Kế hoạch 441/KH-UBND năm 2022 về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

Số hiệu 441/KH-UBND
Ngày ban hành 17/11/2022
Ngày có hiệu lực 17/11/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Võ Trọng Hải
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 441/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 17 tháng 11 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; trên cơ sở tổng hợp, tham mưu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 1316/UBND-TH ngày 27/5/2022 (sau khi tổng hợp ý kiến của các sở, ngành liên quan) và Văn bản số 1521/SKHĐT-TH ngày 15/6/2022; căn cứ Thông báo số 432/TB-UBND ngày 10/11/2022 của UBND tỉnh về kết luận họp UBND tỉnh ngày 09/11/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU.

- Triển khai kịp thời Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo hiệu quả, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và điều kiện, tình hình thực tiễn trên địa bàn tỉnh.

- Xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với thực tiễn địa phương, phân công cụ thể trách nhiệm cho các sở, ban, ngành, địa phương gắn với thời hạn, lộ trình thực hiện, tạo sự bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.

- Cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở kế thừa và phát triển, vừa toàn diện vừa có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có dư địa lớn và 03 lĩnh vực quan trọng là cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là sắp xếp tổ chức bộ máy, ngành nghề hoạt động của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và đẩy nhanh việc thoái vốn nhà nước tại các công ty cổ phần. Phát triển lực lượng doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

II. MỤC TIÊU.

1. Mục tiêu tổng quát:

Hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế trọng điểm và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Tốc độ tăng năng suất lao động hàng năm tăng từ 10 - 12%/năm, trong đó tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 12%/năm.

- Cơ cấu lại mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo tính hợp lý, hoạt động hiệu quả; chuyển dần số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước sang ngân sách do đơn vị tự đảm bảo ở các đơn vị. Đến năm 2025, giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 350 - 380 nghìn tỷ đồng.

- Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hàng năm đạt 100% kế hoạch vốn được giao.

- Tỷ lệ nợ xấu nội bảng/tổng dư nợ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn duy trì ở mức dưới 2%. Tất cả các ngân hàng thương mại (không bao gồm các ngân hàng yếu kém) áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn.

- Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2025 phấn đấu nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Hoàn thành việc xây dựng và công khai Hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai.

- Tỷ trọng chi cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt không dưới 1% GRDP; Tốc độ đổi mới công nghệ trên 20%/năm.

- Mỗi năm thành lập mới trên 1.000 doanh nghiệp.

- Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả đạt 80% trở lên, trong đó tỷ lệ hợp tác xã hoạt động tốt, khá đạt trên 60%; thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong các hợp tác xã tăng từ 1,5 đến 2 lần. Hàng năm có trên 70 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản.

- Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP đạt khoảng 20%.

- Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN.

1. Tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập:

a) Cơ cấu lại đầu tư công:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư:

+ Triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng quản lý đầu tư công; cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, nhất là phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công.

+ Phát huy vai trò của đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân để tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước; tập trung vốn vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

[...]