Yêu cầu độ chính xác của bản đồ địa chính từ 15/1/2025

Nguyên tắc, mục đích đo đạc lập bản đồ địa chính là gì? Yêu cầu độ chính xác của bản đồ địa chính từ 15/1/2025

Nội dung chính

    Nguyên tắc, mục đích đo đạc lập bản đồ địa chính là gì?

    Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Đất đai 2024 định nghĩa bản đồ địa chính là bản đồ thể hiện các thửa đất và các đối tượng địa lý có liên quan, lập theo đơn vị hành chính cấp xã hoặc theo đơn vị hành chính cấp huyện nơi không thành lập đơn vị hành chính cấp xã, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

    Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định về đo đạc lập bản đồ địa chính như sau:

    (1) Việc đo đạc lập bản đồ địa chính phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

    - Đảm bảo thống nhất trong hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN-2000;

    - Phản ánh trung thực, khách quan hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng quản lý đất và ghi nhận tình trạng pháp lý của thửa đất tại thời điểm đo đạc;

    - Ưu tiên ứng dụng công nghệ mới đảm bảo hiệu quả kinh tế, phù hợp với khu vực đo đạc và quy định kỹ thuật về đo đạc lập bản đồ địa chính;

    - Bản đồ địa chính sau khi được phê duyệt phải đưa vào sử dụng cho công tác quản lý đất đai.

    (2) Bản đồ địa chính được lập để sử dụng cho các mục đích sau:

    - Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai;

    - Thống kê, kiểm kê đất đai; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất; trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; điều tra, đánh giá đất đai;

    - Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất; xử lý vi phạm pháp luật đất đai và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai;

    - Các mục đích quản lý đất đai khác theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, việc đo đạc lập bản đồ địa chính theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP phải đảm bảo tính chính xác, khách quan, ứng dụng công nghệ mới và phục vụ hiệu quả công tác quản lý đất đai. Bản đồ địa chính đóng vai trò quan trọng trong việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận, quy hoạch, quản lý sử dụng đất và giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến đất đai.

    Yêu cầu độ chính xác của bản đồ địa chính từ 15/1/2025

    Yêu cầu độ chính xác của bản đồ địa chính từ 15/1/2025 (Hình từ Internet)

    Yêu cầu độ chính xác của bản đồ địa chính từ 15/1/2025

    Ngày 26/11/2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 26/2024/TT-BTNMT có hiệu lực thi hành kể từ 15/1/2025 quy định kỹ thuật về đo đạc lập bản đồ địa chính.

    Cụ thể tại Điều 8 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT quy định về độ chính xác của bản đồ địa chính như sau:

    (1) Sai số trung phương vị trí điểm của điểm trạm đo (điểm đặt máy đo) so với điểm khởi tính không vượt quá 0,1 mm tính theo tỷ lệ bản đồ cần lập.

    (2) Sai số biểu thị điểm góc khung bản đồ, giao điểm của lưới km, các điểm tọa độ (điểm tọa độ quốc gia, điểm địa chính, điểm khống chế đo vẽ) lên bản đồ địa chính số được quy định bằng không (không có sai số).

    (3) Sai số vị trí của điểm bất kỳ trên ranh giới thửa đất biểu thị trên bản đồ địa chính số so với vị trí của điểm khống chế đo vẽ gần nhất không được vượt quá:

    (i) 5,0 cm đối với bản đồ địa chính tỷ lệ 1:200;

    (ii) 7,0 cm đối với bản đồ địa chính tỷ lệ 1:500;

    (iii) 15 cm đối với bản đồ địa chính tỷ lệ 1:1.000;

    (iv) 30 cm đối với bản đồ địa chính tỷ lệ 1:2.000;

    (v) 150 cm đối với bản đồ địa chính tỷ lệ 1:5.000;

    (vi) 300 cm đối với bản đồ địa chính tỷ lệ 1:10.000

    (4) Sai số tương hỗ giữa 02 đỉnh thửa đất trên bản đồ địa chính số so với kích thước trên thực địa đo bằng máy toàn đạc điện tử hoặc đo bằng thước thép quy định tại Phụ lục số 03 kèm theo Thông tư 26/2024/TT-BTNMT.

    (5) Giới hạn sai diện tích thửa đất trên bản đồ địa chính số so với diện tích đo đạc xác định trực tiếp tại thực địa cho riêng từng thửa đất bằng máy toàn đạc điện tử quy định tại Phụ lục số 04 kèm theo Thông tư 26/2024/TT-BTNMT.

    (6) Khi kiểm tra chất lượng sản phẩm bản đồ địa chính, số lượng thửa đất có sai số quy định tại (3), (4), (5) có giá trị bằng hoặc gần bằng giới hạn lớn nhất (từ 90% đến 100%) không được vượt quá 25% tổng số thửa đất được kiểm tra; trong mọi trường hợp các sai số không được mang tính hệ thống.

    (7) Giá trị sai số và giới hạn sai lớn nhất quy định tại (3), (4), (5) được phép giảm xuống đối với khu vực có mật độ thửa đất dày đặc hơn trung bình của cả khu đo hoặc khi đo đạc, chỉnh lý đơn lẻ thửa đất; yêu cầu sai số và giới hạn sai tối đa phải thể hiện rõ trong thiết kế kỹ thuật - dự toán, phương án nhiệm vụ.

    Thửa đất được thể hiện và trình bày thế nào trên bản đồ địa chính từ 15/1/2024?

    Căn cứ điển a khoản 6 Điều 13 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT quy định về cách thể hiện và trình bày của thửa đất trên bản đồ địa chính như sau:

    - Thể hiện thửa đất trên nền bản đồ địa chính (không gian) dưới dạng ký hiệu hình học chung đối với cả 03 yếu tố gồm số thứ tự thửa đất, diện tích thửa đất và loại đất, gọi là nhãn thửa. Nhãn thửa được thể hiện và trình bày theo mẫu quy định tại Phụ lục số 22 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT

    Trường hợp tách thửa đất, hợp thửa đất mà hình thành lối đi thì phần lối đi thể hiện như thửa đất kèm ghi chú chữ “lối đi” trên nền bản đồ địa chính.

    Trường hợp thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà trên đó thể hiện rõ tọa độ đỉnh thửa hoặc kích thước cạnh thửa hoặc khoảng cách giữa ranh giới thửa đất với các yếu tố địa lý, địa hình, địa vật xung quanh nhưng khác với hiện trạng sử dụng đất thì trên bản đồ địa chính thể hiện cả ranh giới thửa đất theo giấy tờ này tại lớp riêng.

    - Thể hiện thửa đất trên sổ mục kê đất đai dưới dạng thông tin thuộc tính dạng chữ và dạng số đối với số thứ tự tờ bản đồ địa chính, số thứ tự thửa đất, loại đất, diện tích thửa đất, tên người sử dụng đất, tên người quản lý đất.

    Trường hợp nhiều thửa đất dùng chung lối đi thì trên sổ mục kê đất đai thể hiện cụ thể thửa đất có quyền sử dụng chung lối đi đó tại phần ghi chú.

    Như vậy, từ 15/1/2025 thì thửa đất trên bản đồ địa chính sẽ được trình bày dưới dạng ký hiệu hình học (nhãn thửa) thể hiện đầy đủ số thứ tự, diện tích và loại đất.

    Các trường hợp đặc biệt như tách thửa, hợp thửa hoặc có giấy tờ về quyền sử dụng đất sẽ được ghi chú và thể hiện chi tiết trên các lớp riêng hoặc sổ mục kê đất đai, đảm bảo thông tin rõ ràng và chính xác theo quy định.

    52