu phân bổ vốn đầu tư công theo hướng tập trung, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; phát huy vai trò của đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân để tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước; tập trung vốn vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng trong công tác thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, chỉ quyết định đầu tư sau khi đã được thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của dự án.

+ Thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu đầu tư công; tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư, kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các nguồn vốn đầu tư công; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân chậm trễ việc thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công và các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công theo quy định.

- Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan: Tiếp tục tham mưu triển khai Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng; tham mưu ban hành định mức công tác xây dựng gạch không nung (gạch bê tông xi măng cốt liệu) trên địa bàn tỉnh Kon Tum để làm cơ sở áp dụng trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên rà soát, cập nhật hệ thống định mức được ban hành để điều chỉnh cho phù hợp, góp phần quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả đầu tư công.

- Các Sở, ban ngành thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các chủ đầu tư: Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý dự án đầu tư công, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư và tổ chức thực hiện dự án đầu tư công, hạn chế tối đa việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án. Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước trong quá trình đầu tư công.

b) Cơ cấu lại ngân sách nhà nước

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh, các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Tiếp tục cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất để tạo nguồn thu. Đảm bảo tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng giữa thuế gián thu và thuế trực thu ở mức độ hợp lý, khai thác tốt thuế, phí và lệ phí từ tài sản, tài nguyên bảo vệ môi trường. Phấn đấu đến năm 2025 thu NSNN trên địa bàn đạt trên 5.000 tỷ đồng.

- Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, hỗ trợ thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện nghiêm nguyên tắc chỉ vay nợ cho chi đầu tư phát triển. Cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững, bảo đảm an toàn nợ công; dành nguồn đảm bảo trả nợ vay (gốc), lãi theo lộ trình địa phương đã cam kết.

c) Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Kon Tum chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 3870/KH-UBND ngày 13 tháng 10 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Kon Tum.

- Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh huy động vốn để mở rộng cho vay có hiệu quả nhất là lĩnh vực sản xuất kinh doanh phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Kiểm soát rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng của các Tổ chức tín dụng trên địa bàn, kiểm soát nợ xấu, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động. Đa dạng hóa hoạt động Ngân hàng; phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, các dịch vụ thanh toán hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số đảm bảo an toàn công nghệ thông tin và hoạt động thanh toán trên địa bàn.

d) Cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập

- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện hiệu quả cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập được ban hành theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ; triển khai các Sở, ngành liên quan tham mưu cấp thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế kinh tế - kỹ thuật; đơn giá sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ