Xây nhà ở trên đất đang thế chấp được không?
Nội dung chính
Xây nhà ở trên đất đang thế chấp được không?
Theo Điều 217 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thế chấp đất là việc một bên (bên thế chấp) dùng tài sản là đất thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao đất cho bên kia (bên nhận thế chấp).
Đất được thế chấp do bên thế chấp giữ, hoặc các bên có thể thỏa thuận để giao cho người thứ ba giữ.
Bên cạnh đó, tại Điều 321 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền của bên thế chấp như sau:
(1) Khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ đất thế chấp, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng là tài sản thế chấp theo thỏa thuận.
(2) Đầu tư để làm tăng giá trị của đất thế chấp.
(3) Nhận lại đất thế chấp do người thứ ba giữ và giấy tờ liên quan đến đất thế chấp do bên nhận thế chấp giữ khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
(4) Được bán, trao đổi, tặng cho đất thế chấp không phải, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.
(5) Được cho thuê, cho mượn đất thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc đất cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết.
Như vậy, bên thế chấp đất hoàn toàn có quyền đầu tư để làm tăng giá trị của đất đang thế chấp. Cụ thể, việc xây nhà ở trên đất đang thế chấp được xem là việc đầu tư để làm tăng giá trị của đất đang thế chấp. Do đó, đất đang thế chấp được xây nhà ở.
Lưu ý: Việc xây nhà ở trên đất đang thế chấp phải được sự đồng ý của bên nhận thế chấp theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 20 Nghị định 21/2021/NĐ-CP.
Xây nhà trên đất đang thế chấp được không? (Hình từ Internet)
Xây nhà ở trên đất đang thế chấp phải xin giấy phép xây dựng đối với trường hợp nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bổ sung bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định khi xây dựng nhà ở phải có giấy phép xây dựng trừ các trường hợp sau đây:
(1) Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
(2) Nhà ở cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
(3) Nhà ở cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng.
Lưu ý: Nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa phải xin giấy phép xây dựng theo quy định.
Như vậy, khi xây dựng nhà ở trên đất đang thế chấp, chủ sở hữu cần lưu ý rằng việc xin giấy phép xây dựng sẽ phụ thuộc vào các điều kiện và quy định cụ thể của pháp luật.
Theo đó, nếu nhà ở thuộc các trường hợp ngoại lệ như nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng, nằm trong khu vực đã được phê duyệt quy hoạch, thì không cần giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, nếu xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa, hoặc không thuộc các ngoại lệ trên, việc xin giấy phép xây dựng là bắt buộc.
Ai có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng nhà ở trên đất đang thế chấp?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 103 Luật Xây dựng 2014, được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý.
Đồng thời, đối với các trường hợp xây nhà yêu cầu phải có giấy phép xây dựng không thuộc thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp huyện vừa nêu thì sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.