Kế hoạch 1945/KH-UBND năm 2022 triển khai thực hiện “Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số” trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 1945/KH-UBND
Ngày ban hành 22/06/2022
Ngày có hiệu lực 22/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Y Ngọc
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1945/KH-UBND

Kon Tum, ngày 22 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN “CHƯƠNG TRÌNH THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN VÀ SỬ DỤNG CÁC NỀN TẢNG SỐ QUỐC GIA PHỤC VỤ CHUYỂN ĐỔI SỐ, PHÁT TRIỂN CHÍNH PHỦ SỐ, KINH TẾ SỐ, XÃ HỘI SỐ” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Thực hiện Quyết định số 186/QĐ-BTTTT ngày 11 tháng 02 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc phê duyệt “Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số” , Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Việc sử dụng các nền tảng số quốc gia dùng chung, kết nối, mở, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống, cơ sở dữ liệu của địa phương với các nền tảng số quốc gia nhằm đồng bộ, liên thông, tạo hệ sinh thái chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

- Thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh đầu tư nghiên cứu, làm chủ công nghệ, phát triển các nền tảng số đạt yêu cầu, tiêu chí của nền tảng số quốc gia để bổ sung vào Danh mục nền tảng số quốc gia.

2. Yêu cầu

- Cụ thể hóa các nội dung nhiệm vụ, giải pháp và triển khai có hiệu quả các nền tảng số quốc gia được phê duyệt tại Quyết định số 186/QĐ -BTTTT của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Xác định các nội dung, nhiệm vụ, phân công rõ trách nhiệm cho từng đơn vị, địa phương trong việc nghiên cứu, đề xuất tổ chức triển khai áp dụng, sử dụng các nền tảng số để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến nền tảng số

- Thông tin kịp thời Danh mục nền tảng số quốc gia; Hoạt động của từng nền tảng số quốc gia (giới thiệu, các chức năng, tính năng chính, lợi ích khi sử dụng, các điển hình sử dụng nền tảng, hiệu quả hoạt động của nền tảng, hướng dẫn sử dụng, hỏi đáp về nền tảng, …) để cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nắm bắt.

* Thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan.

* Thời gian: Thực hiện thường xuyên.

- Thường xuyên thông tin, tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, đài phát thanh, truyền hình, hệ thống truyền thanh cơ sở và qua mạng internet nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân về việc phát triển và sử dụng nền tảng số và nền tảng số quốc gia trên địa bàn tỉnh.

* Thực hiện: Báo Kon Tum, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

* Thời gian: Thực hiện thường xuyên.

- Tổ chức các hội nghị, tọa đàm nhằm giới thiệu, phổ biến về các nền tảng số quốc gia. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng, khai thác các nền tảng số quốc gia.

* Thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan.

* Thời gian: Thực hiện thường xuyên.

2. Triển khai sử dụng các nền tảng chuyển đổi số quốc gia

a) Danh mục các nền tảng số quốc gia triển khai sử dụng trên địa bàn tỉnh

Căn cứ danh mục các nền tảng số Quốc gia nghiên cứu, lựa chọn, đề xuất tổ chức, triển khai sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý trên địa bàn tỉnh:

- Nhóm nền tảng hạ tầng số: Bao gồm các nền tảng điện toán đám mây Chính phủ; điện toán đám mây doanh nghiệp; địa chỉ số; bản đồ số.

- Nhóm nền tảng chính phủ số: Bao gồm các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; tổng hợp, phân tích dữ liệu; định danh người dân và xác thực điện tử; khảo sát, thu thập ý kiến người dân.

- Nhóm nền tảng công nghệ số cốt lõi: Bao gồm các nền tảng trí tuệ nhân tạo; thiết bị IoT; trung tâm giám sát điều hành an toàn thông tin mạng (SOC); trợ lý ảo; trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC).

- Nhóm nền tảng y tế - giáo dục - văn hóa - xã hội: Bao gồm các nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới cho cơ quan nhà nước; họp trực tuyến thế hệ mới; dạy học trực tuyến; học kỹ năng trực tuyến mở (MOOCS); đại học số; hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; quản lý tiêm chủng; hồ sơ sức khỏe điện tử; trạm y tế xã; phát thanh số (trực tuyến); truyền hình số (trực tuyến); bảo tàng số; quản trị và kinh doanh du lịch; mạng xã hội thế hệ mới.

[...]