Kế hoạch 1793/KH-UBND năm 2019 thực hiện Quyết định 121/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do tỉnh Lâm Đồng ban hành

Số hiệu 1793/KH-UBND
Ngày ban hành 01/04/2019
Ngày có hiệu lực 01/04/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Đoàn Văn Việt
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1793/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 01 tháng 4 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 121/QĐ-TTG NGÀY 24/01/2019 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ KẾ HOẠCH THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (CPTPP)

Thực hiện Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh, với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đã nêu tại Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

2. Tận dụng tối đa cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế để phát huy lợi thế của địa phương, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thành mục tiêu mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X đã đề ra.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định CPTPP và thị trường của các nước tham gia Hiệp định CPTPP

- Tăng cường phổ biến, quán triệt, tuyên truyền rộng rãi và sâu rộng các nội dung của Hiệp định CPTPP, cơ hội và thách thức, phương hướng, nhiệm vụ trọng yếu của hội nhập quốc tế trong từng ngành, từng lĩnh vực đến các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức Đảng các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương trong tỉnh và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp.

- Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và năng lực pháp lý, trong đó chú trọng một số lĩnh vực như đầu tư, dịch vụ, hải quan, mua sắm Chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ, nông, lâm, ngư nghiệp, lao động, môi trường…; cập nhật thông tin mới, những chính sách và những vấn đề cảnh báo có liên quan trong Hiệp định CPTPP cho các công chức, viên chức, những người trực tiếp làm công tác hội nhập quốc tế.

- Tiếp tục củng cố mạng lưới, tăng cường năng lực và đẩy mạnh công tác xây dựng hệ thống thông tin thị trường để cung cấp cho các doanh nghiệp, hỗ trợ xúc tiến, nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu của tỉnh vào các nước đối tác CPTPP nói riêng và các đối tác nói chung gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu.

2. Công tác xây dựng pháp luật, thể chế

- Các Sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả các cam kết và nghĩa vụ khác của Việt Nam khi tham gia Hiệp định CPTPP; tham gia ý kiến xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, các cam kết của Hiệp định CPTPP theo yêu cầu của Trung ương.

- Tăng cường công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính đồng bộ, khả thi, phù hợp với các cam kết quốc tế và điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh; kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, kịp thời sửa đổi, bổ sung, công bố những văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu và áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, tạo môi trường pháp lý minh bạch để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

- Sở Công Thương - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo về Hội nhập quốc tế tỉnh Lâm Đồng là đầu mối thông tin về Hiệp định CPTPP nói riêng và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung để cung cấp thông tin, hướng dẫn và làm rõ các nội dung cam kết và các vấn đề có liên quan đến Hiệp định CPTPP và các Hiệp định khác mà Việt Nam tham gia.

- Tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo về Hội nhập quốc tế tỉnh Lâm Đồng để phối hợp chặt chẽ với cơ quan đầu mối quốc gia về thực thi Hiệp định, đảm bảo việc thực thi được hiệu quả và đầy đủ.

3. Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực

- Tiếp tục khai thác và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đẩy nhanh tốc độ phát triển của thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận; Xác định cụ thể danh mục và xây dựng các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng quy mô lớn theo hình thức PPP (Mô hình hợp tác công tư).

- Thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 11/11/2016 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025; đẩy mạnh xây dựng, phát triển và mở rộng các mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp gắn với thị trường để đưa nông nghiệp lên sản xuất quy mô lớn, giá trị tăng cao.

- Tiếp tục triển khai Chương trình phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực và có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 và Chương trình Khuyến công.

- Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” và tiếp tục phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

- Tiếp tục hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý (ISO, VietGAP, GlobalGAP, HACCP,...) mô hình công cụ cải tiến năng suất chất lượng (Kaizen, 5S, ...).

- Hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa thông qua các chương trình xúc tiến thương mại bằng hình thức giới thiệu, quảng bá thương hội chợ, hội thảo tại các thị trường trọng điểm, các chương trình kết nối giao thương giữa doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước.

- Phối hợp với các Bộ, ngành, Tham tán Việt Nam ở nước ngoài để thu thập, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp và những cảnh báo liên quan đến hàng rào kỹ thuật của các nước là thị trường xuất khẩu những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình hải quan điện tử và Một cửa quốc gia nhằm hiện đại hóa hải quan, đáp ứng lộ trình hội nhập quốc tế.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu các văn bản, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong và ngoài nước phục vụ tư vấn cho doanh nghiệp về hàng rào kỹ thuật của thị trường, vượt qua hàng rào kỹ thuật đối với các lĩnh vực hoặc hàng hóa xuất khẩu chủ lực, có lợi thế của tỉnh.

- Đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ tiên tiến và công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất lao động tại doanh nghiệp và các ngành sản xuất.

- Nâng cao hoạt động của Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp hàng rào kỹ thuật trong thương mại tỉnh Lâm Đồng.

[...]