Luật Đất đai 2024

Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

Số hiệu 60/2021/NĐ-CP
Cơ quan ban hành Chính phủ
Ngày ban hành 21/06/2021
Ngày công báo Đã biết
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước
Loại văn bản Nghị định
Người ký Lê Minh Khái
Ngày có hiệu lực Đã biết
Số công báo Đã biết
Tình trạng Đã biết

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 60/2021/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 21 tháng 6 năm 2021

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CƠ CHẾ TỰ CHỦ TÀI CHÍNH CỦA ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Giá ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực: giáo dục đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; y tế - dân số; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; các hoạt động kinh tế và lĩnh vực khác.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đơn vị sự nghiệp công lập do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng theo quy định của pháp luật, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công hoặc phục vụ quản lý nhà nước (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công).

2. Đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; đơn vị sự nghiệp công thuộc đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo quy định của Nghị định này và quy định pháp luật khác có liên quan.

3. Đơn vị sự nghiệp công thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được áp dụng quy định tại Nghị định này và các quy định của Đảng và của pháp luật khác có liên quan.

4. Đơn vị sự nghiệp công được thành lập theo Hiệp định và cam kết giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ các nước hoặc tổ chức quốc tế thực hiện cơ chế tài chính theo cam kết, Điều ước quốc tế hoặc Quyết định đặc thù do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công” là các quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quy định về danh mục sự nghiệp công; giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công; phân loại mức độ tự chủ tài chính; tự chủ sử dụng nguồn tài chính; tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết; quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định khác có liên quan.

2. “Dịch vụ sự nghiệp công” là dịch vụ sự nghiệp trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; y tế - dân số; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; các hoạt động kinh tế và lĩnh vực khác (gồm: nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, công thương, xây dựng, tư pháp, lao động thương binh và xã hội, sự nghiệp khác).

3. “Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước” là dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu và dịch vụ sự nghiệp công mang tính đặc thù của một số ngành, lĩnh vực thuộc danh mục do cấp có thẩm quyền ban hành, được Nhà nước bảo đảm kinh phí hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện.

4. “Dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước” là dịch vụ sự nghiệp công được thực hiện theo phương thức xã hội hóa; giá dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường do đơn vị tự định giá hoặc do Nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá hoặc pháp luật chuyên ngành khác có liên quan, bù đắp đủ chi phí và có tích lũy hợp lý cho đơn vị cung cấp; Nhà nước không hỗ trợ chi phí.

Điều 4. Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước

1. Ngân sách nhà nước chuyển từ hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp công sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng người nghèo, đối tượng chính sách khi sử dụng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế Cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

Việc bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo phân cấp hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và lộ trình điều chỉnh tính đủ các chi phí hình thành giá dịch vụ theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước

a) Các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành và pháp luật về ngân sách nhà nước, gồm: Các dịch vụ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo; khám, chữa các bệnh phong, lao, tâm thần; nghiên cứu khoa học cơ bản; văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống, đào tạo huấn luyện vận động viên, huấn luyện viên thể thao quốc gia; chăm sóc người có công và bảo trợ xã hội và các dịch vụ thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo các lĩnh vực quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi là các bộ, cơ quan trung ương); Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tiếp tục thực hiện danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền ban hành trong trường hợp danh mục hiện hành phù hợp với quy định tại điểm a khoản này; đồng thời, rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

3. Thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục chi tiết dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước

Căn cứ quy định của pháp luật chuyên ngành và quy định tại Nghị định này, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện như sau:

a) Các bộ, cơ quan trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý;

b) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo phân cấp thuộc phạm vi quản lý của địa phương và phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương, gửi Bộ Tài chính và các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực để giám sát trong quá trình thực hiện.

Điều 5. Giá, phí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước

1. Giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được xác định theo quy định của pháp luật về giá, định mức kinh tế-kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại khoản 3 Điều này, trong đó:

a) Chi phí tiền lương trong giá dịch vụ sự nghiệp công tính theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp lương theo chế độ quy định đối với đơn vị sự nghiệp công hoặc tính theo mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp theo tiền lương theo quy định của Nhà nước; định mức lao động do các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo thẩm quyền.

b) Trích khấu hao tài sản cố định theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và lộ trình kết cấu chi phí khấu hao vào giá dịch vụ sự nghiệp công do cấp có thẩm quyền quy định.

2. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được xác định theo quy định của pháp luật về giá hoặc mức bình quân chi phí hợp lý, hợp lệ thực hiện của 03 năm trước liền kề.

3. Lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước

a) Đến hết năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá). Trường hợp do khó khăn khách quan cần xây dựng lộ trình khác, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính.

Riêng đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; giá dịch vụ giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp tại cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp công lập: Trường hợp không thực hiện được lộ trình quy định tại điểm a khoản này, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính.

b) Đối với dịch vụ sự nghiệp công đang được Nhà nước đặt hàng theo giá tính đủ chi phí thì tiếp tục thực hiện theo giá tính đủ chi phí.

4. Phương pháp định giá và cơ quan có thẩm quyền định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định pháp luật về giá.

Căn cứ quy định pháp luật về giá và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này, căn cứ khả năng cân đối ngân sách nhà nước và mặt bằng giá thị trường, tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể giá dịch vụ sự nghiệp công theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Đơn vị sự nghiệp công quyết định mức giá cụ thể cho từng loại dịch vụ đảm bảo trong phạm vi khung giá, mức giá dịch vụ sự nghiệp công do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cụ thể giá dịch vụ sự nghiệp công, đơn vị sự nghiệp công thực hiện thu theo mức giá quy định.

5. Phí dịch vụ sự nghiệp công

Dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục thu phí thực hiện theo quy định pháp luật về phí và lệ phí. Đơn vị sự nghiệp công thu phí theo mức thu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Điều 6. Dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước

1. Dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước gồm:

a) Dịch vụ không thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại Điều 4 Nghị định này;

b) Dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp từ hoạt động sản xuất kinh doanh, liên doanh liên kết phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đơn vị để đáp ứng nhu cầu của xã hội theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Đơn vị sự nghiệp công được tự chủ sử dụng tài sản và các nguồn lực ở đơn vị để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, phù hợp với lĩnh vực chuyên môn được cấp có thẩm quyền giao theo nguyên tắc:

a) Thực hiện theo đúng quy định của pháp luật;

b) Được quyết định giá dịch vụ bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý; trường hợp dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì thực hiện theo mức giá cụ thể, khung giá do cơ quan có thẩm quyền quy định.

3. Đơn vị sự nghiệp công được tự chủ quyết định các khoản chi để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đảm bảo tính hợp lý, hợp lệ và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ; phải tổ chức công tác kế toán theo đúng quy định của pháp luật về kế toán; mở sổ sách kế toán, sử dụng, quản lý chứng từ, tổ chức hạch toán, theo dõi riêng đảm bảo ghi nhận đầy đủ, chính xác doanh thu và phân bổ đầy đủ, chính xác chi phí đối với từng hoạt động; phải đăng ký, kê khai, nộp đủ thuế và các khoản thu ngân sách khác (nếu có) theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ kiểm toán nội bộ đầy đủ, định kỳ; thực hiện chế độ báo cáo tài chính đúng, kịp thời với các cơ quan quản lý cấp trên và các cơ quan có liên quan theo quy định. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công chịu trách nhiệm về hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai được Nhà nước giao quản lý, sử dụng; nguồn tài chính tại đơn vị theo quy định của pháp luật.

4. Trường hợp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước có chênh lệch thu nhỏ hơn chi, đơn vị phải tính toán bù đắp khoản thiếu hụt bằng các nguồn kinh phí hợp pháp của đơn vị, ngân sách nhà nước không cấp bù.

Điều 7. Quản lý, sử dụng vốn đầu tư công

1. Đơn vị sự nghiệp công thực hiện quản lý, sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan.

2. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư trung hạn, hằng năm cho đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan.

Điều 8. Quản lý, sử dụng tài sản công

1. Đơn vị sự nghiệp công có trách nhiệm quản lý, sử dụng và áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

2. Đơn vị sự nghiệp công phải trích khấu hao và tính hao mòn tài sản cố định theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, số tiền trích khấu hao tài sản cố định được bổ sung Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.

Đối với tài sản cố định được đầu tư, mua sắm từ nguồn vốn vay, vốn huy động, số tiền trích khấu hao tài sản cố định được dùng để trả nợ; số tiền trích khấu hao tài sản cố định còn lại sau khi trả nợ được bổ sung Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị; trường hợp số tiền trích khấu hao tài sản cố định không đủ trả nợ, đơn vị được dùng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để trả nợ.

Tài sản được hình thành từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và các nguồn tài chính hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công là tài sản, vốn của Nhà nước.

3. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công có trách nhiệm căn cứ quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định quản lý tài chính tại Nghị định này để ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý.

Điều 9. Phân loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công

1. Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (sau đây gọi là đơn vị nhóm 1) là đơn vị đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này bằng hoặc lớn hơn 100%; có mức tự bảo đảm chi đầu tư bằng hoặc lớn hơn mức trích khấu hao và hao mòn tài sản cố định của đơn vị.

Mức tự bảo đảm chi đầu tư được xác định bao gồm các nguồn sau:

- Số dự kiến trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp trong năm kế hoạch hoặc của bình quân 05 năm trước liền kề;

- Số thu phí được để lại để chi thường xuyên không giao tự chủ theo quy định.

b) Đơn vị cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, giá dịch vụ sự nghiệp công xác định theo cơ chế thị trường, có tính đủ khấu hao tài sản cố định và có tích lũy dành chi đầu tư.

2. Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 2) là đơn vị đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này bằng hoặc lớn hơn 100% và chưa tự bảo đảm chi đầu tư từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn thu phí được để lại chi theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;

b) Đơn vị thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ chi phí (không bao gồm khấu hao tài sản cố định).

3. Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 3) là đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này từ 10% đến dưới 100%, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá chưa tính đủ chi phí và được phân loại như sau:

a) Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên;

b) Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên;

c) Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên.

4. Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 4) gồm:

a) Đơn vị sự nghiệp công có mức tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này dưới 10%;

b) Đơn vị sự nghiệp công không có nguồn thu sự nghiệp.

Điều 10. Xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên

1. Công thức xác định

Mức tự bảo đảm chi thường xuyên (%)

=

A

x 100%

B

Trong đó:

a) A gồm các khoản thu quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 5 Điều 11; điểm a, điểm b khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 5 Điều 15; khoản 2 Điều 19 của Nghị định này. Trong đó, đối với khoản thu quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11; điểm b khoản 2 Điều 15khoản 2 Điều 19 chỉ xác định chênh lệch thu lớn hơn chi (sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước); khoản thu tại khoản 3 Điều 11 khoản 3 Điều 15 không tính khoản chi nhiệm vụ không thường xuyên.

b) B gồm các khoản chi quy định tại Điều 12, Điều 16, Điều 20 của Nghị định này; không bao gồm các khoản chi thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.

2. Giá trị A và B quy định tại khoản 1 Điều này được tính trên cơ sở dự toán thu, chi tại năm đơn vị xây dựng phương án tự chủ tài chính để trình cấp có thẩm quyền.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ CƠ CHẾ TỰ CHỦ TÀI CHÍNH CỦA ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG

Mục 1. TỰ CHỦ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG TỰ BẢO ĐẢM CHI THƯỜNG XUYÊN VÀ CHI ĐẦU TƯ (ĐƠN VỊ NHÓM 1) VÀ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG TỰ BẢO ĐẢM CHI THƯỜNG XUYÊN (ĐƠN VỊ NHÓM 2)

Điều 11. Nguồn tài chính của đơn vị

1. Nguồn ngân sách nhà nước

a) Kinh phí cung cấp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, bao gồm cả nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định;

b) Kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ khi được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn hoặc giao trực tiếp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;

c) Kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao (nếu có), gồm: Kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kinh phí vốn đối ứng thực hiện các dự án có nguồn vốn nước ngoài theo quyết định của cấp có thẩm quyền; kinh phí thực hiện nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao; kinh phí được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cho đơn vị sự nghiệp công để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá để đặt hàng;

d) Vốn đầu tư phát triển của dự án đầu tư xây dựng cơ bản được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật đầu tư công (nếu có). Riêng đối với đơn vị nhóm 1, Nhà nước xem xét bố trí vốn cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đang triển khai dở dang theo quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc bố trí cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản mới thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đơn vị sự nghiệp công quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.

2. Nguồn thu hoạt động sự nghiệp

a) Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công;

b) Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công;

c) Thu từ cho thuê tài sản công: Đơn vị thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công.

3. Nguồn thu phí được để lại đơn vị sự nghiệp công để chi theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

4. Nguồn vốn vay; vốn viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật.

5. Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Điều 12. Chi thường xuyên giao tự chủ

Đơn vị sự nghiệp công được chủ động sử dụng các nguồn tài chính giao tự chủ quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2, khoản 3 (phần được để lại để chi thường xuyên phục vụ công tác thu phí) và khoản 5 Điều 11 Nghị định này để chi thường xuyên. Một số nội dung chi được quy định như sau:

1. Chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương

a) Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (sau đây gọi là Nghị quyết số 27-NQ/TW), đơn vị chi trả tiền lương theo lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có). Khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương, đơn vị tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị, ngân sách nhà nước không cấp bổ sung.

b) Kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành, thực hiện như sau:

- Đối với đơn vị nhóm 1: Căn cứ tình hình tài chính, đơn vị sự nghiệp công được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hạng I); quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).

- Đối với đơn vị nhóm 2: Căn cứ tình hình tài chính, đơn vị sự nghiệp công được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hạng II); quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).

Đơn vị nhóm 1 và nhóm 2 xác định quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện và phân phối tiền lương theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tiền lương làm căn cứ xây dựng quỹ lương kế hoạch hằng năm để chi trả cho viên chức và người lao động, đảm bảo cân đối về lợi ích của người lao động và Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị. Trường hợp mức chênh lệch thu lớn hơn chi đạt thấp hơn phương án tự chủ tài chính được phê duyệt thì đơn vị chủ động điều chỉnh giảm quỹ lương thực hiện theo tỷ lệ tương ứng với mức độ giảm chênh lệch thu lớn hơn chi của phương án tự chủ tài chính được duyệt nhưng phải đảm bảo mức chi trả tiền lương cho viên chức và người lao động không thấp hơn chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công.

Căn cứ vào quỹ tiền lương thực hiện, đơn vị sự nghiệp công được trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau. Mức dự phòng hằng năm do đơn vị quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện. Việc trích lập quỹ dự phòng tiền lương phải đảm bảo sau khi trích lập, đơn vị có chênh lệch thu lớn hơn chi; trường hợp đơn vị không có chênh lệch thu lớn hơn chi thì không được trích đủ 17%. Trường hợp năm trước liền kề đơn vị có trích lập quỹ dự phòng tiền lương mà sau 6 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính, đơn vị chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết thì đơn vị phải hoàn nhập dự phòng.

Khi Nhà nước điều chỉnh chính sách tiền lương, đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị, ngân sách nhà nước không cấp bổ sung. Việc chi trả tiền lương cho người lao động trong đơn vị được thực hiện theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất lượng và hiệu quả công tác theo quy định của pháp luật và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

2. Chi thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Căn cứ yêu cầu thực tế, mức giá thực tế trên thị trường, khả năng tài chính, đơn vị được quyết định mức chi cụ thể tương xứng với nhiệm vụ được giao và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

3. Chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý

a) Đối với các nội dung chi đã có định mức kinh tế - kỹ thuật, chế độ chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ yêu cầu thực tế, mức giá thực tế trên thị trường địa bàn địa phương của đơn vị sự nghiệp công và khả năng tài chính, đơn vị được quyết định mức chi theo quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị và chịu trách nhiệm về đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ theo quy định Nhà nước;

b) Đối với các nội dung chi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, căn cứ tình hình thực tế, đơn vị xây dựng mức chi cho phù hợp với nguồn tài chính của đơn vị và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

4. Chi thực hiện công việc, dịch vụ thu phí theo quy định của pháp luật phí, lệ phí; chi thực hiện các hoạt động dịch vụ.

5. Trích lập các khoản dự phòng theo quy định đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định thành lập các quỹ đặc thù để xử lý rủi ro (nếu có).

6. Chi trả lãi tiền vay theo quy định của pháp luật (nếu có).

7. Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Điều 13. Chi thường xuyên không giao tự chủ và chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Chi thường xuyên không giao tự chủ bao gồm:

a) Chi thực hiện các nhiệm vụ được Nhà nước giao quy định tại điểm c khoản 1 Điều 11 Nghị định này theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật đối với từng nguồn kinh phí;

b) Chi mua sắm tài sản, sửa chữa lớn phục vụ công tác thu phí từ nguồn thu phí được để lại (phần được để lại chi mua sắm, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ công tác thu phí);

c) Chi từ nguồn vay nợ, viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật.

2. Chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ: Trường hợp đơn vị sự nghiệp công được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn hoặc giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đơn vị thực hiện quản lý và sử dụng kinh phí theo quy định của pháp luật về khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

3. Đơn vị sự nghiệp công phải thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về chế độ công tác phí nước ngoài, chế độ tiếp khách nước ngoài và hội thảo quốc tế ở Việt Nam.

Điều 14. Phân phối kết quả tài chính trong năm

1. Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị sự nghiệp công được sử dụng theo thứ tự như sau:

a) Trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp: Trích tối thiểu 25%;

b) Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập áp dụng trong trường hợp đơn vị chi tiền lương theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định này: Đơn vị nhóm 1 được tự quyết định mức trích (không khống chế mức trích); đơn vị nhóm 2 trích tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định. Trường hợp đơn vị chi tiền lương theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định này thì không trích lập Quỹ bổ sung thu nhập;

c) Trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi: Tổng hai quỹ tối đa không quá 3 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị;

d) Trích lập Quỹ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành;

đ) Phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại (nếu có) sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

2. Sử dụng các Quỹ

a) Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp: Để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc; phát triển năng lực hoạt động sự nghiệp; chi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ; đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho người lao động trong đơn vị; mua bản quyền tác phẩm, chương trình; góp vốn liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước để tổ chức hoạt động dịch vụ sự nghiệp công theo chức năng, nhiệm vụ được giao và các khoản chi khác (nếu có);

b) Quỹ bổ sung thu nhập: Để chi bổ sung thu nhập cho người lao động trong năm và dự phòng chi bổ sung thu nhập cho người lao động năm sau trong trường hợp nguồn thu nhập bị giảm. Việc chi bổ sung thu nhập cho người lao động trong đơn vị được thực hiện theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất lượng và hiệu quả công tác;

c) Quỹ khen thưởng: Để thưởng cuối năm, thưởng định kỳ, thưởng đột xuất cho tập thể, cá nhân trong và ngoài đơn vị theo hiệu quả công việc và thành tích đóng góp vào hoạt động của đơn vị. Mức thưởng do Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công quyết định và được ghi trong Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị;

d) Quỹ phúc lợi: Để xây dựng, sửa chữa các công trình phúc lợi của đơn vị; góp một phần vốn để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi chung trong ngành hoặc với các đơn vị khác theo hợp đồng; chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể của người lao động trong đơn vị; trợ cấp khó khăn đột xuất cho người lao động, kể cả trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức, hoàn cảnh khó khăn; chi thêm cho người lao động thực hiện tinh giản biên chế; chi hỗ trợ hoạt động xã hội, từ thiện;

đ) Quỹ khác: Thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

3. Việc sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để đầu tư, mua sắm, góp vốn liên doanh, liên kết phải thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư công; pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; pháp luật về đấu thầu và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

4. Mức trích cụ thể của các quỹ quy định tại khoản 1 Điều này và quy trình sử dụng các quỹ do Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công quyết định theo quy chế chi tiêu nội bộ, phù hợp với quy định pháp luật liên quan và phải công khai trong đơn vị.

Mục 2. TỰ CHỦ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG TỰ BẢO ĐẢM MỘT PHẦN CHI THƯỜNG XUYÊN (ĐƠN VỊ NHÓM 3)

Điều 15. Nguồn tài chính của đơn vị

1. Nguồn ngân sách nhà nước

a) Kinh phí cung cấp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, bao gồm cả nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định;

b) Kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ khi được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn hoặc giao trực tiếp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;

c) Kinh phí hỗ trợ chi thường xuyên sau khi đơn vị đã sử dụng nguồn thu sự nghiệp và nguồn thu phí được để lại chi để thực hiện nhiệm vụ, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước nhưng chưa bảo đảm chi thường xuyên;

d) Kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao (nếu có): Kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kinh phí vốn đối ứng thực hiện các dự án có nguồn vốn nước ngoài theo quyết định của cấp có thẩm quyền; kinh phí thực hiện nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao; kinh phí được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cho đơn vị sự nghiệp công để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá để đặt hàng; kinh phí thực hiện tinh giản biên chế; kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức theo đề án được duyệt;

đ) Vốn đầu tư phát triển của dự án đầu tư xây dựng cơ bản được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật đầu tư công.

2. Nguồn thu hoạt động sự nghiệp

a) Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công;

b) Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công;

c) Thu từ cho thuê tài sản công: Đơn vị thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công.

3. Nguồn thu phí được để lại đơn vị sự nghiệp công để chi theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

4. Nguồn vốn vay của đơn vị; nguồn viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật.

5. Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Điều 16. Chi thường xuyên giao tự chủ

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính quy định tại điểm a, điểm c khoản 1, khoản 2, khoản 3 (phần được để lại để chi thường xuyên phục vụ công tác thu phí) và khoản 5 Điều 15 Nghị định này, đơn vị sự nghiệp công được tự chủ quyết định các nội dung chi như sau:

1. Chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương

a) Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, đơn vị sự nghiệp công áp dụng chế độ tiền lương theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).

Kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành, đơn vị sự nghiệp công áp dụng chế độ tiền lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp theo tiền lương theo quy định của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).

b) Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương

Khi Nhà nước điều chỉnh chính sách tiền lương, đơn vị sự nghiệp công tiếp tục sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ (riêng đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế - dân số sử dụng tối thiểu 35% sau khi trừ các chi phí đã kết cấu vào giá dịch vụ), tiết kiệm 10% chi thường xuyên nguồn ngân sách tăng thêm hằng năm và sắp xếp từ nguồn dự toán ngân sách nhà nước được giao để bảo đảm nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Ngân sách nhà nước chỉ cấp bổ sung sau khi đơn vị sử dụng hết Quỹ bổ sung thu nhập và nguồn trích lập cải cách tiền lương.

c) Chi tiền thưởng: Thực hiện theo chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

2. Chi thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Căn cứ yêu cầu thực tế, mức giá thực tế trên thị trường và dự toán ngân sách nhà nước giao, khả năng tài chính, đơn vị được quyết định mức chi cụ thể tương xứng với nhiệm vụ được giao và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

3. Chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý

a) Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên

Đối với các nội dung chi đã có định mức chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ yêu cầu thực tế, mức giá thực tế trên thị trường và khả năng tài chính, đơn vị được quyết định mức chi cao hơn (trong trường hợp đơn vị chi từ nguồn thu sự nghiệp, không phải nguồn ngân sách nhà nước) hoặc bằng hoặc thấp hơn mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị nhưng phải bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ theo quy định Nhà nước.

Đối với các nội dung chi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, căn cứ tình hình thực tế, đơn vị sự nghiệp công xây dựng mức chi cho phù hợp với nguồn tài chính của đơn vị và quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

b) Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính, đơn vị được quyết định mức chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý, nhưng tối đa không vượt quá mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Đối với các nội dung chi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, căn cứ tình hình thực tế, đơn vị sự nghiệp công xây dựng mức chi cho phù hợp từ nguồn tài chính của đơn vị và quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

4. Chi phục vụ cho việc thực hiện công việc, dịch vụ thu phí theo quy định của pháp luật phí, lệ phí; chi cho các hoạt động dịch vụ.

5. Trích lập các khoản dự phòng đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, liên doanh liên kết và dịch vụ khác theo quy định đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định thành lập các quỹ đặc thù để xử lý rủi ro (nếu có).

6. Chi trả lãi tiền vay (nếu có).

7. Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Điều 17. Chi thường xuyên không giao tự chủ và chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Căn cứ nguồn tài chính quy định tại điểm b và điểm d khoản 1, khoản 3 (phần được để lại chi nhiệm vụ không thường xuyên), khoản 4 Điều 15 Nghị định này, đơn vị thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.

Điều 18. Phân phối kết quả tài chính trong năm

Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định này, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị được sử dụng theo thứ tự như sau:

1. Trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp

a) Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên: Trích lập tối thiểu 20%;

b) Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên: Trích lập tối thiểu 15%;

c) Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên: Trích lập tối thiểu 10%.

2. Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập và chi thu nhập tăng thêm

a) Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, trích lập Quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định.

b) Kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành, thực hiện như sau:

- Đơn vị tự bảo đảm 70% đến dưới 100% chi thường xuyên: Được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị;

- Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên: Được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,5 lần quỹ lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị;

- Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên: Được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,3 lần quỹ lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị.

3. Trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi

Mức trích tổng hai quỹ như sau:

a) Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên: Trích lập tối đa không quá 2,5 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị;

b) Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên: Trích lập tối đa không quá 2 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị;

c) Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên: Trích lập tối đa không quá 1,5 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị.

4. Trích lập Quỹ khác theo quy định của pháp luật.

5. Phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại (nếu có) sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

6. Việc sử dụng các Quỹ thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 14 Nghị định này. Mức trích cụ thể và quy trình sử dụng các Quỹ quy định tại Điều này do Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công quyết định theo quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp quy định pháp luật liên quan và phải công khai trong đơn vị.

Mục 3. TỰ CHỦ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG DO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC BẢO ĐẢM CHI THƯỜNG XUYÊN (ĐƠN VỊ NHÓM 4)

Điều 19. Nguồn tài chính của đơn vị

1. Nguồn ngân sách nhà nước, gồm:

a) Kinh phí cấp chi thường xuyên trên cơ sở nhiệm vụ được Nhà nước giao, số lượng người làm việc và định mức phân bổ dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn hoặc giao trực tiếp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;

c) Kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao quy định tại điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định này (nếu có);

d) Vốn đầu tư phát triển của dự án đầu tư xây dựng cơ bản được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật đầu tư công.

2. Nguồn thu hoạt động sự nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công (nếu có).

3. Nguồn viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật.

4. Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Điều 20. Chi thường xuyên giao tự chủ

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 19 Nghị định này, đơn vị sự nghiệp công được tự chủ quyết định các nội dung chi như sau:

1. Chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương

a) Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, đơn vị sự nghiệp công áp dụng chế độ tiền lương theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).

Kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành, đơn vị sự nghiệp công áp dụng chế độ tiền lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp theo tiền lương theo quy định của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).

b) Về nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương

Khi Nhà nước điều chỉnh chính sách tiền lương, đơn vị sự nghiệp công thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên nguồn ngân sách tăng thêm hằng năm và sắp xếp từ nguồn dự toán ngân sách nhà nước được giao để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Ngân sách nhà nước chỉ cấp bổ sung sau khi đơn vị sử dụng hết nguồn trích lập cải cách tiền lương.

c) Chi tiền thưởng: Thực hiện theo chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

2. Chi thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Mức chi cụ thể thực hiện theo quy định chung về tiền lương, tiền công của Nhà nước.

3. Chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính, đơn vị được quyết định mức chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý, nhưng tối đa không vượt quá mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

4. Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Điều 21. Chi thường xuyên không giao tự chủ và chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Căn cứ nguồn tài chính được giao tại điểm b, điểm c khoản 1, khoản 3 Điều 19 Nghị định này, đơn vị thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.

Điều 22. Phân phối kết quả tài chính trong năm

1. Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi phí thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 Nghị định này, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động thường xuyên giao tự chủ (nếu có) được xác định là kinh phí chi thường xuyên tiết kiệm được.

2. Đơn vị sử dụng số kinh phí chi thường xuyên tiết kiệm được theo thứ tự như sau:

a) Bổ sung thu nhập cho viên chức, người lao động: Đơn vị chi thu nhập bình quân tăng thêm cho viên chức, người lao động tối đa không quá 0,3 lần quỹ tiền lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người;

b) Chi khen thưởng và phúc lợi: Chi khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất cho tập thể, cá nhân trong và ngoài đơn vị theo kết quả công tác và thành tích đóng góp; chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể của viên chức, người lao động; trợ cấp khó khăn đột xuất cho viên chức, người lao động, kể cả đối với những trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức; chi thêm cho người lao động trong biên chế khi thực hiện tinh giản biên chế;

c) Khi xét thấy khả năng tiết kiệm kinh phí không ổn định, đơn vị có thể trích lập quỹ dự phòng để ổn định thu nhập cho viên chức, người lao động.

Số kinh phí tiết kiệm được, cuối năm chưa sử dụng hết được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng.

3. Thủ trưởng đơn vị quyết định phương án sử dụng kinh phí tiết kiệm nêu trên theo quy chế chi tiêu nội bộ và phải công khai trong đơn vị.

Mục 4. TỰ CHỦ VỀ GIAO DỊCH TÀI CHÍNH VÀ LIÊN DOANH, LIÊN KẾT

Điều 23. Mở tài khoản giao dịch

1. Đơn vị sự nghiệp công được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại đối với các khoản thu từ hoạt động sự nghiệp, hoạt động kinh doanh, dịch vụ.

2. Đơn vị nhóm 3 và nhóm 4 mở tài khoản chuyên thu tại ngân hàng thương mại đối với các khoản thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ y tế dự phòng, học phí theo mức giá quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; định kỳ nộp vào tài khoản tiền gửi của đơn vị mở tại Kho bạc Nhà nước để quản lý theo quy định.

3. Các khoản kinh phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, gồm: kinh phí ngân sách nhà nước cấp, các khoản thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí và các khoản khác của ngân sách nhà nước (nếu có) đơn vị mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để quản lý.

4. Các Quỹ được trích lập theo quy định tại Nghị định này được gửi tiền tại ngân hàng thương mại để quản lý.

Điều 24. Huy động vốn và vay vốn tín dụng

1. Nguyên tắc chung

a) Khi thực hiện vay vốn, huy động vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản, đơn vị sự nghiệp công phải có phương án vay vốn, huy động vốn và hoàn trả vốn; tự chịu trách nhiệm trả nợ, cả gốc và lãi tiền vay theo quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật về hiệu quả của việc vay vốn, huy động vốn và hiệu quả sử dụng vốn vay, vốn huy động;

b) Đơn vị không được sử dụng tài sản công để thế chấp vay vốn theo quy định tại khoản 5 Điều 54 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

c) Các dự án đầu tư từ nguồn vốn vay tín dụng, huy động vốn phải thực hiện theo quy định của pháp luật, công khai, dân chủ trong đơn vị.

2. Đơn vị nhóm 1, đơn vị nhóm 2 trong lĩnh vực y tế - dân số được vay vốn của các tổ chức tín dụng để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất theo quy định của pháp luật về đầu tư công; vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước hoặc được hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư sử dụng vốn vay của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật (nếu có). Trình tự thủ tục, thẩm quyền phê duyệt phương án vay vốn thực hiện theo quy định của pháp luật đầu tư công.

3. Đơn vị nhóm 1, nhóm 2 và nhóm 3 (đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên từ 70% trở lên) có hoạt động dịch vụ được vay vốn của các tổ chức tín dụng, được huy động vốn của viên chức, người lao động trong đơn vị để đầu tư mở rộng, cải tạo, sửa chữa làm cơ sở vật chất hiện có; mua bổ sung trang thiết bị để nâng cao chất lượng và tăng quy mô hoạt động sự nghiệp, tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tự chịu trách nhiệm trả nợ vay theo quy định của pháp luật. Việc huy động vốn của viên chức, người lao động trong đơn vị được lập thành hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự.

4. Đơn vị sự nghiệp công trình cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt phương án vay vốn, huy động vốn và hoàn trả vốn. Đối với đơn vị có Hội đồng quản lý hoặc Hội đồng trường, Hội đồng Đại học, phương án vay vốn, huy động vốn và hoàn trả vốn do Hội đồng chịu trách nhiệm phê duyệt.

Điều 25. Tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết

1. Đơn vị sự nghiệp công được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội. Việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

2. Đơn vị sự nghiệp công xây dựng đề án liên doanh, liên kết trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương (đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý) phê duyệt sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý) phê duyệt sau khi có ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp, trong đó phải làm rõ hình thức liên doanh, liên kết (thành lập pháp nhân mới hoặc không thành lập pháp nhân mới); phương án bảo đảm nguồn tài chính, nguồn nhân lực cho hoạt động của đơn vị và cơ sở liên doanh, liên kết. Đối với đơn vị có thành lập Hội đồng quản lý, Hội đồng trường hoặc Hội đồng Đại học, đơn vị báo cáo Hội đồng thông qua đề án trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Nghị định này không quy định việc sử dụng thương hiệu, giấy phép, bản quyền tác phẩm để liên doanh, liên kết theo hình thức thành lập pháp nhân mới. Trường hợp liên doanh, liên kết theo hình thức thành lập pháp nhân mới thì đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo các quy định pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đầu tư, pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan khác.

4. Việc phân chia kết quả của hoạt động liên doanh, liên kết thực hiện theo thỏa thuận trong Hợp đồng liên doanh, liên kết, cụ thể như sau:

a) Đối với hình thức liên doanh, liên kết không thành lập pháp nhân mới: Đơn vị sự nghiệp công thực hiện bổ sung toàn bộ kết quả của hoạt động liên doanh, liên kết vào nguồn tài chính của đơn vị có hoạt động liên doanh, liên kết theo đề án liên doanh, liên kết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Đối với hình thức liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới: số tiền thu được từ kết quả phân chia của hoạt động liên doanh, liên kết sau khi chi trả các chi phí lãi vay, chi phí thuê tài sản đem đi góp vốn (nếu có); phần thu nhập được chia còn lại của đơn vị sự nghiệp công được quản lý và sử dụng theo đề án liên doanh, liên kết được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Trường hợp sử dụng thương hiệu, giấy phép, bản quyền tác phẩm để liên doanh, liên kết và các trường hợp đặc thù khác, đơn vị thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan. Khi xác định giá trị thương hiệu để góp vốn liên doanh, liên kết theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, một số chỉ tiêu tài chính của đơn vị sự nghiệp công sử dụng trong thẩm định giá được xác định như sau:

a) Thu nhập của đơn vị sự nghiệp công được xác định trên cơ sở chênh lệch thu chi trước lãi vay, sau thuế cộng khấu hao;

b) Chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu của đơn vị sự nghiệp công được xác định theo lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm. Trường hợp không có trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm thì xác định theo lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài nhất gần thời điểm thẩm định giá;

c) Giá trị của các tài sản đóng góp trong cách tiếp cận từ thu nhập được xác định theo giá trị sổ sách kế toán.

6. Trường hợp thực hiện vay vốn, huy động vốn liên doanh, liên kết đầu tư theo phương thức đối tác công tư thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Chương III

TỰ CHỦ VỀ TÀI CHÍNH CỦA ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG TRONG LĨNH VỰC Y TẾ - DÂN SỐ; GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO; GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Mục 1. TỰ CHỦ VỀ TÀI CHÍNH CỦA ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG TRONG LĨNH VỰC Y TẾ - DÂN SỐ

Điều 26. Tự chủ sử dụng nguồn tài chính

Việc tự chủ sử dụng nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế - dân số thực hiện theo quy định tại Điều 12, Điều 16Điều 20 Nghị định này và các quy định sau:

1. Đơn vị sự nghiệp công được thuê các đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật y tế để đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong trường hợp đơn vị sự nghiệp công không có đủ trang thiết bị để thực hiện các dịch vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Thẩm quyền quyết định như sau:

a) Đối với đơn vị nhóm 1 và nhóm 2: Hội đồng quản lý thông qua đề án thuê dịch vụ, trong đó nêu rõ danh mục các dịch vụ cần thuê; khối lượng; tiêu chuẩn, chất lượng (nếu có) và giá của dịch vụ đi thuê; phương thức thanh toán; trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công và bên cung cấp dịch vụ. Trường hợp đơn vị chưa thành lập Hội đồng quản lý, thủ trưởng đơn vị quyết định việc thuê đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật y tế;

b) Đối với đơn vị nhóm 3 và nhóm 4: Đơn vị có văn bản gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương (đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý) phê duyệt; trong đó nêu rõ danh mục các dịch vụ cần thuê, khối lượng, tiêu chuẩn, chất lượng (nếu có) và giá của dịch vụ đi thuê; phương thức thanh toán; trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công và bên cung cấp dịch vụ;

c) Việc thuê đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Thời gian thuê theo nhu cầu thuê của đơn vị nhưng không quá thời gian khấu hao tối đa của tài sản đi thuê theo quy định của pháp luật về khấu hao tài sản;

d) Chi phí thuê các đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật y tế được hạch toán vào chi phí hợp lý của đơn vị.

2. Chi phẫu thuật, thủ thuật

a) Đối với đơn vị nhóm 1 và nhóm 2: Thủ trưởng đơn vị căn cứ nguồn thu để quyết định mức chi phẫu thuật, thủ thuật cao hơn hoặc bằng hoặc thấp hơn mức quy định của Nhà nước và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

b) Đối với đơn vị nhóm 3 và nhóm 4: Thủ trưởng đơn vị căn cứ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị để quyết định mức chi phẫu thuật, thủ thuật bằng hoặc thấp hơn mức quy định của Nhà nước và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

3. Phân phối kết quả tài chính trong năm

a) Đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế - dân số thực hiện phân phối kết quả tài chính trong năm theo quy định tại Điều 14, Điều 18Điều 22 Nghị định này.

b) Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tùy theo khả năng nguồn tài chính trích lập Quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh để hỗ trợ cho đối tượng chính sách thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo hoặc gia đình có khó khăn về kinh tế.

Nội dung hỗ trợ gồm: Tiền ăn khi điều trị nội trú; tiền đi lại từ nhà đến bệnh viện, từ bệnh viện về nhà và chuyển bệnh viện; chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác có chi phí cao mà người bệnh không đủ khả năng chi trả.

Thủ trưởng đơn vị xây dựng quy chế hỗ trợ, bảo đảm công khai, minh bạch.

Điều 27. Phân bổ, giao dự toán đối với đơn vị nhóm 3

1. Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện các hoạt động chi thường xuyên cho các đơn vị được giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ y tế dự phòng (bao gồm cả trạm y tế xã, phường, thị trấn), nâng cao sức khỏe, dân số, an toàn thực phẩm thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, bao gồm:

a) Chi tiền lương, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp theo chế độ do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công được xác định trên cơ sở số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện nhiệm vụ cung cấp y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe, dân số, an toàn thực phẩm;

b) Chi phí vận hành, bảo đảm hoạt động thường xuyên và các khoản chi đặc thù khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao và chế độ quy định.

2. Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên của đơn vị làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh phong, tâm thần theo cơ chế đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trên cơ sở số lượng đối tượng, đơn giá khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc và nuôi dưỡng của các đối tượng được cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.

3. Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí trong trường hợp đơn vị chưa tự bảo đảm được chi thường xuyên đối với các hoạt động: Khám, chữa bệnh, kiểm dịch y tế, y tế dự phòng, dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản; truyền thông giáo dục sức khỏe; giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, giám định y khoa; kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, nguyên liệu làm thuốc; kiểm định vắc xin, sinh phẩm; kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, kiểm chuẩn, hiệu chuẩn.

Điều 28. Phân loại mức độ tự chủ tài chính của Trung tâm y tế đa chức năng

1. Trung tâm y tế đa chức năng thực hiện xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định này. Trường hợp số thu từ dịch vụ khám, chữa bệnh và các dịch vụ khác của Trung tâm đảm bảo được chi thường xuyên hoặc đảm bảo được cả chi thường xuyên và chi đầu tư cho hoạt động khám, chữa bệnh: Trung tâm được phân loại, giao thực hiện tự chủ vào nhóm 1 hoặc nhóm 2. Đối với các hoạt động y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe, dân số, an toàn thực phẩm, hoạt động của các trạm y tế xã, phường, thị trấn được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định này.

2. Trung tâm được sử dụng nguồn thu dịch vụ khám, chữa bệnh và các dịch vụ khác; nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các hoạt động theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định này để chi cho các hoạt động của Trung tâm. Việc phân phối kết quả tài chính trong năm được thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Mục 2. TỰ CHỦ VỀ TÀI CHÍNH CỦA CƠ SỞ GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO; GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Điều 29. Điều kiện tự chủ của cơ sở giáo dục đại học

Cơ sở giáo dục đại học được thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định của pháp luật về giáo dục đại học khi đáp ứng đủ điều kiện sau đây:

1. Đã thành lập Hội đồng trường, Hội đồng Đại học và được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học.

2. Đã ban hành và tổ chức thực hiện quy chế hoạt động của Hội đồng trường hoặc Hội đồng Đại học; quy chế phối hợp giữa Hội đồng trường hoặc Hội đồng Đại học, đảng ủy và nhà trường; quy chế tổ chức và hoạt động; quy chế dân chủ; quy chế quản lý đào tạo, khoa học công nghệ, học sinh sinh viên, tài chính tài sản và có chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng do Nhà nước quy định.

3. Thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong cơ sở giáo dục đại học.

4. Xây dựng đề án tự chủ và thực hiện công khai đầy đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và các thông tin khác theo quy định của pháp luật.

Điều 30. Tự chủ tài chính

1. Nguồn tài chính

Nguồn tài chính của cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp quy định tại Điều 11, Điều 15Điều 19 Nghị định này và các quy định sau:

a) Ngân sách nhà nước cấp kinh phí cho cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp công lập để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập và chính sách hỗ trợ khác cho học sinh, sinh viên (nếu có) theo quy định của Nhà nước;

b) Thu học phí theo quy định của pháp luật về giáo dục, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các quy định của Chính phủ về học phí;

c) Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, gồm: Thu dịch vụ giáo dục đào tạo theo phương thức giáo dục thường xuyên; thu dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về chuyên môn nghiệp vụ, bổ sung kiến thức, kỹ năng để cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận đào tạo và các hình thức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn khác; thu dịch vụ tư vấn giáo dục đào tạo; thu từ hoạt động hợp tác đào tạo với doanh nghiệp; thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; các dịch vụ khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở giáo dục đào tạo và quy định của pháp luật. Các khoản thu dịch vụ phải được quy định cụ thể và công khai.

2. Sử dụng nguồn tài chính

Cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp quyết định sử dụng nguồn tài chính của đơn vị để chi cho các hoạt động thường xuyên, bảo đảm đạt chuẩn chất lượng đầu ra theo đúng cam kết. Việc tự chủ sử dụng nguồn tài chính thực hiện theo quy định tại Điều 12, Điều 16Điều 20 Nghị định này và các quy định sau:

a) Chi học bổng khuyến khích học tập, miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên; các khoản chi hỗ trợ khác cho học sinh, sinh viên (nếu có) trong các cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Nhà nước;

b) Chi đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học theo quy định pháp luật về giáo dục đại học và được hạch toán vào chi phí hợp lý của đơn vị.

3. Phân phối kết quả tài chính trong năm

a) Cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp thực hiện phân phối kết quả tài chính trong năm theo quy định tại Điều 14, Điều 18Điều 22 Nghị định này.

b) Căn cứ khả năng nguồn tài chính, cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp thực hiện trích lập Quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên. Việc quản lý, sử dụng Quỹ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo) và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp).

Điều 31. Tự chủ tài chính của đại học vùng

Tự chủ tài chính của đại học vùng thực hiện theo quy định tại Nghị định này và các quy định sau:

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể về tự chủ tài chính của đại học vùng.

2. Đại học vùng xây dựng quy chế tài chính báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để thực hiện. Căn cứ quy chế tài chính của đại học vùng được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, Giám đốc đại học vùng ban hành quy chế chi tiêu nội bộ của đại học vùng; Thủ trưởng các đại học thành viên, đơn vị trực thuộc đại học vùng ban hành quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Chương IV

LẬP, CHẤP HÀNH DỰ TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN THU, CHI

Điều 32. Lập dự toán

1. Đối với đơn vị nhóm 1 và nhóm 2

a) Hằng năm, căn cứ vào kết quả thực hiện về số lượng, khối lượng dịch vụ; tình hình thu, chi hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công và các dịch vụ khác của năm hiện hành; yêu cầu nhiệm vụ của năm kế hoạch, đơn vị lập kế hoạch về số lượng, khối lượng dịch vụ và dự toán thu, chi báo cáo cơ quan quản lý cấp trên;

b) Đối với dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước đặt hàng: Hằng năm căn cứ đơn giá, số lượng, khối lượng dịch vụ sự nghiệp công được đặt hàng theo hướng dẫn của bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị lập dự toán gửi cơ quan quản lý cấp trên.

2. Đối với đơn vị nhóm 3: Căn cứ tình hình thực hiện năm hiện hành, nhiệm vụ của năm kế hoạch, đơn vị lập kế hoạch về số lượng, khối lượng dịch vụ sự nghiệp công và dự toán thu, chi báo cáo cơ quan quản lý cấp trên.

3. Đối với đơn vị nhóm 4: Căn cứ tình hình thực hiện năm hiện hành, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao trong năm kế hoạch, số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chế độ chi tiêu hiện hành, đơn vị lập dự toán thu, chi gửi cơ quan quản lý cấp trên.

4. Đơn vị sự nghiệp công lập dự toán thu, chi từ nguồn thu phí được để lại chi theo quy định pháp luật về phí và lệ phí; dự toán chi thực hiện các nhiệm vụ không thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

5. Hằng năm, căn cứ vào dự toán thu, chi do đơn vị sự nghiệp công xây dựng, cơ quan quản lý cấp trên có trách nhiệm xem xét, tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 33. Phân bổ và giao dự toán

1. Việc phân bổ và giao dự toán hằng năm của cơ quan quản lý cấp trên cho đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Trong đó, đối với đơn vị nhóm 3 và nhóm 4, việc phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên giao tự chủ từ nguồn ngân sách nhà nước hằng năm căn cứ vào dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định và các yếu tố biến động do thay đổi chính sách, chế độ của Nhà nước làm thay đổi dự toán thu, chi của đơn vị.

2. Căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền giao, cơ quan quản lý cấp trên phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc, trong đó phân rõ dự toán giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công trực thuộc; đặt hàng (hoặc giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định) đối với nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác; hoặc tổ chức đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (sau đây gọi là Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ).

Điều 34. Hạch toán kế toán và quyết toán

1. Đơn vị sự nghiệp công thực hiện chế độ kế toán hành chính sự nghiệp và kiểm toán nội bộ theo quy định của pháp luật hiện hành về kiểm toán nội bộ; mở sổ sách kế toán theo dõi chi tiết cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo nhiệm vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao và cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước theo nhu cầu xã hội, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Trường hợp đơn vị nhóm 1 xây dựng đề án quản lý, kế toán theo mô hình doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì thực hiện theo chế độ kế toán doanh nghiệp.

2. Đơn vị sự nghiệp công lập báo cáo tài chính hằng năm gửi cơ quan quản lý cấp trên và các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về kế toán.

3. Đơn vị sự nghiệp công lập báo cáo quyết toán hằng năm đối với nguồn ngân sách nhà nước cấp, nguồn viện trợ, nguồn thu phí được để lại, các nguồn khác được để lại theo quy định gửi cơ quan quản lý cấp trên hoặc cơ quan tài chính cùng cấp theo quy định của pháp luật về kế toán và ngân sách nhà nước.

4. Căn cứ tình hình thực tế của các đơn vị sự nghiệp công, việc tổ chức bộ máy kế toán tại đơn vị do cơ quan có thẩm quyền thành lập đơn vị quyết định đảm bảo phù hợp và đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy kế toán.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 35. Giao quyền tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp công

1. Đơn vị sự nghiệp công xây dựng phương án tự chủ tài chính trong giai đoạn ổn định 05 (năm) năm, phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định; dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định và đề xuất phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao (theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này), báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (bộ, cơ quan trung ương đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý). Nội dung của phương án tự chủ tài chính cần xác định rõ mức độ tự chủ tài chính theo 04 nhóm đơn vị quy định tại Nghị định này.

2. Đối với đơn vị sự nghiệp công có đơn vị sự nghiệp trực thuộc

a) Đơn vị sự nghiệp công xây dựng phương án tự chủ tài chính báo cáo đơn vị sự nghiệp công cấp trên trực tiếp phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan quản lý cấp trên.

b) Đơn vị sự nghiệp công cấp trên xây dựng phương án tự chủ tài chính của đơn vị (không bao gồm phương án tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công trực thuộc đã quy định tại điểm a khoản này) gửi cơ quan quản lý cấp trên.

3. Căn cứ phương án tự chủ tài chính do các đơn vị sự nghiệp công đề xuất (không bao gồm phương án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công tại điểm a khoản 2 Điều này), cơ quan quản lý cấp trên xem xét, thẩm tra dự toán thu, chi thường xuyên năm đầu thời kỳ ổn định và xác định kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu phí được để lại chi; kinh phí ngân sách nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công (trường hợp tại thời điểm thẩm định phương án tự chủ tài chính xác định được kinh phí đặt hàng cho đơn vị); dự kiến phân loại các đơn vị trực thuộc theo mức độ tự chủ tài chính, tổng hợp phương án phân loại và dự toán thu, chi của các đơn vị sự nghiệp công, có văn bản gửi cơ quan tài chính cùng cấp (Bộ Tài chính, cơ quan tài chính ở địa phương theo phân cấp) xem xét, có ý kiến.

Sau khi có ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài chính cùng cấp, cơ quan quản lý cấp trên xác định phân loại đơn vị và ra quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công trực thuộc; phê duyệt dự toán kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu phí được để lại chi; kinh phí ngân sách nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công (nếu có) cho các đơn vị theo phương án tự chủ tài chính năm đầu thời kỳ ổn định.

4. Sau mỗi thời kỳ ổn định (05 năm), các bộ, cơ quan trung ương (đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý) có trách nhiệm rà soát, nâng mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị nhóm 3 (trừ đơn vị sự nghiệp công cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, không có nguồn thu sự nghiệp) theo lộ trình như sau:

a) Chuyển ít nhất 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên sang đơn vị nhóm 2; hằng năm, thực hiện giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước;

b) Chuyển ít nhất 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên sang đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên; hằng năm, thực hiện giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước;

c) Chuyển ít nhất 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên sang đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên; hằng năm, thực hiện giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.

5. Đơn vị sự nghiệp công đã được cơ quan có thẩm quyền phân loại là đơn vị nhóm 1 hoặc nhóm 2 tiếp tục thực hiện theo các quy định về cơ chế tự chủ tài chính quy định tại Nghị định này; không được điều chỉnh phân loại sang đơn vị nhóm 3 hoặc nhóm 4 trong giai đoạn ổn định phân loại 05 (năm) năm hoặc sau giai đoạn ổn định 05 (năm) năm, trừ trường hợp bất khả kháng do nguyên nhân khách quan (như thiên tai, dịch bệnh) hoặc được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật dẫn đến biến động nguồn thu của đơn vị và làm thay đổi mức độ tự chủ tài chính.

Đơn vị nhóm 1 và nhóm 2 có trách nhiệm bổ sung hồ sơ, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để triển khai việc giao đất đai, tài sản công theo quy định của pháp luật liên quan.

6. Cơ quan quản lý cấp trên thực hiện sắp xếp tổ chức lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công hoạt động không hiệu quả theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 36. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương

1. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương

a) Phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực thực hiện các quy định tại Nghị định này;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, cơ quan trung ương theo quy định tại Điều 4 Nghị định này cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ;

c) Ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về giá và quy định của pháp luật khác có liên quan để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ;

d) Ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc bộ, cơ quan trung ương; hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công;

đ) Thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm trong hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và tổ chức thực hiện các nội dung khác về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dịch vụ sự nghiệp công và đơn vị sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.

2. Bộ Tài chính

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn thực hiện Nghị định này;

b) Xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin dữ liệu về tài chính và tài sản công của đơn vị sự nghiệp công trong toàn quốc.

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn chế độ tiền lương đối với người lao động làm việc trong đơn vị nhóm 1 và nhóm 2 theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định này.

4. Trường hợp các ngành, lĩnh vực có đặc thù riêng, các bộ, cơ quan trung ương căn cứ quy định của pháp luật chuyên ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành quy định bổ sung về cơ chế tự chủ đặc thù của ngành, lĩnh vực.

5. Hằng năm, các bộ, cơ quan trung ương gửi Bộ Tài chính báo cáo kết quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công trực thuộc; báo cáo kê khai, thực hiện cập nhật thông tin, bảo đảm kết nối, tích hợp với hệ thống thông tin dữ liệu về tài chính và tài sản công của đơn vị sự nghiệp công trong toàn quốc. Sau mỗi thời kỳ ổn định (05 năm), các bộ, cơ quan trung ương gửi Bộ Tài chính báo cáo đánh giá kết quả thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 35 Nghị định này.

Điều 37. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Ban hành, sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định tại Điều 4 Nghị định này cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ.

2. Ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về giá và quy định của các pháp luật khác có liên quan để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương; hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công.

4. Thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm trong hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và tổ chức thực hiện các nội dung khác về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dịch vụ sự nghiệp công và đơn vị sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

5. Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi Bộ Tài chính báo cáo kết quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công trực thuộc; báo cáo kê khai, thực hiện cập nhật thông tin, bảo đảm kết nối, tích hợp với hệ thống thông tin dữ liệu về tài chính và tài sản công của đơn vị sự nghiệp công trong toàn quốc. Sau mỗi thời kỳ ổn định (05 năm), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi Bộ Tài chính báo cáo đánh giá kết quả thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 35 Nghị định này.

Điều 38. Trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công

1. Chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và trước pháp luật đối với các quyết định thực hiện quyền tự chủ về tài chính của đơn vị.

2. Bảo đảm chất lượng dịch vụ sự nghiệp công theo các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

3. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế sử dụng tài sản, quy chế dân chủ cơ sở, quy chế công khai tài chính, kiểm toán nội bộ theo quy định.

4. Thực hiện quy định công khai; trách nhiệm giải trình hoạt động và số liệu thu, chi khi lập phương án tự chủ tài chính của đơn vị trước cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan kiểm toán, thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật. Định kỳ hằng năm, đơn vị có trách nhiệm báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị cho cơ quan quản lý cấp trên theo quy định.

Điều 39. Áp dụng quy định của Nghị định này đối với các đối tượng khác

1. Đơn vị sự nghiệp công trực thuộc tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức khác được áp dụng cơ chế tự chủ tài chính quy định tại Nghị định này theo nguyên tắc tự bảo đảm kinh phí hoạt động, ngân sách nhà nước không hỗ trợ.

2. Các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức khác tự chịu trách nhiệm quyết định giao quyền tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công trực thuộc, phù hợp với quy định về chức năng, nhiệm vụ, điều lệ của tổ chức và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Điều 40. Điều khoản chuyển tiếp

1. Đối với các đơn vị đã được giao quyền tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thì tiếp tục thực hiện theo phương án tự chủ tài chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt đến hết năm 2021.

2. Từ năm 2022, các đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo quy định tại Điều 35 của Nghị định này và các quy định sau:

a) Đến ngày 31 tháng 3 năm 2022, đơn vị nhóm 3 và đơn vị nhóm 4 thực hiện báo cáo cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt phương án tự chủ tài chính;

b) Đến ngày 30 tháng 6 năm 2022, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phê duyệt phương án tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý sau khi có ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp.

3. Đơn vị sự nghiệp công đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện về chi thường xuyên và chi đầu tư trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được phân loại là đơn vị nhóm 1 và được lựa chọn tiếp tục thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã phê duyệt hoặc áp dụng cơ chế tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định này.

4. Đơn vị sự nghiệp công đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép áp dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được lựa chọn tiếp tục thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền hoặc áp dụng cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị nhóm 1 theo quy định tại Nghị định này.

5. Số dư quỹ dự phòng ổn định thu nhập (đã trích lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập); số dư quỹ bổ sung thu nhập (đã trích lập theo Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác) đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện như sau:

a) Đối với đơn vị nhóm 1 và nhóm 2, số dư được chuyển vào Quỹ bổ sung thu nhập; kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành, số dư từ Quỹ bổ sung thu nhập được tính vào Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi;

b) Đối với đơn vị nhóm 3, số dư được chuyển vào Quỹ bổ sung thu nhập.

Điều 41. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8 năm 2021.

2. Các quy định tại các văn bản sau hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành:

a) Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập;

c) Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác;

d) Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (2).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Minh Khái

PHỤ LỤC I

QUY ĐỊNH KHUNG DANH MỤC DỊCH VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
(Kèm theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ)

I

Lĩnh Vực sự nghiệp giáo dục đào tạo

1

Dịch vụ giáo dục mầm non và phổ thông

2

Dịch vụ giáo dục trung cấp sư phạm và cao đẳng sư phạm

3

Dịch vụ giáo dục đại học

4

Dịch vụ giáo dục thường xuyên

5

Dịch vụ đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

6

Dịch vụ khác

II

Lĩnh vực sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp

1

Dịch vụ đào tạo trình độ cao đẳng

2

Dịch vụ đào tạo trình độ trung cấp

3

Dịch vụ đào tạo sơ cấp nghề, đào tạo nghề dưới 03 tháng

4

Dịch vụ đào tạo nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

III

Lĩnh vực sự nghiệp y tế - dân số

1

Dịch vụ y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu

2

Dịch vụ khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng

3

Dịch vụ kiểm nghiệm, kiểm định

4

Dịch vụ giám định

5

Dịch vụ y tế khác

IV

Lĩnh vực sự nghiệp thông tin và truyền thông

1

Dịch vụ báo chí, xuất bản và thông tin cơ sở

2

Dịch vụ viễn thông, internet

3

Dịch vụ bưu chính

4

Dịch vụ công nghệ thông tin

5

Dịch vụ khác

V

Lĩnh vực sự nghiệp văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch

1

Dịch vụ văn hóa

2

Dịch vụ gia đình

3

Dịch vụ thể dục, thể thao

4

Dịch vụ du lịch

5

Dịch vụ khác

VI

Lĩnh vực sự nghiệp khoa học và công nghệ

1

Dịch vụ hoạt động khoa học và công nghệ

2

Dịch vụ lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng (bao gồm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật)

3

Dịch vụ lĩnh vực sở hữu trí tuệ

4

Dịch vụ phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ (bao gồm thông tin khoa học và công nghệ)

5

Dịch vụ lĩnh vực năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân

VII

Lĩnh vực sự nghiệp bảo vệ môi trường

1

Dịch vụ môi trường

2

Dịch vụ bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

VIII

Các hoạt động kinh tế, sự nghiệp khác

A

Hoạt động kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn

1

Dịch vụ lĩnh vực trồng trọt

2

Dịch vụ lĩnh vực chăn nuôi

3

Dịch vụ lĩnh vực bảo vệ thực vật

4

Dịch vụ lĩnh vực thú y

5

Dịch vụ lĩnh vực thủy sản

6

Dịch vụ lĩnh vực lâm nghiệp

7

Dịch vụ lĩnh vực thủy lợi

8

Dịch vụ lĩnh vực phòng chống thiên tai

9

Dịch vụ lĩnh vực quản lý chất lượng

10

Dịch vụ khác

B

Hoạt động kinh tế giao thông vận tải

1

Dịch vụ lĩnh vực đường bộ

2

Dịch vụ lĩnh vực đường thủy nội địa

3

Dịch vụ lĩnh vực hàng hải

4

Dịch vụ lĩnh vực hàng không

5

Dịch vụ lĩnh vực đường sắt

6

Dịch vụ khác

C

Hoạt động kinh tế tài nguyên môi trường

1

Dịch vụ lĩnh vực quản lý đất đai

2

Dịch vụ lĩnh vực đo đạc và bản đồ

3

Dịch vụ lĩnh vực địa chất và khoáng sản

4

Dịch vụ lĩnh vực tài nguyên nước

5

Dịch vụ lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu

6

Dịch vụ lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo

7

Dịch vụ lĩnh vực viễn thám

8

Dịch vụ khác

D

Hoạt động kinh tế công thương

1

Dịch vụ lĩnh vực điện lực, tiết kiệm năng lượng, hiệu quả

2

Dịch vụ lĩnh vực hóa chất

3

Dịch vụ lĩnh vực quản lý cạnh tranh

4

Dịch vụ lĩnh vực thương mại điện tử

5

Dịch vụ khuyến công; xúc tiến thương mại

6

Dịch vụ khác

Đ

Hoạt động kinh tế xây dựng

1

Dịch vụ lập các đồ án quy hoạch theo phân cấp

2

Dịch vụ nghiên cứu thiết kế điển hình, thiết kế mẫu trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành xây dựng

3

Dịch vụ xây dựng cơ sở dữ liệu, đo đạc, thành lập bản đồ chuyên ngành xây dựng

4

Dịch vụ xây dựng, thu thập, duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành xây dựng, phát triển cổng thông tin điện tử

5

Dịch vụ điều tra thống kê

6

Dịch vụ khác

E

Lĩnh vực sự nghiệp lao động thương binh và xã hội

1

Dịch vụ chăm sóc người có công

2

Dịch vụ về việc làm

3

Dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

4

Dịch vụ trợ giúp xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em; dịch vụ xã hội trong cơ sở bảo trợ xã hội

5

Dịch vụ phòng, chống tệ nạn xã hội

6

Dịch vụ về an toàn vệ sinh lao động

G

Lĩnh vực tư pháp

1

Dịch vụ trợ giúp pháp lý

2

Dịch vụ khác

H

Lĩnh vực sự nghiệp khác

1

Dịch vụ cứu nạn trên biển

2

Dịch vụ sự nghiệp khác

PHỤ LỤC II

MẪU PHƯƠNG ÁN TỰ CHỦ TÀI CHÍNH CỦA ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG1
(Kèm theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ)

- Căn cứ Nghị định số …/2021/NĐ-CP ngày …tháng… năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;

- Căn cứ Quyết định số ... của cơ quan quản lý cấp trên quy định chức năng, nhiệm vụ của đơn vị;

- Căn cứ Quyết định số ... của cơ quan quản lý cấp trên giao chỉ tiêu biên chế (nếu có);

- Căn cứ Quyết định số ... của cơ quan quản lý cấp trên giao nhiệm vụ của năm ..., chi tiết từng nhiệm vụ được giao.

I. Phần thứ nhất: Đánh giá tình hình thực hiện phương án tự chủ tài chính của giai đoạn trước, trường hợp đơn vị mới thành lập thì không phải đánh giá.

1. Về nhiệm vụ; tổ chức bộ máy; số lượng cán bộ, viên chức và lao động hợp đồng

Trong đó nêu rõ nhiệm vụ chức năng; tổ chức bộ máy để thực hiện nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao; số lượng cán bộ, viên chức, lao động hợp đồng.

2. Về nhiệm vụ được giao, kê chi tiết các nhiệm vụ được giao; nhiệm vụ giao cho các đơn vị trực thuộc; nhiệm vụ đơn vị tự thực hiện.

Tình hình thực hiện nhiệm vụ, khối lượng công việc hoàn thành, chất lượng các công việc đã hoàn thành: Chi tiết từng nhiệm vụ.

3. Tình hình chấp hành chính sách chế độ và các quy định về tài chính của Nhà nước.

- Về mức thu sự nghiệp: Các khoản phí, lệ phí thu theo văn bản quy định của cấp có thẩm quyền; các khoản thu do đơn vị tự quyết định: nêu cụ thể; thực hiện chính sách miễn giảm theo quy định: nêu cụ thể.

- Tình hình chấp hành các chế độ tài chính; quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị; quy định khác (nếu có).

4. Báo cáo về thực hiện các chỉ tiêu tài chính thu, chi giai đoạn tự chủ.

- Kinh phí ngân sách nhà nước giao chi thường xuyên: Dự toán giao; số thực hiện; số kinh phí tiết kiệm được.

- Thu, chi hoạt động dịch vụ: số thu; số chi; chênh lệch thu, chi.

- Số phí theo pháp luật về phí và lệ phí được để lại chi theo quy định: số được để lại chi; số thực hiện; số tiết kiệm được.

5. Phân phối chênh lệch thu chi thường xuyên, trong đó:

- Trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

- Trích lập quỹ bổ sung thu nhập, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ khác (nếu có).

6. Thu nhập tăng thêm của người lao động.

7. Những khó khăn, tồn tại, kiến nghị:

II. Phần thứ hai: Báo cáo phương án tự chủ tài chính giai đoạn tiếp theo.

1. Về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, số lượng cán bộ, viên chức và lao động hợp đồng: Báo cáo như điểm 1 phần I nêu trên.

2. Về dự kiến nhiệm vụ được giao, kê chi tiết từng nhiệm vụ; nhiệm vụ giao cho các đơn vị trực thuộc; nhiệm vụ đơn vị tự thực hiện.

3. Về dự toán thu, chi:

a) Dự toán thu, chi thường xuyên

- Về mức thu sự nghiệp, thu dịch vụ:

- Về nguồn thu để chi thường xuyên:

- Chi thường xuyên:

- Dự kiến chênh lệch thu, chi thường xuyên (nếu có).

b) Dự toán chi nhiệm vụ không thường xuyên

4. Xác định mức độ tự chủ tài chính.

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký tên, đóng dấu)



1 Dùng cho đơn vị sự nghiệp cấp III báo cáo cơ quan quản lý câp trên

407
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tải về Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
Tải văn bản gốc Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

THE GOVERNMENT
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence-Freedom-Happiness
-----------------

No.: 60/2021/ND-CP

Hanoi, June 21, 2021

DECREE

PRESCRIBING FINANCIAL AUTONOMY OF PUBLIC ADMINISTRATIVE UNITS

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015 and the Law on Amendments to the Law on Government Organization and the Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;

Pursuant to the Law on State Budget dated June 25, 2015;

Pursuant to the Law on Public Investment dated June 13, 2019;

Pursuant to the Law on Pricing dated June 20, 2012;

Pursuant to the Law on management and use of public assets dated June 21, 2017;

Pursuant to the Law on Fees and Charges dated November 25, 2015;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

The Government promulgates a Decree prescribing the financial autonomy of public administrative units.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Decree introduces the mechanism for exercising the financial autonomy of public administrative units in the following sectors: education and training; vocational training; healthcare - population; culture, sports and tourism; information and communications; science and technology; economic activities and other sectors.

Article 2. Regulated entities

1. Public administrative units that are established by competent authorities in accordance with regulations of law, have legal status and their own seals and accounts as prescribed by law, and provide public administrative services or state management services (hereinafter referred to as “public administrative units”).

2. Public administrative units affiliated to Ministry of National Defence, Ministry of Public Security, Vietnam Television, Voice of Vietnam, Vietnam News Agency; public administrative units affiliated to public administrative units shall comply with regulations herein and other relevant laws.

3. Public administrative units affiliated to political organizations or socio-political organizations shall be allowed to apply regulations herein and other relevant laws.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 3. Definitions

For the purposes of this Decree, the terms below are construed as follows:

1. “financial autonomy mechanism of public administrative units” means a set of regulations on autonomy to the implementation of list of public administrative services; prices, fees and roadmap for pricing public administrative services; classification of financial autonomy levels; autonomy to use financial sources; autonomy to perform joint-venture, cooperation or association activities; management and use of public assets and other relevant regulations.

2. “public administrative services” include administrative services in the fields of education and training; vocational training; healthcare - population; culture, sports and tourism; information and communications; science and technology; economic activities and other sectors (including: agriculture and rural development, natural resources and environment, transport, industry and trade, construction, justice, labour, war invalids and social affairs, and other services).

3. “public administrative services funded by state budget" include basic and essential public administrative services and those with specific characteristics of some business lines or sectors which are included in the list issued by competent authority and on which all expenses are covered or supported by the Government.

4. “public administrative services not funded by state budget" include public administrative services which are rendered with private sector involvement; of which the prices are determined by service providers according to the market mechanism or by the Government in accordance with regulations of law on pricing or other relevant specialized laws, but must be adequate for covering expenses and rational accumulations of service providers; and which are not subsidized by the Government.

Article 4. Public administrative services funded by state budget

1. Funding derived from state budget for public administrative units shall be used to directly support the poor or people benefiting from state policies when they use basic and essential public administrative services; the average funding provision shall be replaced by the mechanism that the State shall place order or assign qualified units to provide public administrative services based on the quality of their provided services or organize bidding for provision of public administrative services.

The allocation of state budget for public administrative services funded by state budget shall be carried out according to current regulations on decentralization of power to manage state budget set out in the Law on state budget, and conformable with the state budget balancing capability and the revised roadmap for proper determination of costs constituting service prices as prescribed by competent authorities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) Basic and essential public services as defined in specialized laws and the Law on state budget, including: preschool education services, general education services; preventive medicine, grassroots healthcare, hospitals in disadvantaged areas, border and island areas; diagnosis and treatment of leprosy, tuberculosis, mental diseases; basic research; culture, traditional folk arts, provision of training for national sport coaches and athletes; care of people with meritorious services to the revolution, social protection, and other services included in the list of public administrative services funded by state budget, sorted by sectors, provided in Appendix I enclosed herewith.

b) Ministries, ministerial agencies and Governmental agencies (hereinafter referred to as “ministries and central agencies”), and People’s Committees of provinces or central-affiliated cities (hereinafter referred to as “provincial People’s Committees”) shall continue adopting the list of public administrative services funded by state budget promulgated by competent authorities if that list is conformable with Point a of this Law, and concurrently review that list for making necessary amendments.

3. Power to amend or promulgate the detailed list of public administrative services funded by state budget

Pursuant to specialized laws and provisions herein, ministries, central agencies and provincial People’s Committees shall perform the following tasks:

a) Ministries and central agencies shall play the leading role and cooperate with the Ministry of Finance and relevant agencies in requesting the Prime Minister to decide amendments or promulgate the list of public administrative services funded by state budget within their delegated management;

b) Specialized agencies affiliated to provincial People's Committees shall request provincial People's Committees to request provincial People's Councils to amend or promulgate the list of public administrative services funded by state budget within their delegated management and according to the capabilities of local government state budget, and submit the list to the Ministry of Finance and supervisory ministries for monitoring during the application of the list.

Article 5. Prices, fees of public administrative services funded by state budget

1. Prices of public administrative services funded by state budget shall be determined according to law regulations on pricing, economic-technical and cost norms adopted by competent authorities and the roadmap for calculating prices of public administrative services funded by state budget as prescribed in Clause 3 of this Article. To be specific:

a) Salary costs constituting the pubic administrative service price shall be calculated by taking into account the statutory pay rate, salary coefficients by payroll, salary grade, working position, salary-based contributions and allowances according to regulations and policies applicable to public administrative units or the working position- or title-based salary and salary-based allowances as prescribed by the State; labour norms introduced by ministries, central agencies or provincial People's Committees with their jurisdiction.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. In cases where economic - technical and cost norms are not available, prices of public administrative services funded by state budget shall be determined in accordance with law regulations on pricing or according to the average of rational expenses in the previous 03 years.

3. Roadmap for pricing public administrative services funded by state budget:

a) By the end of 2021, the fundamentals of the roadmap for pricing public administrative services (salary costs, direct expenses, administrative expenses, fixed asset depreciation costs, and other expenses must be fully calculated according to law regulations on pricing) are completed. In cases where another roadmap needs to be developed due to objective difficulties, ministries, central agencies and provincial People's Committees shall play the leading role and request the Prime Minister to consider issuing decisions after obtaining opinions from the Ministry of Finance.

With regard to prices of medical services rendered by public healthcare establishments, education and training, and vocational training services at public educational and training institutions, and public vocational training institutions: If the roadmap specified in Point a of this Clause cannot be applied, Ministry of Health, Ministry of Education and Training, Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall play the leading role and request the Prime Minister to request competent authorities to consider issuing decisions after obtaining opinions from the Ministry of Finance.

b) With regard to public administrative services ordered by the Government at the prices to which a full amount of costs have been added, such prices shall apply.

4. Pricing method and competent pricing agencies shall be determined in accordance with law regulations on pricing.

Pursuant to law regulations on pricing and the roadmap for pricing public administrative services specified in Clauses 1, 2 and 3 of this Article, and based on the state budget balancing capability and market prices as well as economic - social situation in each period, ministries, central agencies and provincial People's Committees shall set specific prices of public administrative services within their jurisdiction or request competent authorities to set such prices.

Public administrative units shall decide specific price of each type of services within the framework of public administrative service prices stipulated by competent authorities. In case competent authorities set specific prices of public administrative services, public administrative units shall charge services at the stipulated prices.

5. Public administrative service fees

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 6. Public administrative services not funded by state budget

1. Public administrative services not funded by state budget include:

a) Services which are not included in the list of public administrative services funded by state budget specified in Article 4 hereof;

b) Services provided by public administrative units from their business, joint-venture, cooperation and association activities which are conformable with their specialized fields in order to meet social needs in accordance with relevant laws.

2. Public administrative units are given autonomy to use their assets and resources for providing public administrative services not funded by state budget which are conformable with their specialized fields as designated by competent authorities according to the following rules:

a) They must comply with regulations of law;

b) They are allowed to decide service prices which must be enough for covering expenses and ensuring reasonable accumulated amounts; In case the services provided are included in the list of goods and services whose prices are set by the Government, such services shall be charged at specific prices or within the price bracket stipulated by competent authorities.

3. Public administrative units are given autonomy to decide expenses incurred from their provision of public administrative services which must be reasonable and lawful, and included in their regulations on internal expenses; shall organize accounting works in accordance with regulations of Law on accounting; open accounting books, use and manage documents/records, do bookkeeping works and monitor to ensure adequate and accurate recording of revenues and allocation of funding for covering all reasonable expenses associated with each activity; carry out registration, declare and pay all taxes and other payables to state budget (if any) in accordance with regulations of law; adequately and periodically carry out internal audits; accurately and punctually submit financial statements to their superior agencies and relevant agencies as prescribed. Heads of public administrative units shall assume responsibility for efficient management and use of public assets and land allocated by the Government, and their financial sources as prescribed by law.

4. In case the sum of revenues earned from the provision of public administrative services not funded by state budget is smaller than expenses incurred, the public administrative unit shall use its lawful funding sources for covering the deficit, and no funding from state budget shall be provided.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Public administrative units shall manage and use public investment capital in accordance with regulations of the Law on public investment and relevant laws.

2. The power to evaluate, approve and assign mid-term and annual investment plans to public administrative units in accordance with regulations of the Law on public investment and relevant laws.

Article 8. Management and use of public assets

1. Public administrative units shall manage, use and apply standards and norms for use of public assets in accordance with regulations of the Law on management and use of public assets.

2. Public administrative units shall make depreciation and amortization of fixed assets in accordance with regulations of the Law on management and use of public assets; fixed asset depreciation amounts shall be paid to their funds for development of administrative operations.

With regard to assets acquired from borrowed or mobilized capital, fixed asset depreciation amounts shall be used for repaying debts. The remaining fixed asset depreciation amounts after paying debts shall be paid to the fund for development of administrative operations of the public administrative unit. If the fixed asset depreciation amounts are not enough for repaying debts, the fund for development of administrative operations shall be used for repaying debts.

Assets established from the fund for development of administrative operations and other lawful financial sources of the public administrative unit shall be considered as the State assets and capital.

3. Pursuant to regulations of the Law on management and use of public assets and regulations on financial management set out in this Decree, heads of public administrative units shall promulgate regulations on management and use of public assets within their delegated management.

Article 9. Classification of levels of financial autonomy of public administrative units

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) The public administrative unit has a rate of self-covering of recurrent expenses which is determined according to the plan specified in Article 10 hereof is equal to or higher than 100%; the total amount of self-covered investment expenses is equal to or higher than its total amount of depreciation and amortization of fixed assets.

Total amount of self-covered investment expenses includes the followings:

- Estimated amounts paid to the fund for development of administrative operations in the planning year or the average of contributions paid to the fund for development of administrative operations in the previous 05 years;

- The amount of collected fees retained for covering recurrent expenses as prescribed.

b) The public administrative unit provides public administrative services which are not funded by state budget and of which prices are determined according to the market mechanism, and include adequate fixed asset depreciation costs and accumulated amounts for covering investment expenses.

2. A public administrative unit self-covering recurrent investment expenses (hereinafter referred to as “group-2 unit”) is the one meeting one of the following conditions:

a) The public administrative unit has a rate of self-covering of recurrent expenses which is determined according to the plan specified in Article 10 hereof is equal to or higher than 100%, and has not yet covered its investment expenses with funding from its fund for development of administrative operations, collected fees retained as prescribed by law regulations on fees and charges, and other lawful financial sources as prescribed by law;

b) The public administrative unit provides public administrative services which are included in the list of public administrative services funded by state budget, or provides public administrative services in the form of order placement or bidding at the price to which a full amount of costs has been added (excluding fixed asset depreciation costs).

3. The public administrative unit self-covering part of its recurrent expenses (hereinafter referred to as “group-3 unit”) is a unit that has a rate of self-covering of recurrent expenses which is determined according to the plan specified in Article 10 hereof is from 10% to less than 100%, and provides public administrative services in the form of order placement or bidding at the price to which expenses have not been fully added, and is classified as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) The public administrative unit self-covering 30% to less than 70% of recurrent expenses;

c) The public administrative unit self-covering 10% to less than 30% of recurrent expenses.

4. The public administrative units of which recurrent expenses are covered by state budget (hereinafter referred to as “group-4 unit”) include:

a) The public administrative unit has a rate of self-covering of recurrent expenses which is determined according to the plan specified in Article 10 hereof is less than 10%;

b) The public administrative unit does not earn revenues from administrative operations.

Article 10. Determination of rate of self-covering of recurrent expenses

1. Calculation formula:

Rate of self-covering of recurrent expenses (%)

=

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

x 100%

B

Where:

a) A includes the revenues specified in Point a, Point b Clause 1, Clause 2, Clause 3 and Clause 5 Article 11; Point a, Point b Clause 1, Clause 2, Clause 3, Clause 5 Article 15; Clause 2 Article 19 hereof. For the revenues specified in Point b Clause 2 Article 11; Point b Clause 2 Article 15 and Clause 2 Article 19, only the positive difference between revenues and expenses (after fulfilling obligations to the Government) shall be determined; revenues specified in Clause 3 Article 11 and Clause 3 Article 15 exclude expenses for non-recurrent tasks.

b) B includes the expenses specified in Article 12, Article 16, Article 20 hereof; excludes the expenses incurred from the provision of public administrative services not funded by state budget as prescribed in Article 6 hereof.

2. The values A and B specified in Clause 1 of this Article shall be calculated on the basis of the estimates of revenues and expenses of the year in which the plan to exercise financial autonomy is developed and submitted to competent authorities.

Chapter II

SPECIFIC PROVISIONS ON FINANCIAL AUTONOMY OF PUBLIC ADMINISTRATIVE UNITS

Section 1. FINANCIAL AUTONOMY OF PUBLIC ADMINISTRATIVE UNITS SELF-COVERING BOTH RECURRENT AND INVESTMENT EXPENSES (GROUP-1 UNITS) AND PUBLIC ADMINISTRATIVE UNITS SELF-COVERING RECURRENT INVESTMENT EXPENSES (GROUP-2 UNITS)

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Funding from state budget

a) Funding for provision of public administrative services which are included in the list of public administrative services funded by state budget, including funding for public administrative services provided in the form of order placement or bidding as prescribed;

b) Funding for performance of science and technology tasks when being selected or assigned by competent authorities in accordance with regulations of law on science and technology;

c) Funding for covering recurrent expenses incurred from performance of tasks assigned by the Government (if any), including: Funding for implementation of national target programs; reciprocal capital for implementation of foreign-invested projects allocated under decisions issued by competent authorities; funding for performance of tasks assigned by competent authorities; funding allocated by competent authorities to public administrative units for provision of public administrative services funded by state budget in case economic-technical norms and unit prices are not available for placing orders;

d) Investment and development funding for infrastructural development investment projects which have been approved by competent authorities in accordance with regulations of the Law on public investment (if any). With regard to group-1 units, the Government shall consider allocating funding for in-progress infrastructural development investment projects under decisions issued by competent authorities or for new infrastructural development investment projects which are included in the medium-term public investment plan approved by competent authorities. Public administrative units shall manage and use investment and development funding according to the provisions of Article 7 hereof.

2. Revenues earned from administrative operations

a) Revenues from provision of public administrative services;

b) Revenues from business operations; joint-venture, cooperation or association activities which are performed in accordance with regulations of law and under specific schemes approved by competent authorities in conformity with the functions and tasks of the public administrative unit;

c) Revenues from leasing of public assets: The unit must fully comply with regulations of the law on management and use of public assets and must have the scheme for leasing of public assets approved by competent authorities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. Borrowed capital; aids and grants as prescribed by law.

5. Other sources of revenues as prescribed by law (if any).

Article 12. Recurrent expenses covered by funding which the autonomy to use is delegated to public administrative units

A public administrative unit is entitled to take its own initiative in taking advantage of financial sources which it is granted the autonomy to use as prescribed in Point a Clause 1, Clause 2 and Clause 3 (revenues retained for covering recurrent expenses incurred from fee collection) and Clause 5 Article 11 hereof for covering its recurrent expenses. Some expenses shall be specified as follows:

1. Salaries and salary-based contributions

a) While the Government's regulations on salary policies under the Resolution No. 27-NQ/TW dated May 21, 2018 of the seventh plenum of the 12th Central Executive Committee on reform of salary policies for officials, public employees, armed forces and workers of enterprises (hereinafter referred to as “Resolution No. 27-NQ/TW”) are not available, the public administrative unit shall pay scale-, rank- or position-based salaries, salary-based contributions and allowances as stipulated in Government’s regulations applicable to public administrative units; and pay wages under employment contracts (if any). Whenever the Government makes any changes to salary policies, the public administrative unit shall use its own revenues for covering the increased salary expenses; no additional funding shall be granted by state budget.

b) When the Government’s regulations on salary policies under the Resolution No. 27-NQ/TW come into force, the public administrative unit shall comply with the followings:

- For a group-1 unit: Based on its financial status, the unit shall exercise the autonomy to pay salary expenses according to business results as an enterprise (wholly state-owned rank-I single-member limited liability company); decide the salary amounts paid to its public employees and workers; and pay wages under employment contracts (if any).

- For a group-2 unit: Based on its financial status, the unit shall exercise the autonomy to pay salary expenses according to business results as an enterprise (wholly state-owned rank-II single-member limited liability company); decide the salary amounts paid to its public employees and workers; and pay wages under employment contracts (if any).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Based on the realized salary fund, the public administrative unit is allowed to establish a provision for inclusion in the succeeding year’s salary fund. The annual provision is decided by the unit and must not exceed 17% of the realized salary fund. The unit must ensure that its difference between revenues and expenses is positive after making the provision. Otherwise, the provision must be smaller than 17%. If the unit does not use up the previous year’s salary fund provision within 06 months from the end of the fiscal year, the provision shall be reversed.

Whenever the Government makes any changes to salary policies, the public administrative unit shall use its own revenues for covering the increased salary expenses; no additional funding shall be granted by state budget. Payment of salaries to employees of the unit shall be made according to the principle that quantity, quality and efficiency in task performance must be taken into consideration in accordance with regulations of law and its regulations on internal expenses.

2. Expenses on employment of experts, scientists or talents for performing tasks of authorities and units. Based on actual demands, actual market prices and its financial capacity, the unit is allowed to decide specific spending limits corresponding to assigned tasks and include them in its regulations on internal expenses.

3. Operating and managerial expenses

a) Regarding expenses specified in economic-technical norms and of which spending limits are stipulated by competent authorities, based on actual demands, market prices actually applied in the province where the public administrative unit is located, and its financial capacity, the unit shall decide spending levels according to its regulations on internal expenses and take full responsibility for ensuring their service quality as prescribed by the Government;

b) Regarding expenses which are not yet stipulated by competent authorities, based on actual conditions, the public administrative unit shall develop spending levels in conformity with its financial sources and specify them in its regulations on internal expenses. Head of the public administrative unit shall assume responsibility for his decision.

4. Expenses on performance of fee collection tasks as prescribed by the Law on fees and charges; expenses on service provision.

5. Provisions made according to regulations on provisions made by enterprises, unless special funds for risk management must be established in accordance with specialized laws (if any).

6. Payment of loan interests as prescribed by law (if any).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 13. Recurrent expenses covered by funding which the autonomy to use is not delegated to public administrative units, and expenses on performance of science and technology tasks

1. Recurrent expenses covered by funding which the autonomy to use is not delegated to the public administrative unit include:

a) Expenses on performance of tasks assigned by the Government as prescribed in Point c Clause 1 Article 11 hereof in accordance with regulations of the Law on State Budget and relevant laws on each funding source;

b) Expenses on procurement of assets and major repairs serving fee collection which are covered by retained amounts of collected fees (retained amounts used for procurement and major repair of assets, machinery and equipment serving the fee collection);

c) Expenses covered by borrowed capital, aids and grants as prescribed by law.

2. Expenses on performance of science and technology tasks: If a public administrative unit is selected or directly assigned by a competent authority to perform science and technology tasks, it shall manage and use funding in accordance with regulations of allocation of predetermined funding for performance of science and technology tasks funded by state budget.

3. Public administrative units shall strictly comply with Government’s regulations on allowances for overseas business trips, reception of foreign guests and international seminars organized in Vietnam.

Article 14. Distribution of incomes generated within a year

1. At the end of the fiscal year, after posting all revenues and recurrent expenses covered by funding which the autonomy to use is delegated to the public administrative unit into accounting records, making depreciations of fixed assets, paying taxes and other amounts payable to state budget as prescribed, the positive difference between revenues and expenses (if any) shall be used in the following order:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Contribution to the fund for supplementation of income in case the public administrative unit pays salaries according to Point a Clause 1 Article 12 hereof: a group-1 unit shall decide the contribution amount (which is not restricted); a group-2 unit shall make the contribution amount which is restricted to twice less than the sum of scale-, rank- or position-based salary fund, salary-based contributions and allowances as stipulated by the Government. In case the public administrative unit pays salaries according to Point b Clause 1 Article 12 hereof, no contribution is made to the fund for supplementation of income;

c) Contribution to reward fund and welfare fund: Total amounts contributed to both funds shall not exceed the sum of 3-month salaries or wages paid by the unit within a year;

d) Contributions to other funds as prescribed by specialized laws;

dd) The remaining positive difference between revenues and expenses (if any), after making contributions to all funds as prescribed, shall be paid to the fund for development of administrative operations.

2. Use of funds

a) The fund for development of administrative operations shall be used for investing in construction, upgrade and repair of facilities, purchasing working equipment and instruments; improving capability of administrative operations; covering expenses on application of technological and scientific advances; organizing professional training for public employees and workers; purchasing copyrighted works and programs; making contribution to joint venture, cooperation or association with domestic and foreign organizations or individuals to perform public administrative operations according to the assigned functions and tasks, and covering other expenses (if any);

b) The fund for supplementation of income shall be used for supplementing incomes of public employees and workers within a year and making provisions for supplementing incomes of public employees and workers in the following year in case their incomes are reduced. Spending on supplementation of incomes of public employees and workers of a public administrative unit shall stick to the principle that quantity, quality and efficiency in task performance must be taken into consideration;

c) The reward fund shall be used for offering year-end bonus, periodic and unplanned rewards to collectives or individuals inside and outside of the public administrative unit based on their task performance results and contribution to the unit. Specific reward amounts shall be decided by the head of the public administrative unit and specified in its regulations on internal expenses;

d) The welfare fund shall be used for building and repairing welfare facilities of the unit; making contribution to construction of common welfare facilities of the branch or with other units under contracts; spending on operations intended for welfare of public employees and workers in the unit; providing subsidies for public employees or workers faced with unexpected difficulty, including those who have retired, or those faced with work incapacity; further spending on severance pays to public employees and workers in case of downsizing; spending on social and charity activities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. When using the fund for development of administrative operations for investment, procurement or contribution to joint venture, cooperation or association, the public administrative unit must strictly and fully comply with regulations of the Law on public investment, the Law on management and use of public assets, the Law on bidding and other relevant laws.

4. Specific contribution amounts made to the funds specified in Clause 1 of this Article and procedures for use of such funds shall be decided by heads of public administrative units in accordance with their regulations on internal expenses and relevant laws, and must be publicly announced within their units.

Section 2. FINANCIAL AUTONOMY OF PUBLIC ADMINISTRATIVE UNITS SELF-COVERING PART OF THEIR RECURRENT EXPENSES (GROUP-3 UNITS)

Article 15. Financial sources

1. Funding from state budget

a) Funding for provision of public administrative services which are included in the list of public administrative services funded by state budget, including funding for public administrative services provided in the form of order placement or bidding as prescribed;

b) Funding for performance of science and technology tasks when being selected or assigned by competent authorities in accordance with regulations of law on science and technology;

c) Funding for covering recurrent expenses which remain unpaid after the unit has used revenues earned from administrative operations and retained revenues for covering expenses on performance of tasks and provision of public administrative services included in the list of public administrative services covered by state budget;

d) Funding for covering recurrent expenses incurred from performance of tasks assigned by the Government (if any), including: Funding for implementation of national target programs; reciprocal capital for implementation of foreign-invested projects allocated under decisions issued by competent authorities; funding for performance of tasks assigned by competent authorities; funding allocated by competent authorities to public administrative units for provision of public administrative services funded by state budget in case economic-technical norms and unit prices are not available for placing orders; funding for downsizing; funding for provision of training courses for officials and public employees under approved schemes;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Revenues earned from administrative operations

a) Revenues from provision of public administrative services;

b) Revenues from business operations; joint-venture, cooperation or association activities which are performed in accordance with regulations of law and under specific schemes approved by competent authorities in conformity with the functions and tasks of the public administrative unit;

c) Revenues from leasing of public assets: The unit must fully comply with regulations of the law on management and use of public assets and must have the scheme for leasing of public assets approved by competent authorities.

3. Collected fees which are retained by the public administrative unit for covering its expenses in accordance with regulations of the Law on fees and charges.

4. Borrowed capital; aids and grants as prescribed by law.

5. Other sources of revenues as prescribed by law (if any).

Article 16. Recurrent expenses covered by funding which the autonomy to use is delegated to public administrative units

Based on assigned tasks and financial sources specified in Point a and Point c Clause 1, Clause 2, Clause 3 (revenues retained for covering recurrent expenses incurred from fee collection) and Clause 5 Article 15 hereof, the public administrative unit is entitled to decide the following expenses:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) While the Government's regulations on salary policies under the Resolution No. 27-NQ/TW are not available, the public administrative unit shall pay salaries according to the statutory pay rate, scale-, rank- or position-based salary coefficients, salary-based contributions and allowances as stipulated in Government’s regulations applicable to public administrative units; and pay wages under employment contracts (if any).

When the Government’s regulations on salary policies under the Resolution No. 27-NQ/TW come into force, the public administrative unit shall pay position- or title-based salaries and salary-based contributions according to Government’s regulations applicable to public administrative units; and pay wages under employment contracts (if any).

b) Funding for salary reform

Whenever the Government makes any changes to salary policies, the public administrative unit shall use at least 40% of its revenues retained as prescribed (particularly, a public administrative unit operating in the field of healthcare - population shall be allowed to use at least 35% of its retained revenues after deducting all costs constituting its service prices), save 10% of increased funding for recurrent expenses annually allocated from state budget and arrange funding allocated according state budget estimates for ensuring funding for salary reform. Additional funding derived from state budget shall be allocated after the unit has used up its fund for supplementation of incomes and funding for salary reform.

c) Payment of rewards: The unit shall comply with Government’s regulations on salary policies under the Resolution No. 27-NQ/TW.

2. Expenses on employment of experts, scientists or talents for performing tasks of authorities and units. Based on actual demands, actual market prices, allocated state budget estimates and its financial capacity, the unit is allowed to decide specific spending limits corresponding to assigned tasks and include them in its regulations on internal expenses.

3. Operating and managerial expenses

a) A public administrative unit that self-covers from 70% to less than 100% of recurrent expenses

With regard to expenses of which spending limits are stipulated by competent authorities, based on actual demands, actual market prices and its financial capacity, the unit shall be allowed to decide the higher amounts (in case such expenses are covered by revenues from administrative operations) or the same or lower amounts of expenses compared with the spending limits announced by competent authorities and specify them in its regulations on internal expenses provided quality of its services must be ensured according to the Government's regulations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) A public administrative unit that self-covers from 30% to less than 70% of recurrent expenses; a public administrative unit that self-covers from 10% to less than 30% of recurrent expenses

Based on assigned tasks and financial sources, the public administrative unit shall decide their operating and managerial expenses which shall be restricted to less than the corresponding spending limits announced by competent authorities.

Regarding expenses which are not yet stipulated by competent authorities, based on actual conditions, the public administrative unit shall develop spending levels in conformity with its financial sources and specify them in its regulations on internal expenses. The head of the public administrative unit shall assume responsibility for his decision.

4. Expenses on performance of fee collection tasks as prescribed by the Law on fees and charges; expenses on service provision.

5. Provisions for business, joint venture, cooperation or association activities and other services which are made according to regulations on provisions made by enterprises, unless special funds for risk management must be established in accordance with specialized laws (if any).

6. Payment of loan interests as prescribed by law (if any).

7. Other expenses as prescribed by law (if any).

Article 17. Recurrent expenses covered by funding which the autonomy to use is not delegated to public administrative units, and expenses on performance of science and technology tasks

Based on the financial sources specified in Point b and Point d Clause 1, Clause 3 (amounts retained for covering non-recurrent expenses), Clause 4 Article 15 hereof, the public administrative unit shall comply with Article 13 hereof.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

At the end of the fiscal year, after posting all revenues and recurrent expenses covered by funding which the autonomy to use is delegated to the public administrative unit into accounting records, making depreciations of fixed assets, making contribution to the fund for salary reform as prescribed in Point b Clause 1 Article 16 hereof, paying taxes and other amounts payable to state budget as prescribed, the positive difference between revenues and recurrent expenses (if any) shall be used in the following order:

1. Contribution to the fund for development of administrative operations

a) A public administrative unit that self-covers from 70% to less than 100% of recurrent expenses: at least 20%;

b) A public administrative unit that self-covers from 30% to less than 70% of recurrent expenses: at least 15%;

c) A public administrative unit that self-covers from 10% to less than 30% of recurrent expenses: at least 10%.

2. Contribution to the fund for supplementation of income and payment of increased income

a) While the Government's regulations on salary policies under the Resolution No. 27-NQ/TW are not available, the contribution to the fund for supplementation of income is restricted to twice less than the sum of scale-, rank- or position-based salary fund, salary-based contributions and allowances as stipulated by the Government.

b) When the Government’s regulations on salary policies under the Resolution No. 27-NQ/TW come into force, the public administrative unit shall comply with the followings:

- A public administrative unit that self-covers from 70% to less than 100% of recurrent expenses shall be allowed to make payment of increased income which shall not exceed 0,8 times the fund for minimum wages of its public employees and workers;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

- A public administrative unit that self-covers from 10% to less than 30% of recurrent expenses shall be allowed to make payment of increased income which shall not exceed 0,3 times the fund for minimum wages of its public employees and workers.

3. Contribution to reward fund and welfare fund:

Contribution amounts to both funds are as follows:

a) A public administrative unit that self-covers from 70% to less than 100% of recurrent expenses: total contribution amounts shall not exceed the sum of 2,5-month salaries or wages paid by the unit within a year;

b) A public administrative unit that self-covers from 30% to less than 70% of recurrent expenses: total contribution amounts shall not exceed the sum of 2-month salaries or wages paid by the unit within a year;

c) A public administrative unit that self-covers from 10% to less than 30% of recurrent expenses: total contribution amounts shall not exceed the sum of 1,5-month salaries or wages paid by the unit within a year.

4. Contributions to other funds as prescribed by specialized laws.

5. The remaining positive difference between revenues and expenses (if any) after all funds have been established in accordance with regulations shall be added to the fund for development of administrative operations.

6. The use of such funds shall comply with regulations in Clause 2 and Clause 3 Article 14 hereof. Specific contribution amounts and procedures for use of the funds specified in this Article shall be decided by the head of public administrative unit in accordance with their regulations on internal expenses and relevant laws, and must be publicly announced within the unit.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 19. Financial sources

1. Funding from state budget, including:

a) Funding for covering recurrent expenses based on the tasks assigned by the Government, the number of employees and limits on allocated budgets approved by competent authorities;

b) Funding for performance of science and technology tasks when being selected or assigned by competent authorities in accordance with regulations of law on science and technology;

c) Funding for performance of tasks assigned by the Government as prescribed in Point d Clause 1 Article 15 hereof (if any);

d) Investment and development funding for infrastructural development investment projects which have been approved by competent authorities in accordance with regulations of the Law on public investment.

2. Revenues earned from administrative operations in conformity with functions and tasks of the public administrative unit (if any).

3. Aids and grants as prescribed by law.

4. Other sources of revenues as prescribed by law (if any).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Based on assigned tasks and financial sources specified in Point a Clause 1, Clause 2 and Clause 4 Article 19 hereof, the public administrative unit shall exercise the autonomy to decide the following expenses:

1. Salaries and salary-based contributions

a) While the Government's regulations on salary policies under the Resolution No. 27-NQ/TW are not available, the public administrative unit shall pay salaries according to the statutory pay rate, scale-, rank- or position-based salary coefficients, salary-based contributions and allowances as stipulated in Government’s regulations applicable to public administrative units; and pay wages under employment contracts (if any).

When the Government’s regulations on salary policies under the Resolution No. 27-NQ/TW come into force, the public administrative unit shall pay position- or title-based salaries and salary-based contributions according to Government’s regulations applicable to public administrative units; and pay wages under employment contracts (if any).

b) Funding for salary reform

Whenever the Government makes any changes to salary policies, the public administrative unit shall save 10% of increased funding for recurrent expenses annually allocated from state budget and arrange funding allocated according state budget estimates for implementing policies on salary reform. Additional funding derived from state budget shall be allocated after the unit has used up its funding for salary reform.

c) Payment of rewards: The unit shall comply with Government’s regulations on salary policies under the Resolution No. 27-NQ/TW.

2. Expenses on employment of experts, scientists or talents for performing tasks of authorities and units. Specific spending limits shall comply with the Government’s general regulations on salaries and wages.

3. Operating and managerial expenses

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. Other expenses as prescribed by law (if any).

Article 21. Recurrent expenses covered by funding which the autonomy to use is not delegated to public administrative units, and expenses on performance of science and technology tasks

Based on the financial sources specified in Point b and Point c Clause 1, Clause 3 Article 19 hereof, the public administrative unit shall comply with Article 13 hereof.

Article 22. Distribution of incomes generated within a year

1. At the end of the fiscal year, after posting all revenues and recurrent expenses covered by funding which the autonomy to use is delegated to the public administrative unit into accounting records, making depreciations of fixed assets, making contribution to the fund for salary reform as prescribed in Point b Clause 1 Article 20 hereof, paying taxes and other amounts payable to state budget as prescribed, the positive difference between revenues and recurrent expenses (if any) shall be considered as the saved amounts of funding for recurrent expenses.

2. The public administrative unit shall use the saved amounts of funding for recurrent expenses in the following order:

a) Supplementation of incomes of public employees and workers: The public administrative unit shall be allowed to make payment of increased income which shall not exceed 0,3 times the fund for minimum wages of its public employees and workers according to the principle that efficiency in task performance of each person must be taken into consideration;

b) Payment of rewards and welfare: Payment of periodic or unplanned rewards to collectives or individuals inside and outside of the public administrative unit based on their task performance results and contribution to the unit; spending on operations intended for welfare of public employees and workers in the unit; providing subsidies for public employees or workers faced with unexpected difficulty, including those who have retired, or those faced with work incapacity; further spending on severance pays to public employees and workers in case of downsizing;

c) When the ability to save funding is unstable, the public administrative unit may make provision for stabilizing incomes of public employees and workers.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. The head of the pubic administrative unit shall decide the plan to use the aforesaid saved amounts of funding according to its regulations on internal expenses and publish the plan within the unit.

Section 4. AUTONOMY TO CONDUCT FINANCIAL, JOINT VENTURE, COOPERATION AND ASSOCIATION TRANSACTIONS

Article 23. Opening trading accounts

1. Each public administrative unit is allowed to open an account at a commercial bank to receive revenues generated from administrative operations, business and service provision.

2. Group-3 and group-4 units shall open special purpose credit accounts at commercial banks to receive revenues generated from healthcare services, preventive medical services and tuitions at prices stipulated by competent authorities; periodically transfer received revenues to their deposit accounts opened at State Treasury for management as prescribed.

3. The public administrative unit shall open an account at the State Treasury for managing finances derived from state budget as prescribed by the Law on State Budget, including: funding allocated by state budget, fees collected according to the Law on fees and charges, and other state budget revenues (if any).

4. Funds established according to regulations herein may deposit money at commercial banks for management.

Article 24. Capital mobilization and credit loans

1. General rules

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) The public administrative unit shall not be allowed to use public assets as collateral for loans as prescribed in Clause 5 Article 54 of the Law on management and use of public assets;

c) Projects funded by borrowed or mobilized capital must be implemented in accordance with regulations of law, widely published and comply with the unit’s democracy regulations.

2. Group-1 and group-2 units operating in the field of healthcare - population shall be allowed to get loans from credit institutions to invest in or build facilities in accordance with regulations of the Law on Public Investment; get the Government’s concessional credit loans or interest support for investment projects funded by loans granted by credit institutions in accordance with regulations of law (if any). Procedures and authority to approve the borrowing plan shall comply with regulations of the Law on public investment.

3. Group-1, group-2 and group-3 units (units self-covering at least 70% of recurrent expenses) providing services shall be allowed to get loans from credit institutions and mobilize capital from their public employees and workers to invest in expansion, improvement and repair of their existing facilities; buy additional equipment to improve their service quality and increase the scale of their administrative operations and provide services in conformity with their functions and tasks, and shall themselves take responsibility to repay debts in accordance with regulations of law. Mobilization of capital from public employees and workers of a unit must be made under contracts in accordance with regulations of the Civil Code.

4. Public administrative units shall submit their plans for capital borrowing or mobilization and debt repayment to their superior agencies for approval. If a unit has established a management board, school’s council or university’s council, its plans for capital borrowing or mobilization and debt repayment must be approved by such board or council.

Article 25. Autonomy to perform joint venture, cooperation and association activities

1. Each public administrative unit shall exercise the autonomy to enter into joint venture, cooperation or association with other entities to provide services meeting social needs. The use of public assets for performing joint venture, cooperation or association activities must comply with the provisions of Clause 2 Article 55 of the Law on management and use of public assets and in the cases specified in Clause 1 Article 58 of the Law on management and use of public assets.

2. Public administrative units shall develop joint venture, cooperation or association plans and submit them to Ministers or heads of central agencies (if the unit is managed by central agency) for approval after obtaining written opinions from the Ministry of Finance; Chairperson of provincial People’s Committees (if the unit is managed by a local agency) for approval after obtaining opinions from Standing Committees of People's Councils of the same level, in which the joint venture, cooperation or association form (whether a new juridical person is established or not), and the plan for ensuring financial and personnel sources for their activities and those of the joint venture, cooperation or association establishments. If a unit has established a management board, school’s council or university’s council, the joint venture, cooperation or association plan must be submitted to these board or council for approval before it is submitted to competent authorities for approval.

3. This Decree does not provide regulations on the use of trademark, license or copyrights for performing joint venture, cooperation or association activities in case a new juridical person is established. In case joint venture, cooperation or association activities are performed in the form of a new juridical person, the public administrative unit shall comply with regulations of the Law on enterprises, the Law on management and use of public assets, the Law on investment, the Law on intellectual property and other relevant laws.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) In case joint venture, cooperation or association activities are performed without establishing a new juridical person: The public administrative unit shall include all incomes generated from joint venture, cooperation or association activities in the financial sources of the unit that performs such joint venture, cooperation or association activities under the joint venture, cooperation or association plan approved by a competent authority;

b) In case joint venture, cooperation or association activities are performed in the form of establishing a new juridical person: the received amounts of incomes generated from joint venture, cooperation or association activities which remain after fully paying loan interests and costs of leased assets which are contributed to the joint venture, cooperation or association (if any) shall be managed and used according to the joint venture, cooperation or association plan approved by a competent authority.

5. In case of use of trademark, license or copyrights for performing joint venture, cooperation or association activities and in other special cases, the public administrative unit shall comply with regulations of the Law on management and use of public assets, the Law on intellectual property and other relevant laws. When determining the value of trademark which is contributed to the joint venture, cooperation or association according to Vietnam’s valuation standards, some financial criteria employed by the public administrative unit in the valuation process are determined as follows:

a) Incomes of the public administrative unit shall be determined on the basis of earnings before interest after taxes plus depreciation costs;

b) Cost of equity of the public administrative unit shall be determined according to the interest rate of government bonds of 10-year term. In case of unavailability of government bonds of 10-year term, interest rate of government bonds of the longest term available at the valuation date shall be employed.

c) Values of contributed assets in income approach shall be determined according to their book values.

6. The borrowing or mobilization of capital for performing joint venture, cooperation or association activities in the form of public-private partnerships shall comply with regulations of the Law on investment in form of public-private partnerships.

Chapter III

FINANCIAL AUTONOMY OF PUBLIC ADMINISTRATIVE UNITS OPERATING IN FIELDS OF HEALTHCARE - POPULATION, EDUCATION AND TRAINING, VOCATIONAL TRAINING

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 26. Autonomy to use financial sources

The autonomy to use financial sources of a public administrative unit operating the field of healthcare - population shall comply with provisions of Article 12, Article 16 and Article 20 hereof and the followings:

1. The public administrative unit shall be allowed to hire qualified entities providing medical technical services to meet professional requirements in case it fails to have adequate medical equipment for providing services within the ambit of its assigned functions and tasks. Authority to issue decision in this case is as follows:

a) Group-1 and group-2 units: The management board shall consider approving the service leasing scheme in which the list of leased services, volume, standards, quality (if any) and prices of leased services, payment methods, and responsibilities of the public administrative unit and of the service provider must be specified. Where the management board is not yet established, the leasing of medical technical services shall be decided by the head of the public administrative unit;

b) Group-3 and group-4 units shall send written request to Ministers or heads of central agencies (if the unit is managed by central agency) or Chairperson of provincial People’s Committees (if the unit is managed by a local agency) for their approval in which the list of leased services, volume, standards, quality (if any) and prices of leased services, payment methods, and responsibilities of the public administrative unit and of the service provider must be specified;

c) Leasing of service providers shall comply with in accordance with regulations of the Law on bidding. Leasing duration shall be subjected to the unit’s demands but shall not exceed the maximum depreciation period of the leased assets as prescribed by the Law on depreciation of assets;

d) Costs of leased medical technical services shall be recorded as rational expenses of the unit.

2. Costs of minor and major surgery

a) Group-1 and group-2 units: Heads of these units shall, based on their revenues, decide the levels of costs of minor and major surgery which may be equal to or higher or lower than the cost levels stipulated by the Government and must specify such costs in their regulations on internal expenses.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. Distribution of incomes generated within a year

a) Public administrative units operating the field of healthcare - population shall distribute their financial incomes earned within a year in accordance with provisions of Article 14, Article 18 and Article 22 hereof.

b) Depending on their financial sources, healthcare establishments shall make contributions to the healthcare fund for the poor, near poor households or families facing economic difficulties.

This fund shall be used for covering the following costs: Costs of meals during inpatient treatment; costs of travel from their houses to hospitals and vice versa, and referral costs; costs of healthcare services which are not covered by the medical insurance fund for patients suffering from cancer, hemodialysis, cardiac surgery or other diseases of which treatment costs are high and cannot be paid by patients.

The head of the healthcare establishment shall issue regulations on provision of supports which must ensure public disclosure and transparency.

Article 27. Allocation of cost estimates to group-3 units

1. Funding from state budget shall be provided for covering recurrent expenses of the units that are assigned to provide preventive medicine services (including medical stations of communes, wards or commune-level towns), health improvement, population or food safety services which are included in the list of public administrative services funded by state budget, including:

a) Salaries, salary-based contributions and allowances as prescribed in the Government's regulations on salary policies of public administrative units which are determined on the basis of the number of employees who receive salaries from state budget and assigned by competent authorities to provide preventive medicine, health improvement, population or food safety services;

b) Expenses on operating and ensuring recurrent activities and other specific expenses according to assigned functions and tasks and applicable regulations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. Funding from state budget shall be provided for the unit that cannot itself cover recurrent expenses associated with the following activities: Medical examination and treatment, health quarantine, preventive medicine, population - family planning, reproductive health care, health communication and education, forensic examination, forensic psychiatric assessment, medical assessment, testing for drugs, cosmetics and pharmaceutical starting materials, inspection of vaccines and biologicals, food safety testing, quality control and calibration.

Article 28. Levels of financial autonomy of multi-function health centers

1. Multi-function health centers shall determine rates of self-covering of recurrent expenses in accordance with regulations herein. In case a health center’s revenues from medical examination and treatment and other services are sufficient to cover its recurrent expenses or both its recurrent expenses and investment expenses for medical examination and treatment activities: The health center shall be granted the autonomy of group-1 or group-2 unit. Expenses on preventive medicine, health improvement, population, food safety, and activities of medical stations of communes, wards or commune-level towns shall be covered by funding derived from state budget as prescribed in Clause 1 Article 27 hereof.

2. The health center is allowed to use revenues from medical examination and treatment and other services, and funding derived from state budget for activities prescribed in Clause 1 Article 27 hereof for covering costs of its activities. Distribution of financial incomes earned within a year shall comply with regulations herein.

Section 2. FINANCIAL AUTONOMY EDUCATIONAL AND TRAINING INSTITUTIONS, AND VOCATIONAL TRAINING INSTITUTIONS

Article 29. Requirements to be satisfied by higher education institutions to exercise autonomy

A higher education institution shall be allowed to exercise the autonomy in accordance with regulations of the Law on higher education when it satisfies the following requirements:

1. It has established a school’s council or university’s council and has been accredited to meet higher education quality standards by a qualified education quality accreditation organization.

2. It has promulgated and implemented regulations on operation of the school’s council or university’s council; regulations on cooperation between the school’s council or university’s council, the communist party and the institution; regulations on organization and operation; democracy regulations; regulations on training management, science and technology, student’s affairs, finances, and assets, and adopted policies for ensuring its satisfaction of quality standards announced by the Government.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. It has developed a plan to exercise autonomy and published all conditions for ensuring its quality, inspection results, employment rate of graduates and information as prescribed by law.

Article 30. Financial autonomy

1. Financial sources:

Financial sources of educational and training institutions and vocational training institutions shall comply with the provisions of Article 11, Article 15 and Article 19 hereof and the followings:

a) Funding from state budget shall be provided for public educational and training institutions and vocational training institutions for implementing policies for tuition exemption or reduction, support for study costs and other support policies for students (if any) according to Government's regulations;

b) Tuitions shall be collected in accordance with regulations of laws on education, higher education and vocational training, and Government's regulations on tuition;

c) Revenues from production and service provision include: revenues from provision of educational and training services in the form of continuing education; revenues from short-term training or refreshing courses in professional skills, improvement of knowledge and skills for granting training certificates/qualifications and other training form, and other short-term improvement courses; revenues from educational and training consulting services; revenues from cooperation activities with enterprises; revenues from scientific research and technology transfer; and revenues from other services which are rendered in conformity with the functions and tasks of the educational and training institution and regulations of law. Service fees must be stipulated and publicly announced.

2. Use of financial sources:

Educational and training institutions and vocational training institutions shall decide to use their financial sources for covering their recurrent expenses to ensure their service quality standards. The autonomy to use financial sources shall comply with the provisions of Article 12, Article 16 and Article 20 hereof and the followings:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Expenditures on investment and development of science and technology potential and encouragement of science and technology activities in higher education institutions shall comply with regulations of the Law on higher education and shall be recorded as rational expenses of the unit.

3. Distribution of incomes generated within a year

a) Educational and training institutions and vocational training institutions shall distribute their financial incomes earned within a year in accordance with provisions of Article 14, Article 18 and Article 22 hereof.

b) Based on their financial sources, educational and training institutions and vocational training institutions shall make contributions to the student support funds. The student support fund shall be managed and used according to guidelines given by the Ministry of Education and Training (in the field of education and training) and the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs (in the field of vocational training).

Article 31. Financial autonomy of regional universities

The financial autonomy of regional universities shall comply with regulations herein and the followings:

1. The Ministry of Education and Training shall provide specific guidelines on the financial autonomy of regional universities.

2. Regional universities shall develop their own financial regulations and submit them to the Ministry of Education and Training for approval. Based on the financial regulations of a regional university which have been approved by the Ministry of Education and Training, Director of that regional university shall develop their own regulations on internal expenses; heads of member universities and affiliated entities of the regional university shall develop their own regulations on internal expenses.

Chapter IV

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 32. Budget estimate preparation

1. Group-1 and group-2 units

a) Annually, based on the implementation result in terms of service quantity and volume, conditions of operating revenues and expenses generated and incurred from public administrative services and others in the current year, task requirements specified in the planning year, the public administrative unit shall draw up the plan on service quantity and volume and prepare the budget estimate for submission to the superior agency;

b) With regard to public administrative services ordered by the Government: Annually, based unit prices, quantity and volume of ordered services under guidelines given by ministries, central agencies and provincial People’s Committee, the public administrative unit shall prepare the budget estimate for submission to its superior agency.

2. Group-3 units: Based on the task performance results in the current year and assigned tasks in the planning year, these units shall set plans on service quantity and volume and estimates of revenues and expenses and submit them to its superior agency.

3. Group-4 units: Based on the task performance results in the current year, tasks assigned by competent authorities in the planning year, the number of employees approved by competent authorities, and current regulations on expenses, these units shall prepare their estimates of revenues and expenses for submission to their superior agencies.

4. Public administrative units shall make their estimates of revenues and expenses covered by retained amounts of collected fees as prescribed by the Law on fees and charges; estimates of expenses on performance of non-recurrent tasks as prescribed by the Law on state budget.

5. Annually, based on estimates of revenues and expenses formulated by public administrative units, their superior agencies shall be responsible for considering and preparing a consolidated estimate for submission to the finance agency of the same level and other relevant agencies in accordance with the Law on the state budget.

Article 33. Distribution and allocation of budget estimates

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Based on the budget estimates allocated by competent authorities, superior agencies shall distribute and allocate budget estimates to their affiliated units, in which estimated budget for ordered or assigned public administrative services funded by state budget for affiliated public administrative units; budget for placing orders (or assigning tasks as stipulated by specialized laws) for providers of other public administrative services; or budget for bidding for provision of public administrative services funded by state budget as prescribed in the Government’s Decree No. 32/2019/ND-CP dated April 10, 2019 on assignment of tasks, order placement or bidding for provision of public services and products funded by funding for recurrent expenses derived from state budget (hereinafter referred to as “Decree No. 32/2019/ND-CP”).

Article 34. Accounting and statements

1. Public administrative units shall carry out accounting for administrative operations and internal audit in accordance with regulations of law on internal audit; open accounting books for recording public administrative services funded by state budget provided as assigned by competent authorities and public administrative services not funded by state budget provided to meet social needs.

If group-1 units develop management and accounting schemes under the model of an enterprise which have been approved by competent authorities, they shall comply with regulations on accounting for enterprises.

2. Public administrative units shall prepare and submit annual financial statements to their superior agencies and relevant agencies as prescribed by the Law on accounting.

3. Public administrative units shall make annual statements of funding derived from state budget, aids and grants, retained amounts of collected fees, and other funding sources as prescribed, and send them to their superior agencies or finance authorities of the same level as prescribed by the Law on accounting and the Law on state budget.

4. Based on their actual conditions, the organization of accounting apparatus at a public administrative unit shall be decided by the competent authority establishing that unit and must meet accounting apparatus streamlining requirements.

Chapter V

IMPLEMENTATION

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Public administrative units shall plans to exercise their autonomy for 05-year stabilization period which is relevant to the social and economic development period stipulated by the Government; estimates of revenues and expenses in the first year of the stabilization period and proposals of their levels of financial autonomy which must be conformable with the functions and tasks assigned by competent authorities (using the form in Appendix II enclosed herewith), and submit them to their superior agencies (ministries or central agencies in case the public administrative units are managed by central government) or provincial People’s Committees (in case the public administrative units are managed by provincial government). The plan to exercise autonomy must indicate the level of financial autonomy according to 04 groups of units prescribed herein.

2. In case a public administrative unit has affiliated administrative units

a) The public administrative unit shall develop the plan to exercise autonomy and submit it to its superior public administrative unit for approval after obtaining the consent from the superior agency.

b) The superior public administrative unit shall develop the plan to exercise its autonomy (excluding the plans to exercise autonomy of its affiliated administrative units as prescribed in Point a of this Clause) and send it to the superior agency.

3. Based on the plans to exercise autonomy submitted by public administrative units (excluding those of the public administrative units specified in Point a Clause 2 of this Article), superior agencies shall consider and verify estimates of revenues and expenses in the first year of the stabilization period and determine funding for recurrent expenses derived from state budget and retained amounts of collected fees; funding from state budget for ordered public administrative services (in case funding for ordered services can be determined at the time of verification of the plan to exercise autonomy); classification of affiliated units according to levels of their financial autonomy, consolidate and send classification plan and estimates of revenues and expenses of public administrative units to finance authorities of the same level (Ministry of Finance or provincial finance authorities as prescribed) for consideration.

After obtaining written opinions from the finance authorities of the same level, the superior agencies shall classify the public administrative units and issue decisions to grant the financial autonomy to their affiliated public administrative units; approve estimated funding for recurrent expenses derived from state budget and retained amounts of collected fees; funding from state budget for ordered public administrative services (if any) allocated to the units under the plan to exercise autonomy in the first year of the stabilization period.

4. After each stabilization period of 05 years, ministries and central agencies (in case the public administrative unit is managed by a central agency) or provincial People’s Committees (in case the public administrative unit is managed by a provincial agency) shall review and improve the levels of financial autonomy of group-3 units (except public administrative units that provide basic and essential public administrative services and earn no revenues from administrative operations) according to the following roadmap:

a) Transfer at least 30% of the number of public administrative units that self-cover from 70% to less than 100% of recurrent expenses into group-2 units; annually, reduce at least 2,5% of funding derived from state budget;

b) Transfer at least 30% of the number of public administrative units that self-cover from 30% to less than 70% of recurrent expenses into public administrative units that self-cover from 70% to less than 100% of recurrent expenses; annually, reduce at least 2,5% of funding derived from state budget;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

5. Public administrative units that have been classified by competent authorities as group-1 or group-2 units shall continue exercising financial autonomy in accordance with regulations herein; shall not be considered to be transferred into group-3 or group-4 units during the stabilization period of 05 years or after the stabilization period of 05 years, except case of force majeure events (such as disasters or epidemics) or cases where the unit’s functions, tasks and powers have been adjusted by competent authorities in accordance with regulations of law resulting in changes to revenues earned by the unit and its level of financial autonomy.

Group-1 and group-2 units shall provide required documents and reports for superior agencies for allocating land and public assets in accordance with regulations of relevant laws.

6. The superior agencies shall carry out restructuring or dissolution of public administrative units that have insufficiently operated according to Government's regulations on establishment, restructuring and dissolution of public administrative units.

Article 36. Responsibilities of ministries and central agencies

1. Responsibilities of ministries and central agencies

a) Cooperate with the Ministry of Finance to instruct public administrative units to comply with regulations herein;

b) Play the leading role and cooperate with the Ministry of Finance in requesting the Prime Minister to issue or amend the list of public administrative services funded by state budget in the fields managed by ministries or central agencies as prescribed in Article 4 hereof in conformity with actual conditions in each period;

c) Issue or amend economic - technical norms and cost norms (if any) as the basis for setting unit prices or prices of public administrative services funded by state budget in accordance with regulations of the Law on prices and relevant laws which shall be then used for assigning tasks, placing orders or organizing bidding for provision of public administrative services according to Decree No. 32/2019/ND-CP ;

d) Promulgate quality criteria or standards of public administrative services funded by state budget; mechanism for supervision, assessment and accreditation of service quality, and regulations on inspection and acceptance of implementation results of public administrative services funded by state budget of ministries and central agencies; operating results of public administrative units;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. The Ministry of Finance shall:

a) Play the leading role and cooperate with relevant ministries to implement this Decree;

b) Establish, manage and operate the information system recording data on finances and public assets of public administrative units nationwide.

3. The Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall play the leading role and cooperate with relevant ministries to provide guidelines on salaries of employees and workers of group-1 and group-2 units as prescribed in Point b Clause 1 Article 12 hereof.

4. In case of fields or sectors with specific characteristics, ministries and central agencies shall, pursuant to specialized laws, play the leading role and cooperate with the Ministry of Finance and relevant ministries and agencies in requesting the Government to promulgate additional regulations on specific autonomy mechanism in such fields or sectors.

5. Annually, ministries and central agencies shall provide the Ministry of Finance with reports on implementation results of financial autonomy of their affiliated public administrative units; declare and update information, ensure the connection and integration with the information system recording data on finances and public assets of public administrative units nationwide. After each stabilization period of 05 years, ministries and central agencies shall provide the Ministry of Finance with reports on assessment of implementation results as prescribed in Clause 4 Article 35 hereof.

Article 37. Responsibilities of provincial People’s Committees

1. Issue or amend the list of public administrative services funded by state budget under the management of provincial governments as prescribed in Article 4 hereof in conformity with actual conditions in each period.

2. Issue or amend economic - technical norms and cost norms (if any) as the basis for setting unit prices or prices of public administrative services funded by state budget in accordance with regulations of the Law on prices and relevant laws which shall be then used for assigning tasks, placing orders or organizing bidding for provision of public administrative services according to Decree No. 32/2019/ND-CP .

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. Carry out inspection and take actions against violations committed during the provision of public administrative services and organize the performance of other contents related to state management of public administrative services and public administrative units under the management of provincial governments.

5. Annually, provincial People's Committees shall provide the Ministry of Finance with reports on implementation results of financial autonomy of their affiliated public administrative units; declare and update information, ensure the connection and integration with the information system recording data on finances and public assets of public administrative units nationwide. After each stabilization period of 05 years, provincial People's Committees shall provide the Ministry of Finance with reports on assessment of implementation results as prescribed in Clause 4 Article 35 hereof.

Article 38. Responsibilities of public administrative units

1. Bear responsibility to their superior agencies and take legal liability for decisions to exercise their financial autonomy.

2. Ensure that their provided public administrative services meet quality standards or criteria stipulated by competent authorities.

3. Formulate and implement regulations on internal expenses, asset use, grassroots-level democracy, financial disclosure and internal audit in accordance with applicable regulations.

4. Implement regulations on public disclosure; take accountability for their operations and data on revenues and expenses included in the plan to exercise autonomy before their supervisory authorities, state regulatory authorities, audit agencies and inspection agencies as prescribed by law. Annually, the public administrative unit shall assume responsibility for reports on assessment of implementation results of its financial autonomy submitted to its superior agency as prescribed.

Article 39. Application of this Decree to other entities

1. Public administrative units affiliated to socio-political-professional organizations, social organizations, socio-professional organizations and other organizations that are allowed to exercise the financial autonomy as prescribed in this Decree according to the rule that they shall self-cover their operating expenses without funding from state budget.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 40. Transition

1. The units that have been granted the financial autonomy in accordance with the Government’s Decree No. 43/2006/ND-CP dated April 25, 2006, the Government’s Decree No. 54/2016/ND-CP dated June 14, 2016 and the Government’s Decree No. 141/2016/ND-CP dated October 10, 2016 shall continue implementing the plans to exercise financial autonomy approved by competent authorities until the end of 2021.

2. Since 2022, public administrative units shall comply with the provisions of Article 35 hereof and the followings:

a) By March 31, 2022, group-3 and group-4 units shall submit their plans to exercise autonomy to their superior agencies for approval;

b) By June 30, 2022, ministries, central agencies, and provincial or district People’s Committees shall approve the plans to exercise financial autonomy of public administrative units under their management after obtaining the consent from finance authorities of the same level.

3. The public administrative units that have been allowed by the Prime Minister or provincial People's Committees to implement the pilot mechanism for exercising autonomy to use funding for covering recurrent expenses and investment expenses before this Decree comes into force shall continue being treated as group-1 units and be allowed to exercise the autonomy under the decisions issued by the Prime Minister or provincial People's Committees or exercise the financial autonomy in accordance with regulations herein.

4. Public administrative units that have been allowed by competent authorities to apply the financial mechanism as enterprises before this Decree comes into force shall select either to comply with regulations adopted by competent authorities or to apply the mechanism for financial autonomy of group-1 units as prescribed herein.

5. The balances on reserve funds for income stabilization (which have been established according to the Government’s Decree No. 43/2006/ND-CP dated April 25, 2006), the balances on funds for supplementation of incomes (which have been established according to the Government’s Decree No. 54/2016/ND-CP dated June 14, 2016 and the Government’s Decree No. 141/2016/ND-CP dated October 10, 2016) up to the effective dates of this Decree shall be used as follows:

a) Group-1 and group-2 units shall be allowed to transfer these balances to the funds for supplementation of incomes; and transfer balances on the funds for supplementation of incomes to reward and welfare funds since the Government's regulations on salary policies under Resolution No. 27-NQ/TW come into force;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 41. Effect

1. This Decree comes into force from August 15, 2021.

2. From the effective date of this Decree, the following regulations shall cease to have effect:

a) Government’s Decree No. 16/2015/ND-CP dated February 14, 2015;

b) Government’s Decree No. 54/2016/ND-CP dated June 14, 2016;

c) Government’s Decree No. 141/2016/ND-CP dated October 10, 2016;

d) Government’s Decree No. 85/2012/ND-CP dated October 15, 2012.

3. Ministers, heads of ministerial agencies, heads of governmental agencies, and Chairpersons of provincial People’s Committees shall implement this Decree.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PP. PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER




Le Minh Khai

Văn bản được hướng dẫn - [0]
[...]
Văn bản được hợp nhất - [0]
[...]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
[...]
Văn bản bị đính chính - [0]
[...]
Văn bản bị thay thế - [0]
[...]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
[...]
Văn bản được căn cứ - [0]
[...]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [1]
[...]
Văn bản đang xem
Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
Số hiệu: 60/2021/NĐ-CP
Loại văn bản: Nghị định
Lĩnh vực, ngành: Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước
Nơi ban hành: Chính phủ
Người ký: Lê Minh Khái
Ngày ban hành: 21/06/2021
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày đăng: Đã biết
Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
[...]
Văn bản hướng dẫn - [0]
[...]
Văn bản hợp nhất - [0]
[...]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
[...]
Văn bản đính chính - [0]
[...]
Văn bản thay thế - [0]
[...]
[...] Đăng nhập tài khoản TVPL Basic hoặc TVPL Pro để xem toàn bộ lược đồ văn bản
Nội dung này được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 33 Nghị định 44/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2025
Điều 33. Hiệu lực thi hành
...
5. Sửa đổi nội dung gạch đầu dòng thứ nhất ... thuộc điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thành “Đơn vị nhóm 1 và nhóm 2: Căn cứ tình hình tài chính, đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương (bao gồm xác định quỹ tiền lương, chi trả tiền lương cho viên chức và người lao động) theo kết quả hoạt động của đơn vị như doanh nghiệp nhà nước”.

Xem nội dung VB
Điều 12. Chi thường xuyên giao tự chủ

Đơn vị sự nghiệp công được chủ động sử dụng các nguồn tài chính giao tự chủ quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2, khoản 3 (phần được để lại để chi thường xuyên phục vụ công tác thu phí) và khoản 5 Điều 11 Nghị định này để chi thường xuyên. Một số nội dung chi được quy định như sau:

1. Chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương
...
b) Kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành, thực hiện như sau:

- Đối với đơn vị nhóm 1: Căn cứ tình hình tài chính, đơn vị sự nghiệp công được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hạng I); quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).
Nội dung này được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 33 Nghị định 44/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2025
Nội dung này được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 33 Nghị định 44/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2025
Điều 33. Hiệu lực thi hành
...
5. Sửa đổi nội dung ... gạch đầu dòng thứ hai thuộc điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thành “Đơn vị nhóm 1 và nhóm 2: Căn cứ tình hình tài chính, đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương (bao gồm xác định quỹ tiền lương, chi trả tiền lương cho viên chức và người lao động) theo kết quả hoạt động của đơn vị như doanh nghiệp nhà nước”.

Xem nội dung VB
Điều 12. Chi thường xuyên giao tự chủ

Đơn vị sự nghiệp công được chủ động sử dụng các nguồn tài chính giao tự chủ quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2, khoản 3 (phần được để lại để chi thường xuyên phục vụ công tác thu phí) và khoản 5 Điều 11 Nghị định này để chi thường xuyên. Một số nội dung chi được quy định như sau:

1. Chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương
...
b) Kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành, thực hiện như sau:
...
- Đối với đơn vị nhóm 2: Căn cứ tình hình tài chính, đơn vị sự nghiệp công được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hạng II); quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).
Nội dung này được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 33 Nghị định 44/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2025
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

1. Sửa đổi khoản 2 Điều 2 như sau:

“2. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; đơn vị sự nghiệp công thuộc đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo quy định của Nghị định này và quy định pháp luật khác có liên quan.”

Xem nội dung VB
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
2. Đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; đơn vị sự nghiệp công thuộc đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo quy định của Nghị định này và quy định pháp luật khác có liên quan.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 2 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
2. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 4 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 4 như sau:

“a) Các bộ, cơ quan trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo các nhóm dịch vụ thuộc các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Các bộ, cơ quan trung ương ban hành danh mục dịch vụ chi tiết làm cơ sở đấu thầu, đặt hàng và giao nhiệm vụ (nếu cần thiết).”

Xem nội dung VB
Điều 4. Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước
...
3. Thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục chi tiết dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước

Căn cứ quy định của pháp luật chuyên ngành và quy định tại Nghị định này, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện như sau:

a) Các bộ, cơ quan trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý;
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 2 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 2 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
2. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 4 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 4 như sau:

“b) Ngoài các danh mục dịch vụ sự nghiệp công ban hành theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo phân cấp thuộc phạm vi quản lý của địa phương và phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương trong phạm vi dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, gửi Bộ Tài chính và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực để giám sát trong quá trình thực hiện.”

Xem nội dung VB
Điều 4. Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước
...
3. Thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục chi tiết dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước

Căn cứ quy định của pháp luật chuyên ngành và quy định tại Nghị định này, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện như sau:
...
b) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo phân cấp thuộc phạm vi quản lý của địa phương và phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương, gửi Bộ Tài chính và các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực để giám sát trong quá trình thực hiện.
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 2 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
3. Sửa đổi khoản 1 ... Điều 5 như sau:

“1. Giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được xác định theo quy định của pháp luật về giá, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại khoản 3 Điều này, trong đó:

a) Chi phí tiền lương trong giá dịch vụ sự nghiệp công tính theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp lương theo chế độ quy định đối với đơn vị sự nghiệp công hoặc tính theo mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp theo tiền lương theo quy định của Nhà nước; định mức lao động do các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo thẩm quyền;

b) Trích khấu hao tài sản cố định theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và lộ trình kết cấu chi phí khấu hao vào giá dịch vụ sự nghiệp công do cấp có thẩm quyền quy định.

Xem nội dung VB
Điều 5. Giá, phí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước

1. Giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được xác định theo quy định của pháp luật về giá, định mức kinh tế-kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại khoản 3 Điều này, trong đó:

a) Chi phí tiền lương trong giá dịch vụ sự nghiệp công tính theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp lương theo chế độ quy định đối với đơn vị sự nghiệp công hoặc tính theo mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp theo tiền lương theo quy định của Nhà nước; định mức lao động do các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo thẩm quyền.

b) Trích khấu hao tài sản cố định theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và lộ trình kết cấu chi phí khấu hao vào giá dịch vụ sự nghiệp công do cấp có thẩm quyền quy định.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
3. Sửa đổi ... khoản 2 Điều 5 như sau:
...
2. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có), giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được xác định theo quy định của pháp luật về giá”.

Xem nội dung VB
Điều 5. Giá, phí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước
...
2. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được xác định theo quy định của pháp luật về giá hoặc mức bình quân chi phí hợp lý, hợp lệ thực hiện của 03 năm trước liền kề.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 4 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
4. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 6 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 6 như sau:

“b) Được quyết định giá dịch vụ theo cơ chế thị trường, bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý. Trường hợp dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì thực hiện theo mức giá cụ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; trường hợp cơ quan nhà nước quy định giá tối đa, thì đơn vị được quyết định mức giá cụ thể không cao hơn mức giá tối đa; trường hợp cơ quan nhà nước quy định mức giá tối thiểu, thì đơn vị được quyết định mức giá cụ thể không thấp hơn mức giá tối thiểu; trường hợp cơ quan nhà nước quy định khung giá thì đơn vị được quyết định mức giá cụ thể trong phạm vi khung giá do nhà nước quy định. Việc quyết định mức giá cụ thể phải phù hợp với căn cứ, nguyên tắc, phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định pháp luật về giá.”

Xem nội dung VB
Điều 6. Dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước
...
2. Đơn vị sự nghiệp công được tự chủ sử dụng tài sản và các nguồn lực ở đơn vị để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, phù hợp với lĩnh vực chuyên môn được cấp có thẩm quyền giao theo nguyên tắc:
...
b) Được quyết định giá dịch vụ bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý; trường hợp dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì thực hiện theo mức giá cụ thể, khung giá do cơ quan có thẩm quyền quy định.
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 4 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
5. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 9 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 như sau:

“b) Đơn vị cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, giá dịch vụ sự nghiệp công xác định theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định này tính đủ khấu hao tài sản cố định và có tích lũy dành chi đầu tư.”

Xem nội dung VB
Điều 9. Phân loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công

1. Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (sau đây gọi là đơn vị nhóm 1) là đơn vị đáp ứng một trong các điều kiện sau:
...
b) Đơn vị cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, giá dịch vụ sự nghiệp công xác định theo cơ chế thị trường, có tính đủ khấu hao tài sản cố định và có tích lũy dành chi đầu tư.
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 6 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
6. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 10 như sau:

a) Sửa đổi điểm a khoản 1 như sau:

“a) A gồm các khoản thu quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 5 Điều 11; điểm a, điểm b khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 5 Điều 15; khoản 2, khoản 2a Điều 19 của Nghị định này. Trong đó, đối với khoản thu quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11; điểm b khoản 2 Điều 15 và khoản 2 Điều 19 chỉ xác định chênh lệch thu lớn hơn chi (sau khi trích khấu hao tài sản cố định, trích lập nguồn cải cách tiền lương, thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước); khoản thu tại khoản 3 Điều 11, khoản 3 Điều 15 và khoản 2a Điều 19 không tính khoản chi nhiệm vụ thường xuyên không giao tự chủ.

Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học: Nguồn thu học phí để xác định mức tự chủ tài chính không bao gồm kinh phí trích quỹ học bổng khuyến khích học tập theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học: Nguồn thu học phí để xác định mức tự chủ tài chính không bao gồm kinh phí chi cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.”

Xem nội dung VB
Điều 10. Xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên

1. Công thức xác định

Mức tự bảo đảm chi thường xuyên (%) = A / B x 100%

Trong đó:

a) A gồm các khoản thu quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 5 Điều 11; điểm a, điểm b khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 5 Điều 15; khoản 2 Điều 19 của Nghị định này. Trong đó, đối với khoản thu quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11; điểm b khoản 2 Điều 15 và khoản 2 Điều 19 chỉ xác định chênh lệch thu lớn hơn chi (sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước); khoản thu tại khoản 3 Điều 11 và khoản 3 Điều 15 không tính khoản chi nhiệm vụ không thường xuyên.
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 6 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 6 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
6. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 10 như sau:
...
b) Sửa đổi điểm b khoản 1 như sau:

“b) B gồm các khoản chi quy định tại Điều 12, Điều 16, Điều 20 của Nghị định này; các khoản chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ khi được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn hoặc giao trực tiếp (áp dụng đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập); không bao gồm các khoản chi thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.”

Xem nội dung VB
Điều 10. Xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên

1. Công thức xác định

Mức tự bảo đảm chi thường xuyên (%) = A / B x 100%

Trong đó:
...
b) B gồm các khoản chi quy định tại Điều 12, Điều 16, Điều 20 của Nghị định này; không bao gồm các khoản chi thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 6 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
7. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 11 như sau:

“c) Kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao (nếu có), gồm: Kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kinh phí vốn đối ứng thực hiện các dự án có nguồn vốn nước ngoài theo quyết định của cấp có thẩm quyền; kinh phí thực hiện nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao; kinh phí được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cho đơn vị sự nghiệp công để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá để đặt hàng; kinh phí thực hiện các chương trình/kế hoạch/đề án/dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.”

Xem nội dung VB
Điều 11. Nguồn tài chính của đơn vị

1. Nguồn ngân sách nhà nước
...
c) Kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao (nếu có), gồm: Kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kinh phí vốn đối ứng thực hiện các dự án có nguồn vốn nước ngoài theo quyết định của cấp có thẩm quyền; kinh phí thực hiện nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao; kinh phí được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cho đơn vị sự nghiệp công để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá để đặt hàng;
Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
8. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 12 như sau

“1. Chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương

a) Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (sau đây gọi là Nghị quyết số 27-NQ/TW), đơn vị chi trả tiền lương theo lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công; chi tiền lương theo hợp đồng lao động (nếu có). Khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương, đơn vị tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị, ngân sách nhà nước không cấp bổ sung. Đơn vị chi tiền thưởng theo chế độ do Nhà nước quy định.”

Xem nội dung VB
Điều 12. Chi thường xuyên giao tự chủ

Đơn vị sự nghiệp công được chủ động sử dụng các nguồn tài chính giao tự chủ quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2, khoản 3 (phần được để lại để chi thường xuyên phục vụ công tác thu phí) và khoản 5 Điều 11 Nghị định này để chi thường xuyên. Một số nội dung chi được quy định như sau:

1. Chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương

a) Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (sau đây gọi là Nghị quyết số 27-NQ/TW), đơn vị chi trả tiền lương theo lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có). Khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương, đơn vị tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị, ngân sách nhà nước không cấp bổ sung.
Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 9 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
9. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 14 như sau:

a) Sửa đổi điểm b khoản 1 như sau:

“b) Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập áp dụng trong trường hợp đơn vị chi tiền lương theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định này: Đơn vị nhóm 1 được tự quyết định mức trích (không khống chế mức trích); đơn vị nhóm 2 trích tối đa không quá 3 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương do Nhà nước quy định, tiền lương theo hợp đồng lao động (nếu có). Trường hợp đơn vị chi tiền lương theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định này thì không trích lập Quỹ bổ sung thu nhập.”

Xem nội dung VB
Điều 14. Phân phối kết quả tài chính trong năm

1. Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị sự nghiệp công được sử dụng theo thứ tự như sau:
...
b) Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập áp dụng trong trường hợp đơn vị chi tiền lương theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định này: Đơn vị nhóm 1 được tự quyết định mức trích (không khống chế mức trích); đơn vị nhóm 2 trích tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định. Trường hợp đơn vị chi tiền lương theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định này thì không trích lập Quỹ bổ sung thu nhập;
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 9 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 9 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
9. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 14 như sau:
...
b) Sửa đổi điểm c khoản 1 như sau:

“c) Trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi: Tổng hai quỹ tối đa không quá 3 tháng tiền lương và thu nhập tăng thêm bình quân thực hiện trong năm của đơn vị.”

Xem nội dung VB
Điều 14. Phân phối kết quả tài chính trong năm

1. Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị sự nghiệp công được sử dụng theo thứ tự như sau:
...
c) Trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi: Tổng hai quỹ tối đa không quá 3 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị;
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 9 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 9 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
9. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 14 như sau:
...
c) Sửa đổi điểm a khoản 2 như sau:

“a) Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp: Để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bảo dưỡng, sửa chữa cơ sở vật chất; mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc, phương tiện đi lại; chi nộp tiền thuê đất, thuê trụ sở phục vụ hoạt động của đơn vị theo quy định (đối với trường hợp nguồn chi thường xuyên không đảm bảo chi nộp tiền thuê đất và thuê trụ sở); phát triển năng lực hoạt động sự nghiệp; chi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ; chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho người lao động trong đơn vị; chi thu hút tuyển dụng người lao động, đãi ngộ nguồn nhân lực; mua bản quyền tác phẩm, chương trình; góp vốn liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước để tổ chức hoạt động dịch vụ sự nghiệp công theo chức năng, nhiệm vụ được giao; chi trả cho cơ quan, đơn vị cấp trên một phần chi phí mua sắm trang thiết bị, sửa chữa, bảo dưỡng, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình phụ trợ dùng chung; chi phí bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường và các chi phí quản lý chung khác (mức cụ thể theo hướng dẫn của cơ quan, đơn vị quản lý cấp trên và thực tế nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị) và các khoản chi khác được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Trường hợp số dư Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công vượt quá 2 lần mức trích khấu hao và hao mòn tài sản cố định hằng năm của đơn vị và đơn vị không có nhu cầu sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, thì đơn vị phải nộp ngân sách nhà nước đối với số dư quỹ không có nhu cầu sử dụng đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị.

Việc sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc được thực hiện theo quy định pháp luật đầu tư công, pháp luật đấu thầu, quản lý tài sản công và các quy định khác có liên quan.”

Xem nội dung VB
Điều 14. Phân phối kết quả tài chính trong năm
...
2. Sử dụng các Quỹ

a) Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp: Để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc; phát triển năng lực hoạt động sự nghiệp; chi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ; đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho người lao động trong đơn vị; mua bản quyền tác phẩm, chương trình; góp vốn liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước để tổ chức hoạt động dịch vụ sự nghiệp công theo chức năng, nhiệm vụ được giao và các khoản chi khác (nếu có);
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 9 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm d Khoản 9 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
9. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 14 như sau:
...
d) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:

“d) Quỹ phúc lợi: Để xây dựng, sửa chữa các công trình phúc lợi của đơn vị; góp một phần vốn để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi chung trong ngành hoặc với các đơn vị khác theo hợp đồng; chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể của người lao động trong đơn vị; trợ cấp khó khăn đột xuất cho người lao động, kể cả trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức, hoàn cảnh khó khăn; chi thêm cho người lao động thực hiện tinh giản biên chế; chi hỗ trợ hoạt động xã hội, từ thiện; giải quyết chế độ, chính sách khi chấm dứt hợp đồng lao động và các khoản chi khác được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.”

Xem nội dung VB
Điều 14. Phân phối kết quả tài chính trong năm
...
2. Sử dụng các Quỹ
...
d) Quỹ phúc lợi: Để xây dựng, sửa chữa các công trình phúc lợi của đơn vị; góp một phần vốn để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi chung trong ngành hoặc với các đơn vị khác theo hợp đồng; chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể của người lao động trong đơn vị; trợ cấp khó khăn đột xuất cho người lao động, kể cả trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức, hoàn cảnh khó khăn; chi thêm cho người lao động thực hiện tinh giản biên chế; chi hỗ trợ hoạt động xã hội, từ thiện;
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm d Khoản 9 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 10 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
10. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 15 như sau:

“d) Kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao (nếu có): Kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kinh phí vốn đối ứng thực hiện các dự án có nguồn vốn nước ngoài theo quyết định của cấp có thẩm quyền; kinh phí thực hiện nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao; kinh phí được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cho đơn vị sự nghiệp công để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; kinh phí thực hiện tinh giản biên chế; kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức theo đề án được duyệt hoặc theo dự toán ngân sách nhà nước bố trí hàng năm; kinh phí thực hiện các chương trình/kế hoạch/đề án/dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.”

Xem nội dung VB
Điều 15. Nguồn tài chính của đơn vị

1. Nguồn ngân sách nhà nước
...
d) Kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao (nếu có): Kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kinh phí vốn đối ứng thực hiện các dự án có nguồn vốn nước ngoài theo quyết định của cấp có thẩm quyền; kinh phí thực hiện nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao; kinh phí được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cho đơn vị sự nghiệp công để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá để đặt hàng; kinh phí thực hiện tinh giản biên chế; kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức theo đề án được duyệt;
Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 10 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Đoạn mở đầu này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 11 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
11. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 16 như sau:

a) Sửa đổi đoạn mở đầu Điều 16 như sau:

“Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính quy định tại điểm a, điểm c khoản 1, khoản 2, khoản 3 (phần được để lại để chi thường xuyên phục vụ công tác thu phí) và khoản 5 Điều 15 Nghị định này, một số nội dung chi được quy định như sau:”

Xem nội dung VB
Điều 16. Chi thường xuyên giao tự chủ

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính quy định tại điểm a, điểm c khoản 1, khoản 2, khoản 3 (phần được để lại để chi thường xuyên phục vụ công tác thu phí) và khoản 5 Điều 15 Nghị định này, đơn vị sự nghiệp công được tự chủ quyết định các nội dung chi như sau:
Đoạn mở đầu này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 11 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 11 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
11. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 16 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm a khoản 1 như sau:

“Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, đơn vị sự nghiệp công áp dụng chế độ tiền lương theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công; chi tiền lương theo hợp đồng lao động (nếu có).”

Xem nội dung VB
Điều 16. Chi thường xuyên giao tự chủ

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính quy định tại điểm a, điểm c khoản 1, khoản 2, khoản 3 (phần được để lại để chi thường xuyên phục vụ công tác thu phí) và khoản 5 Điều 15 Nghị định này, đơn vị sự nghiệp công được tự chủ quyết định các nội dung chi như sau:

1. Chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương

a) Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, đơn vị sự nghiệp công áp dụng chế độ tiền lương theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).

Kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành, đơn vị sự nghiệp công áp dụng chế độ tiền lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp theo tiền lương theo quy định của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 11 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 11 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
11. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 16 như sau:
...
c) Sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm c khoản 1 như sau:

“c) Chi tiền thưởng: Thực hiện theo chế độ do Nhà nước quy định.”

Xem nội dung VB
Điều 16. Chi thường xuyên giao tự chủ

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính quy định tại điểm a, điểm c khoản 1, khoản 2, khoản 3 (phần được để lại để chi thường xuyên phục vụ công tác thu phí) và khoản 5 Điều 15 Nghị định này, đơn vị sự nghiệp công được tự chủ quyết định các nội dung chi như sau:

1. Chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương
...
c) Chi tiền thưởng: Thực hiện theo chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 11 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm d Khoản 11 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
11. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 16 như sau:
...
d) Sửa đổi khoản 5 như sau:

“5. Trích lập các khoản dự phòng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, liên doanh liên kết và dịch vụ sự nghiệp công theo quy định đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định thành lập các quỹ đặc thù để xử lý rủi ro (nếu có)”

Xem nội dung VB
Điều 16. Chi thường xuyên giao tự chủ

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính quy định tại điểm a, điểm c khoản 1, khoản 2, khoản 3 (phần được để lại để chi thường xuyên phục vụ công tác thu phí) và khoản 5 Điều 15 Nghị định này, đơn vị sự nghiệp công được tự chủ quyết định các nội dung chi như sau:
...
5. Trích lập các khoản dự phòng đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, liên doanh liên kết và dịch vụ khác theo quy định đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định thành lập các quỹ đặc thù để xử lý rủi ro (nếu có).
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm d Khoản 11 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 12 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
12. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 18 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 như sau:

“a) Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, trích lập Quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương do Nhà nước quy định và tiền lương theo hợp đồng lao động (nếu có).”

Xem nội dung VB
Điều 18. Phân phối kết quả tài chính trong năm

Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định này, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị được sử dụng theo thứ tự như sau:
...
2. Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập và chi thu nhập tăng thêm

a) Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, trích lập Quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định.
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 12 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 12 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
12. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 18 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi

Mức trích tổng hai quỹ như sau:

a) Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên: Trích lập tối đa không quá 2,5 tháng tiền lương và thu nhập tăng thêm bình quân thực hiện trong năm của đơn vị;

b) Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên: Trích lập tối đa không quá 2 tháng tiền lương và thu nhập tăng thêm bình quân thực hiện trong năm của đơn vị;

c) Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên: Trích lập tối đa không quá 1,5 tháng tiền lương và thu nhập tăng thêm bình quân thực hiện trong năm của đơn vị.”

Xem nội dung VB
Điều 18. Phân phối kết quả tài chính trong năm

Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định này, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị được sử dụng theo thứ tự như sau:
...
3. Trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi

Mức trích tổng hai quỹ như sau:

a) Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên: Trích lập tối đa không quá 2,5 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị;

b) Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên: Trích lập tối đa không quá 2 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị;

c) Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên: Trích lập tối đa không quá 1,5 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị.
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 12 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Đoạn mở đầu này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 14 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
14. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 20 như sau:

a) Sửa đổi đoạn mở đầu Điều 20 như sau:

“Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 19 Nghị định này, một số nội dung chi được quy định như sau:”

Xem nội dung VB
Điều 20. Chi thường xuyên giao tự chủ

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 19 Nghị định này, đơn vị sự nghiệp công được tự chủ quyết định các nội dung chi như sau:
Đoạn mở đầu này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 14 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 14 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
14. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 20 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm a khoản 1 như sau:

“a) Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, đơn vị sự nghiệp công áp dụng chế độ tiền lương theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công; chi tiền lương theo hợp đồng lao động (nếu có).”

Xem nội dung VB
Điều 20. Chi thường xuyên giao tự chủ

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 19 Nghị định này, đơn vị sự nghiệp công được tự chủ quyết định các nội dung chi như sau:

1. Chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương

a) Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, đơn vị sự nghiệp công áp dụng chế độ tiền lương theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).

Kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành, đơn vị sự nghiệp công áp dụng chế độ tiền lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp theo tiền lương theo quy định của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 14 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 14 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
14. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 20 như sau:
...
c) Sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm c khoản 1 như sau

“c) Chi tiền thưởng: Thực hiện theo chế độ do Nhà nước quy định”.

Xem nội dung VB
Điều 20. Chi thường xuyên giao tự chủ

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 19 Nghị định này, đơn vị sự nghiệp công được tự chủ quyết định các nội dung chi như sau:

1. Chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương
...
c) Chi tiền thưởng: Thực hiện theo chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 14 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm d Khoản 14 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
14. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 20 như sau:
...
d) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính, đơn vị được quyết định mức chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý, nhưng tối đa không vượt quá mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Đối với các nội dung chi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, căn cứ tình hình thực tế, đơn vị xây dựng mức chi cho phù hợp với nguồn tài chính của đơn vị và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.”

Xem nội dung VB
Điều 20. Chi thường xuyên giao tự chủ

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 19 Nghị định này, đơn vị sự nghiệp công được tự chủ quyết định các nội dung chi như sau:
...
3. Chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính, đơn vị được quyết định mức chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý, nhưng tối đa không vượt quá mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm d Khoản 14 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 15 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
15. Sửa đổi, bổ sung một số khoản Điều 22 như sau:

a) Sửa đổi khoản 1 như sau:

“1. Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi phí thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, trích lập nguồn cải cách tiền lương, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động thường xuyên giao tự chủ được xác định là kinh phí chi thường xuyên tiết kiệm được.”

Xem nội dung VB
Điều 22. Phân phối kết quả tài chính trong năm

1. Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi phí thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 Nghị định này, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động thường xuyên giao tự chủ (nếu có) được xác định là kinh phí chi thường xuyên tiết kiệm được.
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 15 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 16 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
16. Sửa đổi khoản 2 ... Điều 24 như sau:

“2. Đơn vị nhóm 1, đơn vị nhóm 2 trong lĩnh vực y tế - dân số được vay vốn của các tổ chức tín dụng để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước hoặc được hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư sử dụng vốn vay của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật (nếu có). Trình tự thủ tục, thẩm quyền phê duyệt phương án vay vốn thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Việc sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Xem nội dung VB
Điều 24. Huy động vốn và vay vốn tín dụng
...
2. Đơn vị nhóm 1, đơn vị nhóm 2 trong lĩnh vực y tế - dân số được vay vốn của các tổ chức tín dụng để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất theo quy định của pháp luật về đầu tư công; vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước hoặc được hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư sử dụng vốn vay của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật (nếu có). Trình tự thủ tục, thẩm quyền phê duyệt phương án vay vốn thực hiện theo quy định của pháp luật đầu tư công.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 16 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 16 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
16. Sửa đổi ... khoản 3 ... Điều 24 như sau:
...
3. Đơn vị nhóm 1, nhóm 2 và nhóm 3 có hoạt động dịch vụ được vay vốn của các tổ chức tín dụng, được huy động vốn của viên chức, người lao động trong đơn vị để đầu tư mở rộng, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất hiện có; mua bổ sung trang thiết bị để nâng cao chất lượng và tăng quy mô hoạt động sự nghiệp, tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tự chịu trách nhiệm trả nợ vay theo quy định của pháp luật. Trình tự thủ tục, thẩm quyền phê duyệt phương án vay vốn thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Việc huy động vốn của viên chức, người lao động trong đơn vị được lập thành hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự.

Xem nội dung VB
Điều 24. Huy động vốn và vay vốn tín dụng
...
3. Đơn vị nhóm 1, nhóm 2 và nhóm 3 (đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên từ 70% trở lên) có hoạt động dịch vụ được vay vốn của các tổ chức tín dụng, được huy động vốn của viên chức, người lao động trong đơn vị để đầu tư mở rộng, cải tạo, sửa chữa làm cơ sở vật chất hiện có; mua bổ sung trang thiết bị để nâng cao chất lượng và tăng quy mô hoạt động sự nghiệp, tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tự chịu trách nhiệm trả nợ vay theo quy định của pháp luật. Việc huy động vốn của viên chức, người lao động trong đơn vị được lập thành hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 16 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 16 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
16. Sửa đổi ... khoản 4 Điều 24 như sau:
...
4. Đối với đơn vị có Hội đồng quản lý hoặc Hội đồng trường, Hội đồng Đại học, đơn vị báo cáo Hội đồng cho ý kiến về chủ trương đối với phương án vay vốn, huy động vốn và hoàn trả vốn. Đối với đơn vị sự nghiệp công không có Hội đồng quản lý hoặc Hội đồng trường, Hội đồng Đại học thì báo cáo cơ quan quản lý cấp trên cho ý kiến về chủ trương đối với phương án vay vốn, huy động vốn và hoàn trả vốn.

Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn vốn huy động hiệu quả phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tự chịu trách nhiệm trả nợ theo quy định của pháp luật từ nguồn tài chính của đơn vị, ngân sách nhà nước không hỗ trợ.”

Xem nội dung VB
Điều 24. Huy động vốn và vay vốn tín dụng
...
4. Đơn vị sự nghiệp công trình cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt phương án vay vốn, huy động vốn và hoàn trả vốn. Đối với đơn vị có Hội đồng quản lý hoặc Hội đồng trường, Hội đồng Đại học, phương án vay vốn, huy động vốn và hoàn trả vốn do Hội đồng chịu trách nhiệm phê duyệt.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 16 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 17 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
17. Sửa đổi khoản 2 Điều 25 như sau:

“2.Trường hợp sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết, đơn vị sự nghiệp công xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Đối với đơn vị có thành lập Hội đồng quản lý, Hội đồng trường hoặc Hội đồng Đại học, đơn vị báo cáo Hội đồng thông qua đề án trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.”

Xem nội dung VB
Điều 25. Tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết
...
2. Đơn vị sự nghiệp công xây dựng đề án liên doanh, liên kết trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương (đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý) phê duyệt sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý) phê duyệt sau khi có ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp, trong đó phải làm rõ hình thức liên doanh, liên kết (thành lập pháp nhân mới hoặc không thành lập pháp nhân mới); phương án bảo đảm nguồn tài chính, nguồn nhân lực cho hoạt động của đơn vị và cơ sở liên doanh, liên kết. Đối với đơn vị có thành lập Hội đồng quản lý, Hội đồng trường hoặc Hội đồng Đại học, đơn vị báo cáo Hội đồng thông qua đề án trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 17 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 18 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
18. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 26 như sau:

a) Sửa đổi khoản 2 như sau:

“a) Đối với đơn vị nhóm 1, nhóm 2 và nhóm 3 (đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên): Thủ trưởng đơn vị căn cứ nguồn thu để quyết định mức chi trực, phẫu thuật, thủ thuật cao hơn (trong trường hợp đơn vị chi từ nguồn thu sự nghiệp, không phải nguồn ngân sách nhà nước) hoặc bằng hoặc thấp hơn mức quy định của Nhà nước và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

b) Đối với đơn vị nhóm 3 (không thuộc đối tượng tại điểm a khoản này) và nhóm 4: Thủ trưởng đơn vị căn cứ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị để quyết định mức chi trực, phẫu thuật, thủ thuật bằng hoặc thấp hơn mức quy định của Nhà nước và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.”

Xem nội dung VB
Điều 26. Tự chủ sử dụng nguồn tài chính

Việc tự chủ sử dụng nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế - dân số thực hiện theo quy định tại Điều 12, Điều 16 và Điều 20 Nghị định này và các quy định sau:
...
2. Chi phẫu thuật, thủ thuật

a) Đối với đơn vị nhóm 1 và nhóm 2: Thủ trưởng đơn vị căn cứ nguồn thu để quyết định mức chi phẫu thuật, thủ thuật cao hơn hoặc bằng hoặc thấp hơn mức quy định của Nhà nước và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

b) Đối với đơn vị nhóm 3 và nhóm 4: Thủ trưởng đơn vị căn cứ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị để quyết định mức chi phẫu thuật, thủ thuật bằng hoặc thấp hơn mức quy định của Nhà nước và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 18 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 18 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
18. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 26 như sau:
...
b) Sửa đổi điểm b khoản 3 như sau:

“b) Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tùy theo khả năng nguồn tài chính trích lập Quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh để hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn hoặc không có khả năng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh; chi trả cho các trường hợp rủi ro nghề nghiệp trong khám bệnh, chữa bệnh và các hoạt động khác phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Nội dung và mức hỗ trợ do thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ, phù hợp với quy định của pháp luật. Thủ trưởng đơn vị xây dựng quy chế hỗ trợ, bảo đảm công khai, minh bạch.”

Xem nội dung VB
Điều 26. Tự chủ sử dụng nguồn tài chính

Việc tự chủ sử dụng nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế - dân số thực hiện theo quy định tại Điều 12, Điều 16 và Điều 20 Nghị định này và các quy định sau:
...
3. Phân phối kết quả tài chính trong năm
...
b) Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tùy theo khả năng nguồn tài chính trích lập Quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh để hỗ trợ cho đối tượng chính sách thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo hoặc gia đình có khó khăn về kinh tế.

Nội dung hỗ trợ gồm: Tiền ăn khi điều trị nội trú; tiền đi lại từ nhà đến bệnh viện, từ bệnh viện về nhà và chuyển bệnh viện; chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác có chi phí cao mà người bệnh không đủ khả năng chi trả.

Thủ trưởng đơn vị xây dựng quy chế hỗ trợ, bảo đảm công khai, minh bạch.
Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 18 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 19 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
19. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 27 như sau:

“2. Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên của đơn vị làm nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh phong, tâm thần, bao gồm:

a) Chi tiền lương, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp theo chế độ do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công được xác định trên cơ sở số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh phong, tâm thần;

b) Chi phí vận hành, bảo đảm hoạt động thường xuyên, chi phí khám, chữa bệnh, chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh phong, tâm thần theo chức năng, nhiệm vụ được giao và chế độ quy định.”

Xem nội dung VB
Điều 27. Phân bổ, giao dự toán đối với đơn vị nhóm 3
...
2. Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên của đơn vị làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh phong, tâm thần theo cơ chế đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trên cơ sở số lượng đối tượng, đơn giá khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc và nuôi dưỡng của các đối tượng được cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 19 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 20 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
20. Sửa đổi khoản 1 Điều 28 như sau:

“1. Trung tâm y tế đa chức năng thực hiện xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định này đối với riêng lĩnh vực khám, chữa bệnh. Trường hợp số thu từ dịch vụ khám, chữa bệnh và các dịch vụ khác của Trung tâm đảm bảo được chi thường xuyên hoặc đảm bảo được cả chi thường xuyên và chi đầu tư cho hoạt động khám, chữa bệnh: Trung tâm được phân loại, giao thực hiện tự chủ vào nhóm 1 hoặc nhóm 2 và được tự quyết định số lượng người làm việc phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh và các dịch vụ khác. Đối với các hoạt động y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe, dân số, an toàn thực phẩm, hoạt động của các trạm y tế xã, phường, thị trấn được ngân sách nhà nước hỗ trợ trên cơ sở số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định này.

Khi nhà nước điều chỉnh chính sách tiền lương, sau khi sử dụng nguồn trích lập cải cách tiền lương mà vẫn thiếu nguồn thì Trung tâm được ngân sách nhà nước bổ sung nguồn thực hiện cải cách tiền lương cho khối y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe, dân số, an toàn thực phẩm, hoạt động của các trạm y tế xã, phường, thị trấn.”

Xem nội dung VB
Điều 28. Phân loại mức độ tự chủ tài chính của Trung tâm y tế đa chức năng

1. Trung tâm y tế đa chức năng thực hiện xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định này. Trường hợp số thu từ dịch vụ khám, chữa bệnh và các dịch vụ khác của Trung tâm đảm bảo được chi thường xuyên hoặc đảm bảo được cả chi thường xuyên và chi đầu tư cho hoạt động khám, chữa bệnh: Trung tâm được phân loại, giao thực hiện tự chủ vào nhóm 1 hoặc nhóm 2. Đối với các hoạt động y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe, dân số, an toàn thực phẩm, hoạt động của các trạm y tế xã, phường, thị trấn được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định này.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 20 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 21 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
21. Sửa đổi khoản 2 Điều 31 như sau:

“2. Căn cứ quy chế tài chính của đại học vùng do Hội đồng Đại học ban hành, Giám đốc đại học vùng ban hành quy chế chi tiêu nội bộ của đại học vùng; Thủ trưởng các đại học thành viên, đơn vị trực thuộc đại học vùng ban hành quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.”

Xem nội dung VB
Điều 31. Tự chủ tài chính của đại học vùng

Tự chủ tài chính của đại học vùng thực hiện theo quy định tại Nghị định này và các quy định sau:
...
2. Đại học vùng xây dựng quy chế tài chính báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để thực hiện. Căn cứ quy chế tài chính của đại học vùng được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, Giám đốc đại học vùng ban hành quy chế chi tiêu nội bộ của đại học vùng; Thủ trưởng các đại học thành viên, đơn vị trực thuộc đại học vùng ban hành quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 21 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 22 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
22. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 34 như sau:

“1. Trường hợp đơn vị nhóm 1 xây dựng đề án quản lý, kế toán theo mô hình doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì thực hiện theo chế độ kế toán doanh nghiệp (trừ đơn vị sự nghiệp công lập đang áp dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp không cần lập đề án được tiếp tục thực hiện chế độ kế toán doanh nghiệp).”

Xem nội dung VB
Điều 34. Hạch toán kế toán và quyết toán

1. Đơn vị sự nghiệp công thực hiện chế độ kế toán hành chính sự nghiệp và kiểm toán nội bộ theo quy định của pháp luật hiện hành về kiểm toán nội bộ; mở sổ sách kế toán theo dõi chi tiết cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo nhiệm vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao và cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước theo nhu cầu xã hội, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Trường hợp đơn vị nhóm 1 xây dựng đề án quản lý, kế toán theo mô hình doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì thực hiện theo chế độ kế toán doanh nghiệp.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 22 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 23 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
23. Sửa đổi, bổ sung Điều 35 như sau:

“1. Đơn vị sự nghiệp công xây dựng phương án tự chủ tài chính trong giai đoạn ổn định 05 năm, phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định; dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định và đề xuất phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao (theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này), báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (đơn vị dự toán cấp I). Nội dung của phương án tự chủ tài chính cần xác định rõ mức độ tự chủ tài chính theo 04 nhóm đơn vị quy định tại Nghị định này.

Năm cuối của mỗi thời kỳ ổn định, các đơn vị báo cáo tổng kết đánh giá tình hình thực hiện cơ chế tự chủ của thời kỳ trước, nhiệm vụ của năm kế hoạch và thời kỳ tiếp theo để xây dựng phương án tự chủ của thời kỳ ổn định tiếp theo, gửi cơ quan quản lý cấp trên xem xét trước ngày 31 tháng 3.

2. Đối với đơn vị sự nghiệp công có đơn vị sự nghiệp trực thuộc

a) Đơn vị sự nghiệp công xây dựng phương án tự chủ tài chính báo cáo đơn vị sự nghiệp công cấp trên trực tiếp phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công cấp trên;

b) Đơn vị sự nghiệp công cấp trên xây dựng phương án tự chủ tài chính của đơn vị (không bao gồm phương án tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công trực thuộc đã quy định tại điểm a khoản này) gửi cơ quan quản lý cấp trên;

c) Trường hợp đơn vị sự nghiệp công trực thuộc được xác định là đơn vị nhóm 3 hoặc nhóm 4, cơ quan quản lý cấp trên cần lấy ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp để làm cơ sở giao quyền tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp công quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

3. Căn cứ phương án tự chủ tài chính do các đơn vị sự nghiệp công đề xuất (không bao gồm phương án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công tại điểm a khoản 2 Điều này), cơ quan quản lý cấp trên xem xét, thẩm tra dự toán thu, chi thường xuyên năm đầu thời kỳ ổn định và xác định kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu phí được để lại chi; kinh phí ngân sách nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công (trường hợp tại thời điểm thẩm định phương án tự chủ tài chính xác định được kinh phí đặt hàng cho đơn vị); dự kiến phân loại các đơn vị trực thuộc theo mức độ tự chủ tài chính, tổng hợp phương án phân loại và dự toán thu, chi của các đơn vị sự nghiệp công, có văn bản gửi cơ quan tài chính cùng cấp (Bộ Tài chính, cơ quan tài chính ở địa phương theo phân cấp, riêng đối với các quận thực hiện mô hình chính quyền đô thị là cơ quan chuyên môn quản lý tài chính của quận) xem xét, có ý kiến trước ngày 20 tháng 6 của năm cuối thời kỳ ổn định.

Sau khi có ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài chính cùng cấp, trước ngày 30 tháng 7 của năm cuối thời kỳ ổn định, cơ quan quản lý cấp trên xác định phân loại đơn vị và ra quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công trực thuộc; mức hỗ trợ kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu phí được để lại chi; kinh phí ngân sách nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công (nếu có) cho các đơn vị theo phương án tự chủ tài chính năm đầu thời kỳ ổn định.

4. Sau mỗi thời kỳ ổn định (05 năm), các bộ, cơ quan trung ương (đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý) có trách nhiệm rà soát, nâng mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị nhóm 3 (trừ đơn vị sự nghiệp công cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu) theo lộ trình, hằng năm thực hiện giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước đối với phần kinh phí chi thường xuyên giao tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công trực thuộc (sau khi trừ các khoản chi tính tăng, giảm so với dự toán năm trước (nếu có) do thay đổi nhiệm vụ, số lượng người làm việc).

5. Đơn vị sự nghiệp công đã được cơ quan có thẩm quyền phân loại là đơn vị nhóm 1 hoặc nhóm 2 tiếp tục thực hiện theo các quy định về cơ chế tự chủ tài chính quy định tại Nghị định này; không được điều chỉnh phân loại sang đơn vị nhóm 3 hoặc nhóm 4 trong giai đoạn ổn định phân loại 05 năm hoặc sau giai đoạn ổn định 05 năm, trừ trường hợp đơn vị có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ hoặc có biến động về tình hình kinh tế xã hội, thay đổi chính sách, chế độ hoặc do nguyên nhân bất khả kháng (như thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn) dẫn đến biến động nguồn thu hoặc nhiệm vụ chi làm thay đổi mức độ tự chủ tài chính.”
...
PHỤ LỤC II MẪU BÁO CÁO PHƯƠNG ÁN TỰ CHỦ TÀI CHÍNH CỦA ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
Điều 35. Giao quyền tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp công

1. Đơn vị sự nghiệp công xây dựng phương án tự chủ tài chính trong giai đoạn ổn định 05 (năm) năm, phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định; dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định và đề xuất phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao (theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này), báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (bộ, cơ quan trung ương đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý). Nội dung của phương án tự chủ tài chính cần xác định rõ mức độ tự chủ tài chính theo 04 nhóm đơn vị quy định tại Nghị định này.

2. Đối với đơn vị sự nghiệp công có đơn vị sự nghiệp trực thuộc

a) Đơn vị sự nghiệp công xây dựng phương án tự chủ tài chính báo cáo đơn vị sự nghiệp công cấp trên trực tiếp phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan quản lý cấp trên.

b) Đơn vị sự nghiệp công cấp trên xây dựng phương án tự chủ tài chính của đơn vị (không bao gồm phương án tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công trực thuộc đã quy định tại điểm a khoản này) gửi cơ quan quản lý cấp trên.

3. Căn cứ phương án tự chủ tài chính do các đơn vị sự nghiệp công đề xuất (không bao gồm phương án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công tại điểm a khoản 2 Điều này), cơ quan quản lý cấp trên xem xét, thẩm tra dự toán thu, chi thường xuyên năm đầu thời kỳ ổn định và xác định kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu phí được để lại chi; kinh phí ngân sách nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công (trường hợp tại thời điểm thẩm định phương án tự chủ tài chính xác định được kinh phí đặt hàng cho đơn vị); dự kiến phân loại các đơn vị trực thuộc theo mức độ tự chủ tài chính, tổng hợp phương án phân loại và dự toán thu, chi của các đơn vị sự nghiệp công, có văn bản gửi cơ quan tài chính cùng cấp (Bộ Tài chính, cơ quan tài chính ở địa phương theo phân cấp) xem xét, có ý kiến.

Sau khi có ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài chính cùng cấp, cơ quan quản lý cấp trên xác định phân loại đơn vị và ra quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công trực thuộc; phê duyệt dự toán kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu phí được để lại chi; kinh phí ngân sách nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công (nếu có) cho các đơn vị theo phương án tự chủ tài chính năm đầu thời kỳ ổn định.

4. Sau mỗi thời kỳ ổn định (05 năm), các bộ, cơ quan trung ương (đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý) có trách nhiệm rà soát, nâng mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị nhóm 3 (trừ đơn vị sự nghiệp công cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, không có nguồn thu sự nghiệp) theo lộ trình như sau:

a) Chuyển ít nhất 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên sang đơn vị nhóm 2; hằng năm, thực hiện giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước;

b) Chuyển ít nhất 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên sang đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên; hằng năm, thực hiện giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước;

c) Chuyển ít nhất 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên sang đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên; hằng năm, thực hiện giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.

5. Đơn vị sự nghiệp công đã được cơ quan có thẩm quyền phân loại là đơn vị nhóm 1 hoặc nhóm 2 tiếp tục thực hiện theo các quy định về cơ chế tự chủ tài chính quy định tại Nghị định này; không được điều chỉnh phân loại sang đơn vị nhóm 3 hoặc nhóm 4 trong giai đoạn ổn định phân loại 05 (năm) năm hoặc sau giai đoạn ổn định 05 (năm) năm, trừ trường hợp bất khả kháng do nguyên nhân khách quan (như thiên tai, dịch bệnh) hoặc được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật dẫn đến biến động nguồn thu của đơn vị và làm thay đổi mức độ tự chủ tài chính.

Đơn vị nhóm 1 và nhóm 2 có trách nhiệm bổ sung hồ sơ, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để triển khai việc giao đất đai, tài sản công theo quy định của pháp luật liên quan.

6. Cơ quan quản lý cấp trên thực hiện sắp xếp tổ chức lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công hoạt động không hiệu quả theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 9 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
...
Điều 9. Giao quyền tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp công

1. Đơn vị sự nghiệp công xây dựng phương án tự chủ tài chính và đề xuất phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị; lập dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này; báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (đơn vị dự toán cấp 1) theo Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

Đối với đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/Ủy ban nhân dân cấp huyện, đơn vị xây dựng phương án tự chủ tài chính và đề xuất phân loại mức độ tự chủ tài chính gửi cơ quan tài chính cùng cấp theo Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Căn cứ phương án tự chủ tài chính do đơn vị đề xuất, cơ quan quản lý cấp trên tổng hợp, thẩm tra phương án phân loại mức độ tự chủ tài chính và dự toán thu, chi của các đơn vị trực thuộc, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để xem xét, có ý kiến theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ; cụ thể:

a) Đối với các đơn vị trực thuộc Trung ương quản lý:

- Các bộ, cơ quan trung ương xem xét, thẩm tra dự toán thu, chi thường xuyên năm đầu thời kỳ ổn định; trong đó xác định kinh phí chi thường xuyên giao tự chủ từ nguồn ngân sách nhà nước và từ nguồn thu phí được để lại chi (nếu có) năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ; dự kiến phân loại các đơn vị trực thuộc theo mức tự chủ tài chính, tổng hợp phương án phân loại và dự toán thu, chi của các đơn vị, gửi Bộ Tài chính theo Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến bằng văn bản về việc phân loại đơn vị theo mức tự chủ tài chính; kinh phí chi thường xuyên giao tự chủ từ nguồn ngân sách nhà nước và từ nguồn thu phí được để lại chi (nếu có) năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ, trên cơ sở kết quả thẩm tra và đề nghị của các bộ, cơ quan trung ương;

- Sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan Trung ương (hoặc cơ quan được phân cấp quản lý đơn vị sự nghiệp công) ra quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho đơn vị, trong đó xác định phân loại đơn vị; mức kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên giao tự chủ cho các đơn vị (nhóm 3 và nhóm 4) năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ; kinh phí đặt hàng; nguồn thu phí được để lại (nếu có) theo mẫu tại Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Đối với các đơn vị trực thuộc địa phương quản lý:

- Cơ quan quản lý cấp trên xem xét, thẩm tra dự toán thu, chi thường xuyên năm đầu thời kỳ ổn định của các đơn vị trực thuộc; trong đó xác định kinh phí chi thường xuyên giao tự chủ từ nguồn ngân sách nhà nước và từ nguồn thu phí được để lại chi (nếu có) năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ; dự kiến phân loại các đơn vị trực thuộc theo mức tự chủ tài chính, tổng hợp phương án phân loại và dự toán thu, chi của các đơn vị, gửi cơ quan tài chính cùng cấp theo Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Cơ quan tài chính cùng cấp căn cứ kết quả thẩm tra và đề nghị của cơ quan quản lý cấp trên, xem xét, có ý kiến bằng văn bản về việc phân loại đơn vị theo mức tự chủ tài chính; kinh phí chi thường xuyên giao tự chủ từ nguồn ngân sách nhà nước và từ nguồn thu phí được để lại chi (nếu có) năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ;

- Sau khi có ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp, cơ quan quản lý cấp trên trình Ủy ban nhân dân các cấp (hoặc cơ quan được phân cấp) quyết định giao quyền tự chủ cho các đơn vị trực thuộc (đối với các đơn vị thuộc tổ chức chính trị thì cơ quan quản lý cấp trên hoặc cơ quan được ủy quyền quyết định giao quyền tự chủ cho các đơn vị theo thẩm quyền), trong đó: xác định phân loại đơn vị; mức kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên giao tự chủ cho các đơn vị (nhóm 3 và nhóm 4) năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ; kinh phí đặt hàng; nguồn thu phí được để lại chi (nếu có) theo mẫu tại Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Đối với đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan tài chính cùng cấp căn cứ phương án tự chủ tài chính của đơn vị báo cáo, xem xét, thẩm tra dự toán thu, chi thường xuyên giao tự chủ năm đầu thời kỳ ổn định của đơn vị; trong đó xác định kinh phí chi thường xuyên giao tự chủ từ nguồn ngân sách nhà nước và từ nguồn thu phí được để lại chi (nếu có) năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ; dự kiến phân loại đơn vị theo mức độ tự chủ tài chính của đơn vị theo quy định; trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao quyền tự chủ cho các đơn vị (áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công thuộc Ủy ban nhân cấp tỉnh/Ủy ban nhân dân cấp huyện);

Mẫu Quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp theo Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Đối với đại học vùng:

a) Các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc đại học vùng có trách nhiệm xây dựng phương án tự chủ tài chính và đề xuất phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị theo quy định tại khoản 1 Điều này gửi đại học vùng để tổng hợp chung;

b) Đại học vùng có trách nhiệm tổng hợp, xây dựng phương án tự chủ tài chính cho toàn bộ đơn vị (bao gồm cả các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc) báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp chung phương án phân loại và dự toán thu, chi của các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, gửi Bộ Tài chính theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều này;

c) Việc giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc đại học vùng do đại học vùng quyết định; báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến thống nhất trước khi quyết định.

4. Giao quyền tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam:

a) Đối với các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực thông tin và truyền thông:

Căn cứ nội dung quy định tại Điều 4 Thông tư này, Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên tổng thể của Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam. Trên cơ sở đó, gửi Bộ Tài chính phương án phân loại mức tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trực thuộc theo phương án xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên của Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đặc thù của từng đơn vị;

Trong trường hợp đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam đề xuất phương án phân loại mức độ tự chủ tài chính cao hơn mức tự chủ tài chính tổng thể của Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam có trách nhiệm rà soát, phê duyệt phương án tự chủ tài chính theo đề xuất của đơn vị sự nghiệp công trực thuộc đảm bảo phù hợp;

Sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính, Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam ra quyết định giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công trực thuộc, trong đó xác định phân loại đơn vị; mức kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên giao tự chủ cho các đơn vị (nhóm 3 và nhóm 4) năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ theo quy định; kinh phí đặt hàng; nguồn thu phí được để lại chi (nếu có) theo Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Đối với các đơn vị sự nghiệp công trong các lĩnh vực khác: Thực hiện giao quyền tự chủ tài chính theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

5. Khi rà soát phương án tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công trực thuộc, trường hợp đơn vị hoạt động không hiệu quả, các Bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện sắp xếp tổ chức lại hoặc giải thể các đơn vị theo quy định tại khoản 6 Điều 35 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

6. Việc giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công được ổn định trong thời gian 05 (năm) năm, phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội. Thời kỳ ổn định tự chủ tài chính lần đầu được áp dụng đến năm 2025.

Năm cuối của mỗi thời kỳ ổn định, các đơn vị báo cáo tổng kết đánh giá tình hình thực hiện cơ chế tự chủ của thời kỳ trước, nhiệm vụ của năm kế hoạch và thời kỳ tiếp theo để xây dựng phương án tự chủ của thời kỳ ổn định tiếp theo, gửi cơ quan quản lý cấp trên xem xét cùng với thời gian lập dự toán ngân sách của năm kế hoạch;

Trong thời kỳ ổn định tự chủ tài chính, trường hợp đơn vị có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ hoặc có biến động lớn về tình hình kinh tế xã hội, thay đổi chính sách, chế độ hoặc do nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh dẫn đến biến động lớn về nguồn thu hoặc nhiệm vụ chi, từ đó làm thay đổi mức độ tự chủ tài chính, sau khi đơn vị đã sử dụng các Quỹ được trích lập còn dư theo quy định nhưng cân đối thu chi của đơn vị đến cuối năm ngân sách không đảm bảo theo phương án tự chủ tài chính đã được phê duyệt, vào quý I của năm tiếp theo, đơn vị có trách nhiệm xây dựng phương án tự chủ về tài chính theo quy định tại khoản 1 Điều này để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt lại phương án tự chủ tài chính cho thời gian còn lại của thời kỳ ổn định.

Trình tự xem xét, phân loại và giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công theo quy định tại Điều này.

7. Sau mỗi thời kỳ ổn định, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, nâng mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị nhóm 3 trực thuộc theo lộ trình quy định tại khoản 4 Điều 35 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.
...
PHỤ LỤC SỐ 2: MẪU BÁO CÁO PHƯƠNG ÁN TỰ CHỦ TÀI CHÍNH CỦA ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
...
PHỤ LỤC SỐ 3: MẪU BÁO CÁO TỔNG HỢP PHƯƠNG ÁN TỰ CHỦ TÀI CHÍNH CỦA ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
...
PHỤ LỤC SỐ 4: MẪU QUYẾT ĐỊNH GIAO QUYỀN TỰ CHỦ TÀI CHÍNH CHO ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
Điều 35. Giao quyền tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp công

1. Đơn vị sự nghiệp công xây dựng phương án tự chủ tài chính trong giai đoạn ổn định 05 (năm) năm, phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định; dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định và đề xuất phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao (theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này), báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (bộ, cơ quan trung ương đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý). Nội dung của phương án tự chủ tài chính cần xác định rõ mức độ tự chủ tài chính theo 04 nhóm đơn vị quy định tại Nghị định này.

2. Đối với đơn vị sự nghiệp công có đơn vị sự nghiệp trực thuộc

a) Đơn vị sự nghiệp công xây dựng phương án tự chủ tài chính báo cáo đơn vị sự nghiệp công cấp trên trực tiếp phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan quản lý cấp trên.

b) Đơn vị sự nghiệp công cấp trên xây dựng phương án tự chủ tài chính của đơn vị (không bao gồm phương án tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công trực thuộc đã quy định tại điểm a khoản này) gửi cơ quan quản lý cấp trên.

3. Căn cứ phương án tự chủ tài chính do các đơn vị sự nghiệp công đề xuất (không bao gồm phương án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công tại điểm a khoản 2 Điều này), cơ quan quản lý cấp trên xem xét, thẩm tra dự toán thu, chi thường xuyên năm đầu thời kỳ ổn định và xác định kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu phí được để lại chi; kinh phí ngân sách nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công (trường hợp tại thời điểm thẩm định phương án tự chủ tài chính xác định được kinh phí đặt hàng cho đơn vị); dự kiến phân loại các đơn vị trực thuộc theo mức độ tự chủ tài chính, tổng hợp phương án phân loại và dự toán thu, chi của các đơn vị sự nghiệp công, có văn bản gửi cơ quan tài chính cùng cấp (Bộ Tài chính, cơ quan tài chính ở địa phương theo phân cấp) xem xét, có ý kiến.

Sau khi có ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài chính cùng cấp, cơ quan quản lý cấp trên xác định phân loại đơn vị và ra quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công trực thuộc; phê duyệt dự toán kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu phí được để lại chi; kinh phí ngân sách nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công (nếu có) cho các đơn vị theo phương án tự chủ tài chính năm đầu thời kỳ ổn định.

4. Sau mỗi thời kỳ ổn định (05 năm), các bộ, cơ quan trung ương (đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý) có trách nhiệm rà soát, nâng mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị nhóm 3 (trừ đơn vị sự nghiệp công cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, không có nguồn thu sự nghiệp) theo lộ trình như sau:

a) Chuyển ít nhất 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên sang đơn vị nhóm 2; hằng năm, thực hiện giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước;

b) Chuyển ít nhất 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên sang đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên; hằng năm, thực hiện giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước;

c) Chuyển ít nhất 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên sang đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên; hằng năm, thực hiện giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.

5. Đơn vị sự nghiệp công đã được cơ quan có thẩm quyền phân loại là đơn vị nhóm 1 hoặc nhóm 2 tiếp tục thực hiện theo các quy định về cơ chế tự chủ tài chính quy định tại Nghị định này; không được điều chỉnh phân loại sang đơn vị nhóm 3 hoặc nhóm 4 trong giai đoạn ổn định phân loại 05 (năm) năm hoặc sau giai đoạn ổn định 05 (năm) năm, trừ trường hợp bất khả kháng do nguyên nhân khách quan (như thiên tai, dịch bệnh) hoặc được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật dẫn đến biến động nguồn thu của đơn vị và làm thay đổi mức độ tự chủ tài chính.

Đơn vị nhóm 1 và nhóm 2 có trách nhiệm bổ sung hồ sơ, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để triển khai việc giao đất đai, tài sản công theo quy định của pháp luật liên quan.

6. Cơ quan quản lý cấp trên thực hiện sắp xếp tổ chức lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công hoạt động không hiệu quả theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
...
PHỤ LỤC II: MẪU PHƯƠNG ÁN TỰ CHỦ TÀI CHÍNH CỦA ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 23 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 9 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 24 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
24. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 36 như sau:

“c) Ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, cơ quan trung ương làm cơ sở ban hành, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về giá và quy định của các pháp luật khác có liên quan để làm cơ sở đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ.”

Xem nội dung VB
Điều 36. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương

1. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương
...
c) Ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về giá và quy định của pháp luật khác có liên quan để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ;
Nội dung, nguyên tắc, cách tính định mức kinh tế - kỹ thuật của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được hướng dẫn tại Thông tư 19/2022/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/02/2023
Căn cứ Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Giải thích từ ngữ
...
Điều 3. Nội dung và việc sử dụng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh
...
Điều 4. Nguyên tắc xây dựng, áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật
...
Chương II CÁCH TÍNH ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT

Điều 5. Cách tính định mức lao động trực tiếp
...
Điều 6. Cách tính định mức thuốc, vật tư y tế
...
Điều 7. Cách tính định mức trang thiết bị
...
Chương III TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ TRÁCH NHIỆM THI HÀNH

Điều 8. Tổ chức thực hiện
...
Điều 9. Hiệu lực thi hành
...
Điều 10. Trách nhiệm thi hành

Xem nội dung VB
Điều 36. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương

1. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương
...
c) Ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về giá và quy định của pháp luật khác có liên quan để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ;
Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Nội vụ về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được hướng dẫn bởi Thông tư 09/2023/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 01/08/2023
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Nội vụ về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Nội vụ về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, bao gồm: Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Nội vụ; bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ lĩnh vực Nội vụ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, đơn vị thực hiện dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Nội vụ về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Nội vụ về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 3. Mục tiêu xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật

Là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xây dựng, ban hành đơn giá, giá dịch vụ; dự toán kinh phí cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Nội vụ về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 4. Nguyên tắc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật

1. Định mức kinh tế - kỹ thuật được xây dựng theo Quy trình cơ bản thực hiện dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Nội vụ về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này.

2. Định mức kinh tế - kỹ thuật được xây dựng theo các chương trình bồi dưỡng do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được điều chỉnh khi các yếu tố hình thành định mức thay đổi.

3. Định mức kinh tế - kỹ thuật được quy định tại Thông tư này đối với hình thức bồi dưỡng trực tiếp là mức tối đa. Trường hợp cần thiết, các cơ quan, đơn vị có thể ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị mình nhưng không vượt quá định mức nêu tại Thông tư này.

4. Trường hợp tổ chức bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến, từ xa, Quy trình cơ bản thực hiện dịch vụ sự nghiệp công quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này được thay đổi tùy theo các hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin và phần mềm. Trường hợp cần thiết, các cơ quan, đơn vị căn cứ mức độ ứng dụng công nghệ thông tin để ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp với điều kiện thực tế bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến, từ xa.

Điều 5. Nội dung định mức kinh tế - kỹ thuật

1. Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức, gồm có:

a) Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên và tương đương quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này;

b) Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính và tương đương quy định tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này;

c) Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương quy định tại Phụ lục IV kèm theo Thông tư này.

2. Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Nội vụ áp dụng đối với chuyên ngành Lưu trữ quy định tại Phụ lục V kèm theo Thông tư này.

3. Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý gồm có:

a) Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương quy định tại Phụ lục VI kèm theo Thông tư này;

b) Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp huyện và tương đương quy định tại Phụ lục VII kèm theo Thông tư này.

4. Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ lĩnh vực Nội vụ quy định tại Phụ lục VIII kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định áp dụng định mức cụ thể phù hợp với điều kiện của cơ quan, đơn vị để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý tại bộ, ngành, địa phương.

2. Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ và các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2023.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Nội vụ để nghiên cứu, giải quyết./.
...
PHỤ LỤC I HƯỚNG DẪN CHUNG VÀ QUY TRÌNH CƠ BẢN TRIỂN KHAI DỊCH VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THUỘC LĨNH VỰC NỘI VỤ VỀ BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

I. HƯỚNG DẪN CHUNG
...
II. QUY TRÌNH CƠ BẢN THỰC HIỆN DỊCH VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG
...
PHỤ LỤC II ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT DỊCH VỤ BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC, KỸ NĂNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC THEO TIÊU CHUẨN NGẠCH CHUYÊN VIÊN VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG
...
PHỤ LỤC IV ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT DỊCH VỤ BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC, KỸ NĂNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC THEO TIÊU CHUẨN NGẠCH CHUYÊN VIÊN CAO CẤP VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG
...
PHỤ LỤC V ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT DỊCH VỤ BỒI DƯỠNG THEO TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH LƯU TRỮ
...
PHỤ LỤC VI ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT DỊCH VỤ BỒI DƯỠNG THEO YÊU CẦU CỦA VỊ TRÍ VIỆC LÀM LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CẤP PHÒNG VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG
...
PHỤ LỤC VII ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT DỊCH VỤ BỒI DƯỠNG THEO YÊU CẦU CỦA VỊ TRÍ VIỆC LÀM LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CẤP VỤ, CẤP SỞ, CẤP HUYỆN VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG
...
PHỤ LỤC VIII ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT DỊCH VỤ BỒI DƯỠNG THEO YÊU CẦU VỊ TRÍ VIỆC LÀM CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ LĨNH VỰC NỘI VỤ


Xem nội dung VB
Điều 36. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương

1. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương
...
c) Ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về giá và quy định của pháp luật khác có liên quan để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ;
Xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực báo chí được hướng dẫn bởi Thông tư 05/2024/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 01/08/2024
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực báo chí thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Điều 4. Mục tiêu xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật
...
Điều 5. Nguyên tắc chung xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công lĩnh vực báo chí sử dụng ngân sách nhà nước
...
Chương II NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP, HÌNH THỨC VÀ BỐ CỤC CỦA ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT

Điều 6. Căn cứ xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật
...
Điều 7. Phương pháp xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật
...
Điều 8. Thành phần của định mức kinh tế - kỹ thuật
...
Điều 9. Bố cục của định mức kinh tế - kỹ thuật
...
Chương III XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH VÀ BAN HÀNH ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT

Điều 10. Tổ chức xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực báo chí
...
Điều 11. Thẩm định định mức kinh tế-kỹ thuật
...
Điều 12. Trình ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và trách nhiệm tổ chức thực hiện
...
Điều 13. Quyết định ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công lĩnh vực báo chí sử dụng ngân sách nhà nước
...
Điều 14. Rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật
...
Điều 15. Kinh phí xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật
...
Chương IV TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Điều khoản chuyển tiếp
...
Điều 17. Điều khoản thi hành
...
PHỤ LỤC I KẾ HOẠCH CHI TIẾT XÂY DỰNG ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT
...
PHỤ LỤC II TRÌNH TỰ CÁC BƯỚC XÂY DỰNG ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT VÀ XÁC ĐỊNH HAO PHÍ THÀNH PHẦN
...
PHỤ LỤC III MẪU BẢNG ĐỊNH MỨC THÔNG DỤNG
...
PHỤ LỤC IV MỘT SỐ THỂ LOẠI PHỔ BIẾN ĐƯỢC ĐỊNH MỨC

I - Một số thể loại phổ biến được định mức trong hoạt động báo in, báo điện tử
...
II. Một số thể loại phổ biến được định mức trong sản xuất chương trình phát thanh
...
III. Một số thể loại phổ biến được định mức trong sản xuất chương trình truyền hình
...
IV. Một số thành phần công việc chính phục vụ công tác xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật

4.1. Trong hoạt động báo in, báo điện tử
...
4.2. Một số thành phần công việc chính phục vụ công tác xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trong sản xuất các chương trình phát thanh
...
4.3. Một số thành phần công việc chính phục vụ công tác xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trong sản xuất các chương trình truyền hình
...
PHỤ LỤC V MÔ TẢ ÁP DỤNG ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT TRONG XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN GIÁ

Xem nội dung VB
Điều 36. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương

1. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương
...
c) Ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về giá và quy định của pháp luật khác có liên quan để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ;
Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 46/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

Điều 2. Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập

Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập bao gồm:

1. Định mức kinh tế-kỹ thuật 17 dịch vụ tư vấn phòng, chống HIV/AIDS quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Định mức kinh tế - kỹ thuật 12 dịch vụ xác định tình trạng nghiện ma túy quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 02 năm 2025.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính; Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) để xem xét, giải quyết./.
...
PHỤ LỤC I ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS

I. Tư vấn trước và sau xét nghiệm HIV
...
II. Tư vấn cho người có hành vi nguy cơ cao, người bị phơi nhiễm HIV, người nhiễm HIV và người bệnh AIDS
...
PHỤ LỤC II ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT DỊCH VỤ XÁC ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGHIỆN MA TÚY

Xem nội dung VB
Điều 36. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương

1. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương
...
c) Ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về giá và quy định của pháp luật khác có liên quan để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ;
Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ tổ chức thi, liên hoan, triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị được hướng dẫn bởi Thông tư 16/2024/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 20/02/2025
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ tổ chức thi, liên hoan, triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ tổ chức thi, liên hoan, triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị có sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây gọi là dịch vụ sự nghiệp công).

2. Đối tượng áp dụng

a) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng ngân sách nhà nước để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công;

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc triển khai cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước;

c) Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài công lập có triển khai cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật tại Thông tư này.

Điều 2. Quy định chung về định mức kinh tế - kỹ thuật

1. Định mức kinh tế - kỹ thuật tại Thông tư này là mức tối đa, được bảo đảm tính đúng, tính đủ để hoàn thành thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

2. Định mức kinh tế - kỹ thuật tại Thông tư này là căn cứ để:

a) Xác định chức danh lao động trong thành phần hao phí nhân công, xây dựng nội dung chi, mức chi cho việc triển khai cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và bố trí kinh phí hằng năm;

b) Xác định đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng cho phù hợp với Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

3. Xác định chức danh lao động:

a) Các chức danh lao động trong thành phần hao phí nhân công của bảng định mức áp dụng theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 117/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư 09/2022/TT-BVHTTDL ngày 28 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành mỹ thuật hoặc xem xét quy đổi tương đương theo vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Trường hợp hạng bậc của chức danh lao động đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức không như quy định trong bảng định mức thì áp dụng hạng bậc của chức danh lao động đã quy định trong định mức, bậc tương đương hoặc quy định hạng bậc lao động đang làm việc và mức hao phí theo thực tế. Trong các trường hợp này phải bảo đảm chi phí về nhân công không vượt quá chi phí nhân công tính từ định mức do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Đối tượng là công chức, viên chức tham gia làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước không áp dụng định mức hao phí nhân công quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Nội dung định mức kinh tế - kỹ thuật

1. Nội dung định mức kinh tế - kỹ thuật bao gồm:

a) Hao phí nhân công: là thời gian lao động trực tiếp và lao động gián tiếp cần thiết của các cấp bậc lao động bình quân để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ. Mức hao phí của lao động trực tiếp là thời gian thực hiện các công đoạn theo hướng dẫn triển khai dịch vụ sự nghiệp công, được tính bằng công, mỗi công tương ứng với thời gian làm việc một ngày (8 giờ) của người lao động theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Lao động năm 2019. Mức hao phí của lao động gián tiếp tính bằng 15% của lao động trực tiếp tương ứng;

b) Hao phí máy móc, thiết bị sử dụng: là thời gian cần thiết sử dụng máy móc, thiết bị để phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Mức hao phí trong định mức được tính bằng ca sử dụng máy, mỗi ca tương ứng với một ngày làm việc (8 giờ) theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Lao động năm 2019;

c) Hao phí vật liệu sử dụng: là số lượng các loại vật liệu cụ thể và cần thiết sử dụng trực tiếp để phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Mức hao phí trong định mức được tính bằng số lượng từng loại vật liệu cụ thể. Mức hao phí vật liệu phụ được tính bằng 10% tổng định mức vật liệu.

2. Kết cấu của định mức kinh tế - kỹ thuật bao gồm:

a) Tên định mức;

b) Mô tả thành phần công việc: là nội dung các công đoạn chính để thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công;

c) Bảng định mức kinh tế - kỹ thuật, bao gồm:

- Hao phí nhân công: chức danh và hạng lao động, đơn vị tính mức hao phí và trị số định mức hao phí;

- Hao phí máy móc, thiết bị sử dụng: tên loại máy móc, thiết bị, đơn vị tính mức hao phí và trị số định mức hao phí sử dụng;

- Hao phí vật liệu sử dụng: tên và quy cách vật liệu, đơn vị tính mức hao phí và trị số định mức hao phí vật liệu sử dụng;

- Trị số định mức: là giá trị tính bằng số của thời gian thực hiện thực tế trên hao phí nhân công, máy móc, thiết bị sử dụng, vật liệu sử dụng trong quá trình cung cấp dịch vụ sự nghiệp công;

- Ghi chú: là nội dung hướng dẫn cách tính định mức trong điều kiện kỹ thuật khác nhau (nếu có) hoặc để hoàn thành một khối lượng công việc khác với đơn vị tính tại Bảng định mức.

3. Các định mức kinh tế - kỹ thuật được quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này, bao gồm:

a) Phụ lục I: Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ tổ chức thi tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị;

b) Phụ lục II: Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ tổ chức triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị;

c) Phụ lục III: Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ tổ chức liên hoan tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Căn cứ định mức kinh tế - kỹ thuật quy định tại Thông tư này, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, quyết định áp dụng định mức cụ thể phù hợp với điều kiện của đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương.

2. Các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước để triển khai cung ứng dịch vụ sự nghiệp công có liên quan căn cứ điều kiện thực tế, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng định mức cụ thể.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2025.

2. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo văn bản mới ban hành.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm) để xem xét, giải quyết./.
...
PHỤ LỤC I BẢNG ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT DỊCH VỤ TỔ CHỨC THI TÁC PHẨM MỸ THUẬT, NHIẾP ẢNH PHỤC VỤ NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ
...
PHỤ LỤC II BẢNG ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT DỊCH VỤ TỔ CHỨC TRIỂN LÃM TÁC PHẨM MỸ THUẬT, NHIẾP ẢNH PHỤC VỤ NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ
...
PHỤ LỤC III BẢNG ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT DỊCH VỤ TỔ CHỨC LIÊN HOAN TÁC PHẨM MỸ THUẬT, NHIẾP ẢNH PHỤC VỤ NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ

Xem nội dung VB
Điều 36. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương

1. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương
...
c) Ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về giá và quy định của pháp luật khác có liên quan để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ;
Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ tổ chức các giải thi đấu thể thao trong nước và quốc tế do Việt Nam đăng cai được hướng dẫn bởi Thông tư 02/2025/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 01/06/2025
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ tổ chức các giải thi đấu thể thao trong nước và quốc tế do Việt Nam đăng cai.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ tổ chức các giải thi đấu thể thao trong nước và quốc tế do Việt Nam đăng cai có sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây gọi là dịch vụ sự nghiệp công), bao gồm:

1. Giải quốc tế: Giải thi đấu vô địch, giải thi đấu vô địch trẻ từng môn thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam; giải thi đấu cấp khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam cho người khuyết tật.

2. Giải quốc gia: Giải thi đấu vô địch quốc gia, giải thi đấu vô địch trẻ quốc gia từng môn thể thao; giải thể thao quần chúng cấp quốc gia, hội thi thể thao quần chúng cấp quốc gia.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng ngân sách nhà nước để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công;

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc triển khai dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước;

3. Khuyến khích cơ quan, tổ chức ngoài công lập có triển khai dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật theo quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Quy định chung về định mức kinh tế - kỹ thuật.

1. Định mức kinh tế - kỹ thuật quy định tại Thông tư này là mức tối đa, được bảo đảm tính đúng, tính đủ để hoàn thành thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng.

2. Định mức kinh tế - kỹ thuật quy định tại Thông tư này là căn cứ để:

a) Xác định mức hao phí các yếu tố về lao động, vật tư, thiết bị sử dụng để hoàn thành một đơn vị sản phẩm hoặc một khối lượng công việc nhất định, trong một điều kiện cụ thể của dịch vụ sự nghiệp công;

b) Xác định đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước phù hợp với Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

3. Xác định chức danh lao động:

a) Các chức danh lao động trong thành phần hao phí lao động bảng định mức áp dụng theo Thông tư số 07/2022/TT-BVHTTDL ngày 25 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thể dục, thể thao (sau đây gọi là Thông tư số 07/2022/TT-BVHTTDL);

b) Trường hợp các chức danh lao động trong thành phần hao phí lao động không có trong Thông tư số 07/2022/TT-BVHTTDL thì áp dụng theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 117/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP; Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập hoặc xem xét quy đổi tương đương theo vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 4. Nội dung định mức kinh tế - kỹ thuật

1. Nội dung định mức kinh tế - kỹ thuật bao gồm:

a) Hao phí lao động: Là thời gian lao động trực tiếp và lao động gián tiếp cần thiết của các hạng bậc lao động bình quân để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ. Mức hao phí của lao động trực tiếp là thời gian thực hiện các công đoạn theo hướng dẫn triển khai dịch vụ sự nghiệp công, được tính bằng công, mỗi công tương ứng với thời gian 01 ngày làm việc (8 giờ) của người lao động theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Lao động; 01 buổi hoặc trận làm việc tương ứng 04 giờ (tương đương một phần hai công), bảo đảm làm việc tối đa không được vượt quá 03 buổi hoặc 03 trận đấu/người/ngày; mức hao phí lao động gián tiếp tính theo tỷ lệ 15% của lao động trực tiếp tương ứng.

b) Hao phí thiết bị: Là thời gian sử dụng máy móc, thiết bị để phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Mức hao phí máy móc, thiết bị trong định mức được tính bằng ca sử dụng máy, mỗi ca tương ứng với 1 ngày làm việc (8 giờ) theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Lao động.

c) Hao phí vật tư: Là số lượng các loại vật liệu cụ thể và cần thiết sử dụng trực tiếp để phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

2. Kết cấu của định mức kinh tế - kỹ thuật bao gồm các nội dung sau:

a) Tên định mức.

b) Mô tả thành phần công việc: Là nội dung các công đoạn chính để thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

c) Bảng định mức kinh tế - kỹ thuật gồm:

- Hao phí lao động: Chức danh và hạng bậc lao động, đơn vị tính trị số định mức hao phí;

- Hao phí thiết bị: Tên loại máy móc hoặc thiết bị, đơn vị tính mức hao phí, mức hao phí;

- Hao phí vật tư: Tên và quy cách vật liệu, đơn vị tính mức hao phí, mức hao phí;

- Trị số định mức hao phí: Là giá trị tính bằng số của hao phí lao động, máy móc, thiết bị, vật tư.

d) Định mức kinh tế - kỹ thuật được quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Căn cứ định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công kèm theo Thông tư này, các bộ, ngành, cơ quan trung ương xem xét, quyết định áp dụng định mức cụ thể phù hợp với điều kiện của đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, cơ quan trung ương.

2. Các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước để triển khai cung cấp dịch vụ sự nghiệp công nghiên cứu, căn cứ điều kiện thực tế, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng định mức cụ thể.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2025.

2. Trường hợp các văn bản được viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới ban hành.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (qua Cục Thể dục thể thao Việt Nam) để xem xét, giải quyết./.
...

PHỤ LỤC ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT DỊCH VỤ TỔ CHỨC CÁC GIẢI THI ĐẤU THỂ THAO TRONG NƯỚC VÀ QUỐC TẾ DO VIỆT NAM ĐĂNG CAI

Phần I. Mô tả thành phần công việc
..
Phần II. Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ tổ chức giải thi đấu thể thao trong nước và quốc tế do Việt Nam đăng cai được quy định tại các biểu số kèm theo Phụ lục của Thông tư này

Biểu số 1 MÔN BẮN CUNG
...
Biểu số 2 MÔN BẮN NỎ, BẮN NÁ
...
Biểu số 3 MÔN BẮN SÚNG
...
Biểu số 4 MÔN BI SẮT (PETANQUE)
...
Biểu số 5 MÔN BILLIARDS & SNOOKER
...
Biểu số 6 MÔN BÓNG BÀN
...
Biểu số 7 MÔN BÓNG CHÀY, BÓNG MỀM
...
Biểu số 8 MÔN BÓNG CHUYỀN TRONG NHÀ (DÙNG CHO 01 ĐỊA ĐIỂM THI ĐẤU)
...
Biểu số 9 MÔN BÓNG CHUYỀN BÃI BIỂN (DÙNG CHO 01 ĐỊA ĐIỂM CÓ 02 SÂN THI ĐẤU)
...
Biểu số 10 MÔN BÓNG ĐÁ
...
Biểu số 11 MÔN BÓNG ĐÁ BÃI BIỂN
...
Biểu số 12 MÔN BÓNG ĐÁ FUTSAL
...
Biểu số 13 MÔN BÓNG NÉM TRONG NHÀ
...
Biểu số 14 MÔN BÓNG NÉM BÃI BIỂN
...
Biểu số 15 MÔN BÓNG RỔ 3X3
...
Biểu số 16 MÔN BÓNG RỔ 5X5
...
Biểu số 17 MÔN BOXING
...
Biểu số 18 MÔN BOWLING
...
Biểu số 19 MÔN BƠI
...
Biểu số 20 MÔN CẦU LÔNG
...
Biểu số 21 MÔN CẦU MÂY
...
Biểu số 22 MÔN CANOEING
...
Biểu số 23 MÔN CÂU CÁ THỂ THAO
...
Biểu số 24 MÔN CỜ TƯỚNG
...
Biểu số 25 MÔN CỜ VÂY
...
Biểu số 26 MÔN CỜ VUA
...
Biểu số 27 MÔN CỬ TẠ
...
Biểu số 28 MÔN DÙ LƯỢN
...
Biểu số 29 MÔN ĐÁ CẦU
...
Biểu số 30 MÔN ĐẨY GẬY
...
Biểu số 31 MÔN ĐẤU KIẾM
...
Biểu số 32 MÔN ĐIỀN KINH
...
Biểu số 33 MÔN GOLF
...
Biểu số 34 MÔN JUDO
...
Biểu số 35 MÔN JUJITSU
...
Biểu số 36 MÔN KARATE
...
Biểu số 37 MÔN KICBOXING
...
Biểu số 38 MÔN KÉO CO
...
Biểu số 39 MÔN KHIÊU VŨ THỂ THAO
...
Biểu số 40 MÔN KURASH
...
Biểu số 41 MÔN LẶN
...
Biểu số 42 MÔN LÂN SƯ RỒNG
...
Biểu mẫu 43 MÔN MUAY
...
Biểu số 44 MÔN NHẢY CẦU
...
Biểu số 45 MÔN Ô TÔ THỂ THAO
...
Biểu số 46 MÔN ROWING
...
Biểu số 47 MÔN PENCAK SILAT
...
Biểu số 48 MÔN QUẦN VỢT
...
Biểu số 49 MÔN SAILING
...
Biểu số 50 MÔN SAMBO
...
Biểu số 51 MÔN TAEKWONDO
...
Biểu số 52 MÔN THỂ DỤC AEROBIC
...
Biểu số 53 MÔN THỂ DỤC DỤNG CỤ
...
Biểu số 54 MÔN THỂ DỤC NGHỆ THUẬT
...
Biểu số 55 MÔN THỂ HÌNH
...
Biểu số 56 MÔN THUYỀN TRUYỀN THỐNG
...
Biểu số 57 MÔN TRIATHLON (BA MÔN PHỐI HỢP)
...
Biểu số 58 MÔN TRƯỢT BĂNG
...
Biểu số 59 MÔN TRƯỢT PATIN - VÁN
...
Biểu số 60 MÔN VẬT
...
Biểu số 61 MÔN VẬT DÂN TỘC
...
Biểu số 62 MÔN VOVINAM
...
Biểu số 63 MÔN VÕ CỔ TRUYỀN
...
Biểu số 64 MÔN XE ĐẠP ĐƯỜNG TRƯỜNG
...
Biểu số 65 MÔN XE ĐẠP ĐỊA HÌNH
...
Biểu số 66 MÔN WUSHU
...
Biểu số 67 HỘI THI THỂ THAO CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TOÀN QUỐC
...
Biểu số 68 MÔN BƠI NGƯỜI KHUYẾT TẬT
...
Biểu số 69 MÔN BÓNG BÀN NGƯỜI KHUYẾT TẬT
...
Biểu số 70 MÔN CẦU LÔNG NGƯỜI KHUYẾT TẬT
...
Biểu số 71 MÔN CỬ TẠ NGƯỜI KHUYẾT TẬT
...
Biểu số 72 MÔN CỜ VUA NGƯỜI KHUYẾT TẬT
...
Biểu số 73 MÔN ĐIỀN KINH NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Xem nội dung VB
Điều 36. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương

1. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương
...
c) Ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về giá và quy định của pháp luật khác có liên quan để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ;
Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 24 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Nội dung, nguyên tắc, cách tính định mức kinh tế - kỹ thuật của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được hướng dẫn tại Thông tư 19/2022/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/02/2023
Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Nội vụ về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được hướng dẫn bởi Thông tư 09/2023/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 01/08/2023
Xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực báo chí được hướng dẫn bởi Thông tư 05/2024/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 01/08/2024
Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 46/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ tổ chức thi, liên hoan, triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị được hướng dẫn bởi Thông tư 16/2024/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 20/02/2025
Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ tổ chức các giải thi đấu thể thao trong nước và quốc tế do Việt Nam đăng cai được hướng dẫn bởi Thông tư 02/2025/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 01/06/2025
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 25 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
25. Sửa đổi khoản 2 Điều 37 như sau:

“2. Căn cứ định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) của các lĩnh vực đã được các bộ, cơ quan trung ương ban hành để áp dụng làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về giá và quy định pháp luật khác có liên quan để làm cơ sở đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Trường hợp đối với những danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan trung ương không ban hành định mức kinh tế kỹ thuật thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành đối với các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý để thực hiện tại địa phương.”

Xem nội dung VB
Điều 37. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
...
2. Ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về giá và quy định của các pháp luật khác có liên quan để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 25 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 26 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
26. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 39 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Đơn vị sự nghiệp công trực thuộc tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức khác được áp dụng cơ chế tự chủ tài chính quy định tại Nghị định này theo nguyên tắc tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên giao tự chủ, ngân sách nhà nước không hỗ trợ.”

Xem nội dung VB
Điều 39. Áp dụng quy định của Nghị định này đối với các đối tượng khác

1. Đơn vị sự nghiệp công trực thuộc tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức khác được áp dụng cơ chế tự chủ tài chính quy định tại Nghị định này theo nguyên tắc tự bảo đảm kinh phí hoạt động, ngân sách nhà nước không hỗ trợ.
Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 26 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Phụ lục này bị thay thế bởi Khoản 1 Điều 2 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 2. Thay thế, bãi bỏ một số quy định của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

1. Thay thế mẫu Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập bằng mẫu Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
...
PHỤ LỤC II MẪU BÁO CÁO PHƯƠNG ÁN TỰ CHỦ TÀI CHÍNH CỦA ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC II MẪU PHƯƠNG ÁN TỰ CHỦ TÀI CHÍNH CỦA ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)
Phụ lục này bị thay thế bởi Khoản 1 Điều 2 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Khoản này bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 2 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 2. Thay thế, bãi bỏ một số quy định của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
2. Bãi bỏ khoản 3 Điều 14 ... Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Xem nội dung VB
Điều 14. Phân phối kết quả tài chính trong năm
...
3. Việc sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để đầu tư, mua sắm, góp vốn liên doanh, liên kết phải thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư công; pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; pháp luật về đấu thầu và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Khoản này bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 2 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điểm này bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 2 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 2. Thay thế, bãi bỏ một số quy định của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
2. Bãi bỏ ... điểm b khoản 1 Điều 16 ... Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Xem nội dung VB
Điều 16. Chi thường xuyên giao tự chủ

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính quy định tại điểm a, điểm c khoản 1, khoản 2, khoản 3 (phần được để lại để chi thường xuyên phục vụ công tác thu phí) và khoản 5 Điều 15 Nghị định này, đơn vị sự nghiệp công được tự chủ quyết định các nội dung chi như sau:

1. Chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương
...
b) Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương

Khi Nhà nước điều chỉnh chính sách tiền lương, đơn vị sự nghiệp công tiếp tục sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ (riêng đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế - dân số sử dụng tối thiểu 35% sau khi trừ các chi phí đã kết cấu vào giá dịch vụ), tiết kiệm 10% chi thường xuyên nguồn ngân sách tăng thêm hằng năm và sắp xếp từ nguồn dự toán ngân sách nhà nước được giao để bảo đảm nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Ngân sách nhà nước chỉ cấp bổ sung sau khi đơn vị sử dụng hết Quỹ bổ sung thu nhập và nguồn trích lập cải cách tiền lương.
Điểm này bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 2 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điểm này bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 2 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 2. Thay thế, bãi bỏ một số quy định của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
2. Bãi bỏ ... điểm b khoản 1 Điều 20 ... Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Xem nội dung VB
Điều 20. Chi thường xuyên giao tự chủ

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 19 Nghị định này, đơn vị sự nghiệp công được tự chủ quyết định các nội dung chi như sau:

1. Chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương
...
b) Về nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương

Khi Nhà nước điều chỉnh chính sách tiền lương, đơn vị sự nghiệp công thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên nguồn ngân sách tăng thêm hằng năm và sắp xếp từ nguồn dự toán ngân sách nhà nước được giao để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Ngân sách nhà nước chỉ cấp bổ sung sau khi đơn vị sử dụng hết nguồn trích lập cải cách tiền lương.
Điểm này bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 2 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều này bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 2 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 2. Thay thế, bãi bỏ một số quy định của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
2. Bãi bỏ ... Điều 29 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Xem nội dung VB
Điều 29. Điều kiện tự chủ của cơ sở giáo dục đại học

Cơ sở giáo dục đại học được thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định của pháp luật về giáo dục đại học khi đáp ứng đủ điều kiện sau đây:

1. Đã thành lập Hội đồng trường, Hội đồng Đại học và được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học.

2. Đã ban hành và tổ chức thực hiện quy chế hoạt động của Hội đồng trường hoặc Hội đồng Đại học; quy chế phối hợp giữa Hội đồng trường hoặc Hội đồng Đại học, đảng ủy và nhà trường; quy chế tổ chức và hoạt động; quy chế dân chủ; quy chế quản lý đào tạo, khoa học công nghệ, học sinh sinh viên, tài chính tài sản và có chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng do Nhà nước quy định.

3. Thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong cơ sở giáo dục đại học.

4. Xây dựng đề án tự chủ và thực hiện công khai đầy đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và các thông tin khác theo quy định của pháp luật.
Điều này bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 2 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Cụm từ này bị thay thế bởi Khoản 3 Điều 2 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 2. Thay thế, bãi bỏ một số quy định của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
3. Thay thế cụm từ “Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội” bằng “Bộ Nội vụ” tại điểm a khoản 3 Điều 5 ... Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Xem nội dung VB
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Cụm từ này bị thay thế bởi Khoản 3 Điều 2 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Cụm từ này bị thay thế bởi Khoản 3 Điều 2 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 2. Thay thế, bãi bỏ một số quy định của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
3. Thay thế cụm từ “Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội” bằng “Bộ Nội vụ” tại ... điểm b khoản 3 Điều 30 ... Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Xem nội dung VB
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Cụm từ này bị thay thế bởi Khoản 3 Điều 2 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Cụm từ này bị thay thế bởi Khoản 3 Điều 2 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 2. Thay thế, bãi bỏ một số quy định của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
3. Thay thế cụm từ “Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội” bằng “Bộ Nội vụ” tại ... khoản 3 Điều 36 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Xem nội dung VB
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Cụm từ này bị thay thế bởi Khoản 3 Điều 2 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Khoản này được bổ sung bởi Điểm c Khoản 2 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
2. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 4 như sau:
...
c) Bổ sung điểm c khoản 3 như sau:

“c) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ danh mục dịch vụ sự nghiệp công của ngành, lĩnh vực đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc danh mục chi tiết của các bộ quản lý ngành ban hành quyết định hoặc phân cấp cho cơ quan trực thuộc lựa chọn đơn vị sự nghiệp công để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.”

Xem nội dung VB
Điều 4. Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước
...
3. Thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục chi tiết dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước

Căn cứ quy định của pháp luật chuyên ngành và quy định tại Nghị định này, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện như sau:

a) Các bộ, cơ quan trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý;

b) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo phân cấp thuộc phạm vi quản lý của địa phương và phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương, gửi Bộ Tài chính và các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực để giám sát trong quá trình thực hiện.
Khoản này được bổ sung bởi Điểm c Khoản 2 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều này được bổ sung bởi Điểm b Khoản 4 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
4. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 6 như sau:
...
b) Bổ sung khoản 5 Điều 6 như sau:

“5. Trường hợp phát sinh chi phí chung đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nhiều hoạt động (cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước) không thể tách riêng chi phí: Đơn vị thực hiện phân bổ chi phí theo từng hoạt động theo tiêu thức phù hợp như doanh thu, chi phí, số lượng, khối lượng, thời gian và các tiêu thức khác phù hợp với ngành, lĩnh vực và quy định của pháp luật liên quan. Đối với việc phân bổ chi phí khấu hao tài sản cố định thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.”

Xem nội dung VB
Điều 6. Dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước

1. Dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước gồm:

a) Dịch vụ không thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại Điều 4 Nghị định này;

b) Dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp từ hoạt động sản xuất kinh doanh, liên doanh liên kết phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đơn vị để đáp ứng nhu cầu của xã hội theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Đơn vị sự nghiệp công được tự chủ sử dụng tài sản và các nguồn lực ở đơn vị để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, phù hợp với lĩnh vực chuyên môn được cấp có thẩm quyền giao theo nguyên tắc:

a) Thực hiện theo đúng quy định của pháp luật;

b) Được quyết định giá dịch vụ bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý; trường hợp dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì thực hiện theo mức giá cụ thể, khung giá do cơ quan có thẩm quyền quy định.

3. Đơn vị sự nghiệp công được tự chủ quyết định các khoản chi để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đảm bảo tính hợp lý, hợp lệ và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ; phải tổ chức công tác kế toán theo đúng quy định của pháp luật về kế toán; mở sổ sách kế toán, sử dụng, quản lý chứng từ, tổ chức hạch toán, theo dõi riêng đảm bảo ghi nhận đầy đủ, chính xác doanh thu và phân bổ đầy đủ, chính xác chi phí đối với từng hoạt động; phải đăng ký, kê khai, nộp đủ thuế và các khoản thu ngân sách khác (nếu có) theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ kiểm toán nội bộ đầy đủ, định kỳ; thực hiện chế độ báo cáo tài chính đúng, kịp thời với các cơ quan quản lý cấp trên và các cơ quan có liên quan theo quy định. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công chịu trách nhiệm về hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai được Nhà nước giao quản lý, sử dụng; nguồn tài chính tại đơn vị theo quy định của pháp luật.

4. Trường hợp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước có chênh lệch thu nhỏ hơn chi, đơn vị phải tính toán bù đắp khoản thiếu hụt bằng các nguồn kinh phí hợp pháp của đơn vị, ngân sách nhà nước không cấp bù.
Điều này được bổ sung bởi Điểm b Khoản 4 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Khoản này được bổ sung bởi Điểm b Khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
5. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 9 như sau:
...
b) Bổ sung điểm c khoản 2 như sau:

“c) Đơn vị cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, giá dịch vụ sự nghiệp công xác định theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định này tự đảm bảo chi thường xuyên của đơn vị nhưng chưa đảm bảo chi đầu tư.”

Xem nội dung VB
Điều 9. Phân loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công
...
2. Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 2) là đơn vị đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này bằng hoặc lớn hơn 100% và chưa tự bảo đảm chi đầu tư từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn thu phí được để lại chi theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;

b) Đơn vị thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ chi phí (không bao gồm khấu hao tài sản cố định).
Khoản này được bổ sung bởi Điểm b Khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều này được bổ sung bởi Điểm c Khoản 6 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
6. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 10 như sau:
...
c) Bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Đối với đơn vị sự nghiệp công được giao thực hiện nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực khác nhau: việc xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên của đơn vị được xác định trên cơ sở nguồn thu, nhiệm vụ chi của các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ chính được cấp có thẩm quyền giao có tính chất thường xuyên, ổn định hằng năm. Đối với các nguồn thu, nhiệm vụ chi của các hoạt động khác ngoài chức năng, nhiệm vụ chính phát sinh không thường xuyên hằng năm thì không tính vào nguồn thu, nhiệm vụ chi khi xây dựng phương án tự chủ tài chính.”

Xem nội dung VB
Điều 10. Xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên

1. Công thức xác định

Mức tự bảo đảm chi thường xuyên (%) = A / B x 100%

Trong đó:

a) A gồm các khoản thu quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 5 Điều 11; điểm a, điểm b khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 5 Điều 15; khoản 2 Điều 19 của Nghị định này. Trong đó, đối với khoản thu quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11; điểm b khoản 2 Điều 15 và khoản 2 Điều 19 chỉ xác định chênh lệch thu lớn hơn chi (sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước); khoản thu tại khoản 3 Điều 11 và khoản 3 Điều 15 không tính khoản chi nhiệm vụ không thường xuyên.

b) B gồm các khoản chi quy định tại Điều 12, Điều 16, Điều 20 của Nghị định này; không bao gồm các khoản chi thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.

2. Giá trị A và B quy định tại khoản 1 Điều này được tính trên cơ sở dự toán thu, chi tại năm đơn vị xây dựng phương án tự chủ tài chính để trình cấp có thẩm quyền.
Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 4, Điều 5 đến Điều 8 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
...
Điều 4. Phân loại mức tự chủ tài chính và xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công
...
2. Xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên
...

Điều 5. Xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên đối với đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp
...
Điều 6. Xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên đối với đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế - dân số
...
Điều 7. Xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên đối với đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực khoa học và công nghệ
...
Điều 8. Xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên đối với đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác

Xem nội dung VB
Điều 10. Xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên

1. Công thức xác định

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)




Trong đó:

a) A gồm các khoản thu quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 5 Điều 11; điểm a, điểm b khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 5 Điều 15; khoản 2 Điều 19 của Nghị định này. Trong đó, đối với khoản thu quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11; điểm b khoản 2 Điều 15 và khoản 2 Điều 19 chỉ xác định chênh lệch thu lớn hơn chi (sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước); khoản thu tại khoản 3 Điều 11 và khoản 3 Điều 15 không tính khoản chi nhiệm vụ không thường xuyên.

b) B gồm các khoản chi quy định tại Điều 12, Điều 16, Điều 20 của Nghị định này; không bao gồm các khoản chi thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.

2. Giá trị A và B quy định tại khoản 1 Điều này được tính trên cơ sở dự toán thu, chi tại năm đơn vị xây dựng phương án tự chủ tài chính để trình cấp có thẩm quyền.
Điều này được bổ sung bởi Điểm c Khoản 6 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 4, Điều 5 đến Điều 8 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Khoản này được bổ sung bởi Điểm a Khoản 13 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
13. Bổ sung một số khoản của Điều 19 như sau:

a) Bổ sung điểm đ khoản 1 như sau:

“đ) Kinh phí cung cấp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.”

Xem nội dung VB
Điều 19. Nguồn tài chính của đơn vị

1. Nguồn ngân sách nhà nước, gồm:

a) Kinh phí cấp chi thường xuyên trên cơ sở nhiệm vụ được Nhà nước giao, số lượng người làm việc và định mức phân bổ dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn hoặc giao trực tiếp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;

c) Kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao quy định tại điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định này (nếu có);

d) Vốn đầu tư phát triển của dự án đầu tư xây dựng cơ bản được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật đầu tư công.
Khoản này được bổ sung bởi Điểm a Khoản 13 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều này được bổ sung bởi Điểm b Khoản 13 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
13. Bổ sung một số khoản của Điều 19 như sau:
...
b) Bổ sung khoản 2a, 2b, 2c sau khoản 2 như sau:

“2a) Nguồn thu phí được để lại đơn vị sự nghiệp công để chi theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí;

2b) Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công;

2c) Thu từ cho thuê tài sản công: Đơn vị thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công.”

Xem nội dung VB
Điều 19. Nguồn tài chính của đơn vị

1. Nguồn ngân sách nhà nước, gồm:

a) Kinh phí cấp chi thường xuyên trên cơ sở nhiệm vụ được Nhà nước giao, số lượng người làm việc và định mức phân bổ dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn hoặc giao trực tiếp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;

c) Kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao quy định tại điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định này (nếu có);

d) Vốn đầu tư phát triển của dự án đầu tư xây dựng cơ bản được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật đầu tư công.

2. Nguồn thu hoạt động sự nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công (nếu có).

3. Nguồn viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật.

4. Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
Điều này được bổ sung bởi Điểm b Khoản 13 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều này được bổ sung bởi Điểm đ Khoản 14 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
14. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 20 như sau:
...
đ) Bổ sung khoản 3a sau khoản 3 như sau:

“3a) Chi phục vụ cho việc thực hiện công việc, dịch vụ thu phí theo quy định của pháp luật phí, lệ phí; chi cho các hoạt động dịch vụ.”

Xem nội dung VB
Điều 20. Chi thường xuyên giao tự chủ

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 19 Nghị định này, đơn vị sự nghiệp công được tự chủ quyết định các nội dung chi như sau:

1. Chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương

a) Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, đơn vị sự nghiệp công áp dụng chế độ tiền lương theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).

Kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành, đơn vị sự nghiệp công áp dụng chế độ tiền lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp theo tiền lương theo quy định của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).

b) Về nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương

Khi Nhà nước điều chỉnh chính sách tiền lương, đơn vị sự nghiệp công thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên nguồn ngân sách tăng thêm hằng năm và sắp xếp từ nguồn dự toán ngân sách nhà nước được giao để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Ngân sách nhà nước chỉ cấp bổ sung sau khi đơn vị sử dụng hết nguồn trích lập cải cách tiền lương.

c) Chi tiền thưởng: Thực hiện theo chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

2. Chi thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Mức chi cụ thể thực hiện theo quy định chung về tiền lương, tiền công của Nhà nước.

3. Chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính, đơn vị được quyết định mức chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý, nhưng tối đa không vượt quá mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

4. Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
Điều này được bổ sung bởi Điểm đ Khoản 14 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều này được bổ sung bởi Điểm b Khoản 15 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
15. Sửa đổi, bổ sung một số khoản Điều 22 như sau:
...
b) Bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Đối với các đơn vị có hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước thì phải trích khấu hao tài sản cố định đối với các tài sản tham gia hoạt động dịch vụ và bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Đơn vị được sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc.”

Xem nội dung VB
Điều 22. Phân phối kết quả tài chính trong năm

1. Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi phí thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 Nghị định này, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động thường xuyên giao tự chủ (nếu có) được xác định là kinh phí chi thường xuyên tiết kiệm được.

2. Đơn vị sử dụng số kinh phí chi thường xuyên tiết kiệm được theo thứ tự như sau:

a) Bổ sung thu nhập cho viên chức, người lao động: Đơn vị chi thu nhập bình quân tăng thêm cho viên chức, người lao động tối đa không quá 0,3 lần quỹ tiền lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người;

b) Chi khen thưởng và phúc lợi: Chi khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất cho tập thể, cá nhân trong và ngoài đơn vị theo kết quả công tác và thành tích đóng góp; chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể của viên chức, người lao động; trợ cấp khó khăn đột xuất cho viên chức, người lao động, kể cả đối với những trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức; chi thêm cho người lao động trong biên chế khi thực hiện tinh giản biên chế;

c) Khi xét thấy khả năng tiết kiệm kinh phí không ổn định, đơn vị có thể trích lập quỹ dự phòng để ổn định thu nhập cho viên chức, người lao động.

Số kinh phí tiết kiệm được, cuối năm chưa sử dụng hết được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng.

3. Thủ trưởng đơn vị quyết định phương án sử dụng kinh phí tiết kiệm nêu trên theo quy chế chi tiêu nội bộ và phải công khai trong đơn vị.
Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 3 Điều 10 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 10. Phân phối kết quả tài chính trong năm

Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định (nếu có), nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước, trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị sự nghiệp công được sử dụng theo quy định tại ... Điều 22 (áp dụng đối với đơn vị nhóm 4) Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Thông tư này quy định một số nội dung cụ thể như sau:

3. Đối với đơn vị nhóm 4:

a) Về tạm chi thu nhập tăng thêm, chi phúc lợi và chi khen thưởng

Căn cứ dự toán thu, chi của năm; kết quả hoạt động tài chính quý trước (trong trường hợp quý đầu tiên của năm kế hoạch, đơn vị căn cứ vào kết quả hoạt động tài chính của quý IV năm trước liền kề), trường hợp xét thấy đơn vị có khả năng tiết kiệm được kinh phí; thủ trưởng đơn vị quyết định:

- Tạm chi trước thu nhập tăng thêm cho người lao động theo quy định và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị; mức tạm chi hàng quý của đơn vị tối đa không quá 20% quỹ tiền lương một quý của đơn vị;

- Tạm chi trước đối với các hoạt động phúc lợi, chi khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất cho tập thể, cá nhân;

Kết thúc năm ngân sách, trước ngày 31 tháng 01 năm sau, đơn vị tự xác định số kinh phí tiết kiệm được:

- Trường hợp đơn vị đã tạm chi vượt quá số kinh phí tiết kiệm được theo quy định thì phải giảm trừ vào quỹ dự phòng ổn định thu nhập của đơn vị (nếu có) hoặc giảm trừ vào số tiết kiệm của năm sau hoặc trừ vào Quỹ tiền lương năm sau của đơn vị (nếu đơn vị không có số tiết kiệm của năm sau);

- Trường hợp đơn vị đã tạm chi thấp hơn số kinh phí tiết kiệm được trong năm, đơn vị được tiếp tục chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động, chi khen thưởng, chi phúc lợi hoặc để trích lập quỹ dự phòng ổn định thu nhập cho người lao động theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị;

Sau khi quyết toán năm của đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trường hợp số kinh phí thực tiết kiệm cao hơn số đơn vị tự xác định, đơn vị được tiếp tục chi trả thu nhập tăng thêm hoặc chi các hoạt động phúc lợi, chi khen thưởng theo chế độ quy định. Trường hợp số kinh phí tiết kiệm thấp hơn số đơn vị tự xác định, căn cứ vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền và đề nghị của đơn vị, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục thu hồi bằng cách trừ vào kinh phí tiết kiệm năm tiếp theo của đơn vị;

b) Đối với các đơn vị có hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước thì phải trích khấu hao tài sản cố định đối với các tài sản tham gia hoạt động dịch vụ và bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Đơn vị được sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc.

Xem nội dung VB
Điều 22. Phân phối kết quả tài chính trong năm

1. Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi phí thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 Nghị định này, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động thường xuyên giao tự chủ (nếu có) được xác định là kinh phí chi thường xuyên tiết kiệm được.

2. Đơn vị sử dụng số kinh phí chi thường xuyên tiết kiệm được theo thứ tự như sau:

a) Bổ sung thu nhập cho viên chức, người lao động: Đơn vị chi thu nhập bình quân tăng thêm cho viên chức, người lao động tối đa không quá 0,3 lần quỹ tiền lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người;

b) Chi khen thưởng và phúc lợi: Chi khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất cho tập thể, cá nhân trong và ngoài đơn vị theo kết quả công tác và thành tích đóng góp; chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể của viên chức, người lao động; trợ cấp khó khăn đột xuất cho viên chức, người lao động, kể cả đối với những trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức; chi thêm cho người lao động trong biên chế khi thực hiện tinh giản biên chế;

c) Khi xét thấy khả năng tiết kiệm kinh phí không ổn định, đơn vị có thể trích lập quỹ dự phòng để ổn định thu nhập cho viên chức, người lao động.

Số kinh phí tiết kiệm được, cuối năm chưa sử dụng hết được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng.

3. Thủ trưởng đơn vị quyết định phương án sử dụng kinh phí tiết kiệm nêu trên theo quy chế chi tiêu nội bộ và phải công khai trong đơn vị.
Điều này được bổ sung bởi Điểm b Khoản 15 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 3 Điều 10 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Điều này được bổ sung bởi Điểm b Khoản 26 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
...
26. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 39 như sau:
...
b) Bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Đối với đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng: Giao Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ quy định của Nghị định này, các quy định của Đảng và của pháp luật có liên quan quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.”

Xem nội dung VB
Điều 39. Áp dụng quy định của Nghị định này đối với các đối tượng khác

1. Đơn vị sự nghiệp công trực thuộc tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức khác được áp dụng cơ chế tự chủ tài chính quy định tại Nghị định này theo nguyên tắc tự bảo đảm kinh phí hoạt động, ngân sách nhà nước không hỗ trợ.

2. Các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức khác tự chịu trách nhiệm quyết định giao quyền tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công trực thuộc, phù hợp với quy định về chức năng, nhiệm vụ, điều lệ của tổ chức và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều này được bổ sung bởi Điểm b Khoản 26 Điều 1 Nghị định 111/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/07/2025 (Áp dụng kể từ năm ngân sách 2025)
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
...
Điều 3. Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước

1. Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước: Thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

2. Các bộ, cơ quan trung ương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, cơ quan trung ương.

Các bộ, cơ quan trung ương chịu trách nhiệm quyết định việc áp dụng danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý trên cơ sở danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước của ngành, lĩnh vực đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành; gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính hàng năm của đơn vị sự nghiệp công.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước của ngành, lĩnh vực đã được cấp có thẩm quyền ban hành, trường hợp danh mục hiện hành phù hợp với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quyết định việc tiếp tục thực hiện danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền ban hành.

Trường hợp cần thiết sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục dịch vụ chi tiết dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương và phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương, gửi Bộ Tài chính và các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực để giám sát trong quá trình thực hiện.

Xem nội dung VB
Điều 4. Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước

1. Ngân sách nhà nước chuyển từ hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp công sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng người nghèo, đối tượng chính sách khi sử dụng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế Cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

Việc bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo phân cấp hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và lộ trình điều chỉnh tính đủ các chi phí hình thành giá dịch vụ theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước

a) Các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành và pháp luật về ngân sách nhà nước, gồm: Các dịch vụ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo; khám, chữa các bệnh phong, lao, tâm thần; nghiên cứu khoa học cơ bản; văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống, đào tạo huấn luyện vận động viên, huấn luyện viên thể thao quốc gia; chăm sóc người có công và bảo trợ xã hội và các dịch vụ thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo các lĩnh vực quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi là các bộ, cơ quan trung ương); Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tiếp tục thực hiện danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền ban hành trong trường hợp danh mục hiện hành phù hợp với quy định tại điểm a khoản này; đồng thời, rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

3. Thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục chi tiết dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước

Căn cứ quy định của pháp luật chuyên ngành và quy định tại Nghị định này, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện như sau:

a) Các bộ, cơ quan trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý;

b) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo phân cấp thuộc phạm vi quản lý của địa phương và phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương, gửi Bộ Tài chính và các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực để giám sát trong quá trình thực hiện.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 4 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 4. Phân loại mức tự chủ tài chính và xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công

1. Đơn vị sự nghiệp công được phân loại theo mức tự chủ tài chính quy định tại Điều 9 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, gồm: Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (sau đây gọi là đơn vị nhóm 1); Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhỏm 2); Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 3); Đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 4).

Xem nội dung VB
Điều 9. Phân loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công

1. Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (sau đây gọi là đơn vị nhóm 1) là đơn vị đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này bằng hoặc lớn hơn 100%; có mức tự bảo đảm chi đầu tư bằng hoặc lớn hơn mức trích khấu hao và hao mòn tài sản cố định của đơn vị.

Mức tự bảo đảm chi đầu tư được xác định bao gồm các nguồn sau:

- Số dự kiến trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp trong năm kế hoạch hoặc của bình quân 05 năm trước liền kề;

- Số thu phí được để lại để chi thường xuyên không giao tự chủ theo quy định.

b) Đơn vị cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, giá dịch vụ sự nghiệp công xác định theo cơ chế thị trường, có tính đủ khấu hao tài sản cố định và có tích lũy dành chi đầu tư.

2. Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 2) là đơn vị đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này bằng hoặc lớn hơn 100% và chưa tự bảo đảm chi đầu tư từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn thu phí được để lại chi theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;

b) Đơn vị thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ chi phí (không bao gồm khấu hao tài sản cố định).

3. Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 3) là đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này từ 10% đến dưới 100%, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá chưa tính đủ chi phí và được phân loại như sau:

a) Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên;

b) Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên;

c) Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên.

4. Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 4) gồm:

a) Đơn vị sự nghiệp công có mức tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này dưới 10%;

b) Đơn vị sự nghiệp công không có nguồn thu sự nghiệp.
Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 4 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 4 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 4. Phân loại mức tự chủ tài chính và xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công

1. Đơn vị sự nghiệp công được phân loại theo mức tự chủ tài chính quy định tại Điều 9 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, gồm: Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (sau đây gọi là đơn vị nhóm 1); Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhỏm 2); Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 3); Đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 4).

Xem nội dung VB
Điều 9. Phân loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công

1. Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (sau đây gọi là đơn vị nhóm 1) là đơn vị đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này bằng hoặc lớn hơn 100%; có mức tự bảo đảm chi đầu tư bằng hoặc lớn hơn mức trích khấu hao và hao mòn tài sản cố định của đơn vị.

Mức tự bảo đảm chi đầu tư được xác định bao gồm các nguồn sau:

- Số dự kiến trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp trong năm kế hoạch hoặc của bình quân 05 năm trước liền kề;

- Số thu phí được để lại để chi thường xuyên không giao tự chủ theo quy định.

b) Đơn vị cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, giá dịch vụ sự nghiệp công xác định theo cơ chế thị trường, có tính đủ khấu hao tài sản cố định và có tích lũy dành chi đầu tư.

2. Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 2) là đơn vị đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này bằng hoặc lớn hơn 100% và chưa tự bảo đảm chi đầu tư từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn thu phí được để lại chi theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;

b) Đơn vị thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ chi phí (không bao gồm khấu hao tài sản cố định).

3. Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 3) là đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này từ 10% đến dưới 100%, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá chưa tính đủ chi phí và được phân loại như sau:

a) Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên;

b) Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên;

c) Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên.

4. Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 4) gồm:

a) Đơn vị sự nghiệp công có mức tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này dưới 10%;

b) Đơn vị sự nghiệp công không có nguồn thu sự nghiệp.
Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 4 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 4 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 4. Phân loại mức tự chủ tài chính và xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công

1. Đơn vị sự nghiệp công được phân loại theo mức tự chủ tài chính quy định tại Điều 9 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, gồm: Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (sau đây gọi là đơn vị nhóm 1); Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhỏm 2); Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 3); Đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 4).

Xem nội dung VB
Điều 9. Phân loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công

1. Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (sau đây gọi là đơn vị nhóm 1) là đơn vị đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này bằng hoặc lớn hơn 100%; có mức tự bảo đảm chi đầu tư bằng hoặc lớn hơn mức trích khấu hao và hao mòn tài sản cố định của đơn vị.

Mức tự bảo đảm chi đầu tư được xác định bao gồm các nguồn sau:

- Số dự kiến trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp trong năm kế hoạch hoặc của bình quân 05 năm trước liền kề;

- Số thu phí được để lại để chi thường xuyên không giao tự chủ theo quy định.

b) Đơn vị cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, giá dịch vụ sự nghiệp công xác định theo cơ chế thị trường, có tính đủ khấu hao tài sản cố định và có tích lũy dành chi đầu tư.

2. Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 2) là đơn vị đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này bằng hoặc lớn hơn 100% và chưa tự bảo đảm chi đầu tư từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn thu phí được để lại chi theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;

b) Đơn vị thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ chi phí (không bao gồm khấu hao tài sản cố định).

3. Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 3) là đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này từ 10% đến dưới 100%, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá chưa tính đủ chi phí và được phân loại như sau:

a) Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên;

b) Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên;

c) Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên.

4. Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 4) gồm:

a) Đơn vị sự nghiệp công có mức tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này dưới 10%;

b) Đơn vị sự nghiệp công không có nguồn thu sự nghiệp.
Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 4 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1, Điểm a Khoản 2 Điều 10 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
...
Điều 10. Phân phối kết quả tài chính trong năm

Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định (nếu có), nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước, trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị sự nghiệp công được sử dụng theo quy định tại Điều 14 (áp dụng đối với đơn vị nhóm 1, nhóm 2) ... Thông tư này quy định một số nội dung cụ thể như sau:

1. Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (sau đây gọi là Nghị quyết số 27-NQ/TW):

a) Quỹ tiền lương, tiền công làm cơ sở để tính trích Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi trong năm của đơn vị nhóm 1, nhóm 2 và nhóm 3 bao gồm:

- Tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công theo số lượng người làm việc trong đơn vị quy định tại Điều 9 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và mức tiền lương cơ sở do Chính phủ quy định; tiền lương của lao động hợp đồng theo quy định (nếu có);

- Tiền lương tăng thêm do nâng bậc lương theo niên hạn và nâng bậc lương trước thời hạn của đơn vị theo quy định (nếu có);

- Tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có);

b) Về tạm trích các Quỹ và thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm trong năm đối với đơn vị nhóm 1, nhóm 2 và nhóm 3:

Căn cứ dự toán thu, chi của năm; kết quả hoạt động tài chính của quý trước (trong trường hợp quý đầu tiên của năm kế hoạch, đơn vị căn cứ vào kết quả hoạt động tài chính của quý IV năm trước liền kề), đơn vị nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3 tự xác định chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ hàng quý (nếu có), thực hiện tạm trích Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi hàng quý (tối đa không vượt quá 70% số chênh lệch thu lớn hơn chi đơn vị xác định được theo quý) để chi trả cho người lao động theo quy định và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị nhằm động viên kịp thời người lao động phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Kết thúc năm ngân sách, trước ngày 31 tháng 01 năm sau, đơn vị tự xác định số chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ và trích lập các Quỹ theo quy định. Trong đó đối với Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi:

- Trường hợp đơn vị đã tạm trích các Quỹ thấp hơn số được trích lập theo quy định, đơn vị được tiếp tục trích bổ sung để thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động hoặc để dự phòng chi bổ sung thu nhập cho người lao động năm sau (đối với nội dung chi từ Quỹ bổ sung thu nhập) và chi trả các khoản khác từ Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị;

- Trường hợp đơn vị đã tạm trích các Quỹ vượt quá số được trích lập theo quy định thì phải trừ số đã trích vượt vào nguồn Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi của năm trước còn dư (nếu có); nếu vẫn còn thiếu thì trừ vào nguồn Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi của năm sau hoặc trừ vào Quỹ tiền lương năm sau của đơn vị (nếu các Quỹ trên không còn nguồn).

Sau khi quyết toán năm của đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trường hợp số chênh lệch thu lớn hơn chi thực tế cao hơn số đơn vị tự xác định, đơn vị được tiếp tục trích lập các Quỹ và chi trả thu nhập tăng thêm theo chế độ quy định và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Trường hợp số chênh lệch thu lớn hơn chi thực tế thấp hơn số đơn vị tự xác định, số kinh phí đơn vị đã trích lập Quỹ bổ sung thu nhập và thanh toán thu nhập tăng thêm lớn hơn số kinh phí được trích lập và sử dụng (theo chế độ quy định), thì số kinh phí đã chi vượt được trừ vào nguồn Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi của đơn vị; nếu vẫn còn thiếu thì trừ vào số chênh lệch thu chi dành để trích lập Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi của năm sau; trường hợp năm sau không có chênh lệch thu lớn hơn chi thì trừ vào Quỹ tiền lương của đơn vị.

2. Kể từ thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới do Chính phủ ban hành theo Nghị quyết số 27-NQ/TW:

a) Đơn vị nhóm 1 và đơn vị nhóm 2:

- Đơn vị không trích lập Quỹ bổ sung thu nhập, không thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm từ Quỹ bổ sung thu nhập;

- Đơn vị trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi trên cơ sở Quỹ tiền lương thực hiện được xác định theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Xem nội dung VB
Điều 14. Phân phối kết quả tài chính trong năm

1. Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị sự nghiệp công được sử dụng theo thứ tự như sau:

a) Trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp: Trích tối thiểu 25%;

b) Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập áp dụng trong trường hợp đơn vị chi tiền lương theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định này: Đơn vị nhóm 1 được tự quyết định mức trích (không khống chế mức trích); đơn vị nhóm 2 trích tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định. Trường hợp đơn vị chi tiền lương theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định này thì không trích lập Quỹ bổ sung thu nhập;

c) Trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi: Tổng hai quỹ tối đa không quá 3 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị;

d) Trích lập Quỹ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành;

đ) Phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại (nếu có) sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

2. Sử dụng các Quỹ

a) Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp: Để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc; phát triển năng lực hoạt động sự nghiệp; chi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ; đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho người lao động trong đơn vị; mua bản quyền tác phẩm, chương trình; góp vốn liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước để tổ chức hoạt động dịch vụ sự nghiệp công theo chức năng, nhiệm vụ được giao và các khoản chi khác (nếu có);

b) Quỹ bổ sung thu nhập: Để chi bổ sung thu nhập cho người lao động trong năm và dự phòng chi bổ sung thu nhập cho người lao động năm sau trong trường hợp nguồn thu nhập bị giảm. Việc chi bổ sung thu nhập cho người lao động trong đơn vị được thực hiện theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất lượng và hiệu quả công tác;

c) Quỹ khen thưởng: Để thưởng cuối năm, thưởng định kỳ, thưởng đột xuất cho tập thể, cá nhân trong và ngoài đơn vị theo hiệu quả công việc và thành tích đóng góp vào hoạt động của đơn vị. Mức thưởng do Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công quyết định và được ghi trong Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị;

d) Quỹ phúc lợi: Để xây dựng, sửa chữa các công trình phúc lợi của đơn vị; góp một phần vốn để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi chung trong ngành hoặc với các đơn vị khác theo hợp đồng; chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể của người lao động trong đơn vị; trợ cấp khó khăn đột xuất cho người lao động, kể cả trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức, hoàn cảnh khó khăn; chi thêm cho người lao động thực hiện tinh giản biên chế; chi hỗ trợ hoạt động xã hội, từ thiện;

đ) Quỹ khác: Thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

3. Việc sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để đầu tư, mua sắm, góp vốn liên doanh, liên kết phải thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư công; pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; pháp luật về đấu thầu và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

4. Mức trích cụ thể của các quỹ quy định tại khoản 1 Điều này và quy trình sử dụng các quỹ do Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công quyết định theo quy chế chi tiêu nội bộ, phù hợp với quy định pháp luật liên quan và phải công khai trong đơn vị.
Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1, Điểm a Khoản 2 Điều 10 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1, Điểm b Khoản 2 Điều 10 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 10. Phân phối kết quả tài chính trong năm

Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định (nếu có), nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước, trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị sự nghiệp công được sử dụng theo quy định tại ... Điều 18 (áp dụng đối với đơn vị nhóm 3) ... Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Thông tư này quy định một số nội dung cụ thể như sau:

1. Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (sau đây gọi là Nghị quyết số 27-NQ/TW):

a) Quỹ tiền lương, tiền công làm cơ sở để tính trích Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi trong năm của đơn vị nhóm 1, nhóm 2 và nhóm 3 bao gồm:

- Tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công theo số lượng người làm việc trong đơn vị quy định tại Điều 9 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và mức tiền lương cơ sở do Chính phủ quy định; tiền lương của lao động hợp đồng theo quy định (nếu có);

- Tiền lương tăng thêm do nâng bậc lương theo niên hạn và nâng bậc lương trước thời hạn của đơn vị theo quy định (nếu có);

- Tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có);

b) Về tạm trích các Quỹ và thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm trong năm đối với đơn vị nhóm 1, nhóm 2 và nhóm 3:

Căn cứ dự toán thu, chi của năm; kết quả hoạt động tài chính của quý trước (trong trường hợp quý đầu tiên của năm kế hoạch, đơn vị căn cứ vào kết quả hoạt động tài chính của quý IV năm trước liền kề), đơn vị nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3 tự xác định chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ hàng quý (nếu có), thực hiện tạm trích Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi hàng quý (tối đa không vượt quá 70% số chênh lệch thu lớn hơn chi đơn vị xác định được theo quý) để chi trả cho người lao động theo quy định và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị nhằm động viên kịp thời người lao động phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Kết thúc năm ngân sách, trước ngày 31 tháng 01 năm sau, đơn vị tự xác định số chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ và trích lập các Quỹ theo quy định. Trong đó đối với Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi:

- Trường hợp đơn vị đã tạm trích các Quỹ thấp hơn số được trích lập theo quy định, đơn vị được tiếp tục trích bổ sung để thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động hoặc để dự phòng chi bổ sung thu nhập cho người lao động năm sau (đối với nội dung chi từ Quỹ bổ sung thu nhập) và chi trả các khoản khác từ Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị;

- Trường hợp đơn vị đã tạm trích các Quỹ vượt quá số được trích lập theo quy định thì phải trừ số đã trích vượt vào nguồn Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi của năm trước còn dư (nếu có); nếu vẫn còn thiếu thì trừ vào nguồn Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi của năm sau hoặc trừ vào Quỹ tiền lương năm sau của đơn vị (nếu các Quỹ trên không còn nguồn).

Sau khi quyết toán năm của đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trường hợp số chênh lệch thu lớn hơn chi thực tế cao hơn số đơn vị tự xác định, đơn vị được tiếp tục trích lập các Quỹ và chi trả thu nhập tăng thêm theo chế độ quy định và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Trường hợp số chênh lệch thu lớn hơn chi thực tế thấp hơn số đơn vị tự xác định, số kinh phí đơn vị đã trích lập Quỹ bổ sung thu nhập và thanh toán thu nhập tăng thêm lớn hơn số kinh phí được trích lập và sử dụng (theo chế độ quy định), thì số kinh phí đã chi vượt được trừ vào nguồn Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi của đơn vị; nếu vẫn còn thiếu thì trừ vào số chênh lệch thu chi dành để trích lập Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi của năm sau; trường hợp năm sau không có chênh lệch thu lớn hơn chi thì trừ vào Quỹ tiền lương của đơn vị.

2. Kể từ thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới do Chính phủ ban hành theo Nghị quyết số 27-NQ/TW:
...
b) Đơn vị nhóm 3:

- Đơn vị trích lập Quỹ bổ sung thu nhập theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 18 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP;

- Đơn vị trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Quỹ tiền lương, tiền công làm cơ sở để trích Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Đơn vị thực hiện tạm trích các Quỹ và chi trả thu nhập tăng thêm trong năm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Xem nội dung VB
Điều 18. Phân phối kết quả tài chính trong năm

Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định này, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị được sử dụng theo thứ tự như sau:

1. Trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp

a) Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên: Trích lập tối thiểu 20%;

b) Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên: Trích lập tối thiểu 15%;

c) Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên: Trích lập tối thiểu 10%.

2. Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập và chi thu nhập tăng thêm

a) Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, trích lập Quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định.

b) Kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành, thực hiện như sau:

- Đơn vị tự bảo đảm 70% đến dưới 100% chi thường xuyên: Được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị;

- Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên: Được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,5 lần quỹ lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị;

- Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên: Được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,3 lần quỹ lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị.

3. Trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi

Mức trích tổng hai quỹ như sau:

a) Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên: Trích lập tối đa không quá 2,5 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị;

b) Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên: Trích lập tối đa không quá 2 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị;

c) Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên: Trích lập tối đa không quá 1,5 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị.

4. Trích lập Quỹ khác theo quy định của pháp luật.

5. Phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại (nếu có) sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

6. Việc sử dụng các Quỹ thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 14 Nghị định này. Mức trích cụ thể và quy trình sử dụng các Quỹ quy định tại Điều này do Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công quyết định theo quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp quy định pháp luật liên quan và phải công khai trong đơn vị.
Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1, Điểm b Khoản 2 Điều 10 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1, Điểm b Khoản 2 Điều 10 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 10. Phân phối kết quả tài chính trong năm

Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định (nếu có), nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước, trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị sự nghiệp công được sử dụng theo quy định tại ... Điều 18 (áp dụng đối với đơn vị nhóm 3) ... Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Thông tư này quy định một số nội dung cụ thể như sau:

1. Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (sau đây gọi là Nghị quyết số 27-NQ/TW):

a) Quỹ tiền lương, tiền công làm cơ sở để tính trích Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi trong năm của đơn vị nhóm 1, nhóm 2 và nhóm 3 bao gồm:

- Tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công theo số lượng người làm việc trong đơn vị quy định tại Điều 9 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và mức tiền lương cơ sở do Chính phủ quy định; tiền lương của lao động hợp đồng theo quy định (nếu có);

- Tiền lương tăng thêm do nâng bậc lương theo niên hạn và nâng bậc lương trước thời hạn của đơn vị theo quy định (nếu có);

- Tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có);

b) Về tạm trích các Quỹ và thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm trong năm đối với đơn vị nhóm 1, nhóm 2 và nhóm 3:

Căn cứ dự toán thu, chi của năm; kết quả hoạt động tài chính của quý trước (trong trường hợp quý đầu tiên của năm kế hoạch, đơn vị căn cứ vào kết quả hoạt động tài chính của quý IV năm trước liền kề), đơn vị nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3 tự xác định chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ hàng quý (nếu có), thực hiện tạm trích Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi hàng quý (tối đa không vượt quá 70% số chênh lệch thu lớn hơn chi đơn vị xác định được theo quý) để chi trả cho người lao động theo quy định và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị nhằm động viên kịp thời người lao động phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Kết thúc năm ngân sách, trước ngày 31 tháng 01 năm sau, đơn vị tự xác định số chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ và trích lập các Quỹ theo quy định. Trong đó đối với Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi:

- Trường hợp đơn vị đã tạm trích các Quỹ thấp hơn số được trích lập theo quy định, đơn vị được tiếp tục trích bổ sung để thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động hoặc để dự phòng chi bổ sung thu nhập cho người lao động năm sau (đối với nội dung chi từ Quỹ bổ sung thu nhập) và chi trả các khoản khác từ Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị;

- Trường hợp đơn vị đã tạm trích các Quỹ vượt quá số được trích lập theo quy định thì phải trừ số đã trích vượt vào nguồn Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi của năm trước còn dư (nếu có); nếu vẫn còn thiếu thì trừ vào nguồn Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi của năm sau hoặc trừ vào Quỹ tiền lương năm sau của đơn vị (nếu các Quỹ trên không còn nguồn).

Sau khi quyết toán năm của đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trường hợp số chênh lệch thu lớn hơn chi thực tế cao hơn số đơn vị tự xác định, đơn vị được tiếp tục trích lập các Quỹ và chi trả thu nhập tăng thêm theo chế độ quy định và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Trường hợp số chênh lệch thu lớn hơn chi thực tế thấp hơn số đơn vị tự xác định, số kinh phí đơn vị đã trích lập Quỹ bổ sung thu nhập và thanh toán thu nhập tăng thêm lớn hơn số kinh phí được trích lập và sử dụng (theo chế độ quy định), thì số kinh phí đã chi vượt được trừ vào nguồn Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi của đơn vị; nếu vẫn còn thiếu thì trừ vào số chênh lệch thu chi dành để trích lập Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi của năm sau; trường hợp năm sau không có chênh lệch thu lớn hơn chi thì trừ vào Quỹ tiền lương của đơn vị.

2. Kể từ thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới do Chính phủ ban hành theo Nghị quyết số 27-NQ/TW:
...
b) Đơn vị nhóm 3:

- Đơn vị trích lập Quỹ bổ sung thu nhập theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 18 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP;

- Đơn vị trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Quỹ tiền lương, tiền công làm cơ sở để trích Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Đơn vị thực hiện tạm trích các Quỹ và chi trả thu nhập tăng thêm trong năm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Xem nội dung VB
Điều 18. Phân phối kết quả tài chính trong năm

Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định này, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị được sử dụng theo thứ tự như sau:

1. Trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp

a) Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên: Trích lập tối thiểu 20%;

b) Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên: Trích lập tối thiểu 15%;

c) Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên: Trích lập tối thiểu 10%.

2. Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập và chi thu nhập tăng thêm

a) Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, trích lập Quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định.

b) Kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành, thực hiện như sau:

- Đơn vị tự bảo đảm 70% đến dưới 100% chi thường xuyên: Được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị;

- Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên: Được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,5 lần quỹ lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị;

- Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên: Được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,3 lần quỹ lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị.

3. Trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi

Mức trích tổng hai quỹ như sau:

a) Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên: Trích lập tối đa không quá 2,5 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị;

b) Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên: Trích lập tối đa không quá 2 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị;

c) Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên: Trích lập tối đa không quá 1,5 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị.

4. Trích lập Quỹ khác theo quy định của pháp luật.

5. Phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại (nếu có) sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

6. Việc sử dụng các Quỹ thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 14 Nghị định này. Mức trích cụ thể và quy trình sử dụng các Quỹ quy định tại Điều này do Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công quyết định theo quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp quy định pháp luật liên quan và phải công khai trong đơn vị.
Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1, Điểm b Khoản 2 Điều 10 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Nội dung xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ được hướng dẫn bởi Điều 11 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 11. Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ

1. Để quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên giao tự chủ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả, phù hợp với hoạt động đặc thù của đơn vị, khuyến khích người lao động hoàn thành nhiệm vụ được giao, đơn vị sự nghiệp công có trách nhiệm xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ làm căn cứ để thực hiện.

Khi thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ, đơn vị phải bảo đảm có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, hợp lộ theo quy định, trừ các khoản được thực hiện khoản chi theo quy chế chi tiêu nội bộ và quy định của pháp luật.

2. Nội dung quy chế chi tiêu nội bộ bao gồm các quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định mức, mức chi thống nhất trong đơn vị, đảm bảo phù hợp với chế độ chi tiêu tài chính hiện hành của đơn vị sự nghiệp công và nguồn tài chính của đơn vị, trong đó:

a) Đối với những nội dung chi, mức chi cần thiết cho hoạt động của đơn vị nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, căn cứ tình hình thực tế và nguồn tài chính, đơn vị xây dựng mức chi cho từng nhiệm vụ, nội dung công việc cho phù hợp và quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ;

b) Đối với chế độ công tác phí nước ngoài, chế độ tiếp khách nước ngoài và hội thảo quốc tế ở Việt Nam, đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước về nội dung và mức chi;

Nội dung mẫu quy chế chi tiêu nội bộ theo Phụ lục số 5 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Quy chế chi tiêu nội bộ cần được tổ chức thảo luận rộng rãi, dân chủ, công khai trong đơn vị và có ý kiến thống nhất của tổ chức công đoàn; báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trước khi ban hành;

Đối với các đơn vị sự nghiệp công có thành lập Hội đồng quản lý hoặc Hội đồng trường (áp dụng đối với cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp), đơn vị trình Hội đồng quản lý/Hội đồng trường thông qua dự thảo Quy chế chi tiêu nội bộ trước khi báo cáo cơ quan quản lý cấp trên;

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được dự thảo Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, cơ quan quản lý cấp trên có trách nhiệm xem xét, có ý kiến bằng văn bản yêu cầu đơn vị điều chỉnh lại các nội dung chi chưa phù hợp với quy định của pháp luật;

Sau thời hạn nêu trên, nếu cơ quan quản lý cấp trên không có ý kiến, Thủ trưởng đơn vị ký ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ để triển khai thực hiện; đồng thời gửi cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan tài chính cùng cấp để theo dõi, giám sát thực hiện và Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để làm căn cứ kiểm soát chi.

4. Thủ trưởng đơn vị căn cứ tính chất công việc, khối lượng sử dụng, tình hình thực hiện năm trước, Thủ trưởng đơn vị quyết định phương thức khoản chi phí cho từng cá nhân, bộ phận, đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc như: sử dụng văn phòng phẩm, điện thoại, xăng xe, điện, nước, công tác phí và các khoản khoản chi khác; kinh phí tiết kiệm do thực hiện khoản chi được xác định chênh lệch thu, chi và được phân phối, sử dụng theo chế độ quy định.

5. Chế độ quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhiệm vụ chi thường xuyên không giao tự chủ, nguồn thu phí để lại chi nhiệm vụ không thường xuyên, nguồn vay nợ, viện trợ, nguồn khác (nếu có), đơn vị phải thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật hiện hành đối với từng nguồn kinh phí.
...
PHỤ LỤC SỐ 5: NỘI DUNG MẪU QUY CHẾ CHI TIÊU NỘI BỘ CỦA ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
Điều 38. Trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công
...
3. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế sử dụng tài sản, quy chế dân chủ cơ sở, quy chế công khai tài chính, kiểm toán nội bộ theo quy định.
Nội dung xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ được hướng dẫn bởi Điều 11 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Chương này được hướng dẫn bởi Chương IV Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
...
Chương IV: LẬP, CHẤP HÀNH DỰ TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN THU, CHI

Điều 12. Lập dự toán

1. Hàng năm, vào thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dự toán thu, chi ngân sách và cung cấp hoạt động dịch vụ thuộc phạm vi, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và Điều 32 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, trong đó:

a) Đối với dự toán kinh phí cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước: Căn cứ kết quả thực hiện năm trước; tình hình thu, chi hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của năm hiện hành; số lượng, khối lượng dịch vụ và yêu cầu nhiệm vụ của năm kế hoạch; định mức kinh tế kỹ thuật, chế độ, định mức chi tiêu theo quy định hiện hành hoặc đơn giá dịch vụ (nếu có), đơn vị lập dự toán gửi cơ quan quản lý cấp trên. Trường hợp danh mục dịch vụ sự nghiệp công chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật và chưa có đơn giá được cấp có thẩm quyền ban hành, đơn vị lập dự toán kinh phí nhà nước giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo số lượng, khối lượng và định mức chi theo chế độ hiện hành.

Kinh phí thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công được lập dự toán trong phần kinh phí thường xuyên giao tự chủ của đơn vị sự nghiệp công, trong đó ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện.

Kinh phí giao nhiệm vụ được lập dự toán trong phần kinh phí thường xuyên không giao tự chủ (chi thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao) theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 11, điểm d khoản 1 Điều 15 và điểm c khoản 1 Điều 19 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

b) Đối với dự toán ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên giao tự chủ cho đơn vị nhóm 4: Đơn vị sự nghiệp công lập dự toán căn cứ tình hình thực hiện năm hiện hành, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao trong năm kế hoạch, số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chế độ chi tiêu hiện hành;

c) Đối với dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ: Đơn vị sự nghiệp công lập dự toán theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và khoa học công nghệ;

d) Đối với dự toán thu, chi từ nguồn thu phí được để lại: Đơn vị sự nghiệp công lập dự toán thu chi theo quy định pháp luật về phí và lệ phí;

đ) Đối với dự toán chi thường xuyên không giao tự chủ: Đơn vị sự nghiệp công lập dự toán theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước đối với từng nguồn kinh phí.

2. Đơn vị sự nghiệp công lập dự toán theo quy định tại khoản 1 Điều này, gửi cơ quan quản lý cấp trên để xem xét, thẩm định, tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

3. Đối với dự toán thu, chi cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước và các hoạt động dịch vụ khác: Đơn vị sự nghiệp công tự xây dựng kế hoạch, dự toán thu, chi thực hiện nhiệm vụ, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để theo dõi, kiểm tra và giám sát việc thực hiện.

Điều 13. Phân bổ và giao dự toán

Việc phân bổ và giao dự toán của cơ quan quản lý cấp trên cho đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn hiện hành và quy định tại Thông tư này. Trong đó:

1. Đối với dự toán kinh phí cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước

Căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền giao, cơ quan quản lý cấp trên phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (sau đây gọi là Nghị định số 32/2019/NĐ-CP) và quy định sau:

a) Căn cứ lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, quyết định của cấp có thẩm quyền (nếu có) và trong phạm vi dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao, các bộ, cơ quan trung ương hoặc cơ quan quản lý cấp dưới theo phân cấp (đối với các đơn vị trực thuộc trung ương), Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan quản lý cấp dưới theo phân cấp (đối với các đơn vị trực thuộc địa phương) phân bổ và giao dự toán kinh phí ngân sách đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước cho các đơn vị, đồng thời quyết định đặt hàng cho đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, chi tiết theo từng danh mục dịch vụ sự nghiệp công quy định tại khoản 1 Điều 3 của Thông tư này; chi tiết theo số lượng, khối lượng, đơn giá được cấp có thẩm quyền ban hành, kinh phí và các nội dung quy định khác.

b) Trường hợp cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước hoặc đã ban hành, nhưng chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật và chưa có đơn giá được phê duyệt; các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan có thẩm quyền, hoặc cơ quan quản lý cấp dưới theo phân cấp thực hiện phân bổ và giao dự toán kinh phí cho đơn vị theo số lượng, khối lượng dịch vụ sự nghiệp công và dự toán chi thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 11, điểm d khoản 1 Điều 15 và điểm c khoản 1 Điều 19 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

2. Đối với dự toán ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên giao tự chủ cho đơn vị nhóm 3 và đơn vị nhóm 4 (trừ đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên từ nguồn thu phí được để lại chi quy định tại khoản 4 Điều này)

a) Đối với đơn vị nhóm 3

Căn cứ tổng dự toán chi thường xuyên được cấp có thẩm quyền giao trong năm, cơ quan quản lý cấp trên phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc căn cứ vào dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định, quy định về giảm chi thường xuyên hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước theo lộ trình của Chính phủ, các yếu tố biến động do thay đổi chính sách, chế độ của Nhà nước, thiên tai, dịch bệnh, điều kiện kinh tế - xã hội và quy định tại Chương II Thông tư này;

Đối với đơn vị nhóm 3 trong lĩnh vực y tế - dân số: Thực hiện theo quy định tại Điều 27, Điều 28 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ về y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe, dân số, an toàn thực phẩm, hoạt động của các trạm y tế xã, phường, thị trấn căn cứ theo số người được giao làm nhiệm vụ hoặc số lượng vị trí việc làm được phê duyệt cung cấp dịch vụ y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe, dân số, an toàn thực phẩm hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

b) Đối với đơn vị nhóm 4

Cơ quan quản lý cấp trên phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc căn cứ vào quỹ tiền lương của số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt và áp dụng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ như đối với lĩnh vực chi quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể của đơn vị cùng quy mô biên chế theo quy định của cấp có thẩm quyền và các khoản thu của đơn vị để xác định mức ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên giao tự chủ theo quy định tại Chương II Thông tư này.

3. Đối với dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ

Cơ quan quản lý cấp trên phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc theo pháp luật về ngân sách nhà nước và khoa học công nghệ. Việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ từ ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định hiện hành về khoản chi thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

4. Đối với dự toán thu, chi từ nguồn thu phí được để lại chi

a) Cơ quan quản lý cấp trên phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc theo quy định pháp luật phí và lệ phí và ngân sách nhà nước, trong đó kinh phí thường xuyên giao tự chủ năm đầu thời kỳ ổn định phân bổ bằng mức kinh phí xác định theo phương án tự chủ được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Dự toán các năm tiếp theo trong thời kỳ ổn định giao bằng mức chi thường xuyên năm trước liền kề và kinh phí tăng thêm nếu có (do tăng chế độ tiền lương, nhiệm vụ tăng thêm theo quyết định của cấp có thẩm quyền) hoặc trừ kinh phí giảm theo quy định của cấp có thẩm quyền nếu có (do giảm nhiệm vụ, giảm khác) trong phạm vi nguồn thu phí được để lại chi theo quy định;

b) Trường hợp đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên từ nguồn thu phí (không có nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết và dịch vụ khác): Phân bổ và giao cả phần kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ do nguồn thu phí được để lại chi theo quy định không bảo đảm đủ chi thường xuyên (nếu có) theo phương án tự chủ được cấp có thẩm quyền phê duyệt và điều chỉnh hàng năm (nếu có).

5. Đối với dự toán chi thường xuyên không giao tự chủ: Cơ quan quản lý cấp trên phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc căn cứ dự toán được giao và nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

6. Đối với dự toán thu, chi cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước và các hoạt động dịch vụ khác: Cơ quan quản lý cấp trên không giao dự toán thu, chi cho các đơn vị sự nghiệp công. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công quyết định dự toán thu, chi trên cơ sở kế hoạch, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Điều 14. Thực hiện dự toán và quyết toán thu, chi

1. Thực hiện dự toán thu, chi

a) Đơn vị sự nghiệp công thực hiện dự toán thu, chi trong phạm vi dự toán được giao, sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả, theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về phí, lệ phí; chấp hành nghĩa vụ nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác theo quy định của pháp luật;

b) Đối với dự toán chi thường xuyên giao tự chủ, đơn vị được điều chỉnh các nội dung chi cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, đồng thời gửi cơ quan cấp trên và Kho bạc nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để theo dõi quản lý, thanh toán và quyết toán;

c) Đối với kinh phí Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP;

d) Đối với kinh phí ngân sách nhà nước giao nhiệm vụ cho đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá được cơ quan có thẩm quyền ban hành, đơn vị thực hiện dự toán thu, chi như đối với dự toán chi thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 11, điểm d khoản 1 Điều 15 và điểm c khoản 1 Điều 19 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP; không được sử dụng để trích lập các quỹ của đơn vị.

2. Quyết toán thu, chi: Kết thúc năm ngân sách, các đơn vị sự nghiệp công thực hiện khóa sổ kế toán, lập báo cáo quyết toán hàng năm đối với nguồn ngân sách nhà nước cấp, nguồn viện trợ, nguồn thu phí được để lại chi, các nguồn khác được để lại theo quy định gửi cơ quan quản lý cấp trên hoặc cơ quan tài chính cùng cấp xét duyệt, thẩm định theo quy định của pháp luật về kế toán và ngân sách nhà nước.

Điều 15. Kiểm tra, kiểm soát hoạt động thu, chi của đơn vị sự nghiệp công

1. Kho bạc Nhà nước các cấp thực hiện kiểm soát thu, chi của đơn vị sự nghiệp công theo quy định hiện hành về kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước;

Trường hợp đơn vị sự nghiệp công chưa có Quyết định giao tự chủ tài chính của cơ quan có thẩm quyền; chưa có quy chế chi tiêu nội bộ gửi đến Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch: Kho bạc Nhà nước thực hiện việc kiểm soát chi, thanh toán theo chế độ quy định hiện hành như kiểm soát chi nhiệm vụ thường xuyên không giao tự chủ; không thanh toán để trích lập các quỹ của đơn vị.

2. Trong quá trình thực hiện quyền tự chủ tài chính, đơn vị sự nghiệp công có trách nhiệm tự kiểm tra tình hình thực hiện ở đơn vị mình và thực hiện các quy định về thanh tra, kiểm toán, kiểm tra theo quy định của pháp luật liên quan.

3. Các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp hoặc cơ quan cấp dưới theo phân cấp, các cơ quan nhà nước có liên quan thực hiện việc kiểm tra hoạt động thu, chi của các đơn vị sự nghiệp công theo quy định hiện hành và quy định tại Thông tư này.

Xem nội dung VB
Chương IV: LẬP, CHẤP HÀNH DỰ TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN THU, CHI

Điều 32. Lập dự toán
...
Điều 33. Phân bổ và giao dự toán
...
Điều 34. Hạch toán kế toán và quyết toán
Chương này được hướng dẫn bởi Chương IV Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 12 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
...
Điều 12. Lập dự toán

1. Hàng năm, vào thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dự toán thu, chi ngân sách và cung cấp hoạt động dịch vụ thuộc phạm vi, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và Điều 32 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, trong đó:

a) Đối với dự toán kinh phí cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước: Căn cứ kết quả thực hiện năm trước; tình hình thu, chi hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của năm hiện hành; số lượng, khối lượng dịch vụ và yêu cầu nhiệm vụ của năm kế hoạch; định mức kinh tế kỹ thuật, chế độ, định mức chi tiêu theo quy định hiện hành hoặc đơn giá dịch vụ (nếu có), đơn vị lập dự toán gửi cơ quan quản lý cấp trên. Trường hợp danh mục dịch vụ sự nghiệp công chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật và chưa có đơn giá được cấp có thẩm quyền ban hành, đơn vị lập dự toán kinh phí nhà nước giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo số lượng, khối lượng và định mức chi theo chế độ hiện hành.

Kinh phí thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công được lập dự toán trong phần kinh phí thường xuyên giao tự chủ của đơn vị sự nghiệp công, trong đó ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện.

Kinh phí giao nhiệm vụ được lập dự toán trong phần kinh phí thường xuyên không giao tự chủ (chi thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao) theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 11, điểm d khoản 1 Điều 15 và điểm c khoản 1 Điều 19 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

b) Đối với dự toán ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên giao tự chủ cho đơn vị nhóm 4: Đơn vị sự nghiệp công lập dự toán căn cứ tình hình thực hiện năm hiện hành, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao trong năm kế hoạch, số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chế độ chi tiêu hiện hành;

c) Đối với dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ: Đơn vị sự nghiệp công lập dự toán theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và khoa học công nghệ;

d) Đối với dự toán thu, chi từ nguồn thu phí được để lại: Đơn vị sự nghiệp công lập dự toán thu chi theo quy định pháp luật về phí và lệ phí;

đ) Đối với dự toán chi thường xuyên không giao tự chủ: Đơn vị sự nghiệp công lập dự toán theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước đối với từng nguồn kinh phí.

2. Đơn vị sự nghiệp công lập dự toán theo quy định tại khoản 1 Điều này, gửi cơ quan quản lý cấp trên để xem xét, thẩm định, tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

3. Đối với dự toán thu, chi cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước và các hoạt động dịch vụ khác: Đơn vị sự nghiệp công tự xây dựng kế hoạch, dự toán thu, chi thực hiện nhiệm vụ, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để theo dõi, kiểm tra và giám sát việc thực hiện.

Xem nội dung VB
Điều 32. Lập dự toán

1. Đối với đơn vị nhóm 1 và nhóm 2

a) Hằng năm, căn cứ vào kết quả thực hiện về số lượng, khối lượng dịch vụ; tình hình thu, chi hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công và các dịch vụ khác của năm hiện hành; yêu cầu nhiệm vụ của năm kế hoạch, đơn vị lập kế hoạch về số lượng, khối lượng dịch vụ và dự toán thu, chi báo cáo cơ quan quản lý cấp trên;

b) Đối với dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước đặt hàng: Hằng năm căn cứ đơn giá, số lượng, khối lượng dịch vụ sự nghiệp công được đặt hàng theo hướng dẫn của bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị lập dự toán gửi cơ quan quản lý cấp trên.

2. Đối với đơn vị nhóm 3: Căn cứ tình hình thực hiện năm hiện hành, nhiệm vụ của năm kế hoạch, đơn vị lập kế hoạch về số lượng, khối lượng dịch vụ sự nghiệp công và dự toán thu, chi báo cáo cơ quan quản lý cấp trên.

3. Đối với đơn vị nhóm 4: Căn cứ tình hình thực hiện năm hiện hành, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao trong năm kế hoạch, số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chế độ chi tiêu hiện hành, đơn vị lập dự toán thu, chi gửi cơ quan quản lý cấp trên.

4. Đơn vị sự nghiệp công lập dự toán thu, chi từ nguồn thu phí được để lại chi theo quy định pháp luật về phí và lệ phí; dự toán chi thực hiện các nhiệm vụ không thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

5. Hằng năm, căn cứ vào dự toán thu, chi do đơn vị sự nghiệp công xây dựng, cơ quan quản lý cấp trên có trách nhiệm xem xét, tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 12 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 13 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
...
Điều 13. Phân bổ và giao dự toán

Việc phân bổ và giao dự toán của cơ quan quản lý cấp trên cho đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn hiện hành và quy định tại Thông tư này. Trong đó:

1. Đối với dự toán kinh phí cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước

Căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền giao, cơ quan quản lý cấp trên phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (sau đây gọi là Nghị định số 32/2019/NĐ-CP) và quy định sau:

a) Căn cứ lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, quyết định của cấp có thẩm quyền (nếu có) và trong phạm vi dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao, các bộ, cơ quan trung ương hoặc cơ quan quản lý cấp dưới theo phân cấp (đối với các đơn vị trực thuộc trung ương), Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan quản lý cấp dưới theo phân cấp (đối với các đơn vị trực thuộc địa phương) phân bổ và giao dự toán kinh phí ngân sách đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước cho các đơn vị, đồng thời quyết định đặt hàng cho đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, chi tiết theo từng danh mục dịch vụ sự nghiệp công quy định tại khoản 1 Điều 3 của Thông tư này; chi tiết theo số lượng, khối lượng, đơn giá được cấp có thẩm quyền ban hành, kinh phí và các nội dung quy định khác.

b) Trường hợp cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước hoặc đã ban hành, nhưng chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật và chưa có đơn giá được phê duyệt; các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan có thẩm quyền, hoặc cơ quan quản lý cấp dưới theo phân cấp thực hiện phân bổ và giao dự toán kinh phí cho đơn vị theo số lượng, khối lượng dịch vụ sự nghiệp công và dự toán chi thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 11, điểm d khoản 1 Điều 15 và điểm c khoản 1 Điều 19 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

2. Đối với dự toán ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên giao tự chủ cho đơn vị nhóm 3 và đơn vị nhóm 4 (trừ đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên từ nguồn thu phí được để lại chi quy định tại khoản 4 Điều này)

a) Đối với đơn vị nhóm 3

Căn cứ tổng dự toán chi thường xuyên được cấp có thẩm quyền giao trong năm, cơ quan quản lý cấp trên phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc căn cứ vào dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định, quy định về giảm chi thường xuyên hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước theo lộ trình của Chính phủ, các yếu tố biến động do thay đổi chính sách, chế độ của Nhà nước, thiên tai, dịch bệnh, điều kiện kinh tế - xã hội và quy định tại Chương II Thông tư này;

Đối với đơn vị nhóm 3 trong lĩnh vực y tế - dân số: Thực hiện theo quy định tại Điều 27, Điều 28 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ về y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe, dân số, an toàn thực phẩm, hoạt động của các trạm y tế xã, phường, thị trấn căn cứ theo số người được giao làm nhiệm vụ hoặc số lượng vị trí việc làm được phê duyệt cung cấp dịch vụ y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe, dân số, an toàn thực phẩm hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

b) Đối với đơn vị nhóm 4

Cơ quan quản lý cấp trên phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc căn cứ vào quỹ tiền lương của số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt và áp dụng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ như đối với lĩnh vực chi quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể của đơn vị cùng quy mô biên chế theo quy định của cấp có thẩm quyền và các khoản thu của đơn vị để xác định mức ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên giao tự chủ theo quy định tại Chương II Thông tư này.

3. Đối với dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ

Cơ quan quản lý cấp trên phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc theo pháp luật về ngân sách nhà nước và khoa học công nghệ. Việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ từ ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định hiện hành về khoản chi thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

4. Đối với dự toán thu, chi từ nguồn thu phí được để lại chi

a) Cơ quan quản lý cấp trên phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc theo quy định pháp luật phí và lệ phí và ngân sách nhà nước, trong đó kinh phí thường xuyên giao tự chủ năm đầu thời kỳ ổn định phân bổ bằng mức kinh phí xác định theo phương án tự chủ được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Dự toán các năm tiếp theo trong thời kỳ ổn định giao bằng mức chi thường xuyên năm trước liền kề và kinh phí tăng thêm nếu có (do tăng chế độ tiền lương, nhiệm vụ tăng thêm theo quyết định của cấp có thẩm quyền) hoặc trừ kinh phí giảm theo quy định của cấp có thẩm quyền nếu có (do giảm nhiệm vụ, giảm khác) trong phạm vi nguồn thu phí được để lại chi theo quy định;

b) Trường hợp đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên từ nguồn thu phí (không có nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết và dịch vụ khác): Phân bổ và giao cả phần kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ do nguồn thu phí được để lại chi theo quy định không bảo đảm đủ chi thường xuyên (nếu có) theo phương án tự chủ được cấp có thẩm quyền phê duyệt và điều chỉnh hàng năm (nếu có).

5. Đối với dự toán chi thường xuyên không giao tự chủ: Cơ quan quản lý cấp trên phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc căn cứ dự toán được giao và nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

6. Đối với dự toán thu, chi cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước và các hoạt động dịch vụ khác: Cơ quan quản lý cấp trên không giao dự toán thu, chi cho các đơn vị sự nghiệp công. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công quyết định dự toán thu, chi trên cơ sở kế hoạch, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Xem nội dung VB
Điều 33. Phân bổ và giao dự toán

1. Việc phân bổ và giao dự toán hằng năm của cơ quan quản lý cấp trên cho đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Trong đó, đối với đơn vị nhóm 3 và nhóm 4, việc phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên giao tự chủ từ nguồn ngân sách nhà nước hằng năm căn cứ vào dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định và các yếu tố biến động do thay đổi chính sách, chế độ của Nhà nước làm thay đổi dự toán thu, chi của đơn vị.

2. Căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền giao, cơ quan quản lý cấp trên phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc, trong đó phân rõ dự toán giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công trực thuộc; đặt hàng (hoặc giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định) đối với nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác; hoặc tổ chức đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (sau đây gọi là Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ).
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 13 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Hệ thống thông tin dữ liệu về tài sản công và tài chính của đơn vị sự nghiệp công được hướng dẫn bởi Điều 17 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
...
Điều 17. Hệ thống thông tin dữ liệu về tài sản công và tài chính của đơn vị sự nghiệp công trong toàn quốc

1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công

a) Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công của đơn vị sự nghiệp công trong toàn quốc được quản lý, vận hành, trao đổi và khai thác theo quy định tại Mục 1 Chương XIII Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau đây gọi là Nghị định số 151/2017/NĐ-CP); Thông tư số 67/2018/TT-BTC ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, vận hành, trao đổi và khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công và quy định của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quản lý, sử dụng và khai thác phần mềm quản lý tài sản công;

b) Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tinh có trách nhiệm chỉ đạo đơn vị sự nghiệp công thực hiện quy định về chế độ báo cáo theo quy định tại Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP; thực hiện kê khai, cập nhật thông tin, bảo đảm kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

2. Hệ thống thông tin dữ liệu về tài chính của đơn vị sự nghiệp công

a) Báo cáo định kỳ quy định tại Điều 16 Thông tư này được thể hiện dưới hình thức văn bản điện tử và gửi đến cơ quan nhận báo cáo thông qua hệ thống trục liên thông văn bản điện tử của Chính phủ;

Trường hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan đến việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ chưa tham gia hệ thống trục liên thông văn bản điện tử của Chính phủ hoặc hạ tầng cơ sở dữ liệu điện tử chưa hoàn thiện đồng bộ thì thực hiện gửi báo cáo dưới hình thức văn bản giấy đến cơ quan nhận báo cáo bằng một trong các phương thức: Gửi trực tiếp; gửi qua dịch vụ bưu chính; hoặc các phương thức khác theo quy định của pháp luật.

b) Hệ thống thông tin dữ liệu về tài chính của đơn vị sự nghiệp công phải đảm bảo phù hợp với mô hình xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định. Việc cập nhật vào Hệ thống thông tin dữ liệu về tài chính của đơn vị sự nghiệp công phải được kiểm tra, phân loại, đánh giá, xử lý, tích hợp, số hóa và chuẩn hóa theo quy định;

Ngoài phương thức gửi báo cáo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo bằng hình thức gửi dữ liệu qua mạng điện tử theo quy định, quy trình, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Tài chính hướng dẫn và chịu trách nhiệm về tính pháp lý, sự chính xác, trung thực của các dữ liệu do mình cung cấp.

Xem nội dung VB
Điều 36. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương
...
2. Bộ Tài chính
...
b) Xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin dữ liệu về tài chính và tài sản công của đơn vị sự nghiệp công trong toàn quốc.
Hệ thống thông tin dữ liệu về tài sản công và tài chính của đơn vị sự nghiệp công được hướng dẫn bởi Điều 17 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Hệ thống thông tin dữ liệu về tài sản công và tài chính của đơn vị sự nghiệp công được hướng dẫn bởi Điều 17 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
...
Điều 17. Hệ thống thông tin dữ liệu về tài sản công và tài chính của đơn vị sự nghiệp công trong toàn quốc

1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công

a) Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công của đơn vị sự nghiệp công trong toàn quốc được quản lý, vận hành, trao đổi và khai thác theo quy định tại Mục 1 Chương XIII Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau đây gọi là Nghị định số 151/2017/NĐ-CP); Thông tư số 67/2018/TT-BTC ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, vận hành, trao đổi và khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công và quy định của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quản lý, sử dụng và khai thác phần mềm quản lý tài sản công;

b) Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tinh có trách nhiệm chỉ đạo đơn vị sự nghiệp công thực hiện quy định về chế độ báo cáo theo quy định tại Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP; thực hiện kê khai, cập nhật thông tin, bảo đảm kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

2. Hệ thống thông tin dữ liệu về tài chính của đơn vị sự nghiệp công

a) Báo cáo định kỳ quy định tại Điều 16 Thông tư này được thể hiện dưới hình thức văn bản điện tử và gửi đến cơ quan nhận báo cáo thông qua hệ thống trục liên thông văn bản điện tử của Chính phủ;

Trường hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan đến việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ chưa tham gia hệ thống trục liên thông văn bản điện tử của Chính phủ hoặc hạ tầng cơ sở dữ liệu điện tử chưa hoàn thiện đồng bộ thì thực hiện gửi báo cáo dưới hình thức văn bản giấy đến cơ quan nhận báo cáo bằng một trong các phương thức: Gửi trực tiếp; gửi qua dịch vụ bưu chính; hoặc các phương thức khác theo quy định của pháp luật.

b) Hệ thống thông tin dữ liệu về tài chính của đơn vị sự nghiệp công phải đảm bảo phù hợp với mô hình xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định. Việc cập nhật vào Hệ thống thông tin dữ liệu về tài chính của đơn vị sự nghiệp công phải được kiểm tra, phân loại, đánh giá, xử lý, tích hợp, số hóa và chuẩn hóa theo quy định;

Ngoài phương thức gửi báo cáo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo bằng hình thức gửi dữ liệu qua mạng điện tử theo quy định, quy trình, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Tài chính hướng dẫn và chịu trách nhiệm về tính pháp lý, sự chính xác, trung thực của các dữ liệu do mình cung cấp.

Xem nội dung VB
Điều 36. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương
...
2. Bộ Tài chính
...
b) Xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin dữ liệu về tài chính và tài sản công của đơn vị sự nghiệp công trong toàn quốc.
Hệ thống thông tin dữ liệu về tài sản công và tài chính của đơn vị sự nghiệp công được hướng dẫn bởi Điều 17 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Hệ thống thông tin dữ liệu về tài sản công và tài chính của đơn vị sự nghiệp công được hướng dẫn bởi Điều 17 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
...
Điều 17. Hệ thống thông tin dữ liệu về tài sản công và tài chính của đơn vị sự nghiệp công trong toàn quốc

1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công

a) Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công của đơn vị sự nghiệp công trong toàn quốc được quản lý, vận hành, trao đổi và khai thác theo quy định tại Mục 1 Chương XIII Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau đây gọi là Nghị định số 151/2017/NĐ-CP); Thông tư số 67/2018/TT-BTC ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, vận hành, trao đổi và khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công và quy định của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quản lý, sử dụng và khai thác phần mềm quản lý tài sản công;

b) Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tinh có trách nhiệm chỉ đạo đơn vị sự nghiệp công thực hiện quy định về chế độ báo cáo theo quy định tại Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP; thực hiện kê khai, cập nhật thông tin, bảo đảm kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

2. Hệ thống thông tin dữ liệu về tài chính của đơn vị sự nghiệp công

a) Báo cáo định kỳ quy định tại Điều 16 Thông tư này được thể hiện dưới hình thức văn bản điện tử và gửi đến cơ quan nhận báo cáo thông qua hệ thống trục liên thông văn bản điện tử của Chính phủ;

Trường hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan đến việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ chưa tham gia hệ thống trục liên thông văn bản điện tử của Chính phủ hoặc hạ tầng cơ sở dữ liệu điện tử chưa hoàn thiện đồng bộ thì thực hiện gửi báo cáo dưới hình thức văn bản giấy đến cơ quan nhận báo cáo bằng một trong các phương thức: Gửi trực tiếp; gửi qua dịch vụ bưu chính; hoặc các phương thức khác theo quy định của pháp luật.

b) Hệ thống thông tin dữ liệu về tài chính của đơn vị sự nghiệp công phải đảm bảo phù hợp với mô hình xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định. Việc cập nhật vào Hệ thống thông tin dữ liệu về tài chính của đơn vị sự nghiệp công phải được kiểm tra, phân loại, đánh giá, xử lý, tích hợp, số hóa và chuẩn hóa theo quy định;

Ngoài phương thức gửi báo cáo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo bằng hình thức gửi dữ liệu qua mạng điện tử theo quy định, quy trình, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Tài chính hướng dẫn và chịu trách nhiệm về tính pháp lý, sự chính xác, trung thực của các dữ liệu do mình cung cấp.

Xem nội dung VB
Điều 36. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương
...
2. Bộ Tài chính
...
b) Xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin dữ liệu về tài chính và tài sản công của đơn vị sự nghiệp công trong toàn quốc.
Hệ thống thông tin dữ liệu về tài sản công và tài chính của đơn vị sự nghiệp công được hướng dẫn bởi Điều 17 Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước được hướng dẫn bởi Thông tư 17/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/05/2024
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Nguyên tắc kiểm soát, thanh toán qua Kho bạc Nhà nước
...
Điều 3. Hình thức kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước
...
Điều 4. Thu hồi giảm chi hoặc thu hồi nộp NSNN
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Nội dung kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước
...
Điều 6. Tạm ứng và thanh toán tạm ứng
...
Chương III TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN TÀI CHÍNH, KHO BẠC NHÀ NƯỚC VÀ CÁC ĐƠN VỊ SỬ DỤNG NGÂN SÁCH

Điều 7. Trách nhiệm quyền hạn của Bộ Tài chính, Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phòng Tài chính - Kế hoạch quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan tài chính)
...
Điều 8. Trách nhiệm, quyền hạn của Kho bạc Nhà nước
...
Điều 9. Trách nhiệm, quyền hạn của đơn vị sử dụng ngân sách
...
Chương IV ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Hiệu lực thi hành
...
Điều 11. Tổ chức thực hiện
...
Mẫu số 01 THÔNG BÁO Về việc kết quả kiểm soát chi sau khi thực hiện theo hình thức “thanh toán trước, kiểm soát sau”
...
Mẫu số 02 THÔNG BÁO Về việc từ chối thanh toán

Xem nội dung VB
Điều 23. Mở tài khoản giao dịch
...
3. Các khoản kinh phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, gồm: kinh phí ngân sách nhà nước cấp, các khoản thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí và các khoản khác của ngân sách nhà nước (nếu có) đơn vị mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để quản lý.
Kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước được hướng dẫn bởi Thông tư 17/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/05/2024
Kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước được hướng dẫn bởi Thông tư 17/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/05/2024
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Nguyên tắc kiểm soát, thanh toán qua Kho bạc Nhà nước
...
Điều 3. Hình thức kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước
...
Điều 4. Thu hồi giảm chi hoặc thu hồi nộp NSNN
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Nội dung kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước
...
Điều 6. Tạm ứng và thanh toán tạm ứng
...
Chương III TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN TÀI CHÍNH, KHO BẠC NHÀ NƯỚC VÀ CÁC ĐƠN VỊ SỬ DỤNG NGÂN SÁCH

Điều 7. Trách nhiệm quyền hạn của Bộ Tài chính, Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phòng Tài chính - Kế hoạch quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan tài chính)
...
Điều 8. Trách nhiệm, quyền hạn của Kho bạc Nhà nước
...
Điều 9. Trách nhiệm, quyền hạn của đơn vị sử dụng ngân sách
...
Chương IV ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Hiệu lực thi hành
...
Điều 11. Tổ chức thực hiện
...
Mẫu số 01 THÔNG BÁO Về việc kết quả kiểm soát chi sau khi thực hiện theo hình thức “thanh toán trước, kiểm soát sau”
...
Mẫu số 02 THÔNG BÁO Về việc từ chối thanh toán

Xem nội dung VB
Điều 23. Mở tài khoản giao dịch
...
3. Các khoản kinh phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, gồm: kinh phí ngân sách nhà nước cấp, các khoản thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí và các khoản khác của ngân sách nhà nước (nếu có) đơn vị mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để quản lý.
Kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước được hướng dẫn bởi Thông tư 17/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/05/2024
Kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước được hướng dẫn bởi Thông tư 17/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/05/2024
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Nguyên tắc kiểm soát, thanh toán qua Kho bạc Nhà nước
...
Điều 3. Hình thức kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước
...
Điều 4. Thu hồi giảm chi hoặc thu hồi nộp NSNN
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Nội dung kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước
...
Điều 6. Tạm ứng và thanh toán tạm ứng
...
Chương III TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN TÀI CHÍNH, KHO BẠC NHÀ NƯỚC VÀ CÁC ĐƠN VỊ SỬ DỤNG NGÂN SÁCH

Điều 7. Trách nhiệm quyền hạn của Bộ Tài chính, Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phòng Tài chính - Kế hoạch quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan tài chính)
...
Điều 8. Trách nhiệm, quyền hạn của Kho bạc Nhà nước
...
Điều 9. Trách nhiệm, quyền hạn của đơn vị sử dụng ngân sách
...
Chương IV ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Hiệu lực thi hành
...
Điều 11. Tổ chức thực hiện
...
Mẫu số 01 THÔNG BÁO Về việc kết quả kiểm soát chi sau khi thực hiện theo hình thức “thanh toán trước, kiểm soát sau”
...
Mẫu số 02 THÔNG BÁO Về việc từ chối thanh toán

Xem nội dung VB
Điều 23. Mở tài khoản giao dịch
...
3. Các khoản kinh phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, gồm: kinh phí ngân sách nhà nước cấp, các khoản thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí và các khoản khác của ngân sách nhà nước (nếu có) đơn vị mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để quản lý.
Kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước được hướng dẫn bởi Thông tư 17/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/05/2024
Kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước được hướng dẫn bởi Thông tư 17/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/05/2024
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Nguyên tắc kiểm soát, thanh toán qua Kho bạc Nhà nước
...
Điều 3. Hình thức kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước
...
Điều 4. Thu hồi giảm chi hoặc thu hồi nộp NSNN
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Nội dung kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước
...
Điều 6. Tạm ứng và thanh toán tạm ứng
...
Chương III TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN TÀI CHÍNH, KHO BẠC NHÀ NƯỚC VÀ CÁC ĐƠN VỊ SỬ DỤNG NGÂN SÁCH

Điều 7. Trách nhiệm quyền hạn của Bộ Tài chính, Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phòng Tài chính - Kế hoạch quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan tài chính)
...
Điều 8. Trách nhiệm, quyền hạn của Kho bạc Nhà nước
...
Điều 9. Trách nhiệm, quyền hạn của đơn vị sử dụng ngân sách
...
Chương IV ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Hiệu lực thi hành
...
Điều 11. Tổ chức thực hiện
...
Mẫu số 01 THÔNG BÁO Về việc kết quả kiểm soát chi sau khi thực hiện theo hình thức “thanh toán trước, kiểm soát sau”
...
Mẫu số 02 THÔNG BÁO Về việc từ chối thanh toán

Xem nội dung VB
Điều 23. Mở tài khoản giao dịch
...
3. Các khoản kinh phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, gồm: kinh phí ngân sách nhà nước cấp, các khoản thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí và các khoản khác của ngân sách nhà nước (nếu có) đơn vị mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để quản lý.
Kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước được hướng dẫn bởi Thông tư 17/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/05/2024
Kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước được hướng dẫn bởi Thông tư 17/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/05/2024
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Nguyên tắc kiểm soát, thanh toán qua Kho bạc Nhà nước
...
Điều 3. Hình thức kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước
...
Điều 4. Thu hồi giảm chi hoặc thu hồi nộp NSNN
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Nội dung kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước
...
Điều 6. Tạm ứng và thanh toán tạm ứng
...
Chương III TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN TÀI CHÍNH, KHO BẠC NHÀ NƯỚC VÀ CÁC ĐƠN VỊ SỬ DỤNG NGÂN SÁCH

Điều 7. Trách nhiệm quyền hạn của Bộ Tài chính, Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phòng Tài chính - Kế hoạch quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan tài chính)
...
Điều 8. Trách nhiệm, quyền hạn của Kho bạc Nhà nước
...
Điều 9. Trách nhiệm, quyền hạn của đơn vị sử dụng ngân sách
...
Chương IV ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Hiệu lực thi hành
...
Điều 11. Tổ chức thực hiện
...
Mẫu số 01 THÔNG BÁO Về việc kết quả kiểm soát chi sau khi thực hiện theo hình thức “thanh toán trước, kiểm soát sau”
...
Mẫu số 02 THÔNG BÁO Về việc từ chối thanh toán

Xem nội dung VB
Điều 23. Mở tài khoản giao dịch
...
3. Các khoản kinh phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, gồm: kinh phí ngân sách nhà nước cấp, các khoản thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí và các khoản khác của ngân sách nhà nước (nếu có) đơn vị mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để quản lý.
Kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước được hướng dẫn bởi Thông tư 17/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/05/2024