Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 157/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 54/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Phú Yên ban hành

Số hiệu 157/KH-UBND
Ngày ban hành 20/08/2022
Ngày có hiệu lực 20/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Trần Hữu Thế
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 157/KH-UBND

Phú Yên, ngày 20 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 54/NQ-CP NGÀY 12/4/2022 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025 như sau:

I. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu tổng quát:

Hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế tỉnh; phát triển được nhiều sản phẩm dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021-2025 (theo giá hiện hành) là 10,54 %.

- Nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 35% GRDP của tỉnh.

- Tỷ lệ bội chi ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 đảm bảo nằm trong mức giới hạn nợ công theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; dự toán bội chi ngân sách địa phương hàng năm phù hợp với mức bội chi được Quốc hội thông qua và Thủ tướng Chính phủ giao; bội chi ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 nằm trong phạm vi Kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025 đã được HĐND tỉnh phê chuẩn.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 05 năm khoảng chiếm khoảng 45% GRDP.

- Nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng duy trì ở mức dưới 3%.

- Số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 10%/năm giai đoạn 2021-2025.

- Phấn đấu số lượng doanh nghiệp mới trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 2.500 doanh nghiệp.

- Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 40%.

- Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP giai đoạn 2021-2025 tối thiểu 10% và tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực giai đoạn 20211-2025 đạt tối thiểu 10%1.

- Phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 230 hợp tác xã, trong đó có khoảng 45 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, 50% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập

a. Cơ cấu lại đầu tư công:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan:

+ Thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng của tỉnh, kết nối vùng và liên vùng, tạo sự liên kết, hiệu ứng lan tỏa, gia tăng động lực tăng trưởng.

+ Tập trung điều hành hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, kế hoạch đầu tư công hàng năm của tỉnh. Theo dõi, đôn đốc, rà soát tiến độ các dự án tham mưu điều chuyển vốn kịp thời từ các dự án giải ngân chậm sang dự án giải ngân tốt, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt trên 90% theo kế hoạch HĐND tỉnh giao.

+ Tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực đầu tư công; kiên quyết khắc phục tình trạng dàn trải, manh mún, kéo dài. Xác định các khó khăn, vướng mắc chung, tác động đến nhiều dự án để lập phương án tháo gỡ, giải quyết hoặc kiến nghị cơ quan trung ương có thẩm quyền giải quyết.

+ Tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Rà soát, công bố công khai nội dung, nhiệm vụ cần thu hút đầu tư của xã hội để có chính sách khuyến khích cụ thể, thu hút đầu tư.

- Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan:

Trên cơ sở hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng; định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng, định mức xây dựng, chỉ số giá xây dựng công trình; tổ chức thực hiện, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả đầu tư công; triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước trong quá trình đầu tư công.

b. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước:

[...]