Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 211/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 54/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Hà Giang ban hành

Số hiệu 211/KH-UBND
Ngày ban hành 17/08/2022
Ngày có hiệu lực 17/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 211/KH-UBND

Hà Giang, ngày 17 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 54/NQ-CP NGÀY 12/4/2022 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Hà Giang ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng nội dung Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Nghị quyết số 54/NQ-CP) tới các cấp, các ngành, các đơn vị để tổ chức thực hiện có hiệu quả.

2. Đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đồng thời cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Nghị quyết số 54/NQ-CP, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành để đảm bảo tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

3. Tổ chức thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, các đề án, nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh giai đoạn 2021-2025.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phấn đấu và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực, giữa các ngành, lĩnh vực; tạo chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Phát triển nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao. Phát triển mạnh thương mại, dịch vụ, phát huy kinh tế biên mậu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ, tham gia vào mạng lưới thương mại điện tử toàn quốc. Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng các sản phẩm du lịch, phát triển bền vững dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các đặc sản và bảo vệ môi trường. Phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh của địa phương gắn với bảo vệ môi trường. Cải thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái; giữ vững quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia.

2. Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 8%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 28,06%; công nghiệp, xây dựng chiếm 26,95%; dịch vụ chiếm 44,99%.

- Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 11,74%/năm.

- Đảm bảo mức dư nợ vay của ngân sách địa phương không vượt quá 20% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Bảo đảm an toàn nợ công, chỉ vay trong khả năng trả nợ của ngân sách địa phương.

- Nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng duy trì ở mức dưới 3%.

- Phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh có trên 4.212 doanh nghiệp (trong đó giai đoạn 2021-2025 là 1.245 doanh nghiệp); 1.100 hợp tác xã (giai đoạn 2021- 2025 là 348 HTX). Cụ thể, có 500 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 50 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, khoảng từ 80 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

- Năm 2025, thu hút 3 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch đạt 7800 tỷ đồng.

- Đến năm 2025, có 10 doanh nghiệp khoa học công nghệ; giai đoạn 2021- 2025, hỗ trợ 40 doanh nghiệp/hợp tác xã thực hiện đổi mới công nghệ.

- Đến năm 2025, có 258 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập

1.1. Cơ cấu lại đầu tư công

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố:

- Tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và hàng năm; các chương trình, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chương trình mục tiêu quốc gia; Huy động và cân đối các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trọng tâm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng thúc đẩy liên kết vùng, liên kết ngành, hạ tầng kinh tế số.

- Tham mưu triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá hiệu quả và đối với các dự án đầu tư; kiên quyết chấm dứt các dự án có hiệu quả đầu tư thấp, tập trung nguồn lực đầu tư cho các công trình, dự án trọng điểm cấp thiết để hoàn thành kịp thời đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của từng Sở, ngành, địa phương, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả; kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quy trình quản lý đầu tư, gắn hiệu quả sử dụng vốn đầu tư với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Thực hiện nghiêm Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ về giám sát, đánh giá đầu tư.

- Tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan nghiên cứu xây dựng chính sách phát huy vai trò của đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư để tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước; tập trung vốn vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thiện và sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý đầu tư.

- Tăng cường huy động nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội và khả năng trả nợ. Các khoản vay vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tập trung sử dụng cho chi đầu tư phát triển trong một số lĩnh vực chủ chốt để phát huy tối đa hiệu quả kinh tế, ưu tiên đầu tư cho các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, có hiệu ứng lan tỏa.

b) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện thành phố: Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh. Khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức và giá xây dựng; thực hiện công bố chỉ số giá xây dựng tỉnh Hà Giang theo định kỳ. Thực hiện rà soát, đề xuất Bộ Xây dựng hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất đầu tư các công trình xây dựng.

[...]